Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Sự hình thành và phát triển của nền giáo dục đại học dưới thời Pháp thuộc

Hai nhận xét sơ bộ

Một - Về thời gian: Khi nói đến thời Pháp thuộc là nói đến thời gian từ 1874 (khi Pháp áp đặt chế độ thuộc địa ở Nam Bộ nước ta với sự đầu hàng của triều Nguyễn), cho đến 19/8/1945 khi chế độ thực dân Pháp bị nhân dân ta xóa bỏ trên toàn Việt Nam. Còn thời gian từ cuối 1946 khi thực dân Pháp gây hấn và chiếm đóng tạm thời một số vùng nước ta trong khi nhân dân ta có chính quyền, có vùng tự do và đang chiến đấu đánh đuổi thực dân cho đến khi thực dân Pháp bị buộc phải rút về tập kết dưới vĩ tuyến 17 rồi bị đế quốc Mỹ hất cẳng và thay thế (10/1955) thì không nên gọi thời kỳ cuối 1946-1955 đó cũng là thời Pháp thuộc. Tuy nhiên trong thời gian gần 9 năm ấy ở vùng tạm chiếm, thực dân Pháp cũng có làm một số công việc liên quan đến giáo dục đại học nên để có một cái nhìn toàn diện và liên tục, cần nói đến các công việc đó tiếp theo thời kỳ 1874 -1945.

Hai - Về thuật ngữ: “nền giáo dục đại học”, còn gọi là “nền giáo dục cao đẳng”, là tương đương với các thuật ngữ quốc tế “enseignement supérieur” hay “higher education”; còn “trường đại hoc tổng hợp”, “trường đại học quốc gia” hoặc “trường đại học đa lĩnh vực” là tương đương với “university, université”; “trường đại học”, “trường cao đẳng dài hạn” là tương đương với “école supérieure” hay “grande école” (Pháp), “college” (Anh, Mỹ); ”trường cao đẳng ngắn hạn” là tương đương với “junior college” (Anh, Mỹ), “école supérieure” (Pháp).

Bài tham luận này gồm có 2 phần lớn.

I. Phần thứ nhất: Những công việc mà thực dân Pháp đã làm ở Việt Nam (Đông Dương) để xây dựng và phát triển nền giáo dục đại học

Tuy thời gian chế độ thực dân Pháp có mặt ở nước ta là từ 1874 đến 1945 và từ cuối 1946 đến 10/1955, nhưng những việc mà chế độ đó thực hiện ở nước ta về giáo dục đại học chỉ diễn ra trong khoảng nửa đầu thế kỷ 20 và các trường cao đẳng hay đại học đều đặt ở Hà Nội tuy với danh nghĩa là chung cho cả Đông Dương, trừ sau 1947 một số trường ở Hà Nội có tổ chức thêm phân hiệu ở Sài Gòn rồi đến giữa 1955 thì chuyển hết vào đó. Có thể chia những công việc nói trên thành 4 thời kỳ sau đây:

- từ khoảng 1900 đến khoảng 1920: đây là thời gian xuất hiện ở Hà Nội mấy trường được gọi là cao đẳng (nhưng thực chất chỉ là những trường trung cấp chuyên nghiệp) và được đặt dưới một tên gọi chung là Université indochinoise (Đại học Đông Dương).

- từ khoảng 1920 đến 1939: đây là thời gian những trường được gọi là cao đẳng ở Hà Nội từng bước trở thành thực sự là trường cao đẳng (ngắn hạn).

- từ 1939 đến 9/3/1945: đây là thời gian có 2 trường cao đẳng nói trên được nâng lên thành trường đại học, còn các trường khác được tiếp tục cải tiến về chất lượng.

- từ 1947 đến 10/1955: hình thức tổ chức Université ở Hà Nội không còn chỉ là một tên gọi không có thực thể nữa và được đổi tên từ Đại học Đông Dương thành Viện đại học Pháp Việt, mở thêm chi nhánh ở Sài Gòn và cuối cùng (nửa sau 1954) được chuyển tất cả vào Sài Gòn.

1. Thời kỳ 1900-1920

a) Bối cảnh lịch sử

- Sang đầu thế kỷ 20, tuy vẫn phải lo đối phó với những chống trả thường xuyên nhưng cục bộ của nhân dân ta, thực dân Pháp đã có điều kiện chuyển sang lấy trọng tâm là khai thác thuộc địa Đông Dương mà địa bàn chính là Việt Nam. Tính chất của cuộc khai thác này chủ yếu là bóc lột thuế má, nhân công rẻ mạt và vơ vét tài nguyên vật liệu. Cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) mà nước Pháp là một bên tham chiến hàng đầu lại càng thúc ép thực dân ở Đông Dương tăng cường sự bóc lột và vơ vét nói trên để cung cấp cho chính quốc.

