Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Khoa Luật - ĐHQGHN 30 năm xây dựng và phát triển (1976 - 2006)
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm truyền thống Khoa Luật thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN) trước đây và nay là Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), mỗi cán bộ, nhân viên, học viên, sinh viên của Khoa Luật đều hết sức vui mừng và xúc động khi nhìn lại chặng đường đầy gian khó nhưng rất đáng tự hào mà các thế hệ thầy, cô và sinh viên đã vượt qua để xây dựng Khoa trở thành một trong những trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học pháp lý lớn của cả nước.

Chủ nhiệm Khoa Luật qua các thời kỳ (Từ phải sang: GS.TS. Nguyễn Niên, PGS.TS. Nguyễn Cửu Việt, PGS.TSKH Lê Văn Cảm)

Nhắc lại chặng đường truyền thống 30 năm của Khoa Luật, hẳn mỗi người đều không quên sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (1975), trước yêu cầu mới của đất nước, theo chỉ thị của Ban Khoa giáo Trung ương, ngày 30/7/1976 Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục & Đào tạo) đã ban hành Quyết định số 1087 về việc mở thêm các ngành học: Kinh tế chính trị, Triết học, Pháp lý tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cũng trong năm đó, Khoa Luật (lúc đó gọi là Khoa Pháp lý) được thành lập tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đây là cơ sở đào tạo đầu tiên và duy nhất của nước ta được giao nhiệm vụ chính trị là đào tạo cán bộ pháp lý bậc đại học.

Buổi ban đầu, Khoa Pháp lý gặp vô vàn khó khăn, đội ngũ cán bộ, giáo viên thiếu, cơ sở vật chất, giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập hầu như không có… Trước tình hình đó lãnh đạo Nhà trường cũng như các ngành, các cấp, đặc biệt là Ban Khoa giáo Trung ương, Uỷ ban Pháp chế Chính phủ, Viện Nhà nước và Pháp luật đã dành cho Khoa những sự quan tâm đặc biệt. Ban chủ nhiệm khoa đã được kiện toàn với việc bổ nhiệm GS. Nguyễn Ngọc Minh, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp chế Chính phủ làm Chủ nhiệm khoa, PGS. Nguyễn Niên, nguyên Phó viện trưởng Viện Nhà nước & Pháp luật làm Phó chủ nhiệm khoa. Còn về cán bộ và giảng viên, Khoa Pháp lý lúc đầu chỉ có 1 giáo viên trong biên chế là thầy Hà Hùng Cường (hiện nay là Uỷ viên TW Đảng và là Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Quảng Bình), và 3 cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý hành chính - đào tạo, đó là các ông Lại Văn Toàn, Phạm Hải Triều và bà Chu Thị Loan. Nhưng sau đó, trong các năm 1977 - 1978, Khoa Pháp lý đã được ưu tiên bổ sung nhiều thầy, cô mới được đào tạo đại học Luật ở các nước XHCN trở về, như các thầy Hoàng Phước Hiệp, Vũ Đức Long, Trần Ngọc Dũng, Nguyễn Đức Chiến, Lê Viết Tý, Hoàng Văn Hạnh, Hoàng Sao, Nguyễn Tất Viễn, Thái Vĩnh Thắng, Võ Gia Phúc, Phan Hữu Thư và các cô Lê Thị Sơn, Hà Thị Mai Hiên, Nguyễn Thị Khế, Bùi Thị Khuyên, Trần Thị Minh Hương. Ngoài ra Ban Khoa giáo Trung ương còn phê duyệt danh sách gần 20 cán bộ nghiên cứu và giàu kinh nghiệm thực tiễn ở các cơ quan trung ương làm cán bộ giảng dạy kiêm nhiệm cho Khoa Pháp lý, như các thầy Phùng Văn Tửu, Phan Hữu Chi, Phạm Thái, Lưu Văn Đạt, Lê Kim Quế, Nguyễn Thế Giai, Vũ Thiện Kim…

Tiết mục văn nghệ chào mừng 30 năm truyền thống Khoa Luật ĐHQGHN.

