Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Chương trình giáo dục lịch sử ở trường trung học miền Bắc (1945-1975)
Tìm hiểu chương trình giáo dục lịch sử ở trường trung học phổ thông (THPT) miền Bắc từ 1945 đến 1975, ta thấy được không chỉ đơn thuần chương trình giáo dục lịch sử mà phần nào hình dung được sự phát triển của chương trình giáo dục phổ thông trong thời kỳ miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ và là hậu phương lớn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

1. Thời kỳ cách mạng mới và nhiệm vụ của giáo dục phổ thông.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ oanh liệt. Hòa bình lập lại, mở ra cho đất nước ta một thời kỳ cách mạng mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đứng trước hai nhiệm vụ chiến lược: miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở vững chắc cho cách mạng cả nước; miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân nhằm đánh đuổi đế quốc Mĩ và tay sai, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.

Khi vừa mới giải phóng, trên miền Bắc có hai hệ thống giáo dục phổ thông: Hệ thống giáo dục trung học và tiểu học 12 năm vùng “tạm chiến” còn mang nặng những tàn tích của nền giáo dục thực dân. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục chín năm xây dựng trong vùng tự do tuy có tính chất dân chủ và tiến bộ, song nó cũng có những nhược điểm mà cơ bản là kiến thức trang bị cho học sinh còn quá thấp.

Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng khóa II (3/1955) đã nêu nhiệm vụ “chấn chỉnh và củng cố giáo dục phổ thông, thống nhất hai hệ thống giáo dục của vùng tự do cũ và của vùng mới giải phóng”.

Tháng 3/1956, Đại hội giáo dục phổ thông toàn miền Bắc đã họp. Đại hội thông qua đề án của Bộ giáo dục sát nhập hai hệ thống giáo dục cũ, lập ra hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm. Đây là cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai.

Cuộc cải cách giáo dục lần này diễn ra trong bối cảnh miền Bắc bước vào đẩy mạnh cuộc vận động cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa để chuẩn bị xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Như vậy, tiền đề kinh tế - xã hội cho một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa chưa hình thành. Tuy nhiên Đại hội giáo dục phổ thông toàn miền Bắc đã khẳng định: Hệ thống giáo dục mới có tính chất xã hội chủ nghĩa, nó lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng. Nhiệm vụ giáo dục được xác định rõ: “Đào tạo bồi dưỡng thế hệ thanh niên và thiếu nhi trở thành những người phát triển về mọi mặt, những công dân tốt trung thành với Tổ quốc, những người lao động tốt, cán bộ tốt của nước nhà, có tài, có đức để phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến lên xây dụng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đồng thời để thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ” (75(85-86)). Nội dung giáo dục có tính chất toàn diện gồm bốn mặt: đức, trí, thể, mĩ. Trong đó coi “trí dục là cơ sở” và “tăng cường giáo dục tư tưởng và giáo dục đạo đức trên cơ sở coi trọng việc giảng dạy tri thức có hệ thống” (75(85)).

Chủ trương xây dựng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa nhằm đón đầu, tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế xã hội lúc này là một quyết định đúng đắn, nếu không nói là tất yếu. Bởi lẽ, văn hóa tư tưởng nói chung và giáo dục nói riêng không chỉ chịu sự chi phối bởi những biến đổi của nền kinh tế-xã hội mà còn là nhân tố cơ bản tác động trở lại, định hướng và thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế xã hội theo chiều hướng tiến bộ. Đặc biệt trong hoàn cảnh nước ta lúc đó đã hình thành thể chế chính trị theo hướng xã hội chủ nghĩa, nền giáo dục trong kháng chiến cũng được xây dựng qui củ từ mục tiêu, hệ thống đến nội dung giáo dục theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Chương trình môn lịch sử ở trường trung học phổ thông năm 1956.

2.1. Tinh thần và nhiệm vụ giáo dục của chương trình.

Chương trình lịch sử cũng như chương trình các môn học khác của nhà trường phổ thông 10 năm được xây dựng theo tinh thần và nhiệm vụ mà hội nghị giáo dục phổ thông toàn miền Bắc đã nêu ra (3-1956). Cụ thể là:

§ Cuộc cải cách giáo dục lần này đòi hỏi nhà trường mới phải xóa bỏ tận gốc những tàn dư của nền giáo dục cũ, đưa chất lượng giáo dục ngày một cao hơn.