- Trong những hoạt động chống trả của nhân dân ta, bên cạnh hình thức vũ trang bạo lực, đã xuất hiện các hình thức chính trị: ảnh hưởng của Nhật Bản lớn mạnh sau cuộc duy tân do vua Minh Trị khởi xướng (1867), ảnh hưởng của cuộc cách mạng dân chủ tư sản Tân Hợi 1911 ở Trung Quốc do Tôn Dật Tiên lãnh đạo, ảnh hưởng của cuộc cách mạng Nga 1917 đã cổ vũ các nhà nho, trí thức và thanh niên nước ta dùng các hình thức công khai, bán công khai và bí mật để lo cứu nước: phong trào Duy Tân ở Trung Bộ (1902-1908), Đông Kinh Nghĩa Thục ở Bắc Bộ (1907), đưa ra yêu sách cải tổ nền giáo dục cũ và phát triển nền giáo dục mới, phong trào Đông du (1905-1907) bí mật đưa học sinh sang Trung Quốc và Nhật Bản để học tập và tìm viện trợ cứu nước.

Hai đặc điểm tình hình trên đây (yêu cầu của thực dân khai thác Đông Dương và phong trào đấu tranh chính trị yêu nước của nhân dân ta) là 2 nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến các chủ trương của thực dân Pháp về xây dựng nền giáo dục đại học ở Việt Nam trong thời gian này.

b) Tình hình nền giáo dục ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20

Thực dân Pháp xóa bỏ nền giáo dục nho giáo đã tồn tại ở Việt Nam trên dưới 1000 năm và từng bước xây dựng để thay thế nó một nền giáo dục mới được gọi là nền “giáo dục Pháp cho người bản xứ” (enseignement franco-indigène mà tiếng Việt ta lúc đó dịch là giáo dục Pháp Việt).

- Sau khi chiếm Nam Bộ (1862-1867), thực dân Pháp đã ngay lập tức xoá bỏ nền giáo dục nho học ở đó (kỳ thi hương cuối cùng ở Nam Bộ là vào năm 1864). Ở Bắc Bộ và Trung Bộ vì theo quy chế “bảo hộ” nên tuy đã chính thức được đặt dưới sự cai trị của thực dân từ 1883 nhưng mãi đến kỳ thi hương 1915 ở Bắc Bộ, 1918 ở Trung Bộ mới là kỳ thi kết thúc nền giáo dục cũ (kỳ thi hội cuối cùng được tổ chức ở kinh đô Huế là vào năm 1919). Chữ nho không được dùng trong giấy tờ công văn ở Nam Bộ từ năm 1878 và ở Bắc Bộ, Trung Bộ từ năm 1932. Văn tự được dùng để thay thế là chữ Pháp (là chính) và chữ quốc ngữ (là phụ).

- Cũng sau khi chiếm Nam Bộ, thực dân đã lập ra trường đào tạo thông ngôn người Việt để phiên dịch tiếng Pháp và năm 1874 một trường trung học phổ thông hoàn toàn theo chương trình trường trung học lúc đó ở Pháp, chủ yếu cho con em người Pháp và một phần nhỏ cho con em người Việt, đó là trường Lycée Chasseloup Laubat ở Sài Gòn (mà địa điểm hiện nay là trường trung học Lê Quý Đôn), trường này đến đầu thế kỷ 20 thì có đủ đến lớp tú tài; năm 1896 lập trường Quốc học Huế (trường Khải Định ngày nay), trường này đến 1937 mới có lớp học sinh đầu tiên thi tú tài; năm 1908 lập trường trung học Bảo hộ ở Hà Nội (trường trung học Chu Văn An hiện nay), trường này đến năm 1927 mới có lớp học sinh thi tú tài; năm 1918, lập ở Hà Nội trường Lycée A.Sarraut như kiểu trường Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn. Ngoài mấy trường nói trên, năm 1905 thực dân nghiên cứu xây dựng mô hình hệ thống giáo dục phổ thông Pháp Việt và đem ra thực hiện từng bước từ 1907, bắt đầu từ các lớp tiểu học (đến năm 1929 cả Việt Nam có 12 trường cao đẳng tiểu học, tức phổ thông cấp 2, với khoảng 2000 học sinh, đến 1930 có 5 trường trung học phổ thông có ban tú tài gồm 3 năm, với khoảng gần 1000 học sinh cho cả 5 trường (tức khoảng 200 học sinh cho cả 5 trường ở năm cuối ban gọi là lớp tú tài toàn phần).

c) Tình hình giáo dục phổ thông đó, kết hợp với bối cảnh lịch sử thời kỳ 1900 -1920 đã nhắc ở trên, giúp chúng ta hiểu những công việc mà thực dân tiến hành để xây dựng nền giáo dục đại học ở Việt Nam những năm đầu của thế kỷ 20.