Với sự quan tâm đó của cấp trên cùng với tinh thần tự lực tự cường, sự nỗ lực hết mình của đội ngũ cán bộ chính nhiệm và kiêm nhiệm của Khoa, hoạt động đào tạo đã dần dần đi vào ổn định và ngày càng vững mạnh. Năm học 1976 - 1977, Trường ĐHTHHN đã chiêu sinh ngành Pháp lý với 74 sinh viên, đây là khóa sinh viên đầu tiên của Khoa Pháp lý (khóa 21 của Trường), sau đó Trường ĐHTHHN tiếp tục tuyển sinh khoá 2 và 3 cho Khoa Pháp lý, mỗi khoá có hàng trăm sinh viên theo học. Tập thể sinh viên của Khoa năm học 1977 - 1978 đã được Nhà trường tặng danh hiệu “Tập thể học sinh XHCN”. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của đất nước cần có đội ngũ cán bộ pháp lý với một quy mô lớn, chính quy và chuyên ngành hơn, ngày 10/11/1979, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 405-CP về việc thành lập Trường Đại học Pháp lý Hà Nội, trên cơ sở thống nhất Khoa Pháp lý Trường ĐHTHHN và Trường Cao đẳng Pháp lý thuộc ủy ban Pháp chế Chính phủ. Đội ngũ cán bộ giảng dạy, kinh nghiệm quản lý, nề nếp đào tạo của Khoa Pháp lý Trường ĐHTHHN đã đặt nền móng đầu tiên rất cơ bản, rất quan trọng để xây dựng và phát triển Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (nay là Trường Đại học Luật Hà Nội).

Đứng trước yêu cầu của tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn đổi mới, ngày 23/7/1986, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ra quyết định số 1994/KH về việc mở thêm một số ngành học mới trong đó có ngành Luật ở Trường ĐHTHHN. Sự tái thành lập Khoa Luật làm gia tăng tính tổng hợp và toàn diện của Trường ĐHTHHN. Khi tái thành lập Khoa Luật, PGS.TS Nguyễn Niên - nguyên là Viện trưởng Viện Nhà nước & Pháp luật được bổ nhiệm là Chủ nhiệm khoa. Khoa Luật khi đó cũng chỉ có một số cán bộ, nhân viên như các ông Nguyễn Văn Hinh, Nguyễn Mạnh Lương và bà Chu Thị Loan. Năm 1987, Nhà trường đã bổ sung thêm các cô Bùi Thị Thanh Hằng, Nguyễn Hoàng Vân, Nguyễn Lan Nguyên. Đầu năm 1989, Khoa có thêm các thầy Trịnh Quốc Toản, Vũ Mạnh Đông, cô Nguyễn Thị Thu Hằng và bà Lê Thị Hoài Thu làm cán bộ nghiên cứu. Từ năm 1991 đến 1995, Khoa được bổ sung thêm các thầy Nguyễn Cửu Việt, Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Ngọc Chí, Phạm Duy Nghĩa, cô Hoàng Thị Kim Quế và Khoa cũng đã tuyển thêm một số cán bộ trẻ là sinh viên của Khoa mới tốt nghiệp loại khá, giỏi như các thầy, cô Nguyễn Thị Lan Hương, Vũ Tuấn Minh, Nguyễn Hoàng Anh, Chu Trang Vân, Doãn Hồng Nhung, Nguyễn Trọng Điệp…

GS. Vũ Minh Giang - Phó giám đốc ĐHQGHN trao bằng cho tân thạc sĩ Luật học.

Buổi ban đầu được tái thành lập, cũng như thời kỳ 1976 - 1979, Khoa gặp vô vàn khó khăn, song được sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường, đặc biệt là sự giúp đỡ của Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cũng như sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ chính nhiệm và kiêm nhiệm của Khoa, công việc đào tạo đã dần dần đi vào ổn định. Khi có chủ trương cải cách đào tạo đại học năm 1988, Khoa Luật đã lấy phương châm dạy cái gì xã hội cần, không phải chỉ dạy những cái gì mình có, bên cạnh hệ chính quy, Khoa Luật đã chiêu sinh các loại hình đào tạo khác như hệ luật chính quy không tập chung, hệ đại học luật tại chức, hệ đại học Luật mở rộng, hệ đại học luật tự học có hướng dẫn (một hình thức đào tạo đại học luật từ xa) - đây là hình thức học đầu tiên và duy nhất ở nước ta được mở thí điểm tại Khoa Luật theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Hàng năm, Khoa tổ chức đào tạo theo các loại hình này với sự tham gia của hàng nghìn học viên ở các cơ quan Trung ương, ở Hà Nội và ở các địa phương trong cả nước.

Song song với việc mở rộng các loại hình đào tạo, Khoa Luật đã tiến hành xây dựng các khung chương trình đào tạo cho các hệ đào tạo khác nhau và tiến hành biên soạn giáo trình, bài giảng có chất lượng cho các môn học. Bên cạnh mở rộng đào tạo hệ đại học luật, Khoa đã mở 2 mã ngành đào tạo sau đại học là ngành Lý luận và lịch sử nhà nước & pháp luật và ngành Luật kinh tế.