§ Chương trình mới xây dựng trên quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử nhằm bồi dưỡng có hệ thống cho học sinh về thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng.

§ Nội dung chương trình coi trọng việc kết hợp lí luận với thực tiễn, dành một số giờ cần thiết cho công tác thực hành, chú ý ứng dụng bài học vào cuộc sống xã hội và sản xuất.

Căn cứ vào đặc trưnng của bộ môn, nhiệm vụ của bộ môn Lịch sử ở trường trung học được xác định là: “Dựa trên quan điểm chính xác của khoa học lịch sử (duy vật lịch sử), dạy cho học sinh những tri thức cơ bản và có hệ thống”. Trên cơ sở những tri thức cơ bản và có hệ thống đó “làm cho học sinh nhận thức được qui luật phát triển khách quan của xã hội để hiểu rõ quá khứ và học tập những kinh nghiệm của quá khứ soi sáng bước đường đấu tranh hiện tại và nhìn rõ hướng đi đến tương lai của dân tộc và của loài người”. “Trên cơ sở những tri thức đã nói trên, môn Lịch sử có nhiệm vụ bồi dưỡng cho học sinh có một nhân sinh quan cách mạng, một lập trường và những tư tưởng tình cảm tiến bộ”… Trong giai đoạn trước mắt làm cho học sinh “đem tất cả tấm nhiệt tình cách mạng của mình hăng hái tham gia công cuộc xây dựng củng cố miền Bắc, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giành thống nhất nước nhà và bảo vệ hòa bình dân chủ thế giới”.

2.2. Một số nhận xét:

2.2.1. Chương trình đã góp phần đắc lực của mình vào việc thực hiện nhiệm vụ mà xã hội đặt ra với giáo dục cũng như cập nhật với trình độ sử học.

Trong cấu trúc cũng như trình bày lịch sử, chương trình cũng thể hiện rõ quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Lịch sử thế giới cũng như lịch sử Việt Nam được cấu tạo rất hệ thống theo trình tự phát triển của lịch sử xã hội từ thấp đến cao. Lịch sử không phải là lịch sử của các triều đại mà là lịch sử kế tiếp nhau của các hình thái kinh tế-xã hội phản ánh sự phát triển ngày càng cao hơn của xã hội loài người.

Ở thời kỳ lịch sử cận và hiện đại thế giới cũng như Việt Nam, chương trình dành một thời lượng thích đáng cho những nội dung làm rõ hướng đi tới tất yếu của xã hội loài người cũng như của dân tộc là xóa bỏ mọi quan hệ bóc lột, áp bức, kìm hãm, thiết lập một xã hội không có giai cấp, không có kẻ bóc lột, xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

Chương trình cũng trình bày mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố của xã hội: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Cũng như mối quan hệ giữa lịch sử nhân loại và lịch sử dân tộc; giữa dân tộc đa số và dân tộc ít người trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam.

Nội dung lịch sử được chọn lựa đưa vào chương trình đã góp phần giúp học sinh có nhận thức về vai trò của lao động, của sản xuất trong quá trình hình thành con người và sự phát triển của xã hội. Điều này được nhấn mạnh trong hướng dẫn thực hiện chương trình cũng như nội dung của chương trình. Chẳng hạn quá trình hình thành con người thời cộng sản nguyên thủy; phát kiến địa lý ở thời hậu kỳ trung đại, sự phát triển của máy móc và khoa học kỹ thuật ở thời kỳ cận đại… Những ví dụ như vậy còn tìm thấy ở nội dung trình bày tình hình kinh tế, khoa học kỹ thuật ở các thời đại.

Khi trình bày các giai đoạn lịch sử có giai cấp, chương trình tập trung vào làm rõ động lực phát triển của các giai đoạn đó là đấu tranh giai cấp. “Cuộc đấu tranh giữa nô lệ với chủ nô là yếu tố quyết định sự tan rã của chế độ chiếm hữu nô lệ hắc ám và thúc đẩy xã hội loài người tiến lên”. Cũng như vậy, đối với cuộc đấu trănh của nhân dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp tư sản để lật đổ chế độ phong kiến, đặc biệt là cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản nhằm lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa v.v…

Trên đây là ưu điểm lớn nhất, đồng thời là rất căn bản của chương trình 1956. Sự chọn lựa cũng như cấu trúc nội dung đã góp phần bồi dưỡng cho học sinh lòng yêu trọng lao động và nhân dân lao động; lý tưởng đứng hẳn về nhân dân lao động, những lực lượng tiến bộ; ý thức tự giác tham gia cách mạng; niềm tin vào truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng như con đường chủ nghĩa xã hội của nhân loại nói chung và đất nước nói riêng.