- Năm 1906,viên Toàn quyền Đông Dương là Beau ra nghị định thành lập ở Hà Nội một trường đại học tổng hợp (université) gồm có các trường Y-Dược, Luật khoa, Văn khoa, Khoa học, Xây dựng dân dụng (génie civil).

Để biến chủ trương đó thành hiện thực, việc đầu tiên (và cũng là duy nhất) được làm là tổ chức tuyển sinh. Nhưng với tình hình giáo dục phổ thông ở Việt Nam như đã nói ở điểm 2 trên đây thì lúc đó không những chưa có học sinh học hết cấp III mà ngay cả học sinh học hết cấp II cũng chưa có, may ra chỉ có học sinh đang học tiểu học vì mới bắt đầu tổ chức nền giáo dục Pháp Việt, lần lượt từ lớp đồng ấu đi lên. Lúc ấy chỉ có những người biết chữ nho, chữ quốc ngữ và một số nào đó biết ít nhiều chữ Pháp (do có học qua các trường thông ngôn) và đây là đối tượng chủ yếu đã được tuyển sinh khoảng 100 người cho trường Université của toàn quyền Beau. Tất nhiên là họ không thể theo học được dù chỉ mới là mấy tháng đầu học bổ túc văn hóa. Và thế là cái trường Université đó chưa ra đời mà đã bị chôn vùi không kèn không trống. Tại sao viên toàn quyền Beau lại có một chủ trương kỳ lạ như vậy?

- Viên toàn quyền Sarraut đã giúp chúng ta trả lời câu hỏi trên đây khi ông ta nói trắng ra ý đồ của ông ta năm 1912 khi làm sống lại ý đồ của Beau năm 1906 muốn thành lập Université ở Hà Nội: “...tôi đã mở …..các trường cao đẳng của trường Đại học Hà Nội cho người Annam để không một người nào trong bọn chúng có quyền nhắc lại những lời nói trên (những lời phê phán Pháp - LVG chú thích) để rồi đi ra khỏi Đông Dương (ý ô. Sarraut muốn nhắc đến phong trào Đông du - LVG chú thích) mà học lấy những bài học về phiến loạn cả” (dẫn trong Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm v.v. “Lịch sử Việt Nam cận đại”, tập III, tr 277, NXB Giáo dục, 1961). Nhưng Sarraut là một chính khách lão luyện ở Pháp và là một tên thực dân cáo già: ông ta chỉ tiếp tục ý đồ chính trị của Beau trong việc sử dụng hình thức Université chứ ông ta không dại dột làm sống lại nội dung nghị định của Beau. Université của Sarraut gồm những trường trung cấp chuyên nghiệp đã có trước đó ở Hà Nội và được ông nâng dần thành các trường cao đẳng, lúc đầu cũng chỉ tuyển sinh trong những đối tượng đã học hết cấp II (được tuyển thẳng) hay tốt nghiệp cấp I và phải qua thi tuyển (từ năm 1912 trở đi các đối tượng nói trên đã có đủ cho một quy mô tuyển sinh nhỏ bé, không đến 200). Cách làm khôn ngoan và thực tế này đã thành công, và năm 1918 đã mở đầu cho một quá trình xây dựng nền giáo dục đại học ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, quá trình này được coi như cơ bản hoàn thành vào khoảng năm 1939-1945 .

- Năm 1918 ô. Sarraut ban hành quy chế về nền giáo dục cao đẳng (tức giáo dục đại học) ở Đông Dương. Theo quy chế đó, năm 1918 ở Đông Dương (cụ thể là ở Hà Nội) có các trường cao đẳng sau đây:

ü trường Y-Dược đào tạo y sĩ và dược sĩ phụ tá (auxiliaire) về sau được gọi là y sĩ Đông Dương. Đây là trường y-dược đã được thành lập từ năm 1902 với tính chất rõ ràng lúc đó là trường sơ và trung cấp, rồi sau được gọi là cao đẳng,

ü trường Thú y đào tạo thú y sĩ phụ tá,

ü trường Pháp chính đào tạo nhân viên phục vụ trong bộ máy cai trị của Pháp,

ü trường Cao đẳng Sư phạm (école supérieure de pédagogie) đào tạo giáo viên ra dạy các trường sư phạm sơ cấp hoặc cao đẳng tiểu học, tức cấp II,

ü trường Nông Lâm đào tạo cán sự (agent) về nông lâm,

ü trường Công chính đào tạo cán sự chuyên môn (agent technique) cho ngành công chính.