Năm 1993, công cuộc đổi mới giáo dục đại học Việt Nam đã đánh dấu một bước ngoặt lớn khi Trường ĐHTHHN trở thành hạt nhân nòng cốt xây dựng và phát triển thành ĐHQGHN.

Năm 1995, Trường ĐHKHTN và ĐHKHXH&NV ra đời từ Trường ĐHTHHN. Khoa Luật trở thành một khoa của Trường ĐHKHXH&NV.

Năm 1996, Khoa Luật đã được kiện toàn về mặt tổ chức, Ban chủ nhiệm khoa được thành lập với TS. Nguyễn Cửu Việt được bổ nhiệm là Chủ nhiệm khoa, PGS.TS Nguyễn Đăng Dung và cử nhân Nguyễn Ngọc Chí là Phó chủ nhiệm khoa. Khoa có 5 bộ môn: Bộ môn Lý luận - Hành chính - Nhà nước, Bộ môn Luật hình sự, Bộ môn Luật Kinh tế - Lao động, Bộ môn Luật dân sự, Bộ môn Luật quốc tế. Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Khoa cũng được thành lập trong thời gian này. Đến năm 1997, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ pháp lý (LEERES) được thành lập.

Sinh viên Khoa Luật ĐHQGHN trong ngày lễ tốt nghiệp.

Đến năm 2000, Khoa Luật có đội ngũ cán bộ, giảng viên là 33 người trong đó có 29 giảng viên, 1 tiến sĩ khoa học, 2 phó giáo sư, 7 tiến sĩ, 5 thạc sĩ. Ngoài ra còn có 18 cán bộ kiêm nhiệm theo danh sách do Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV phê duyệt. Đặc biệt, trong thời gian này Khoa đã tập hợp được đội ngũ hơn 100 cộng tác viên là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy lâu năm, có kinh nghiệm của các cơ quan nghiên cứu và thực tiễn ở Trung ương và Hà Nội hợp tác với Khoa trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Có thể nói giai đoạn trước năm 2000 là giai đoạn chuẩn bị, đặt nền móng cho việc chính thức thành lập Khoa Luật trực thuộc ĐHQGHN sau này. Các bộ môn của Khoa cũng đã được củng cố và có sự phát triển vượt bậc. Các khung chương trình đào tạo đại học của các hệ chính quy, tại chức, mở rộng, văn bằng 2 cũng như các khung chương trình của 4 chuyên ngành đào tạo sau đại học cũng đã được xây dựng và hoàn chỉnh.

Về nghiên cứu khoa học, Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Khoa cũng đã được củng cố. Các cán bộ giảng dạy, sinh viên của Khoa đã tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và trường do cán bộ Khoa Luật chủ trì đã được nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc.

Đặc biệt là trong thời gian này, Khoa đã tổ chức biên soạn được một hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo tương đối đầy đủ cho tất cả các môn học thuộc hệ đào tạo cử nhân. Hầu hết các chuyên đề đào tạo sau đại học đều có đề cương chi tiết. Có thể nói trước năm 2000, Khoa Luật là cơ sở đào tạo Luật sớm nhất trong cả nước có hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo tương đối đầy đủ cho sinh viên.

Chi bộ Khoa được củng cố và tăng cường lực lượng đảng viên trẻ, có tâm huyết ngày càng phát huy được vai trò lãnh đạo Ban chủ nhiệm cũng như các tổ chức đoàn thể của Khoa trong hoạt động đào đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác.

Ngày 7/3/2000, Giám đốc ĐHQGHN đã ra Quyết định số 85/TCCB về việc thành lập Khoa Luật trực thuộc ĐHQGHN trên cơ sở Khoa Luật thuộc Trường ĐHKHXH&NV. Là một trong những cơ sở đào tạo được Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm, ưu đãi đầu tư và kỳ vọng có sự bứt phá mạnh mẽ về chất lượng đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học nên từ khi ở vị thế mới là một khoa độc lập, có tư cách pháp nhân và là thành viên trực thuộc ĐHQGHN, Khoa luôn xác định cho mình trách nhiệm mà ĐHQGHN đã đặt ra là: Phấn đấu trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn theo định hướng đại học nghiên cứu với chất lượng cao ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế.

Tân sinh viên Khoa Luật tại lễ khai giảng năm học mới 2006-2007.