2.2.2. Bên cạnh ưu điểm trên, nhược điểm chính của chương trình 1956 là khuynh hướng ôm đồm và nặng nề.

Nhược điểm này trước hết bộc lộ trong chính bản thân nội dung chương trình. Đặc biệt trong phần lịch sử thế giới. Ở cấp II, chương trình qui định học toàn bộ lịch sử thế giới từ cổ đại đến hiện đại với tổng số giờ là 111 tiết. Lên cấp III, học sinh lại được học nâng cao phần lịch sử thế giới cận và hiện đại với tổng số giờ là 134 tiết. Chương trình tuy đã dành nhiều thời gian tập trung trình bày nội dung sản xuất, kỹ thuật và đấu tranh giai cấp song nhìn chung cấu trúc chương trình vẫn còn giàn trải. Chẳng hạn khi trình bày các cuộc cách mạng tư sản, chương trình chưa tập trung làm nổi rõ khái niệm cách mạng tư sản mà còn sa vào các nội dung như nước Anh đi xâm chiếm thuộc địa hay lịch sử các nước Trung và Đông Âu thế kỷ XVII-XVIII. Cũng như vậy, khi trình bày sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa đế quốc, chương trình chưa tập trung làm rõ các đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc mà sa vào những sự kiện lịch sử của từng nước đế quốc, đồng thời lại xen vào nội dung lịch sử các dân tộc Slavơ ở châu Âu cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Những ví dụ như vậy còn thấy không ít trong nội dung của chương trình.

Khuynh hướng ôm đồm và nặng nề của chương trình càng bộc lộ rõ khi áp dụng trong hoàn cảnh kinh tế-xã hội nói chung và giáo dục của nước ta lúc đó. Hòa bình mới được lập lại một ít năm, số lượng thầy giáo thiếu nghiêm trọng. Nhu cầu đào tạo gấp giáo viên đã dẫn đến tình trạng đào tạo quá nhanh, quá vội… nhiều lúc tùy tiện nên chất lượng giáo viên còn thấp, nhất là trình độ văn hóa. Giáo viên ra trường lại không được tiếp tục bồi dưỡng thường xuyên do đó nói chung giáo viên mới đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách giáo dục. Thêm vào đó, tư tưởng của nhiều giáo viên được đào tạo từ chế độ cũ đã bị ảnh hưởng của nhóm “nhân văn giai phẩm” có thái độ thù địch với chính sách về văn hóa và giáo dục của Đảng, Chính phủ. Cũng vào lúc đó, cơ sở vật chất cho dạy và học còn nhiều hạn chế. Cuối năm 1945 đầu năm 1955, trước khi rút lui, thực dân Pháp để lại những ngôi trường trống rỗng. Hòa bình lập lại do nhu cầu học tập rất cao của xã hội, nhiều trường mới được xây dựng tạm. Do vậy cả những ngôi trường cũ và mới đều không thỏa mãn yêu cầu của chất lượng giáo dục.

Mong muốn tốt đẹp của những người phụ trách làm chương trình ở trường phổ thông lúc đó là: “Chương trình hồi kháng chiến quá thấp (vì hoàn cảnh eo hẹp) không đủ đảm bảo kiến thức cơ bản, hiện đại, có hệ thống. Trong hoàn cảnh mới, miền Bắc đi vào xây dựng hòa bình, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường lên kịp hay xấp xỉ trình độ của các nước tiên tiến, và muốn vậy phải nâng cao trình độ kiến thức khoa học cơ bản của chương trình”. Để nâng cao chất lượng đào tạo tiến kịp các nước tiên tiến, một không khí chung lúc đó là học tập chương trình dạy học của Liên Xô và Trung Quốc. Và kết quả là chương trình và sách giáo khoa môn lịch sử (đặc biệt là lịch sử thế giới) nói riêng và các môn học khác nói chung “dập khuôn” chương trình và sách giáo khoa của Liên Xô, Trung Quốc. Tính khả thi của chương trình và sách giáo khoa chưa được xem xét trên cơ sở nền kinh tế-xã hội, thực tiễn giáo dục nên đã dẫn tới hiện tượng “quá tải” của chương trình.