Điều kiện tuyển sinh chung cho các trường nói trên là tốt nghịêp cao đẳng tiểu học (tức cấp II). Thời gian đào tạo là từ 2 năm (như trường Pháp chính), 3 năm (như trường Sư phạm…) đến 4 năm (như Y-Dược). Rõ ràng là với điều kiện tuyển sinh, thời gian đào tạo và mục tiêu đào tạo như vậy thì đó thực chất là những trường trung cấp chuyên nghiệp. Càng rõ ràng hơn với những trường như vậy mà chụp chung cho một cái mũ là Université thì tính chất chính trị mị dân là thật lộ liễu. Tuy nhiên phải công nhận đó là một cách làm thực tế phù hợp với điều kịên lúc đó và với yêu cầu mọi mặt của thực dân.

2. Thời kỳ 1920-1939

a) Bối cảnh lịch sử: Đế quốc Pháp thắng trận ra khỏi Thế chiến thứ 1. Thực dân ở Đông Dương tăng cường đàn áp và bóc lột: đây là lần khai thác thứ 2. Tính chất khai thác không khác lần trước nhằm vào thuế má, nhân công rẻ mạt và vơ vét tài nguyên nhưng quy mô, phạm vi và cường độ thì sâu rộng hơn. Rồi vào những năm 1929-1932, thế giới tư bản lâm vào một cuộc đại suy thoái và làm đình trệ tạm thời nền kinh tế, do đó ảnh hưởng đến công cuộc làm ăn của thực dân ở Đông Dương.

Sự chống đối chính trị của nhân dân ta cũng mạnh mẽ và tập trung hơn, chủ yếu có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

b) Hệ thống giáo dục phổ thông gọi là Pháp Việt từng bước được hình thành, gồm 3 cấp: tiểu học (primaire) 6 năm, cao đẳng tiểu học (primaire supérieure) 4 năm, trung học (secondaire) tức ban tú tài 3 năm, nhưng quy mô rất nhỏ bé. Mặt khác dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân ta tiếp tục đưa ra những yêu sách cải cách giáo dục, đòi hỏi có một nền giáo dục có thực chất hơn, quy mô rộng hơn và dân chủ hơn.

c) Trong bối cảnh nói trên, thực dân Pháp đã tiến hành một số biện pháp nhằm làm cho các trường cao đẳng đã được thành lập ở giai đoạn trước tương xứng với tên gọi đó, mở thêm một số trường cao đẳng mới, rồi sau vì suy thoái kinh tế lại phải đóng cửa một số trường. Cụ thể như sau:

- Về chất lượng, đã dùng các biện pháp như nâng điều kiện tuyển sinh (có bằng tú tài thì được nhận thẳng vào học, nếu chỉ có bằng cao đẳng tiểu học thì phải qua thi tuyển); tăng thêm thời gian học lên 1 năm; từ đó nâng cao nội dung chương trình học. Công việc này diễn ra nhanh hay chậm, sâu hay nông là tùy từng trường, trường Y-Dược là trường được thực dân nâng cao chất lượng nhanh và nhiều nhất, sau đó là trường Pháp chính - về sau thành trường Luật (sẽ nói cụ thể hơn ở dưới).

- Về mở thêm trường mới: năm 1922 mở thêm trường Thương mại, nhưng đến 1932 thì lại đóng cửa; năm 1923 mở trường Cao đẳng Văn khoa và trường Khoa học thực hành nhưng ngay năm sau 1924 thì phải bãi bỏ vì không có điều kiện về thầy và cơ sở vật chất, năm 1924 mở trường Cao đẳng Mỹ thuật.

- Về đóng cửa những trường đã có từ trước (không kể mấy trường vừa mở rồi lại bị đóng cửa như đã nói ở điểm trên đây): năm 1934 đóng cửa 3 trường Thú y, Nông lâm, Công chính nhưng đến 1938 mở lại và được nâng cao hơn; năm 1935 đóng cửa hẳn trường Cao đẳng Sư phạm.

3. Thời kỳ 1939-1945

a) Bối cảnh lịch sử: Trong thế chiến lần thứ 2 (1939-1945), ở giai đoạn đầu, Pháp bại trận, phải đầu hàng phát xít Đức (1940) và bị chiếm đóng; ở Đông Dương, phát xít Nhật đánh buộc thực dân Pháp cũng phải đầu hàng (1940) để cho Nhật đem quân vào đóng (1941); sang giai đoạn sau, do Liên Xô và Mỹ tham chiến nên Đức thua (6/1945), Nhật có nguy cơ sắp thua nên ngày 9/3/1945 lật đổ chính quyền thực dân Pháp mà trước đó phát xít Nhật vẫn cho tồn tại để làm tay sai, đưa Trần Trọng Kim làm thủ tướng cho chính quyền bù nhìn Bảo Đại để thay chính quyền Pháp, cuối cùng Nhật cũng phải đầu hàng (9/1945). Sau đó là cuộc Cách mạng tháng 8 của nhân dân ta do Mặt trậnViệt Minh, Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

Từ 1939 đến Cách mạng tháng 8/1945, các cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân ta càng ngày càng mạnh, càng rộng (bên cạnh hình thức đấu tranh vũ trang), chủ yếu dưới sự lãnh đạo của Việt Minh.

