Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Đinh Duy Thành - chàng cựu sinh viên và tấm lòng say mê làm tình nguyện
Đầu tháng 7/2007, màu áo xanh tình nguyện của các bạn sinh viên khắp các nẻo đường, bến xe... như làm dịu bớt cái nóng bức của mùa hè, cái ngột ngạt của mùa thi, và quan trọng hơn, những thí sinh, người nhà đưa thí sinh đi thi đã biết phải tìm đến đâu để có được sự giúp đỡ chân tình nhất trong thời điểm náo nhiệt, giữa cái chốn “không nơi nương thân, chưa người quen biết”.

Trong hàng nghìn chiến sĩ áo xanh tiếp sức cho mùa thi ấy, tôi đặc biệt có ấn tượng với một tấm áo xanh đã bạc màu vì thời gian, những dòng chữ trắng in trên áo không còn rõ nét, song cũng đủ để nhận ra đấy là tấm áo của một sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN. Bạn Đinh Duy Thành - cựu sinh viên lớp K48A Khoa Sinh học - người mặc tấm áo ấy với khuôn mặt luôn rạng rỡ, lấm tấm mồ hôi, luôn thoắt ẩn, thoắt hiện trong đám đông thí sinh và người nhà. Tranh thủ những lúc bạn rảnh rỗi, tôi hỏi chuyện:

PV: Theo chân các đội tình nguyện của ĐHQGHN đi tiếp sức mùa thi, chị gặp em ở khá nhiều vị trí: Bến xe Mỹ Đình, Cổng trường THPT Phan Đình Giót, Trường THPT Nhân Chính. Em có thể kể đôi điều về đợt tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” của em và các bạn được không?

Đinh Duy Thành và các bạn sinh viên trong chiến dịch Tiếp sức mùa thi tại một điểm thi của ĐHQGHN, năm 2007.

Đinh Duy Thành:
Năm nay cũng như những năm trước, em đăng ký tham gia đội Tiếp sức mùa thi (dân Tình nguyện trường em quen gọi là Đội Tuyển sinh) cùng với các bạn học sinh viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN và được phân về đóng chốt ở Bến xe Mỹ Đình. Thành phần đội của em thì rất đa dạng: Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, sinh viên Trường Đại học Công nghệ, học sinh khối chuyên của trường và cả các bạn cựu học sinh, sinh viên (em giờ bị gọi là cựu sinh viên rồi). Ngoài ra tại bến xe còn có rất nhiều đồng đội của chúng em từ các trường Đại học Mở, Đại học Nông nghiệp, Học viện Kỹ thuật Quân sự… cùng “phối hợp tác chiến” - mục đích cuối cùng của bọn em là đảm bảo phục vụ tư vấn, chỉ đường, hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh trước khi bước vào một kỳ thi quyết định.

Trong những ngày thi thì đội Mỹ Đình bọn em được điều chuyển về chốt tại hai điểm thi của Đại học Quốc gia Hà Nội là Trường THPT Nhân Chính và Trường THPT Phan Đình Giót để tham gia giữ gìn, trật tự trước cổng trường (nói thì to tát, chứ công việc chính của bọn em chủ yếu chỉ là giải tỏa ùn tắc giao thông trước, trong và sau giờ thi, đồng thời ngăn những người bán đề thi, bài giải… gây lộn xộn trong khu vực). Đây cũng là lý do chị bắt gặp bọn em ở nhiều địa điểm khác nhau như vậy (cười).

Sau khi kỳ thi kết thúc, đến bây giờ thì em có thể tự hào mà nói rằng: Đội tuyển sinh 2007 của ĐHQGHN nói chung, và đội Bến xe Mỹ Đình nói riêng đã hoàn thành nhiệm vụ tiếp sức, tiếp lửa cho các thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay. Trong 12 ngày cùng làm việc với nhau (từ ngày 29/6 đến ngày 10/7), bọn em đã cùng trải qua bao chuyện vui có, buồn có, cả những “chiến công” nho nhỏ của các đội viên (mà nếu kể hết ra thì dài lắm). Quả thật, đó là những kỷ niệm, những trải nghiệm mà ai không đi tình nguyện thì không thể nào hiểu hết được.

PV: Em có thể kể vài nét về bản thân được chăng?