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Khoa Luật hiện nay là một trung tâm lớn trong cả nước về đào tạo và nghiên cứu, ứng dụng pháp luật. Hiện nay, Ban chủ nhiệm khoa gồm có: PGS.TSKH Lê Văn Cảm là Chủ nhiệm, PGS.TS Hoàng Thị Kim Quế là Phó chủ nhiệm khoa. Tổng số cán bộ, viên chức của Khoa là 55 người, trong đó có 38 cán bộ giảng dạy đảm nhiệm công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, gồm 1 tiến sĩ khoa học, 10 phó giáo sư và giảng viên chính, 8 tiến sĩ, còn lại là thạc sĩ đang làm nghiên cứu sinh.

Hiện tại, Khoa Luật đang tiến hành đào tạo cả ba bậc học: cử nhân (theo 2 ngành Luật học và Luật Kinh doanh), thạc sĩ, tiến sĩ theo 5 chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Nhà nước và Pháp luật, Luật hình sự, Luật kinh tế, Luật dân sự, Luật quốc tế, trong đó có 2 mã ngành mới đào tạo tiến sĩ, đó là Luật hình sự và Luật quốc tế.

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo thạc sĩ Luật học phục vụ nhu cầu quản lý biển, Khoa Luật đã kết hợp với Ban Biên giới, Bộ Ngoại giao tổ chức triển khai Chương trình (Dự án) đào tạo thạc sĩ Luật biển và Quản lý biển. Đây là mã ngành đào tạo thạc sĩ đầu tiên trong lĩnh vực này ở nước ta. Đến nay các học viên khoá 1 của chương trình này đã được cấp bằng tốt nghiệp.

Tổng kết công tác đào tạo, Khoa Luật tự hào vì đã đào tạo được gần 2.729 cử nhân hệ chính quy (gồm có 2.500 cử nhân chính quy, 39 cử nhân hệ đào tạo chất lượng cao, 190 cử nhân hệ chính quy không tập chung), 586 cử nhân hệ mở rộng, 6.227 cử nhân hệ vừa học vừa làm, gần 1000 cử nhân hệ tự học có hướng dẫn, gần 250 thạc sĩ và 10 tiến sĩ (cho cả Lào, Campuchia và Trung Quốc).

Năm học 2006-2007, Khoa đang đào tạo 1.100 sinh viên hệ chính quy (trong đó có 74 sinh viên hệ đào tạo chất lượng cao và 40 sinh viên học văn bằng 2), 1469 sinh viên hệ tại chức, 40 nghiên cứu sinh, 638 học viên cao học (trong đó có 100 học viên của các khoá trước còn lại và 540 học viên của các khoá 9, 10, 11).

Khoa Luật là một trong những đơn vị thuộc ĐHQGHN có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Khoa đã xuất bản gần 100 giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo chuyên ngành và hàng nghìn các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học pháp lý chuyên ngành. Trong đó chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Khoa Luật đã chủ trì và nghiệm thu đạt kết quả cao gần 50 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, ĐHQGHN, thành phố Hà Nội và cấp trường. Có gần 500 công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ, sinh viên Khoa Luật đã được công bố trên các tạp chí Khoa học pháp lý chuyên ngành trong và ngoài nước, trong đó có những công trình khoa học của cán bộ khoa được tặng các giải thưởng như: Giải thưởng khuyến khích sách hay năm 2004 do Hội Nhà xuất bản Việt Nam trao tặng cho ThS. Bùi Ngọc Sơn, tác giả sách “Triết lý chính trị Trung Hoa cổ đại và vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền”; Giải thưởng tác phẩm khoa học xuất sắc ĐHQGHN năm 2003 tặng cho PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, tác giả sách “Pháp luật Việt Nam vì một nền kinh tế phát triển bền vững và toàn cầu hoá”; Giải thưởng tác phẩm khoa học xuất sắc ĐHQGHN năm 2005 tặng cho PGS.TS Nguyễn Đăng Dung, tác giả sách “Tính nhân bản của Hiến pháp và bản tính của các cơ quan Nhà nước”; Giải thưởng công trình khoa học tiêu biểu năm 2001 - 2004 của Khoa Luật tặng cho tập thể tác giả “Giáo trình Luật hình sự Việt Nam” (Phần chung) do PGS.TSKH Lê Cảm chủ biên.