Do 2 tình hình nói trên, thực dân Pháp tuy vừa tăng cường đàn áp nhưng cũng phải tăng cường các biện pháp mị dân và mua chuộc đối với thanh niên và trí thức, điều này được thể hiện khá rõ trong giáo dục đại học lúc đó.

b) Hệ thống giáo dục phổ thông Pháp Việt đến giai đoạn này đã được định hình và không có thay đổi gì lớn về quy mô cũng như về chất lượng và đã tạo nguồn tuyển sinh ổn định có chất lượng nhất định (tuy rất nhỏ bé) cho các trường cao đẳng và đại học.

c) Về giáo dục đại học, thực dân Pháp đã thi hành một số chủ trương lớn sau đây:

- Năm 1941, chính thức nâng 2 trường Y-Dược và Luật thành trường đại học theo quy chế faculté thuộc Université như ở Paris bên chính quốc. Như vậy 2 trường này từ chỗ lúc đầu khi được thành lập vào năm 1902 mới có tính chất sơ và trung cấp, rồi được gọi là cao đẳng thì từ 1920 trở đi đã thực sự là cao đẳng, sau đó được từng bước chuẩn bị nâng lên để đến 1941 thì có đầy đủ tính chất đại học theo quy chế của đại học lúc đó của Pháp chứ không phải theo quy chế của giáo dục Pháp Việt do thực dân đặt ra ở Đông Dương. Sở dĩ 2 trường này có một quá trình được liên tục nâng lên đặc biệt như vậy vì ứng đáp 2 yêu cầu quan trọng của việc thực dân cai trị Đông Dương là cần có nhân lực tương đối có chất lượng để chăm sóc sức khỏe cho nhân viên của bộ máy cai trị và có nhân lực pháp chính làm việc trong bộ máy đó.

- Năm 1941, mở trường Cao đẳng Khoa học (chỉ về tự nhiên) với tính chất như đại học khoa học (faculté des sciences) như ở bên Pháp nhưng bước đầu chỉ gọi là cao đẳng vì điều kiện về thầy và phòng thí nghiệm chưa đủ và chưa tổ chức được đủ các chứng chỉ cần thiết và chưa có khả năng đào tạo sau đại học. Việc mở trường này được thực dân tuyên truyền rầm rộ, coi như một sự kiện quan trọng về giáo dục và khoa học ở Đông Dương. Nhưng thực chất việc mở trường này là để có nơi học tập cho những thanh niên Pháp con cái thực dân ở Đông Dương (và nhân thể cho người Việt) có bằng tú tài muốn học tiếp về khoa học thì trước đây phải sang Pháp nay vì chiến tranh đường đi lại bị cắt đứt nên phải có trường ở Hà Nội dù là gượng ép; mặt khác đây là một biện pháp tuyên truyền chính trị, tranh giành ảnh hưởng với Nhật trong thanh niên trí thức Việt Nam (sau khi vào Đông Dương, phát xít Nhật cũng tuyên truyền văn hóa Nhật, cấp học bổng cho một số thanh niên trí thức Việt Nam sang Nhật học tập, nghiên cứu).

- Cũng vì những lí do như trên, từ năm1939, lần đầu tiên ở Đông Dương tổ chức đào tạo kỹ sư nông lâm và kỹ sư công chính ở 2 trường Cao đẳng Nông Lâm và Cao đẳng Công chính (trường trên đào tạo theo hình thức chính quy, trường sau chủ yếu là đào tạo theo hình thức bổ túc chuyên tu để nâng cấp cho nhân viên trong ngành đã có trình độ trung cấp).

- Năm 1941, thành lập một ký túc xá khang trang cho sinh viên Đại học Đông Dương gọi là Cité universitaire (ta lúc đó gọi là Học xá Đông Dương) mà địa điểm và nhà cửa sau này được dùng làm cơ sở đầu tiên cho trường Đại học Bách khoa năm 1956. Việc thành lập Học xá này cũng nằm trong các biện pháp để thực dân muốn tách sinh viên Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng của Nhật.

