Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Thống nhất trong đa dạng - Hiện trạng và triển vọng

1- Nhắc lại vài dòng lịch sử:

- Ngày 8-8 1967, ngoại trưởng 5 nước Đông Nam Á - Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore họp ở Bangkok thống nhất với nhau ra “Tuyên bố Bangkok” về việc thành lập Hiệp hội các nước Đông Nam Á chính thức khai sinh ASEAN. Tuy nhiên, ngày đầu,cách đây 40 năm, mới chỉ có 5 nước “gần gũi thế giới phương Tây”, chưa phải thực là SEA.

- Năm 1984, thêm Brunei gia nhập

- Năm 1995 thêm Việt Nam;

- Năm 1997,thêm Lào và Myanmar,

- Năm 1999, thêm Campuchea, ASEAN từ 5 đã trở thành 10.

ASEAN phải gồm như thế mới đủ, mới đúng, nhưng quá trình đó bước đi thật chậm chạp.

Và tổ chức khu vực không thể chỉ là lời tuyên bố mà phải được hoàn chỉnh, nhưng cũng không kém chậm chạp.

* Tuyên bố Bangkok đề ra 7 mục tiêu:

- Làm cơ sở cho một cộng đồng Đông Nam Á hoà bình và thịnh vượng,

- Thúc đẩy hoà bình và ổn định khu vực,

- Cộng tác và giúp đỡ nhau trong các ván đè cùng quan tâm,

- Giúp đỡ nhau trong các lĩnh vực giấo dục,chuyên môn,kỹ thuật,

- Cộng tác có hiệu quả hơn để sử dụng tốt hơn nông nghiệp và công nghiệp của nhau,

- Thúc đẩy nghiên cứu về Đông Nam Á,

- Duy trì sự hợp tác cùng có lợi với các tổ chức quốc tế và khu vực.

* Mặc dù như thế, Tuyên bố Bangkok chứa đựng những lời kêu gọi, những mong mỏi thiện chí, nhưng chưa phải là một hiệp định có tính pháp lý qui định và ràng buộc chặt chẽ.

* Tuy nhiên, ASEAN đã được củng cố đần dần từng bước:

- 4 năm sau,1971, Tuyên bố ZOPFAN của ngoại trưởng 5 nước tại Kuala Lumpur nhấn mạnh Đông Nam Á là một khu vực hoà bình, tự do và trung lập, nhấn mạnh có tính đối ngoại, vị thế một khu vực riêng và ý chí riêng, hoà bình tự do và trung lập.

- Năm 1976, thêm một bước hoàn thiện bộ máy, gồm có 11 Uỷ ban thường trực và 9 Uỷ ban đặc biệt, thông qua nguyên tắc hoạt động cơ bản là đồng thuận, bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, nhấn mạnh nguyên tắc hoạt động cơ bản có tính đối nội.

Từ năm 1969, đã lập quỹ ASEAN để hỗ trợ cho các dự án chung.

Có thể nói đến đây, ASEAN đã được xây dựng, tổ chức căn bản hoàn chỉnh.

Ai cũng cảm thấy rằng một tổ chức khu vực hoàn chỉnh, một khối, sẽ là không hoàn chỉnh nếu nó không bao gồm tất cả những nước trong khu vực.

Như vậy, sau 32 năm, từ 5 trở thành 10 nước ,ASEAN mới định hình,vận hành tương đối đầy đủ các tổ chức,các nguyên tắc của mình,các nước Đông Nam Á đã từ riêng lẻ, tập hợp và thống nhất trong ASEAN.

2 - Cơ sở của sự thống nhất

Sự thống nhất của ASEAN không phải xuất phát từ tình cảm, muốn kết bạn với nhau của những người láng giềng; thiếu gì nước láng giềng có liên kết được với nhau đâu, như Nam Á, Cận Đông, Băc Âu chẳng hạn. Cũng không phải sự “kéo bè, kéo cánh” để đối phó, chống đối ai. Sự thực là ASEAN ngày càng tỏ ra mở rộng vòng tay với bạn bè, từ quan sát viên, dự thính đến đối tác.