Đinh Duy Thành trong chiến dịch mùa hè sinh viên tình nguyện năm 2006.

Đinh Duy Thành:
Về bản thân thì thú thực em cũng không biết có điều gì đáng để khoe hay không (cười), mỗi thứ em đều chỉ được một chút: Thành tích học tập không phải loại xuất sắc, tham gia nghiên cứu khoa học cũng không được giải cao, em rất thích tham gia các hoạt động đoàn thể - từ lớp đến cấp khoa, rồi cấp trường, nhưng chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ gì cả (luôn là một đoàn viên tích cực). Đặc biệt, em rất thích tham gia các hoạt động tình nguyện (cười)J.

Em vừa tốt nghiệp khoá 48, Khoa Sinh học - Trường ĐHKHTN. Hồi cấp III em học chuyên Sinh của trường, thi đại học cũng nhằm vào Khoa Sinh học nhưng trượt (2002). Kỳ thi năm đó năm đó em đủ điểm vào Học viện Quân Y nhưng cuối cùng không học, đợi năm sau thi tiếp vào Khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN. May mà năm sau đấy (2003) em đỗ. Vào lớp em cũng có rất nhiều bạn đã học chuyên Sinh khóa sau, các bạn ấy đều nhất loạt gọi mình là “anh Thành” (thật ra thì không đáng để tự hào lắm... hic hic...). Với 4 năm học đại học, em có nhiều kỷ niệm lắm. Em luôn là thành viên tích cực trong các hoạt động của lớp, của trường, và lần tham gia đầu tiên là do các bạn ở lớp “lôi kéo” (lại cười).

PV: Em đã tham gia làm công tác tình nguyện và cụ thể hơn là làm công tác tình nguyện “tiếp sức mùa thi” mấy lần rồi? Sau đợt “Tiếp sức mùa thi” này, em sẽ tham gia đội tình nguyện nào? Nơi mà các em sẽ đến là tỉnh nào vậy?

Đinh Duy Thành: Em tham gia phong trào sinh viên tình nguyện từ cuối năm thứ nhất cùng với đội đi xa của lớp tự tổ chức (2004) - năm nay là mùa Tình nguyện thứ tư của em rồi, trong đó có 3 năm em được tham gia các chiến dịch Tiếp sức mùa thi. Ngoài các chiến dịch theo chỉ đạo của nhà trường thì em cũng có một số lần tham gia cùng với CLB Tình nguyện trẻ của Hà Nội. Lần nào đi làm tình nguyện, chúng em cũng có những kỷ niệm đẹp, và đặc biệt là rất vui chị ạ.

Sau đợt Tiếp sức mùa thi này, có lẽ em sẽ đi cùng với các bạn trong đội Tình nguyện Khoa Hóa học, Trường ĐHKHTN lên xã Đức Lương, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Tiếc rằng em không thể đi hết cả đợt cùng với các bạn được, bởi chị biết đấy, em mới tốt nghiệp, vừa xin được việc làm nên cũng gặp phải nhiều vấn đề khi muốn đi xa. Nếu không có thể em đã lên Sơn La theo đội xung kích của Trường ĐHKHTN cùng với các đội tình nguyện khác của ĐHQGHN làm việc trên đấy rồi. Tiếc thật!

PV: Tham gia nhiều đợt làm tình nguyện như vậy, kỷ niệm nào làm em nhớ nhất?

Chiếc áo xanh bạc màu này là kỷ niệm thân thương của Thành về những mùa hè tham gia công tác tình nguyện.

Đinh Duy Thành:
Kỷ niệm trong các mùa tình nguyện thì bạn nào cũng có nhiều lắm chị ạ. Từng người bạn trong đội, từng thí sinh đến hỏi... đều để lại những kỷ nhiệm khó quên... Ngay cả bây giờ em vẫn nhớ rất rõ những câu chuyện xảy ra từ mùa hè tình nguyện đầu tiên. Trong mùa tuyển sinh năm nay, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với em có lẽ là chuyện về một bạn thí sinh cùng dì từ Cao Bằng xuống dự thi, không hiểu sao bạn ấy lại có xích mích với cánh xe ôm trong bến xe. Em và các bạn trong đội đã đứng ra can thiệp và cuối cùng quyết định cùng với một bạn nữa trong đội lấy xe đưa hai dì cháu cô bé thí sinh kia đến địa điểm thi và tìm hỏi nhà trọ giúp họ. Đến trưa hôm sau thì em nhận được một cú điện thoại cám ơn từ bạn thí sinh (không hiểu làm thế nào bạn ấy lại lấy được số điện thoại của em), và đến sau ngày thi, cô bé ấy cũng gọi điện thông báo tình hình. Thật sự, cảm giác của em lúc đấy vui lắm chị ạ. Em thấy rằng, công việc mình làm đã thực sự giúp ích được cho người khác, đó quả thật là một kỷ niệm đẹp và đáng nhớ.