4. Thời kỳ từ cuối 1946 đến 10/1955

Đây là thời kỳ kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, cũng là thời kỳ thực dân Pháp tạm chiếm một số vùng nước ta (chủ yếu là các thành phố lớn). Các trường đại học ở Hà Nội một phần (đại bộ phận sinh viên và cán bộ, nhân viên Việt Nam) sơ tán theo kháng chiến; phần còn lại ở Hà Nội, vì tình hình chiến sự nên đến 1947 mới dạy và học lại. Do tình hình chính trị của thời kỳ đó nên thực dân Pháp bỏ tên gọi Đại học Đông Dương, khai giảng lại các trường Y-Dược,Luật và Khoa học và mở chi nhánh của 3 trường đó ở Sài Gòn. Năm 1950, sau khi thực dân lập lại chính quyền bù nhìn Bảo Đại, Pháp hợp 3 trường Y-Dược, Luật và Khoa học thành Viện đại học hỗn hợp Việt Pháp (Université mixte franco-vietnamienne) do một viện trưởng người Pháp đứng đầu, có một viện phó là người Việt, với 2 trung tâm, một ở Hà Nội, một ở Sài Gòn; mở thêm ở Hà Nội các trường Đại học Văn khoa, Cao đẳng Sư phạm, ở Sài Gòn các trường Cao đẳng Công chính, Vô tuyến điện giao cho chính quyền Bảo Đại quản lý. Đến 10/1954, các trường ở Hà Nội (đại bộ phận nhân viên, một phần nhỏ sinh viên, phần lớn thiết bị và tài liệu) được di chuyển vào Sài Gòn và hợp nhất với trung tâm đại học đã có ở đó, giao cho chính quyền Bảo Đại quản lý thành Viện đại học Sài Gòn (Université de Saigon).

Và đến đây kết thúc những trang sử nền giáo dục nói chung và đại học nói riêng do Pháp xây dựng ở Việt Nam.

II. Phần thứ hai: Mục đích và ý đồ của thực dân Pháp khi xây dựng nền giáo dục đại học ở ViệtNam. Tính chất và tác dụng của nền giáo dục đó.

1. Khi xây dựng nền giáo dục Pháp Việt nói chung và nền giáo dục đại học nói riêng, thực dân Pháp có những mục đích sau đây:

a) thay thế để xóa bỏ nền giáo dục chữ nho mà thực dân cho là không những không có ích gì cho việc thực dân cai trị nước ta mà còn là nơi đào tạo những nhà nho có lý tưởng “trung quân, ái quốc” tức là có tư tưởng chống Pháp và thường chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc

b) đào tạo một số lượng cần thiết nhân viên sơ và trung cấp để phục vụ đắc lực trong bộ máy cai trị và khai thác (kể cả đàn áp) của thực dân (nhân viên cao cấp trong bộ máy đó đều là hay tuyệt đại bộ phận phải là người Pháp), đồng thời cũng đào tạo số ít trí thức có trình độ đại học để hỗ trợ cho các nhân viên cao cấp người Pháp trong một số công việc (nhất là về y tế, về hành chính, về giáo dục trung học…)

c) thông qua hệ thống giáo dục đó, tuyên truyền và nhào nặn tư tưởng phục Pháp, sợ Pháp và biết ơn công “khai hóa” của “nhà nước bảo hộ” là chế độ thực dân Pháp.

d) xoa dịu những đòi hỏi của nhân ta phải cải cách và phát triển giáo dục, mua chuộc thanh niên trí thức Việt Nam.

e) ngăn chặn (và tranh giành) ảnh hưởng của các nước khác đến nước ta (Trung Quốc, Nhật, Liên Xô..)

Các mục đích trên đây, cái nào là chính, cái nào là phụ còn tùy vào tình hình cụ thể ở từng giai đoạn lịch sử, nhưng tất cả đều luôn luôn có mặt và 2 mục đích b và c thường là chủ đạo.

2. Tính chất cúa nền giáo dục đại học dưới thời Pháp thuộc

a) Nền giáo dục đại học do thực dân xây dựng ở Việt Nam đại thể là mô phỏng hệ thống giáo dục đại học lúc đó ở nước Pháp nhưng được thực dân cắt xén và có phần bóp méo cho phù hợp với mục đích đã nói ở trên của thực dân, nhất là trong những năm trước 1920, còn sau đó khi nâng dần chất lượng lên thì cũng hướng theo mô hình ở Pháp. Điều đó cũng dễ hiểu vì thực dân không thể “sáng tạo” hay bắt chước một mô hình nào khác.

b) Nền giáo dục đó có quy mô rất nhỏ bé: không kể vài trường “chết yểu”, mở ra không được một năm rồi đóng cửa ngay (như trường Khoa học thực hành, mở 1923, đóng 1924…) hay hoàn toàn chỉ có trên giấy (như trường génie civil…trong nghị định của ông Beau năm 1906..), hay chỉ tồn tại một thời gian (như trường Thương mại 1922-1932, trường Cao đẳng Sư phạm 1918-1935) thì cái gọi là Đại học Đông Dương vào lúc phát triển cao nhất (1940-1945) gồm có 7 trường là Y-Dược, Luật, Khoa học, Mỹ thuật, Nông Lâm, Thú y, Công chính cho toàn Đông Dương và đặt ở Hà Nội, tổng số sinh viên cho cả 7 trường lúc đông nhất không quá 1000. Đáng chú ý là về khoa học xã hội hay nhân văn chỉ có trường Luật và ban Văn trong trường Cao đẳng Sư phạm và cũng chủ yếu học về luật và văn học nước Pháp, không có trường hay khoa về công nghiệp nặng hay nhẹ.