Sự thống nhất xuất phát từ một cơ sở chung rất gần gũi nhau về điều kiện tự nhiên và con người:

- Đây là một khu vực khá thuần nhất về điều kiện tự nhiên-địa lý; khu vực nhiệt đới ẩm của châu Á gió mùa – quê hương của cây lúa nước (Oriza Sativa), cây lương thực chủ yếu và đặc trưng, của cây hương liệu và gia vị độc quyền - trầm hương, sa nhân đậu khấu, hồ tiêu.

- Là địa bàn sinh sống của chủng tộc riêng biệt mà có nhà nhân chủng học đề nghị gọi tên là chủng Đông Nam Á, chủng ở giữa, hoà trộn hai yếu tố Mongloid và Australoid.

- Từ thời tiền sử xa xôi, con người Đông Nam Á đã chế tác và sử dụng kỹ nghệ đồ đá giống nhau, là ghè đẽo, tiến tới mài nhẵn những hòn cuội ở ven sông suối làm công cụ -rìu, đập, nạo.., gọi là văn hoá đá cuội (Pebble culture).

- Là nơi người ta trồng lúa, ăn gạo luộc (cơm) hay đồ (xôi), làm bánh bằng gạo hay bột gạo, gói lá rồi đem luộc, để cúng, để ăn; có khi vừa luộc vừa nướng dành cho dân đi rừng nhiệt đới, thu hái lâm sản, là loại cơm lam, khá phổ biến ở Việt Nam, Thái Lan và một vài nơi khác, khá đặc sắc đến mức trở thành thương phẩm hấp dẫn.

Ăn có nhiều rau, nhiều nước (canh), nên “phát minh” ra dụng cụ để ăn là bát, đũa, (văn hoá bát đũa”) phân biệt hẳn với những khu vực khác trên thế giới.ăn bánh bột nướng, hấp, dùng đĩa, dao dĩa, (văn hoá đĩa,dao dĩa”)...

- Đây là nơi nắng nóng, mưa nhiều, lại có nhiều lá cọ để làm nón; nên đừng tưởng nón tròn, chóp nhọn là độc quyền của nón Chuông, nón Huế. Philippines cũng có đầy.

- Đây cũng là xứ sở của cây tre, dùng làm gậy, làm lao, sào và cả làm đòn múa sạp. Chớ nghĩ múa sạp chỉ có ở người Thái Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mà người ta có thể xem múa sạp rất điệu nghệ, hoành tráng ở Bali-Indonesia. Tóm lại là quá quen thuộc, gần gũi, không tập hợp nhau, thống nhất trong một tổ chức liên quốc gia, trao đổi kinh tế, giao lưu văn hoá để cùng nhau phát triển mới là lạ.

3- Sự đa dạng nằm ngay trong sự thống nhất

Thực vậy, sự tương đồng về điều kiện sống và văn hoá,sự gần gũi về xã hội là điều rõ ràng, không còn phải nghi ngờ gì nữa, nhưng ngay trong đó, người ta cũng nhận thấy sự đa dạng, khác biệt cục bộ. Tuy là chủng Đông Nam Á ,nhưng có sự khác nhau ít nhiều giữa vùng hải đảo và lục địa. Vùng hải đảo bảo lưu đậm yếu tố Australoid, cổ hơn, lại là địa bàn cư trú chủ yếu của người Malayo-Polynesians, còn gọi là người Nam Đảo(Austronesians), trong khi vùng lục địa là nơi sinh sống chủ yếu của người Nam Á, nơi quá trình Mongloid hoá diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn.

Văn hoá tiền sử cũng có sự khác biệt: cùng là văn hoá đá cuội, thời sơ kỳ đá mới có tên gọi chung là văn hoá Hoà Bình (Hoabinhian Culture), các viên cuội ở vùng hải đảo có chiều hướng được ghè đẽo tỷ mỉ hơn ít nhiều nên còn được gọi là đồ đá Sumatra (Sumatralithe); đến thời hậu kỳ đá mới, cùng được gọi văn hoá Bắc Sơn (Baksonian Culture) cũng vậy; ở hải đảo có chiều hướng chế tác kỹ hơn một chút để công năng có hiệu quả hơn, với những chiếc rìu, bôn có nấc, có vai, được mài lưỡi hay mài nhẵn toàn thân. Nói chung, vùng hải đảo có chiều hướng ít nhiều năng động hơn, kỹ hơn, giao lưu rộng rãi hơn. Đó cũng là một đặc tính của dân đi bỉển,sống trên biển.