Năm 1956, đất nước ta mới được giải phóng. Bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta còn rất bỡ ngỡ. Chủ đề học tập các nước anh em, mà cụ thể là học tập Liên Xô và Trung Quốc, là một định hướng đúng. Nhưng vì trình độ còn non nớt, cộng thêm lại bị thúc bách về mặt thời gian, điều kiện làm việc rất hạn chế nên những người trực tiếp làm chương trình các môn học, trong đó có môn lịch sử khó có thể tránh khỏi những nhược điểm như đã nói ở trên. Hồi ký của ông Hoàng Trọng Hanh (*) có đoạn: “Chúng tôi có ba người, đều là giáo viên có kinh nghiệm ở phổ thông, được triệu tập về Bộ làm chương trình và viết sách giáo khoa… Điều kiện vật chất để làm việc chủ yếu là một số tài liệu về chương trình và sách giáo khoa của Liên Xô (và một phần nào của Trung Quốc). Chúng tôi phải tự xoay sở lấy. Trong điều kiện lúc đó, việc dựa vào chương trình của Liên Xô là không còn cách nào khác”.

3. Quá trình sửa đổi chương trình môn lịch sử ở trường trung học phổ thông từ 1957 đến 1975 ở miền Bắc.

3.1. Quá trình sửa đổi.

3.1.1. Chương trình năm 1958 – 1959.

Ngay sau một năm thực hiện (1956 – 1957), tính không phù hợp với điều kiện cho phép của xã hội đã bộc lộ rõ trong chương trình 1956. Năm 1957 nhiều hội nghị bàn về chương trình 1956 đều thống nhất: “Phát triển giáo dục quá khả năng kinh tế, không phù hợp với sự phát triển sản xuất. Do đó có ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giảng dạy và giáo dục”.

Bước sang năm học 1958 – 1959, giáo dục càng đứng trước những khó khăn lớn của xã hội cũng như của ngành. Các trường phổ thông tăng nhanh. Năm học 1956-1957 có 952.000 học sinh, đến năm học 1958-1959 tăng đến 1.522.203 học sinh. Khả năng về cán bộ và tài chính của Nhà nước lúc này không đảm đương nổi. Nhiều địa phương mở trường ồ ạt, thiếu nhìn xa, không tính đến những điều kiện cần thiết của một nhà trường. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy trong tình hình giáo dục phát triển qú nhanh, Bộ giáo dục mở thêm các trường sư phạm cấp II để đào tạo giáo viên. Tuy vậy, số giáo viên vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Nhiều nơi phải đề bạt giáo viên lớp dưới lên dạy lớp trên. Có địa phương còn tuyển thêm giáo viên không đủ trình độ văn hóa. Tình trạng này gây thêm những khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong bối cảnh đó, Bộ giáo dục đã có một số biện pháp bổ cứu nhằm thực hiện việc giảng dạy nhẹ nội dung giáo dục trí dục. “Thông tư về chỉnh lý chương trình và kế hoạch giảng dạy (niên học 1957-1958)” của Bộ giáo dục đã đặt vấn đề “Tinh thần chung là tinh giản chương trình và kế hoạch giảng dạy cho thích hợp với hoàn cảnh thực tế của ta, tạo điều kiện tốt cho việc giáo dục toàn diện”.

Chương trình môn Lịch sử niên học 1957-1958 đã có những sửa đổi nhỏ như bỏ một số bài: Cách mạng công nghiệp ở Anh, Pháp thế kỷ XVII-XVIII; Cách mạng dân chủ Nga; Các dân tộc Slavơ; Thành lập hai khối quân sự v.v…

Đến niên học 1958-1959, thực hiện Thông tư của Bộ giáo dục ngày 06-8-1959, kế hoạch dạy học cũng như nội dung chương trình các môn học đã có sửa đổi theo hướng giảm nội dung trí dục, tăng cường công tác giáo dục lao động.

Thời gian thực học giảm xuống từ 35 tuần trong chương trình 1956 còn 32 tuần. Số tiết trong mỗi tuần cũng giảm xuống từ 29-30 giờ trong một tuần ở chương trình 1956 còn 25 giờ. Thời gian còn lại dành cho mỗi tuần 1 buổi lao động sản xuất, 1 buổi hoạt động ngoại khóa, 1 buổi dạy bổ túc văn hóa.