c) Tên gọi Đại học Đông Dương là tên chung để nói đến tập hợp các trường cao đẳng và đại học có ở Hà Nội, chứ không phải là một thực thể về tổ chức như các đại học (Université) có ở Pháp hay ở trên thế giới từ trước tới nay; lúc đầu (1906-1918) tên gọi đó chỉ là một thủ đoạn chính trị mị dân nhưng không đánh lừa được ai cả ngay lúc đó. Cho đến 1945, các trường cao đẳng và đại học ở Hà Nội đều đặt dưới sự quản lý của Tổng nha Học chính Đông Dương, trừ 2 trường Nông Lâm, Thú y thuộc Tổng nha Nông Lâm và trường Công chính thuộc Tổng nha Công chính (tên tiếng Pháp của các Tổng nha nói trên là Direction générale hoặc Inspection générale, trông coi công việc của toàn Đông Dương giúp việc viên Toàn quyền). Từ 1947 đến 1955, không còn tên gọi Đại học Đông Dương, thay vào đó là Viện Đại học Pháp Việt, một tên gọi có thực thể tổ chức như các université trên thế giới.

d) Về chất lượng, các trường nói trên, so với các trường tương ứng ở Pháp lúc đó thì thấp hơn về các mặt đội ngũ giảng dạy và về cơ sở vật chất nhưng về chất lượng tuyển sinh thì tương đương do các sinh viên Việt Nam đều phải trải qua các kỳ thi tuyển và sàng lọc khắt khe và nói chung đều rất chăm học (tiếng lóng trong sinh viên gọi là học gạo). Phương pháp giảng dạy không có gì đặc biệt, phần lớn cũng là “thầy đọc, trò chép”. Tuyệt đại bộ phận thầy giáo là người Pháp; ở trường Cao đẳng Khoa học đa số có học vị agrégé tức là học vị cao nhất để dạy trung học (học vị này là riêng có của Pháp, hồi đó tiếng Việt dịch là thạc sĩ, nhưng không giống học vị thạc sĩ tức master của ta hiện nay). Số thầy giáo có học vị tiến sĩ rất ít. Có một số nhỏ làm nghiên cứu khoa học, chủ yếu thuộc các lĩnh vực điều tra khảo sát như phân loại động vật, thực vật, thổ nhưỡng, khí hậu, y học… Một số người Việt làm trợ lý, trợ giảng hoặc thỉnh giảng; trong các năm 1940-1945, có một người Việt duy nhất được công nhận là tương đương “phó giáo sư” đó là BS Hồ Đắc Di.

e) Việc xây dựng và phát triển nền giáo dục Pháp Việt nói chung và nền giáo dục đại học nói riêng ở Việt Nam thay thế cho nền giáo dục nho học cũ là một cuộc cải cách giáo dục lớn trong lịch sử giáo dục nước ta, thay thế một nền giáo dục đến lúc đó đã trở thành rất lạc hậu bằng một nền giáo dục “hai mặt”, vừa tích cực, tiến bộ, vừa tiêu cực, phản động. Tích cực tiến bộ vì một phần quan trọng trong nội dung của nền giáo dục đó là các kiến thức khoa học và công nghệ hiện đại; tư tưởng dân chủ tư sản (tiến bộ hơn rất nhiều so với tư tưởng phong kiến) quán triệt trong nền giáo dục lúc đó ở nước Pháp cũng gián tiếp được truyền bá vào Việt Nam trong nền giáo dục Pháp Việt dù rằng thực dân không muốn. Tiêu cực và phản động vì nền giáo dục đó phải quán triệt các mục đích đã nói ở trên của thực dân nhằm nô dịch và bóc lột nước ta.