Hơn nghìn năm sống dưới ché độ quân vương, từ đầu Công nguyên đến thế kỷ XV, Đông Nam Á lục địa hình thành những vương quốc thống nhất, tập quyền, đánh nhau liên miên đến kiệt quệ, nơi thì suy thoái (Pagan - Myanmar), nơi thì suy tàn (Champa, Campuchea) lại có nơi nẩy sinh vương quốc mới (Lan Na, Ayuthaya, Lan Xang, Sukhothaya), trong khi đó vùng hải đảo rất khó hình thành những vương quốc thống nhất, tập quyền. Đây là “pha” thứ nhất của sự đa dạng vĩ mô, sự dị biệt do hoàn cảnh lịch sử địa lý vùng tạo nên.

Trong khung cảnh đó, nhiều vương quốc cũ theo Hindu giấo bị khủng hoảng suy thoái, tôn giáo cũng suy giảm theo. Thời gian này, Islam giáo du nhập vào Đông Nam Á, có lẽ khoảng từ thế kỷ XI,XIII, tạo nên những nền văn hoá khác nhau trong một quốc gia, một dân tộc, những tôn giáo và văn hoá tôn giáo khác nhau cùng tồn tại, diễn tiến trong một quốc gia, một vùng. Như thế, đến thế kỷ XV, xa hơn nữa, đã hình thành một số quốc gia mà Islam giáo trở thành tôn giáo chủ thể, duy nhất, những Hồi quốc (Sultanate). Đây là “pha” thứ 2, tiếp theo của sự đa dạng vĩ mô ở Đông Nam Á, đa dạng về văn hoá.

Cứ tưởng rằng Hồi quốc ra đời là hệ quả của thương mại quốc tế, gắn với mậu dịch, nhưng rồi cũng không theo kịp cuộc cách mạng kỹ thuật, sự phát triển có tính chất bước ngoặt của kinh tế - xã hội Châu Âu sau Đại phát kiến Địa lý trong các thế kỷ XVI-XVII, thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng trở thành mồi hấp dẫn của chủ nghĩa thực dân Âu Tây.

Đông Nam Á từng bước trở thành thuộc địa của các nước thực dân - đế quốc Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Portugal và cả Mỹ. Không thể nói là các thuộc địa không chịu ảnh hưởng nào của các nước Âu Mỹ.

Chính chủ nghĩa thực dân đã đẩy các nước Đông Nam Á xa nhau ra, khác biệt nhau hơn. Đây là “pha” thứ 3 rất căn bản, tạo nên sự đa dạng vĩ mô của Đông Nam Á.

4- Hiện trạng và triển vọng ;

Chủ nghĩa thực dân và cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc suốt nửa đầu thế kỷ XX cho đến năm 1945 đã chia Đông Nam Á thành 3 khối khác nhau: thuộc Anh, thuộc Pháp, thuộc Hà Lan và thuộc các nước thực dân, đế quốc khác. Nhưng cuộc đấu tranh để giữ cho được độc lập còn phải tiếp tục cam go hơn 30 năm nữa. Các nước đế quốc không dễ gì buông tay, nên con đường đấu tranh lại càng quyết liệt, do đó dã hình thành 2 con đường, 2 khối, khối “dân chủ”, thực tế là con đường tư bản chủ nghĩa và khối “ cộng sản” hay con đường xã hội chủ nghĩa.

Cũng chính thời gian này, từ năm 1967, ASEAN thành lập, hẳn là với khát vọng tập hợp tất cả các nước Đông Nam Á, như tên gọi của nó, nhưng chưa thể tất cả, bởi những con đường và những thực thể khác nhau. Hoàn toàn không phải là một ngôi nhà mà người chủ không muốn tiếp nhận khách mới, mà chính người khách cũng chưa muốn vào, bởi quan niệm, hành động còn khác nhau. Đây là sự đa dạng, dị biệt lớn nhất trong cuộc đời của ASEAN.

Khoảng cách lớn đến mức phải cần đến 28 rồi 32 năm, mới được coi là đủ, những quốc gia cũ, mới tăng từ 5 nước ban đầu lên 10 nước hiện nay.