PV: Là một sinh viên vừa trao bằng tốt nghiệp tại Khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN. “Động lực” nào đã khiến em ở lại trường và tiếp tục làm công tác tình nguyện một năm nữa?

Đinh Duy Thành: Vâng! Em vừa nhận bằng, và lúc đi làm tình nguyện thì về nguyên tắc cũng không được gọi là “Sinh viên tình nguyện” nữa (đùa). Lý do để em đi tiếp tục tham gia công tác tình nguyện lần này cũng rất đơn giản: Em đang tranh thủ nốt khoảng thời gian ngắn ngủi để có thể tiếp tục làm tình nguyện, kẻo đến khi bị cái vòng xoáy cơm - áo - gạo - tiền nó cuốn vào thì có muốn đi tình nguyện cũng không thể đi được nữa. Chị thấy đấy, chỉ ngay đợt đi xa tới đây thôi mà em còn bị ảnh hưởng, không thể tham gia trọn vẹn từ đầu đến cuối với các bạn được rồi. Em quan niệm: Lúc nào cũng phải đốt cháy hết mình - trong công việc cũng như trong cuộc sống, để sau này không bao giờ phải hối tiếc, vì tất cả những việc mình làm, vào thời điểm đó mình đã cố gắng hết sức, vậy thì đó cũng là kết quả tốt nhất của mình đạt được rồi, không có gì phải ân hận cả. Nghe giống ông cụ non quá phải không chị?

PV: Vừa rồi, chị thấy em và các bạn đã đọc tờ báo “Lá cải xanh” và chị rất ấn tượng với tờ báo này của các em. Em có thể nói và phổ biến chút kinh nghiệm trong việc tổ chức bản thảo và phát hành tờ báo phục vụ các sinh viên tình nguyện không?

Sinh viên tình nguyện trao tay nhau đọc tờ "Lá cải xanh".

Đinh Duy Thành:
Tờ “Lá cải xanh” được phát hành từ năm 2004, mục đích là để làm món ăn tinh thần cho các chiến sĩ tình nguyện trong mỗi mùa hè xanh. Và như chị thấy đấy, tờ báo luôn được các bạn độc giả hoan nghênh nhiệt liệt mỗi khi có số mới ra lò. Điều quan trọng nhất của tờ báo - theo em nghĩ - là phải có nội dung liên quan trực tiếp đến các sinh viên tình nguyện đang làm việc, họ vừa chính là nhân vật trong bài báo, vừa lại là đối tượng phục vụ của tờ báo. Và các bạn trong Ban biên tập báo đã cố gắng rất nhiều để thể hiện mục đích này trong các trang giao lưu, kể chuyện chiến công, hay những mẩu chuyện cười đã được mô-đi-phê mang đậm chất sinh viên tình nguyện... Và như vậy là tờ báo đã thành công.

Ban biên tập là những người vừa phát báo, đồng thời lấy tin và ảnh từ các đội, sau đó đưa về thêm thắt (“lá cải” mà chị) rồi lên trang, lên bài, cuối cùng là in ra và ngay sớm hôm sau lại đem phát cho các đội, đảm bảo tin tức luôn nóng hổi khi đến tay người đọc. Nếu chị cần thêm thông tin về Ban biên tập báo thì chị có thể tìm các bạn Việt và Quang Anh bên Khoa Địa lý để biết rõ hơn - đấy là nòng cốt chính của Ban báo năm nay đấy.

PV: Theo em, “cái được” nhất của sinh viên tình nguyện là gì? Đó có phải là kinh nghiệm? là kiến thức xã hội? giao tiếp? kết bạn?...

