Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Tản mạn nhân ngày 8/3: Mẹ tôi là con dâu trưởng
Mẹ tôi là dâu trưởng của một dòng họ lớn trong làng. Cái chức vị “dâu trưởng” đã khiến cuộc sống của mẹ tôi luôn trong tâm trạng lo toan, tất bật làm sao để vẹn toàn các phép tắc, lễ nghĩa của dòng họ.

Đặt chân tới nhiều miền quê, bần thần trước bao cổng làng, tôi đã gặp những người phụ nữ giống như mẹ tôi và từ đó suy ngẫm về việc làm dâu của các cô gái trẻ thời hiện đại...

Có những khi nhớ nhà, tôi lại rưng rưng hình dung ra dáng vẻ tất bật cùng gương mặt u ẩn nét cam chịu, nhún nhường của mẹ tôi trong cuộc sống hàng ngày. Ở làng, trong một dòng họ lớn như họ nhà tôi, người phụ nữ không được tham gia họp bàn những việc lớn, không được xen ngang câu chuyện của chồng, không được tự quyết việc gì nếu như chồng chưa đồng ý. Sự tác động của “cuộc cách mạng” bình đẳng giới khiến các cô, các thím nhà tôi đôi khi còn dám có ý kiến và đề đạt nguyện vọng của mình trước chồng và những bậc cao niên trong họ. Nhưng mẹ tôi thì luôn đứng ngoài mọi sự đổi thay của thời thế, xã hội. Mẹ chẳng biết thế nào là bình đẳng giới nên chẳng bao giờ dám cất tiếng tham gia vào công việc gì của chồng, của dòng họ. Mẹ nhất nhất làm theo sự chỉ giáo của các bậc cao niên trong họ, không có bất cứ một phản ứng nào ngược với yêu cầu của họ tộc và chồng. Mẹ bảo, điều đó là hiển nhiên bởi mẹ là dâu trưởng, mà dâu trưởng thì trách nhiệm nặng nề lắm! Nặng nhất là phải giữ đạo dâu con, nếp nhà gia giáo và việc đó đồng nghĩa với chuyện “không được làm bề trên phật ý, không được làm đảo lộn các phép tắc đã định sẵn tự bao đời của dòng họ...”.

Mẹ là dâu trưởng”, cái điệp khúc và cái lý duy nhất mẹ tôi hay vịn vào để sống, hay mang ra tâm tình với các con và rồi lại đăm đăm với phận sự dâu trưởng của mình. Tôi thương mẹ, cha tôi cũng thương mẹ nhưng hồ như mẹ đã mặc định coi những trách nhiệm nặng nề đó là lẽ sống của đời mình. Bữa cơm nào mẹ cũng là người ngồi vào mâm sau cùng, chạm đũa gắp những đĩa thức ăn đã vơi gần hết, ngồi nhai chậm rãi, từ tốn miếng cháy trong xoong cơm và cuối bữa lặng lẽ dọn dẹp. Mẹ cặm cụi dưới bếp, bên giếng nước cho mãi tới tận đêm khuya hoặc có hôm ngồi têm trầu, hầu chuyện, quạt mát, đấm bóp cho bà nội đến lúc trong nhà đã vang lên tiếng ngáy đều đều của mọi người...

Mẹ là dâu trưởng” nên trong nhà xảy ra chuyện gì dù khó khăn đến mấy người đầu tiên được gọi tên, được sai bảo là mẹ. Chẳng được tham gia góp ý lấy một câu trong các “quyết sách” của dòng họ, của gia đình nhưng người đầu tiên phải bắt tay thực hiện các “quyết sách” và những việc khó đến “tày đình” lại là mẹ. Mẹ là dâu trưởng nên tất nhiên làm gì cũng không thể để xảy ra sơ suất và nếu có thì đương nhiên phải biết nhận lỗi và đôi khi phải chịu cả sự thiệt thòi...