Đến một thời điểm của lịch sử, tất cả mọi người, mọi quốc gia mới thấy không thể đi nhanh trên con đường dài nếu không có bạn bè, hỗ trợ, giúp nhau, nếu chen huých nhau, hoặc cứ một mình lững thững đi trên vệ cỏ ven đường.

Người ta cũng không bao giờ quên những nước láng giềng vốn rất gần gũi nhau, đã từng có quan hệ dù nóng lạnh trong lịch sử, nhưng vốn có nhiều điểm tương đồng, đễ đồng cảm trong khát vọng cùng nhau đi lên. Tuyên bố”Việt Nam sẵn sàng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN và các nước khác trong khu vực” và “biến chiến trường thành thị trường” đã ra đời trong khát vọng đó.

Chặng đường tưởng ngắn mà thật dài, bước đi thật chậm chạp và không ít trở ngại. Những trở ngại đã được vượt qua “có điều kiện” của hoàn cảnh quốc tế; đó là sau năm 1989, bức tường Berlin bị phá bỏ, “chiến tranh lạnh” kết thúc, những nước Đông Nam Á vốn gần gũi nhau sao lại cứ theo đuôi nước lớn mà không tự chủ hoà nhập với nhau? Cũng cần sau 6 năm để Việt Nam và 10 năm để Lào, Myanmar và Campuchea gia nhập ASEAN. Tổ chức ASEAN đã cơ bản định hình và phát triển, đã ký hiệp định miễn thị thực cho công dân ASEAN và ngày 7-5- 2007, tại Brunei, công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.

Cũng theo báo Republica - Jakarta, bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN đã nhất trí hoàn thành việc dự thảo một kế hoạch hội nhập kinh tế trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tại hội nghị cấp cao ASEAN họp tháng 11 năm nay ở Singapore.

Con tàu ASEAN vốn đã có 1 con sư tử (Singapore), lại có rồng đất Komodo (Indonesia), hi vọng có thêm mấy con rồng nhỏ chuẩn bị bay cao, tiếp tục vận động, ra khơi. 40 năm đã qua, nhìn lại, ai cũng thấy rõ là ASEAN nay đã hoàn chỉnh và mạnh mẽ, chưa bao giờ mạnh mẽ như bây giờ, nhưng lại đang phải đối diện với những thách thức chưa bao giờ quýết liệt như bây giờ :

*Đứng trước Trung Quốc có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2005 đạt 1422,12 tỷ USD giữ vững vị trí kinh tế lớn thứ 3 thế giới, có ý kiến còn cho là lớn nhất thế giới, dân số đông và có lực lượng quân sự mạnh nhất nhì thế giới, một ASEAN nhỏ và lạc hậu làm sao theo kịp và làm đối tác xứng đáng?

Tạp chí Far Eastern Economic Review ngày 31-3-2006 có bài của Stuart Haris-ĐHQG Australia Sydney: ‘Tính bá quyền của Trung Quốc trong chính sách khu vực”, tiếp theo ngày 10-4-2006 Milton Osborne, giáo sư sử học, cố vấn chương trình đầu tư viện trợ của Australia ở Đông Nam Á viết tiếp: Trung Quốc không chịu tham gia “Hợp tác Vùng Mêkông” (MRC), nhưng lẳng lặng xây 4 đập thuỷ điện trên thượng nguồn là Manwan, Dachaoshan, Xiaowan và thứ 4 Jinghong, đang làm sắp xong, mà khả năng cung cấp điện năng của 1 đập đã là 4200 MW ( gấp 5 lần công suất 1 lò hạt nhân loại Myanmar mua của Nga), nhưng làm tổn hại không kể xiết đến sinh thái, nguồn nước, cá và nông nghiệp cho trung và hạ lưu. Mực nước xuống thấp bất thường riêng năm 1997 gây thiệt hại cho nông dân Việt Nam lên tới 400.000 USD. M.Osborne kết luận “theo luật về khai thác con sông đa quốc gia của LHQ, các nước ở khu vực thượng nguồn không được khai thác sông một cách thiếu hợp lý, gây quan ngại cho các nước vùng hạ lưu, nhưng những gì xảy ra cũng phản ánh vị thế vượt trội của Trung Quốc, xây đập mà không tham vấn các nước láng giềng, làm sạch lòng sông, nằm trong một chiến lược tổng thể của Bắc Kinh, tạo dựng vị thế thống trị trong khu vực”.