Chi uỷ, Ban chủ nhiệm khoa rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, viên chức và sinh viên thông qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là qua công tác giảng dạy và các công tác đoàn thể. Điều này đã làm cho hoạt động của Chi bộ Đảng, của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên của Khoa Luật (ĐHQGHN) trở nên sinh động, thiết thực và hấp dẫn. Có thể nói công tác Đảng, Đoàn và Hội của Khoa đã có những đóng góp rất tích cực cho việc đào tạo năng lực chuyên môn và phẩm chất chính trị cho sinh viên ngành Luật.

Sinh viên Khoa Luật tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Đoàn thanh niên.

Trong giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế, quan hệ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa ngày càng được mở rộng. Hiện nay, Khoa Luật có quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trong nước và hàng chục đối tác nước ngoài như Trung Quốc, Nga, Pháp, Bỉ, Đức, Anh, Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan… Đặc biệt, Khoa Luật đã hợp tác với tổ chức các trường đại học của các nước sử dụng tiếng Pháp như Trường Đại học Khoa học Xã hội Toulouse I, Đại học Jean-Moulin Lyon III, Đại học Montesquieu Bordeaux IV trong đào tạo hệ cử nhân mỗi khoá 40 - 50 sinh viên và đào tạo thạc sĩ Luật Hợp tác Kinh tế mỗi khoá 30 - 40 học viên được giảng dạy bằng tiếng Pháp do giảng viên Việt Nam và Pháp trực tiếp giảng dạy, phía đại học Pháp cấp bằng. Từ năm 2004, Khoa Luật hợp tác với Tổ chức JICA của Nhật Bản trong đào tạo hệ cử nhân luật Việt - Nhật (mỗi khoá có 15 - 20 sinh viên theo học) do giảng viên Việt Nam và Nhật Bản trực tiếp giảng dạy. Từ năm 2006, Khoa Luật hợp tác với các trường đại học của Pháp để tổ chức đào tạo tiến sĩ Luật và văn bằng do phía Pháp cấp.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Khoa Luật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học, được xã hội tín nhiệm và đánh giá cao. Các thế hệ cán bộ và sinh viên của Khoa Luật - ĐHQGHN đã lập được nhiều thành tích đáng tự hào, tập thể Khoa Luật đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III, Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN. Công đoàn Khoa được tặng bằng khen của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam, Đoàn Thanh niên của Khoa được tặng bằng khen của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nhiều cán bộ, viên chức, sinh viên của Khoa đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước cũng như của các cấp, các ngành và của ĐHQGHN.

30 năm - một chặng đường dài đã qua, khó có thể viết hết được những khó khăn, gian khổ, những thăng trầm mà thầy và trò Khoa Luật đã trải qua, những thành tựu mà Khoa Luật đã đạt được. Những nguyên nhân nào đã giúp Khoa Luật tồn tại và phát triển như ngày nay? Đó là sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của bản thân mỗi người, mỗi thành viên trong Khoa, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tin cậy, giúp đỡ nhau để mọi khúc mắc được giải quyết nhanh chóng, mọi người có tính hoà đồng cùng phấn đấu cho sự phát triển chung của Khoa. Bên cạnh đó, Khoa Luật còn luôn luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ to lớn của Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường ĐHTHHN, Trường ĐHKHXH&NV và nay là Đảng ủy, Ban giám đốc ĐHQGHN, và các trường, các đơn vị bạn, các cộng tác viên của Khoa trong suốt quá trình 30 năm phát triển của mình.

Lễ kỷ niệm 30 năm truyền thống của Khoa Luật năm nay không chỉ là ngày tràn đầy niềm vui, thắm đượm tình cảm thầy trò, tình bạn bè của các thế hệ cán bộ, sinh viên và cũng không chỉ là ngày thầy trò cùng nhau nhớ và ôn lại những kỷ niệm về những tình cảm thầy trò chân thật, nghĩa tình đồng nghiệp sâu đậm mà đây còn là dịp để mọi người quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp đào tạo các luật gia của đất nước, hiến kế giúp Khoa Luật phát triển lên một tầm cao mới. Tuy rằng còn phải phấn đấu rất nhiều mới đạt được trình độ tiên tiến, nhưng thầy và trò Khoa Luật có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được trong 30 năm qua và hứa quyết tâm cùng nhau cố gắng tạo sự đột phá mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhằm từng bước xây dựng Khoa trở thành một trung tâm đào tạo luật học lớn của cả nước, ngang tầm khu vực và quốc tế.

 Chi ủy - Ban chủ nhiệm Khoa Luật ĐHQGHN
(Theo Bản tin ĐHQGHN, số 188)
Ảnh: Phan Văn Phú - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   |