Vì những lý do trên, từ năm học 1958-1959, chương trình môn lịch sử ở trường trung học phổ thông đã có những sửa đổi đáng kể. Ở cấp II,cắt bỏ toàn bộ phần lịch sử thế giới chỉ để lại 13 tiết giới thiệu những sự kiện lịch sử lớn của lịch sử thế giới hiện đại. Ở cấp III, cắt bỏ toàn bộ phần lịch sử thế giới cổ trung đại và phần lịch sử Việt Nam từ đầu đến giữa thế kỷ XIX. Số tiết ở các nội dung khác đều giảm đi một cách đáng kể. Ví dụ ở cấp II, lịch sử Việt Nam từ thời Lý – Trần đến chế độ phong kiến suy tàn (giữa thế kỷ XIX) có 30 tiết (chương trình năm 1956: 45 tiết); hoặc nội dung thời kỳ thực dân Pháp xâm lược đến năm 1956 có 37 tiết (chương trình năm 1956: 60 tiết). Ở cấp III, nội dung lịch sử thế giới từ cách mạng tư sản Anh đến công xã Pari có 21 tiêt (chương trình năm 1956: 43 tiết) v.v…

Tóm lại, so với chương trình năm 1956, chương trình 1958-1959 ngoài ưu điểm là vẫn đứng trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật để chọn lựa, trình bày nội dung thì còn có ưu điểm nữa là đã dành một số giờ thích đáng (4 đến 5 tiết) cho nội dung lịch sử địa phương và đặc biệt đã làm cho chương trình về cơ bản nhẹ đi. Song do sự cắt xén đã được trình bày ở trên dẫn tới một thiếu sót lớn là đạo ra những lỗ hổng trong hệ thống kiến thức của học sinh. Vấn đề này sẽ được trình bày rõ ở phần sau.

3.2.2. Chương trình từ 1960 đến năm 1975.

Do nhược điểm để lại những lỗ hổng trong kiến thức của học sinh nên liên tiếp các năm học 1960-1961 và 1961-1962, chương trình môn lịch sử đã có những sửa đổi nhằm giúp chương trình hệ thống hơn về lịch sử thế giới ở cấp III. Hồi ký của bà Nguyễn Cao Lũy (*) có viết: “Lúc đó tôi phải khắc phục thiếu sót do sự “cải tiến một cách giản đơn” của chương trình 1958-1959 bằng cách đưa 3 tiết Lịch sử thế giới cổ trung đại vào chương trình lớp 8 năm học 1960-1961 và tăng lên thành 13 tiết trong năm học 1961-1962”.

Năm học 1964-1965, chương trình lại tiếp tục có những cải tiến về mặt nội dung nhằm cập nhật với sự tiến bộ của khoa học lịch sử (phần Việt Nam) và đường lối dân tộc của Đảng. Các vấn đề đa dân tộc trong lịch sử Việt Nam, đời sống của người nguyên thủy Việt Nam, chế độ nô lệ và sự chuyển biến từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến ở nước ta, phân chia các thời kỳ, các giai đoạn phát triển của chế độ phong kiến nước ta, sự phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ 1919-1930… đã được chỉnh lý và sửa đổi theo các kết quả nghiên cứu của khoa học lịch sử cũng như quan điểm của Đảng. Ngoài ra về cấu trúc lớn của chương trình không có gì khác chương trình 1961-1962.

Năm học 1965-1966, ngành giáo dục phổ thông cũng như các ngành bước vào hoàn cảnh mới: cả nước có chiến tranh. Miền Bắc chia thành 2 vùng: vùng phòng thủ bình thường và vùng trực tiếp bị uy hiếp. Theo yêu cầu của Chính phủ, chương trình lịch sử cũng như chương trình các môn học khác phải chỉnh lý sao cho phục vụ tốt nhiệm vụ chống Mĩ cứu nước. Chương trình môn lịch sử đã được chỉnh lý theo hướng giữ nguyên cấu trúc chương trình song tinh giản nội dung ở mức độ vừa phải đối với vùng phòng thủ bình thường và tinh giản mạnh đối với vùng trực tiếp bị uy hiếp.

Năm học 1971-1972, sách giáo khoa lịch sử có được biên soạn lại theo chương trình sửa đổi. Song nhìn chung cấu trúc của chương trình không có gì thay đổi so với chương trình 1964-1965.

