Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Quan hệ hợp tác du lịch Việt Nam – ASEAN
Trong lịch sử quan hệ quốc tế của Việt Nam, quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia Đông Nam Á luôn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi là các quốc gia Đông Nam Á cận kề Việt Nam, có sự tương đồng về văn hoá, lịch sử và những điều kiện tự nhiên, kinh tế, nếu quan hệ tốt đẹp, láng giềng hữu nghị sẽ tạo thuận lợi cho quá trình phát triển của nhau và ngược lại.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm trong quan hệ khu vực đó, cho đến nay, Việt Nam là một thành viên tích cực, có vai trò rất quan trọng trong các hoạt động quốc tế. Kể từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời năm 1967, trải bốn thập kỷ quan hệ Việt Nam với các nước trong ASEAN cũng qua thăng trầm lịch sử, cần nhìn lại theo quan điểm lịch sử cụ thể.

Khi ASEAN được thành lập, Việt Nam đang trong giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc với sự giúp đỡ có hiệu quả của cả hệ thống Xã hội chủ nghĩa mà quan trọng nhất là Liên Xô (cũ) và Trung Quốc. Hệ thống này đối đầu với hệ thống Tư bản chủ nghĩa thế giới cùng diễn tiến của “chiến tranh lạnh”. Trong khi đó Đông Nam Á đang có các chế độ chính trị khác nhau. Thái Lan, Philippin là những đồng minh thân cận của Mỹ trở thành đối đầu với Việt Nam trong việc đưa quân vào tham chiến ở Miền Nam Việt Nam. Các nước như Inđônêxia, Malaixia, Singapore cũng có thái độ không thật thiện chí với Việt Nam vì những mối quan hệ với Mỹ. Vì vậy, trong những năm 1967-1972, Việt Nam không có quan hệ với ASEAN cũng như rất hạn chế các quan hệ với từng thành viên của ASEAN. Với tuyên bố về việc thành lập khu vực hoà bình, tự do, trung lập ở Đông Nam Á (ZOPFAN) năm 1971, thái độ của các nước ASEAN với Việt Nam bắt đầu có thay đổi. Và sau khi Mỹ và Việt Nam ký Hiệp định Paris năm 1973, Philippin và Thái Lan vừa rút hết quân khỏi Việt Nam, vừa thoả thuận hạn chế Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự ở Thái Lan chống các nước Đông Dương. Điều đó đã dẫn đến chiều hướng tích cực trong quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và các nước trong ASEAN như quan hệ ngoại giao với Malaixia, Singapore được thiết lập (Inđônêxia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ trước). Sau khi Việt Nam giành thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước – 1975 và có chính sách 4 điểm thể hiện các nguyên tắc cơ bản cho việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước Đông Nam Á, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trong ASEAN đã thay đổi bằng việc thiết lập quan hệ với tất cả các nước này. Nhưng cái gọi là “vấn đề Campuchia” liên quan đến việcViệt Nam đưa quân vào Campuchia chống chế độ Khơme đỏ năm 1979 đã đẩy quan hệ Việt Nam với các nước ASEAN thành đối đầu căng thẳng trong những năm sau đó.

Đương nhiên, với những thăng trầm lịch sử quan hệ quốc tế đó, giữa Việt Nam và các nước ASEAN không thể có trao đổi kinh tế, văn hoá nào đáng kể, càng không thể có các thoả thuận hợp tác song phương quan trọng và cơ bản. Cơ hội cho các hợp tác kinh tế – văn hoá chưa được mở ra là một thực tế lịch sử lúc đó.

Hiệp định hoà bình về Campuchia (10/1991) đã mở rộng cơ hội cho sự phát triển quan hệ và hợp tác giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Điều đó có lợi cho cả các bên song trước hết là cho Việt Nam đang trong thời kỳ đầu của đổi mới và mở cửa sau giai đoạn khủng hoảng sâu sắc. Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ VI và VII khẳng định đường lối đối ngoại rộng mở và tích cực với các nước Đông Nam Á “Phát triển quan hệ hữu nghị với các nước Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương, phát triển cho một Đông Nam Á hoà bình, hữu nghị và hợp tác” (1). Khi Việt Nam (cùng với Lào) tham gia hiệp ước Ba Li- năm 1992 và trở thành quan sát viên của ASEAN, cũng có nghĩa là sự phát triển của quan hệ quốc tế đạt tới tầm cao mới, chuẩn bị cho việc Việt Nam sớm trở thành thành viên ASEAN. Cũng từ quan hệ được rộng mở đó, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và ASEAN tăng lên nhanh. Thương mại giữa Việt Nam và ASEAN từ 107 triệu USD năm 1985 tăng lên 1,73 tỷ USD năm 1992. Đầu tư của 6 nước ASEAN cho đến 1994 đã đạt tới 2113,4 triệu USD. (2)

Sự kiện lịch sử ngày 28/7/1995 – Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho quá trình hợp tác giữa Việt Nam với toàn khối ASEAN và với mỗi thành viên ASEAN.