Ngày 15-5-2007, chủ tịch Nguyễn Minh Triết đi thăm chính thức Trung Quốc. Điểm đến trước tiên là Côn Minh; trong buổi tiếp kiến Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam, chủ tịch đã phát biểu khuyến khích đầu tư, gia tăng thương mại và nêu lên cần chú ý hợp tác về sông Mêkông. Như thế phải hiểu là rất quan tâm vấn đề này, nhưng có hiệu quả hay không thì còn phải chờ xem thiện chí. Ba nước Đông Dương và cả Thái Lan nữa rồi còn khổ vì việc này.

Tin sốt dẻo: tối ngày 18-5-2007, Thông cáo báo chí của hội đàm của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nói tới sự thoả thuận trao đổi thông tin và biện pháp cùng khai thác sông MêKông và sông Hồng và lần đầu tiên được nghe nói tới cụm từ (Uỷ ban) Tiểu vùng sông MêKông mở rộng. Cứ hi vọng, chờ đợi.

*Ba nước Đông Dương, thuộc địa cũ của Pháp, anh em với nhau, một thời kề vai sát cánh đấu tranh giành độc lập dân tộc, một thời nói với nhau trực tiép bằng tiếng Pháp, nhưng không phải là không có dị biệt, gần đây với những cuộc thăm viếng cấp cao, sự hỗ trợ giúp nhau trong đời sống, sản xuất, những thoả thuận, ký kết về biên giới, nên tị hiềm bớt đi mà tình thân hữu tăng thêm.

* Sắc tộc và tôn giáo là vấn đề rất nhức nhối, có nguồn gốc từ thế kỷ 13, nhất là từ thế kỷ 15, hình thành những cộng đồng Islam trong lòng quốc gia Hindu giáo đang suy, rồi một số quốc gia Islam giáo (Sultanate) bên cạnh các quốc gia khác. Các quốc gia này đã có Hindu giáo, và cả Phật giáo, khi suy thoái, khủng hoảng cả về chính trị và lòng tin tôn giáo thì có thêm Islam và khi bị các nước thực dân phương Tây xâm chiếm, lại còn có thêm Kitô giáo. Như vậy, nơi ít thì có 2-3 nhóm cư dân theo tôn giáo khác nhau, sống cạnh nhau, có nơi có tới 3-4 nhóm. Có nước như Timor Leste, mới được LHQ công nhận quốc gia độc lập ngày 20-5-2002, diện tích 14.609 Km 2, dân số 647.000 người (gần bằng tỉnh Gia Lai) mà có đủ 6 tôn giáo: Cơ Đốc (90%), hoà trộn với tín ngưỡng Tinh linh (Animism) cổ truyền, Islam (5%), Tin Lành(3%), Hindu(0,3%), Phật (0,1%) (Con số chinh thức của Nhà nước Timor).

Hơn 5 thế kỷ nay, người dân vẫn sống, làm ăn yên ổn, thỉnh thoảng va chạm đôi chút, nhưng cũng vẫn yên ổn. Có lẽ chỉ sau sự kiện WTC ở New York ngày 11-9-2001- “sự đụng độ giữa các nền văn minh” mà mâu thuẫn xung đột tôn giáo, sắc tộc ở nhiều nơi trở nên gay gắt. Đây là sự bất an lâu dài ở nhiều nước Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Thái Lan. Ở Indonesia là vấn đề Ache, vấn đề các nhóm cư dân trên một số đảo nhỏ. Ở Thái Lan tưởng chừng không bao giờ có chuyện xáo động trong một nước sùng Phật giáo, thế mà nay sự phản kháng của một bộ phận dân theo Hồi giáo ở 4 tỉnh phía Nam, giáp Malaysia xem ra còn là sự bất an lâu dài. Họ phản đối chính quyền và họ chống đối nhau kịch liệt. Cuộc nổi dậy của người Islam đã làm hơn 2000 người thiệt mạng ở các tỉnh cực nam, nơi 80% dân số là Hồi giáo; hiện nay “căng” đến mức Piasit Nuanin, người đứng đầu nhóm dân theo Phật giáo ở miền nuí Ban Bala, nơi có số dân theo đạo Phật và đạo Hồi ngang nhau đã nói “Chúng tôi đã sẵn sàng tuyên chiến” và hãng AP ngày 27-4-2007 đưa tin, phát đi bài có tiêu đề khá giật gân: Thái Lan có nguy cơ nổ ra chién tranh tôn giáo ở miền Nam? Trong khi đó, chính quyền của thủ tướng Surayud Chulanont còn phải đang lo tự ổn định, điều mà báo Far Eastern Economic Review số tháng 3-2007 đăng bài “Con đường điên rồ đi tới dân chủ” đã nhận xét “Sự tăng trưởng kinh tế kéo dài dưới thời cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra là một kí ức đã xa”, còn chính ông lại đang có nguy cơ phải ra toà .