Tóm lại, đến trước cải cách giáo dục lần thứ ba, chương trình môn lịch sử ở trường phổ thông trung học căn bản là chương trình 1964-1965 mà về cấu trúc đại thể lấy chương trình 1958-1959 làm cơ sở.

3.2. Một số nhận xét.

3.2.1. Cũng như chương trình 1956, ưu điểm nổi bật nhất mà cũng rất cơ bản là các chương trình từ 1958-1959 đến trước 1975 về đại thể đều đi theo một phương hướng tư tưởng chính trị đúng đắn và ngày càng rõ rệt nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn mục đích giáo dục của nhà trường phổ thông xã hội chủ nghĩa.

Nhìn chung chương trình đã đảm bảo cung cấp cho học sinh các lớp cấp II, III một vốn tri thức tương đối hoàn chỉnh có hệ thống về lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam làm trọng tâm. Trong việc lựa chọn, trình bày kiến thức, chương trình đã cố gắng quán triệt những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin về lịch sử, các quan điểm đường lối chính trị cách mạng của Đảng, những thành tựu nghiên cứu mới của khoa học lịch sử về mặt tài liệu và quan điểm lịch sử. Về mặt tài liệu là quan điểm xung quanh một số vấn đề như nguồn gốc dân tộc Việt Nam, vai trò của các dân tộc trên đất nước ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước… đã được phản ánh đến một chừng mực nhất định trong chương trình. Về lịch sử Việt Nam, chương trình đã tập trung nêu bật truyền thống yêu nước bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc ta, cố gắng làm rõ hơn vai trò của giai cấp công nhân, của Đảng cộng sản, công lao và sự nghiệp của Hồ chủ tịch trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Về lịch sử thế giới, chương trình đã chú trọng hơn đến lịch sử các nước phương Đông trong khi vẫn đảm bảo cho học sinh thấy sự phát triển chung.

3.2.2. Tuy nhiên, việc quán triệt các quan điểm chính trị khoa học, việc vận dụng các nguyên tắc cấu tạo và phương pháp trình bày nội dung không phải là những vấn đề đơn giản có thể làm tốt ngay một lúc. Sau nhiều lần chỉnh lý, chương trình vẫn còn có một số thiếu sót sau đây:

Trước hết phải nói đến tính chất chắp vá không hợp lý về mặt phân bố nội dung của chương trình. Đây là một thiếu sót lớn khiến chương trình không thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và mục tiêu của từng cấp học.

Lúc đó, trên thực tế, nhiều học sinh cấp II không tiếp tục học lên cấp III. Một bộ phận lớp học sinh học lên cấp II có nhiệm vụ trực tiếp tham gia lao động sản xuất và việc chuẩn bị cho học sinh ra đời đã trở thành một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của cấp II. Vì thế nội dung các bộ môn, trong đó có lịch sử phải có tính chất tương đối hoàn chỉnh ở mức độ thích hợp với học sinh về mọi mặt. Thế nhưng về cơ bản, chương trình lại có tính chất “đường thẳng”. Cấp II có tính chất dở dang, hạn chế về mọi mặt mà vốn tri thức của học sinh cấp III lại thiếu vững chắc. Học hết cấp II ra trường, học sinh có những hiểu biết về lịch sử Tổ quốc ở mức độ nhất định nhưng lại thiếu những hiểu biết cần thiết về lịch sử thế giới. Nhận thức khoa học về sự phát triển lịch sử, niềm tin có cơ sở vào sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa cộng sản và sự diệt vong không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản do đó không khỏi bị hạn chế. Chưa nói đến việc học lịch sử thế giới hiện tại một cách bất chợt với số giờ ít ỏi đã gây ra không ít khó khăn cho cả thầy và trò.

Ở cấp III, vì phải dành thời giờ để học sinh học lịch sử thế giới một cách tương đối có hệ thống (hơn ½ số giờ học của chương trình), nên lịch sử Việt Nam chỉ được học từ giữa thế kỷ thứ XIX trở đi. Nhận thức của các em về nội dung cơ bản của lịch sử dân tộc về những đặc điểm và quy luật phát triển của xã hội Việt Nam do đó không khỏi nông cạn, hời hợt so với yêu cầu của cấp III. Mặt khác, hiểu biết về lịch sử thế giới của các em cũng không thể vững chắc do chỗ các em phải học dồn toàn bộ lịch sử thế giới vốn rất phong phú và diễn biến rất phức tạp trong một khuôn khổ thời gian rất có hạn dù rằng số giờ dành cho lịch sử thế giới có nhiều hơn lịch sử dân tộc.