Các thoả thuận hợp tác song phương và đa phương trong thương mại, đầu tư, trong giáo dục và trao đổi văn hoá tăng nhanh cùng với sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ ngoại giao. Việt Nam mở cửa và được các nước ASEAN đồng thuận ủng hộ.

Từ năm 1995 đến nay, ASEAN có dự án đầu tư và hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực vào Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam với vị thế thành viên đã tăng cường quá trình hợp tác đó. Sau 12 năm là thành viên ASEAN, quan hệ và hợp tác Việt Nam – ASEAN đã có thay đổi cả về chất lượng và đa dạng về loại hình, vốn và những hỗ trợ to lớn định kỳ và đột xuất. Chỉ riêng trong các dự án đầu tư, các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam nhiều tỷ USD và còn tăng trưởng trong các dự án đang được xây dựng, điều chỉnh. Điều đó minh chứng cho tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Thương mại Nguyễn Mạnh Cầm tại lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại thủ đô Brunei: “Việc Việt Nam gia nhập ASEAN sẽ tạo thuận lợi để mở rộng hơn nữa hợp tác với mọi nước gần xa. Với tư cách là một thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ và trách nhiệm của một nước thành viên theo đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc và các quy định đã được ghi rõ trong các văn kiện cơ bản của Hiệp hội, bao gồm cả việc tham gia AFTA ”(3)

Hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các nước ASEAN từ 1967 đến 1995 có thể xem là rất mờ nhạt, không gắn kết và không hiệu quả. Dù có trao đổi các đoàn khách, các chuyến thăm nhưng không có văn kiện hợp tác du lịch nào được ký kết và các đối tác Việt Nam với ASEAN không thể gặp gỡ để tiến tới thực hiện mở tour, nối tour, tìm kiếm thị trường và cơ hội kinh doanh du lịch. Khi du lịch ở Thái Lan, Singapore, Malaixia, Inđônêxia, phát triển rất nhanh chóng, hiệu quả thì du lịch Việt Nam cầm chừng, gián đoạn và có lúc teo tóp lại. Tài nguyên và tiềm năng du lịch khác bị lãng quên và không được khai thác sử dụng.

Nhưng trong tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Bangkok (Thái Lan) ngày 14- 15 tháng 12 năm 1995 khẳng định 8 lĩnh vực hợp tác kinh tế, trong đó có du lịch. Tiếp theo, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ngày 15/12/1997 tại Kualar Lumpur (Malaixia) hợp tác du lịch lại tiếp tục được khẳng định. Tuyên bố Hà Nội (Việt Nam ngày 16/12/1998 – Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 6) đã xác định hợp tác du lịch là một nội dung quan trọng trong hợp tác phát triển của các quốc gia ASEAN. Quá trình thúc đẩy hợp tác trong du lịch đều được thể hiện ở các tuyên bố, hiệp định của các lãnh đạo nhà nước trong ASEAN như “Kế hoạch hành động Hà Nội 2000”, tuyên bố Hà Nội ngày 23/7/2001.

Cụ thể hơn, trong gần 12 năm qua, hợp tác về du lịch đã được tăng cường và hiệu quả ngày càng cao. Tất cả 9 nước thành viên của ASEAN đều đã có các văn bản hợp tác song phương và đa phương với du lịch Việt Nam. Các chương trình hợp tác du lịch với Lào, Campuchia và Thái Lan đã làm tiền đề cho hợp tác với các nước thành viên ASEAN còn lại. Các lĩnh vực chủ yếu của hợp tác du lịch là trao đổi các đoàn khách, đào tạo nhân lực du lịch, những thoả thuận về an ninh cho khách, khuyến khích đầu tư du lịch, trao đổi thông tin, xúc tiến du lịch…

Tổng cục du lịch Việt Nam và các Tổng cục du lịch, cơ quan quản lý quốc gia về du lịch, Bộ du lịch, Bộ văn hoá và du lịch… của các nước ASEAN đã có các cuộc gặp gỡ, đàm phán và ra các tuyên bố chung về du lịch. Nội dung hợp tác, thoả thuận quan trọng nhất trong du lịch giữa các quốc gia ASEAN là bảo đảm an ninh và an toàn du lịch. Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng du lịch ASEAN ngày 24/1/2003 tại Phnômpênh (Campuchia) đã bao quát và khẳng định các yêu cầu an ninh, an toàn trong các hoạt động hợp tác du lịch, trao đổi thông tin, tạo thuận lợi và bảo vệ khách du lịch của ASEAN. Tuyên bố này là sự phát triển của các tuyên bố Banda Seri Begawan (Brunei) ngày 5/12/2001 và tuyên bố Manila (Philippin) ngày 9/12/2002.