* Sau năm 2001, sự kiện Tháp WTC ở New York - Mỹ, sau cả khi Mỹ tấn công Iraq, một mốc mà thủ tướng Anh, Tony Blair ngày 20-12-2006 phát biểu tại một trường Đại học ở Trung Đông, cảnh báo: "Cuộc chiến ý thức hệ là một thách thức của thế kỷ 21. Theo tôi, việc làm của Việt Nam là đúng và có hiệu quả: mở các trường nội trú nuôi con em người dân tộc, tổ chức các hoạt động văn hoá lễ hội dân tộc thiểu số, tăng sự đoàn kết, thân mật trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Cần sự tôn trọng, đồng cảm, làm cho con người gắn với địa phương mình, mà cuộc sống địa phương đi lên phải gắn liền với cả nước.

* Malaysia ẩn chứa nhiều điều lý thú đáng nên tìm hiểu, học hỏi: là một nước có diện tích 329.750 km2 (khoảng bằng Việt Nam), hơn 21 triệu dân (bằng khoảng 1/4 Việt Nam), GDP 10.700 USD (gấp khoảng 10 lần Việt Nam), lãnh thổ chia làm 13 bang, gồm 2 vùng lãnh thổ, trên bán đảo Malaysia (11) và đảo Borneo(2) cách xa nhau khoảng 800 km biển cả trùng khơi, nhưng thống nhất với nhau một cách hài hoà, có 3 tôn giáo chính: Hồi (53%), Phật (17%), Hindu (7%), còn có một ít Sikh và Kitô, nơi có Trung tâm giáo dục và đào tạo chức sắc Hồi giáo có tính chất quốc tế ở Kelantan, có địa vị chỉ sau Mecca, nơi tòng học của nhiều chức sắc Hồi giáo Đông Nam Á. Tất cả đều phát triển êm đẹp. Họ xứng đáng là lá cờ đầu Đông Nam Á về nhiều mặt, nhưng lại không bao gìơ tỏ ra muốn nhận một vai trò/địa vị gì.

* Trong ASEAN, Myanmar có một vị trí /hoàn cảnh riêng biệt: là nước có diện tích 678.500 km2 (khoảng gấp đôi Việt Nam), số dân 41.735.000 người (bằng 1/2 Việt Nam), GDP bằng hoặc hơn một chút, tôn giáo: Phật giáo (89%), Hồi (4%), Kitô (4%); một đất nước sùng Phật giáo, có chùa chiền, tháp vàng, tháp gạch nhiều và lớn “nhất thế giới".

Năm 1962, tướng Ne Win nắm quyền, đứng đầu Đảng duy nhất, lập cương lĩnh xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, cũng đổi tên nước là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa (Pyidaungsu Socialist Thammada Myanma Naingandaw (CHXHCN Liên bang Myanma), còn giữ đến 1987, tuy năm 1981, phe quân sự làm đảo chính, tuyên bố xây dựng dân chủ hoá nền chính trị, gọi tên nước là Liên bang Myanmar, tập trung quyền lực vào Hội đồng tướng lĩnh, đàn áp các nhân vật đối lập, nên năm 1992, LHQ thông qua nghị quyết lên án nền chính trị độc tài (nguồn:LaRousse). Myanmar vẫn giữ quan hệ bình thường với các nước Đông Nam Á, năm 1997, cùng với Lào gia nhập ASEAN, tôn trọng các qui định của ASEAN, nhưng không thực hiện cải cách chính trị dân chủ hoá, khá đóng kín, nhưng tham gia đầy đủ các hoạt động thể thao ASEAN.