Đinh Duy Thành: Cái được lớn nhất là… chúng em đã nhận được tất cả những điều chị vừa nói trong mỗi mùa tình nguyện (cười). Còn nếu hỏi về điều quan trọng nhất trong số những cái đó thì em nghĩ mỗi người sẽ có đánh giá khác nhau. Đối với em “cái được” lớn nhất trong mỗi mùa tình nguyện là cảm giác mình làm được việc có ích vì cộng đồng… và cả vốn kiến thức sống thu nhận được nữa chị ạ. Sinh viên tình nguyện sau mỗi mùa hè đều có thể thu được những trải nghiệm mà nhiều người bình thường sẽ phải mất hàng năm trời mới có thể cóp nhặt, tích lũy được (cái này thì em không nói quá đâu, vì nhiều bạn khác cùng đi tình nguyện cũng có cùng nhận định đó với em).

PV: Từ góc độ của một sinh viên nhiều năm tham gia các hoạt động tình nguyện, em có kiến nghị gì chăng?

Đinh Duy Thành: Mô hình thanh niên tình nguyện và hình ảnh màu áo xanh cùng với chiếc mũ tai bèo đã trở nên thân thuộc và nhận được sự yêu mến, tin tưởng của những người dân. Em nghĩ rằng trường mình nói riêng và các tổ chức, đoàn thể thanh niên nói chung nên tăng cường hơn nữa hoạt động này, tạo điều kiện và hướng cho các bạn trẻ tham gia vào hoạt động tình nguyện, đóng góp sức mình xây dựng xã hội. Đồng thời khi tổ chức hoạt động tình nguyện các đơn vị, các tổ chức Đoàn, Hội cũng nên đào tạo, tập huấn kỹ càng giúp các tình nguyện viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, để hình ảnh màu áo xanh tình nguyện càng trở nên đẹp hơn trong mắt mọi người.

PV: Em có muốn nhắn nhủ gì tới các thế hệ sinh viên làm công tác tình nguyện sau em?

Đinh Duy Thành: Bảo là nhắn nhủ thì… to tát quá (cười). Điều em định nói cũng là điều mà em suy nghĩ và tự nhắc nhở mình suốt mấy năm nay: Anh không cần phải khoác lên mình chiếc áo xanh, và đến nơi này nơi kia, làm việc này việc khác to tát lớn lao mới chứng tỏ được mình có đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng. Việc góp sức mình cho cộng đồng có thể đơn giản hơn nhiều - tham gia dọn dẹp vệ sinh khu phố chẳng hạn, hay thậm chí anh đi làm kiếm thật nhiều tiền đi, đóng thật nhiều thuế vào, như vậy cũng là đóng góp cho xã hội rồi (mà bản thân cũng được lợi nữa). Tình nguyện tức là tự nguyện, là tự giác, chỉ cần luôn có tinh thần tình nguyện thì lúc nào cũng có thể đóng góp cho cộng đồng. Và tất nhiên nếu các bạn có thể tham gia các phong trào tình nguyện thì rất nên đi, bởi vì sau mỗi đợt đi làm tình nguyện đó, tất cả những điều các bạn thu được sẽ là hành trang quý giá giúp các bạn tự tin bước đi trên đường đời...

PV: Ra trường rồi, em ước mơ nhất điều gì? Dự định của em?

Đinh Duy Thành: Dự định của em sau khi ra trường là sẽ tiếp tục học lên - không phải vì bằng cấp hay học vị, mà là để tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học (em học Khoa Sinh học và đã từng bỏ không học Học viện Quân Y để thi lại vào Trường ĐHKHTN). Nghiên cứu khoa học cũng là một cách lao động để xây dựng đất nước phải không chị? Tất nhiên khi nào có điều kiện thì em lại cố gắng sắp xếp thời gian để đi làm tình nguyện với các bạn vì em thấy đi tình nguyện vui lắm (cười thật mãn nguyện).

PV: Cảm ơn em! Chúc em sớm thực hiện được ước mơ và hoài bão của mình.

Đinh Duy Thành (đứng đầu từ trái sang) và các chiến sĩ tình nguyện Trường ĐHKHTN năm 2006.

 Mai Hương Anh (thực hiện)
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   |