Một trong những mốc quan trọng đánh dấu sự hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam với các nước ASEAN là việc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội du lịch ASEAN (ASEANTA) và ngày càng có đóng góp to lớn vào quá trình hợp tác du lịch ở Đông Nam Á. Cũng từ đó Việt Nam lần lượt có sự thoả thuận với từng nước và ký kết các hiệp định miễn thị thực cho khách du lịch là công dân các nước Việt Nam với các quốc gia đó. Cho tới năm 2005, Việt Nam đã có ký kết miễn thị thực với 6 nước của ASEAN là Inđônêxia, Philippin, Thái Lan, Malaixia, Singapore, Lào. Tiếp đó tháng 8/2006, Việt Nam đã ký kết miễn thị thực có đi có lại với 9 nước của ASEAN (trừ Myanmar). Quá trình hợp tác đó đã “góp phần rất quan trọng tăng cường luồng khách từ các nước thành viên đi du lịch Việt Nam ” (4)

Cục du lịch Singapore cũng là quốc gia ASEAN đầu tiên được cấp phép đặt văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 11/2003. Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam – Singapore đã dẫn đến sự ra đời của Uỷ ban hợp tác du lịch Việt Nam – Singapore (SVTC) góp phần vào sự phát triển du lịch hai nước và góp phần vào việc hình thành các mục tiêu chung của quá trình kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và Singapore. Tiếp theo là việc hợp tác du lịch với Thái Lan. Thái Lan đã giúp Việt Nam đào tạo nhân lực thường xuyên và chia sẻ kinh nghiệm du lịch với Việt Nam trong Uỷ ban hợp tác du lịch Việt Nam – Thái Lan (TVTC). Các quốc gia ASEAN khác cũng đang trong quá trình xúc tiến mở rộng hợp tác du lịch.

Trong khuôn khổ hợp tác đa phương trong ASEAN, du lịch Việt Nam đã có một quá trình hơn 10 năm tham gia cùng các bộ ngành vào hoạt động đàm phán để có được những kết quả phân ngành hợp tác rất cụ thể và hiệu quả. Từ tháng 6/2004, Việt Nam đã cho phép đối tác ASEAN được liên doanh đầu tư về khách sạn, khu nghỉ du lịch tổng hợp. Việt Nam cũng cho các đối tác ASEAN được tham gia vào 3 phân ngành là xếp chỗ ở khách sạn, phục vụ ăn trong nhà hàng, phục vụ uống không có chương trình giải trí. Với việc hợp tác đó, Việt Nam đã học hỏi khá thành công những kinh nghiệm về dịch vụ du lịch từ ASEAN. Trong tương lai rất gần, hợp tác du lịch Việt Nam – ASEAN sẽ được mở rộng cửa cho hầu hết các phân ngành, tiến tới tự do hoá các phân ngành và xoá bỏ dần các hạn chế để hướng tới xây dựng khu vực tự do ASEAN vào năm 2010.

Quá trình hợp tác chuyên ngành du lịch của Việt Nam với ASEAN chỉ được thực hiện từ khi Việt Nam là thành viên Hiệp hội du lịch ASEAN. Từ đó, các diễn đàn du lịch, các kỳ họp thường niên cấp Bộ trưởng du lịch hay cơ quan du lịch quốc gia, Việt Nam đã có đóng góp và sáng kiến vào quá trình hợp tác. Đặc biệt là trong các phiên họp của nhóm công tác du lịch ASEAN như: xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư du lịch, thông tin du lịch, phát triển nguồn nhân lực, công tác hội nhập du lịch, công tác tiêu chuẩn nghề du lịch… Việt Nam đã có các sáng kiến cụ thể.

“Với sáng kiến của Việt Nam, phiên họp Bộ trưởng du lịch ASEAN + 3 (gồm ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) đã được tổ chức gắn với diễn đàn ATF thường niên. Hiện nay Việt Nam đang là đồng chủ tịch của nhóm công tác thông tin du lịch ASEAN. ” (5).