3.Tác dụng của nền giáo dục đó đối với thực dân và đối với Việt Nam

a) Tác dụng đối với thực dân

Tất cả các mục đích đã nói ở trên của thực dân đều đạt được, ít hay nhiều tùy từng trường hợp: 2 mục đích thay thế để xóa bỏ nền giáo dục nho học và đào tạo đủ nhân lực để phục vụ trong bộ máy cai trị và khai thác của thực dân về cơ bản là đạt được; các mục đích có tính chất tư tưởng chính trị như trung thành với chế độ thực dân v.v. thì đạt được một phần, nhưng không rộng, nhất là không sâu, không vững chắc (trừ một số trường hợp); hễ có điều kiện là lòng yêu nước ăn sâu trong tâm hồn nhân dân Việt Nam nói chung và nhất là thanh niên và trí thức nói riêng, lại bùng lên. Ba đợt phong trào yêu nước rầm rộ trong học sinh và sinh viên đấu tranh công khai chống thực dân (đợt đòi thả nhà chí sĩ Phan Bội Châu (1925) và để tang nhà chí sĩ Phan Chu Trinh (1926), đợt tham gia cuộc vận động biểu tình (1936-1938) về Đông Dương đại hội do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, đợt đấu tranh chính trị (1940-1945) do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo, không kể các phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên sau này trong vùng tạm chiếm) là những minh chứng rõ rệt. Minh chứng rõ rệt nữa là đại bộ phận sinh viên và thầy giáo già và trẻ của các trường cao đẳng và đại học Hà Nội đều tham gia kháng chiến chống Pháp. Có 3 nhà trí thức cách mạng lớn vốn là những sinh viên xuất sắc của các trường nói trên: Nguyễn Khánh Toàn cựu sinh viên Cao đẳng Sư phạm, Trường Chinh cựu sinh viên Cao đẳng Thương mại,Võ Nguyên Giáp cựu sinh viên Đại học Luật. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước khi đang là sinh viên Y khoa (1941-45) đã sáng tác một loạt bài hát yêu nước được hưởng ứng rộng rãi trong sinh viên và học sinh.

b)Tác dụng đối với Việt Nam

- Mặt tiêu cực: những gì coi là đạt được đối với thực dân thì là tiêu cực đối với Việt Nam,

- Mặt tích cực: tất nhiên đây là những tác dụng ngoài ý muốn của thực dân. Kết quả khách quan ngoài ý muốn đó là đã hình thành ra một tầng lớp trí thức khác thời phong kiến là nắm được ở trình độ đại học các kiến thức và kỹ năng về khoa học và kỹ thuật (y dược, nông lâm, thú y, xây dựng) lúc đó là để phục vụ trong bộ máy cai trị của thực dân (đây là trong ý đồ của thực dân) nhưng sau cách mạng tháng 8/1945 đại bộ phận trở thành lực lượng cốt cán có trình độ văn hóa, có chuyên môn trong bộ máy của nhà nước ta, kể cả trong quân đội ta lúc đó, nhất là trong các binh chủng kỹ thuật (số trí thức đi học ở Pháp về rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay nhưng có vai trò đầu đàn trong đội ngũ trí thức đầu tiên nhỏ bé của nước ta).

Song song với kết quả nói trên, nền giáo dục đại học dưới thời Pháp thuộc đã tạo ra một cơ sở, tuy rất nhỏ bé và rất khiêm tốn nhưng rất cần thiết cho những năm đầu nhân dân ta xây dựng nền giáo dục đại học độc lập của mình (nhất là trong cảnh nước ta bị bao vây, chưa có tiếp xúc với bên ngoài): đội ngũ giảng dạy, một vài giảng đường và phòng thí nghiệm, các kinh nghiệm cần thiết ban đầu về tổ chức giảng dạy học tập ở bậc cao đẳng và đại học.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tài liệu chính được tham khảo để viết phần thứ nhất trong tham luận này là hồ sơ lưu trữ của Nha Học chính Đông Dương do Bộ Quốc gia giáo dục (Vụ Đại học) tiếp quản (năm 1955,Vụ Đại học đã phân tích và tổng hợp hồ sơ này và đã công bố tóm tắt trong cuốn “Lịch sử đại học và trung học chuyên nghiệp Việt Nam”, tập I, Viện Đại học xuất bản 1985).
  2. Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm …- “Lịch sử cận đại Việt Nam”, tập III, NXB Giáo dục 1961.
  3. Nguyễn Q.Thắng - “Khoa cử và giáo dục Việt Nam”, NXB Văn hoá thông tin 1994.
  4. Các bài báo của các tác giả Dương Trung Quốc, Phạm Hồng Tung, Đặng Mộng Lân, Vũ Dương Ninh đăng trên các báo/tạp chí “Tiền Phong Chủ nhật”, “Khoa học và Tổ quốc”, “Xưa và Nay”, “Việt Nam Net” trong năm 2006, trao đổi về vấn đề Đại học Đông Dương.
  5. 5. Có một số chi tiết về năm, tháng hơi khác nhau giữa các tài liệu nói trên; trong trường hợp đó, bản tham luận này tạm thời theo tài liệu ghi ở điểm 1; những sự khác nhau nhỏ đó không ảnh hưởng gì đến các phân tích và nhận xét của bản tham luận này.

 Lê Văn Giạng - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   |