Như đã trình bày ở trên, chương trình năm 1956 không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, sự tước bỏ chương trình cho vừa sức với sức và vừa với quĩ thời gian là một việc làm cần thiết, vấn đề đặt ra là: tước bỏ cái gì? Hay nói cách khác giữ lại cái gì là cần thiết? Giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải giải quyết một loạt mối quan hệ. Trong đó, trước hết là mối quan hệ giữa nội dung dạy học với mục tiêu đào tạo của nhà trường phổ thông, của từng cấp học và mối quan hệ giữa tính khoa học của khoa học tương ứng với môn học ở trường phổ thông. Phải chăng do chưa nghiên cứu nghiêm túc các mối quan hệ trên nên các tác giả của chương trình 1958-1959 đã đưa ra một biện pháp đơn giản: cắt bỏ hoàn toàn nội dung một giai đoạn lịch sử hoặc giảm thời lượng của chương trình mà không giảm thời lượng kiến thức. Cách làm đó đã cho ra đời một chương trình lịch sử què quặt, chắp vá, không đáp ứng được mục tiêu của giáo dục. Tuy rằng những năm tiếp theo, các chương trình đã cố gắng khắc phục tình trạng đó, song chưa sửa đổi được một cách cơ bản.

Nhìn chung, chương trình cấp II, III vừa nặng nề vừa sơ lược nghèo nàn. Nội dung kiến thức đưa vào chương trình chưa được lựa chọn chặt chẽ, chưa tập trung nêu bật vấn đề cơ bản học sinh cần nắm vững. Cũng như chương trình năm 1956, chương trình sau 1958 còn có xu hướng dàn đều, nêu đầy đủ các vấn đề trong các thời kỳ, các giai đoạn phát triển lớn nhỏ của lịch sử theo một khuôn mẫu nhất định nên có sự chồng chất nặng nề về kiến thức. Nhưng mặt khác lại sơ lược nghèo nàn, chưa nói lên được nội dung cơ bản của lịch sử. Nặng nề vì tham cho học sinh nhiều kiến thức nhưng không có cái gì học đến nơi đến chốn lại hóa ra sơ lược, nghèo nàn. Ví dụ, ở lớp 6, trong khuôn khổ thời gian rất có hạn (khoảng 40 tiết học), chương trình cho học toàn bộ quá trình lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX và mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử đều cho học đủ cả mọi mặt tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, cách tổ chức chính quyền quân đội v.v… nên những sự kiện lịch sử hết sức quan trọng và có tác dụng rất mạnh mẽ đối với học sinh (các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hoặc các cuộc khởi nghĩa nông dân trong thời kỳ phong kiến độc lập của nước ta v.v…) chỉ được học một cách sơ sài, ở lớp 7 và lớp 10, chương trình cũng cho học sinh đủ các vấn đề nhưng vẫn chưa nêu được một cách khoa học thích đáng vai trò của Đảng cộng sản, đường lối lãnh đạo, phương pháp cách mạng của Đảng qua những bước ngoặt lịch sử, công lao và sự nghiệp của Hồ chủ tịch, người sáng lập ra Đảng và nhà nước ta. Cố nhiên đây không phải chỉ là vấn đề tăng thêm một vài bài, một số đoạn trong các bài mà phải cấu tạo trình bày sao cho nổi bật vấn đề dựa trên các tài liệu thực tế sống động. Nhưng có lẽ tiêu biểu cho sự nặng nề tham lam và sơ lược nghèo nàn là chương trình lịch sử thế giới ở lớp 6. Trong khoảng 40 tiết học, học sinh phải học toàn bộ lịch sử thế giới từ thời cộng sản nguyên thủy cho đến hết thời kỳ cận đại với khá nhiều sự kiện lịch sử của các nước tiêu biểu cho các thời kỳ, giai đoạn phát triển với rất nhiều tên riêng về người và đất cùng những diễn biến phức tạp (lịch sử Trung Quốc từ thế kỷ thứ II trước công nguyên đến giữa thế kỷ XIX, trải qua các triều đại chỉ được học trong 2 tiết, lịch sử cổ đại Ai cập với các thời kỳ cổ, trung và tân vương quốc học trong 1 tiết).