Tuyên bố Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 9/8/2003 đã hiện thực hoá hợp tác du lịch ASEAN + 3 mà Việt Nam có vai trò rất đặc biệt.

Trong quá trình hợp tác đa phương về du lịch với khuôn khổ các nước ASEAN, hướng tới việc ASEAN thành 1 điểm du lịch chung để phát triển du lịch bền vững, Việt Nam đã đóng góp tích cực nhất vào 6 nội dung hợp tác có tính chất chiến lược của du lịch ASEAN. Việt Nam không chỉ đề ra ý kiến hợp tác ASEAN + 3 mà đã hành động để hợp tác này rộng mở. Nhờ đó thị trường khách của ASEAN, trong đó có Việt Nam đã hướng tới được các quốc gia này cả về mục tiêu và tiềm năng. Nguồn vốn đầu tư từ 3 nước này vào ASEAN trong lĩnh vực du lịch cũng tăng lên nhanh chóng. Sự hỗ trợ của 3 nước có vị trí kinh tế đặc biệt quan trọng này ở Châu Á và thế giới trong du lịch đã góp phần thúc đầy du lịch ASEAN.

Việt Nam cũng là nước chủ động đề xuất hợp tác xây dựng các chương trình du lịch giữa ASEAN với EU, Ấn Độ, Úc và triển vọng là khả quan.

Trong 2 năm 2006 và 6 tháng đầu 2007 vừa qua, hợp tác du lịch Việt Nam với các nước ASEAN trong việc xây dựng, phát triển chương trình du lịch bằng đường bộ, trên phương tiện là ô tô đi xuyên qua các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam (Caravan tour) có tay lái nghịch so với nước đến đã được thực hiện thành công, mở ra xu thế phát triển mạnh cho du lịch xuyên Á.

Chỉ riêng trong 2006 và đầu 2007, từ tuyên bố Hội An (VN) ngày 7/11/2006 của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh APEC hợp tác du lịch Việt Nam với ASEAN đã thuận lợi và phát triển mạnh hơn.

Mở cửa, đổi mới để phát triển, Việt Nam là thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, chỉ riêng trong đầu tư du lịch, 31% trong gần 6 tỷ USD đầu tư từ các nước ASEAN là một con số có ý nghĩa cùng với viện trợ không hoàn lại thông qua quá chương trình đào tạo nhân lực. Từ 1995 đến nay đã có gần 2000 cán bộ du lịch được đào tạo từ nguồn viện trợ này của ASEAN.

Hợp tác du lịch Việt Nam – ASEAN, hợp tác với các nước trong ASEAN đã giúp du lịch Việt Nam chia sẻ và hỏi đáp kinh nghiệm về quản lý, tổ chức kinh doanh du lịch, khai thác tài nguyên, đào tạo nhân lực, xúc tiến du lịch… cũng như thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy và nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút khách, làm tăng xuất khẩu tại chỗ các dịch vụ du lịch. Cho đến nay, ASEAN vẫn là một trong 3 thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam.

Nhìn lại quan hệ và hợp tác Việt Nam – ASEAN có thể thấy sự phát triển của quan hệ chính trị – ngoại giao giữa Việt Nam với các nước, từ khi Việt Nam là thành viên ASEAN, Việt Nam đã có đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của ASEAN. Đồng thời, Việt Nam cũng thu hút được sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả nhiều mặt của ASEAN. Sự phát triển của du lịch Việt Nam gắn liền với quá trình hợp tác quốc tế mà hợp tác với các nước trong ASEAN luôn luôn có tầm quan trọng chiến lược.

Dù có những thành công, nhưng du lịch Việt Nam trong hợp tác với ASEAN còn nhiều bất cập, có thể thấy rõ nhất là đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ cũng như kinh nghiệm hợp tác quốc tế còn khá ít ỏi. Điều đó hạn chế nhiều đến năng lực hợp tác du lịch của Việt Nam cả hiện tại và tương lai. Điều đó cũng cho thấy quá trình chuẩn bị hội nhập quốc tế của Việt Nam có bất cập. Một hạn chế khác là kinh phí rất hạn hẹp, đôi khi làm “bó tay” các nỗ lực hợp tác vì chủ yếu là dựa vào kinh phí viện trợ của các đối tác, kể cả trong đào tạo nhân lực du lịch cũng như trong xúc tiến du lịch và nhiều chương trình khác.