- Tháng 3-2006, ASEAN cử Syed Hamid Albar, bộ trưởng ngoại giao Malaysia làm Đặc phái viên, đến thăm, thuyết phục Myanmar cải cách dân chủ hoá, nhưng “hoàn toàn thất bại”, không được gặp bất cứ người lãnh đạo nhà nước nào, người nắm thực quyền nào.

- Ngày 4-4-2006 báo “Thương nhân”Nga đưa tin tướng Maung Aye đến Nga, mang theo một danh sách dài các loại vũ khí và thiết bị quân sự muốn mua. Lần này, được biết Nga đồng ý bán /lắp cho một lò phản ứng hạt nhân nước nặng, cỡ 10 MW.

- Ngày 19-4-2006, báo Jakarta Post đăng bài của nghị sĩ Philippines Mario Mayong nhan đề “ASEAN không thể mất can đảm trước Myanmar”, đưa tin về sự thất bại của chuyến đi thương thuyết của Đặc phái viên Syed Hamid Albar và nói thêm "Các viên tướng cầm quyền ở Myanmar còn muốn ASEAN vận động chống lại sức ép mà không đạt được bất kỳ lợi ích thực tế nào”, rồi kết lại “Chúng ta phải nhìn xa hơn sự lừa gạt của chính quyền quân sự Myanmar”.

- Ngày 27-4 AFP đưa tin: từ trước, quan chức của chính phủ hai nước Myanmar và CHDCND Triều Tiên thường xuyên gặp gỡ, thoả thuận và việc nối lại quan hệ ngoại giao đã được hai bên ký ngày 27-4-2007, đoán ràng có thể thương thảo về vấn đề mua bán vũ khí và ủng hộ chương trình hạt nhân? Việc này hình như lại được Trung quốc ủng hộ?

Một Triều Tiên thiếu gạo và khoáng sản nhưng có kỹ thuật hạt nhân và một Myanmar thừa gạo, hồng ngọc, khoáng sản, nhiều tiền, nhưng gần như đóng kín, sao lại kết thân với nhau?

Chúng ta còn hiểu biét quá ít về Myanmar. Một quốc gia/ dân tộc sùng Phật giáo, nhưng lại cứng rắn, sắt đá hơn bất cứ quốc gia nào khác; tại sao?

Jakarta Post ngày 19-4-2006: “Không thể mất can đảm trước Myanmar”.

Nhưng làm sao? Chưa có lời giải và cũng chưa chắc sẽ có lời giải trong tương lai gần.

Làm thế nào được? Có ý kiến, muốn trừng phạt hoặc khai trừ Myanmar. Nhưng để đâu nguyên tắc “đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau? Lại còn quan hệ tình cảm từ xa xưa, sự đồng cảm, gần gũi nhau của dân “châu Á gió mùa”, ăn cơm với cá với rau.

Như vậy là đa dạng, dị biệt vẫn còn, những chông gai, thách thức không phải là nhỏ. Biét trước, làm sao có biện pháp hạn chế, phòng ngừa. Có thể có bất trắc, sứt mẻ, nhưng có điều chắc chắn, ASEAN là không gì có thể phá vỡ, sự phát triển là không thể đảo ngược. Không phải là cuồng tín máy móc mà là niềm tin vào qui luật: Lịch sử không bao giờ quay trở lại điểm đã đi qua. Cũng như Robinson Crusoe trong truỵện của Daniel Defoe, một mình bị lạc trên đảo hoang, tay không, nhưng không sống như người tiền sử, mà như người của thế kỷ 18. 40 năm đã qua, kỷ niệm 40 năm, ta thấy ASEAN đã thực sự trưởng thành, lớn mạnh, và ta hi vọng ở sự lớn mạnh, sự tiếp tục phát triển của nó. Lâu nay, ta nghiên cứu nhiều thứ, nhưng còn thiếu hiểu biết về nhau, về văn hoá và văn hoá ứng xử trong quan hệ. Ta chúc nó và ta cũng tự chúc ta, nhân ngày sinh thứ 40 của ASEAN.

 GS. Lương Ninh
Trường ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   |