Mối quan hệ giữa tri thức cụ thể và tri thức khái quát có tính chất thế giới quan về lịch sử, mối quan hệ giữa diễn biến cụ thể của sự kiện với khung cảnh chung… cũng như được giải quyết đúng đắn, thích hợp trong từng vấn đề nội dung của từng lớp. Khi thì tham sự kiện thành ra nhồi nhét nặng nề, khi thì nặng về tóm tắt tình hình và nhận xét khái quát nên hóa ra sơ lược nghèo nàn. Ví dụ: về phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân ta chống thực dân Pháp đô hộ hồi cuối thế kỷ thứ XIX ở lớp 6, chương trình đã cho học nhiều (gần như tất cả) cuộc khởi nghĩa lớn lúc đó nhưng lại thiếu hẳn một sự khái quát thích đáng về phong trào nói chung, dẫn học sinh đến tình trạng “thấy cây mà không thấy rừng”. Nhưng trong từng cuộc khởi nghĩa thì lại thiên về trình bày diễn biến sơ lược và nhận xét chung chung về ý nghĩa và kết quả, buộc học sinh phải học nhiều sự kiện cụ thể một cách trừu tượng khô khan nên dễ lầm lẫn và chán. Ở lớp 9, chương trình đã dành nhiều thời giờ (6 tiết) để học thêm một vài cuộc khởi nghĩa và nhận xét tổng kết chung nhưng phần hoàn cảnh chung trong đó các cuộc khởi nghĩa đã diễn ra lại cho học sinh học rất sơ sài (chỉ giới thiệu chung việc thực dân Pháp xâm lược Campuchia và Lào và chính sách của chúng trong buổi đầu đô hộ Đông Dương trong 1 tiết) nên không đủ cơ sở cần thiết để cắt nghĩa về tính chất, nguyên nhân thất bại và ý nghĩa của phong trào, thỏa mãn yêu cầu nhận thức vấn đề của học sinh.

Chính vì nội dung kiến thức đưa vào chương trình vừa tham lam nặng nề vừa sơ lược nghèo nàn nên tác dụng giáo dục và phát triển của bộ môn đã bị hạn chế rất nhiều. Thế giới quan khoa học, tình cảm đạo đức, phương pháp suy nghĩ cũng như hứng thú học tập của học sinh không thể nảy nở phát triển trên cơ sở nội dung kiến thức như thế. Cho nên có thể nói đây là thiếu sót rất cơ bản của chương trình năm 1956 cũng như các chương trình sửa đổi sau 1958-1959, mức độ yêu cầu, cách cấu tạo và thực hiện chương trình chưa sát hợp với trình độ nhận thức của học sinh các cấp, các lớp.

Giữa chương trình các lớp cấp II và chương trình các lớp cấp III chưa có một sự phân biệt cần thiết về các yêu cầu cung cấp kiến thức xây dựng nhận thức, rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy v.v… Khối lượng kiến thức, mức độ chiều sâu của cách trình bày kiến thức v.v… chưa được qui định rõ ràng trong điều kiện một bộ phận của chương trình được cấu tạo đồng tâm, vô hình chung đã gây ra những sự trùng lặp ảnh hưởng không tốt đến hứng thú và sự phát triển của học sinh trong học tập. Chương trình lớp 7 và lớp 10, về lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, chỉ khác nhau ở chỗ số giờ bố trí cho lớp 10 nhiều hơn, song các vấn đề của nội dung và cách cấu tạo về cơ bản là giống nhau. Sự phân bố nội dung ở các lớp trong từng cấp cũng chưa hợp lý, chưa chú ý thích đáng đến nhu cầu chuyển tiếp củ các lớp đầu cấp và yêu cầu đề cao ở các lớp cuối cấp. Nhìn chung chương trình lớp 5 và 6 quá khó và nặng (trong đó có một phần do nội dung lịch sử trong các giai đoạn xa xưa gây ra) chủ yếu là do cách lựa chọn và sắp xếp nội dung tạo nên. Trong khi đó, chương trình các lớp 7 và 10 lại chưa đáp ứng các yêu cầu nâng cao của lớp cuối cấp.

Những biểu hiện của thiếu sót về mặt sư phạm vừa nêu trên trong thực tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học bộ môn.

Chương trình giáo dục lịch sử ở miền Bắc từ năm 1956 đến trước cải cách giáo dục lần thứ ba (1980) đã để lại các bài học kinh nghiệm quí báu cho thế hệ cán bộ xây dựng chương trình sau này.

 TS. Nguyễn Anh Dũng
Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   |