Hướng tới quá trình hội nhập sâu rộng hơn, vươn lên trong quá trình phát triển kinh tế xã hội nói chung phát triển du lịch nói riêng, Việt Nam cần phải tự điều chỉnh các quy định pháp lý cho phù hợp với thông lệ quốc tế, với ASEAN. Mặt khác tranh thủ tối đa các nguồn vốn đầu tư, viện trợ, kinh nghiệm quốc tế và thực hiện có hiệu quả. Việt Nam cũng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình hợp tác của các đối tác, tranh thủ kinh nghiệm nhiều mặt của họ.

Những thành công và hạn chế của quá trình hợp tác du lịch giữa Việt Nam với các nước ASEAN cho thấy: Một mặt là hợp tác du lịch chỉ có thể triển khai có hiệu quả khi có đồng thuận hợp tác chung giữa các nước ASEAN, có sự chỉ đạo của chính phủ các nước này. Sự đồng thuận giữa các quốc gia, bầu không khí hiểu biết, chia sẻ, giúp đỡ trong quan hệ ASEAN sẽ là nền tảng quan trọng nhất cho hợp tác du lịch. Bởi lẽ, bản thân du lịch phát triển phải trên cơ sở sự phát triển, hợp tác với rất nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá. Sự liên kết, hỗ trợ giữa các ngành liên quan là một trong những bảo đảm cho thành công của quá trình hợp tác có hiệu qủa cao. Mặt khác, du lịch Việt Nam cần phải tham gia đầy đủ các chương trình chung, hoàn thành nghĩa vụ của một thành viên trong khuôn khổ hợp tác khu vực sâu rộng nhất và cả hợp tác song phương với mỗi thành viên ASEAN. Việc đứng ra đảm nhận vai trò tổ chức các diễn đàn, các hội nghị du lịch ASEAN sẽ là cần thiết để Việt Nam có thể thêm kinh nghiệm, uy tín, vị thế trong hoạt động du lịch.

Hướng tới hợp tác và hội nhập trong du lịch, Việt Nam cũng cần nghiên cứu, nhanh chóng cải tiến, đơn giản hoá các thủ tục qua lại cho khách du lịch như thị thực, thủ tục hải quan, thuế quan, phương thức vận chuyển, đầu tư du lịch. Những cải tiến cụ thể đó sẽ là đảm bảo cho du lịch phát triển, cho hợp tác du lịch ổn định và lâu dài. Đó cũng là đòi hỏi về sự phối hợp nhanh chóng, hiệu quả trong hoạt động liên ngành liên quan tới du lịch, không để tình trạng phối hợp chưa hiệu quả như hiện nay. Đồng bộ về khuôn khổ pháp lý, đồng thuận trong hợp tác và giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau giữa các ngành cho du lịch Việt Nam dễ dàng trong hội nhập để phát triển phải là một trong những yêu cầu xuyên suốt của tương lai.

Để cho khoảng cách du lịch Việt Nam với các nước phát triển du lịch trong ASEAN rút ngắn lại, Việt Nam cần có nội lực tự sinh cùng với sự hợp tác, giúp đỡ quốc tế mà hợp tác với ASEAN có vị trí đặc biệt cả hiện tại và tương lai.

Năm 2009, du lịch Việt Nam sẽ là chủ tịch trong khuôn khổ hợp tác du lịch ASEAN, đồng tổ chức diễn đàn ATF 09 (Diễn đàn du lịch liên chính phủ). Đó cũng là một mốc quan trọng trong xu thế hợp tác du lịch nói riêng, trong hợp tác ASEAN nói chung.

Quan hệ hợp tác Việt Nam – ASEAN là một thực tế lịch sử và đang, sẽ phải là xu thế phát triển không thể đảo ngược, hướng tới khu vực tự do, hoà bình, hữu nghị, thúc đẩy sự phát triển của châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Xu thế đó đòi hỏi nỗ lực từ nhiều ngành, trong đó có du lịch Việt Nam.

Chú thích:

(1). Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, NXB Sự thật, H. 1991, Trang 90.

(2). Phan Ngọc Liên (chủ biên), Lược sử Đông Nam Á, NXB Giáo dục, H.1998, trang 169.

(3). Bộ ngoại giao, Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc, NXB Chính trị quốc gia, H.1995, trang 417.

(4). Tổng cục Du lịch, Báo cáo tổng kết 10 năm Việt Nam tham gia ASEAN (1995-2005) gửi Bộ Ngoại giao, trang 2.

(5). Tài liệu đã dẫn… trang 3.

 PGS.TS. Đinh Trung Kiên
Trường ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   |