Mẹ là dâu trưởng” nên không những phải làm vừa lòng họ mạc mà còn phải duy trì tốt mối quan hệ với hàng xóm. “Dâu trưởng là phải biết ứng nhân, xử thế sao cho chẳng bị ai chê trách, làm hư hại gia phong của họ tộc...” - mẹ thường dặn chị gái tôi như vậy. “Mẹ là dâu trưởng” nên dù có đi đâu, ở đâu lòng tôi cũng nặng trĩu hình ảnh của mẹ với gương mặt trầm tư, dáng vẻ tất bật và cách trò chuyện rất “lễ nghi truyền thống”. Đi nhiều vùng quê trên dải đất hình chữ S này, có những khi tôi bần thần dừng lại bởi như gặp được mẹ tôi trong dáng dấp, gương mặt của những người phụ nữ lam lũ khác, có lẽ giản đơn bởi họ cũng là dâu trưởng...

Thì cũng như vậy thôi, họ là những người phụ nữ sống cùng thời với mẹ tôi, họ cũng ngồi vào mâm cơm sau cùng ở mỗi bữa ăn, cặm cụi ngồi gỡ từng nhánh xương cá gắp cho chồng, con và có thể thức trắng đêm để trông chừng một cơn ho của cha mẹ chồng. Họ giống mẹ tôi vì đã chẳng bao giờ nói một câu than phiền với xóm giềng, chẳng mang chuyện nhà mình đi “buôn bán”. Họ đã hoàn thành thiên chức xây tổ ấm của mình dẫu chỉ suốt ngày quẩn quanh xó bếp. Những người phụ nữ giống như mẹ tôi được các bậc cao niên trong họ tộc ghi danh vào sổ họ, được gọi bằng cái tên sang trọng và trìu mến “Mẹ Cả”. Với mẹ tôi và những người phụ nữ khác đó là một phần thưởng - định giá cho cuộc đời làm dâu của mình và như thế cũng là mãn nguyện cho một đời làm vợ...

Nụ cười tần tảo của người phụ nữ, người mẹ Việt Nam.
Photo: Minh Truong

Trong thời đại bây giờ, những cô gái trẻ đi làm dâu đặc biệt là những cô dâu trưởng chắc chẳng mấy ai còn đắm đuối với phận sự dâu con nặng nề. Về nhà chồng được một thời gian, nếu thấy không hợp với cha mẹ chồng, các cô con dâu sẽ kiếm cớ đòi ở riêng. Tôi vẫn thường nghe được cái điệp khúc và cái lý của các nàng dâu thời hiện đại là: “Báo hiếu cũng có năm bảy đường, đâu nhất thiết cứ phải cơm hầu, nước rót cho các cụ, đâu cứ phải chăm chăm tuân thủ theo những phép tắc lỗi thời”. Và quả thực, trong thời đại văn minh số như bây giờ, các nàng dâu có nhiều cách để báo hiếu mẹ cha bằng cách chăm lo cuộc sống đủ đầy vật chất, mua sắm tiện nghi sinh hoạt tốt nhất. Nhưng có một điều mà tất cả chúng ta đều phải thừa nhận là: Người già hôm nay dường như bị cô đơn nhiều hơn. Họ bị bỏ quên trong thế giới khô kiệt của đồ ăn nhanh, đường sữa, cơm hộp... “bị” giao cho người giúp việc chăm sóc, có những người ông, người bà còn chẳng biết rõ mặt đứa cháu đích tôn của mình. Người già hôm nay buông nhiều tiếng thở dài, than vãn về những người con dâu không hẳn vì họ bị bỏ quên mà họ trăn trở về sự thất truyền của những nghi lễ gia đạo trong nhà, trong dòng họ. Với những người già thì gìn giữ gia phong còn quý gấp trăm ngàn lần được hưởng thụ cuộc sống sung túc...

Đôi lần tôi có ghé thăm một vài địa chỉ của các trại dưỡng lão, nơi những người già neo đơn đang sống nốt những ngày còn lại của đời mình, nhìn các cụ chợt thấy chạnh lòng, rưng rưng cùng niềm xót xa và nỗi hoài cảm về mẹ tôi, về những người phụ nữ từng một thời làm dâu trưởng, một thời gìn giữ gia phong như gìn giữ chính phẩm giá, đạo đức của người phụ nữ truyền thống trong gia đình. Nhiều khi lắng lòng mình, tôi vu vơ tự hỏi: “Liệu những người phụ nữ đi làm dâu giống như mẹ tôi thuở trước có còn trở lại trong thời đại bây giờ...?”.

 Minh Tr­ường - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   |