Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Liên kết đào tạo đại học quốc tế: thách thức và triển vọng (Qua kinh nghiệm thực tiễn của Khoa Quốc tế)
Trong bối cảnh đó, vào những năm cuối thập niên 1990, Trung ương Hội hữu nghị Việt-Nga trình Chính phủ xin thành lập Đại học Quốc tế Việt - Nga. Sau đó, do điều kiện chưa chín muồi, Trung ương Hội đã đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Khoa Quốc tế Việt - Nga trực thuộc ĐHQGHN vào tháng 7 năm 2002.

1. MỞ ĐẦU: KHOA QUỐC TẾ - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, 5 NĂM PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH

1.1. Bối cảnh và sự ra đời Khoa Quốc tế

Cùng với sự phát triển của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế, nhu cầu tiếp cận các chương trình đào tạo quốc tế ngày càng tăng. Số sinh viên đi du học ở nước ngoài ngày càng lớn. Do đó việc liên kết đào tạo với các trường đại học uy tín nước ngoài tại Việt Nam trở thành xu hướng và và yêu cầu cấp bách. Trước năm 2002 các chương trình liên kết thường là các dự án được hỗ trợ kinh phí của các tổ chức phi chính phủ, các dự án liên Chính phủ. Những dự án này hầu hết được tổ chức ở bậc cao học, trong đó phía Việt Nam chỉ đảm nhiệm công việc tuyển sinh, tổ chức quản lý, cung cấp cơ sở vật chất, còn đối tác nước ngoài đảm nhiệm chương trình, giáo trình, giảng dạy, cấp văn bằng thạc sỹ hoặc các chứng chỉ sau đại học.

Trong bối cảnh đó, vào những năm cuối thập niên 1990, Trung ương Hội hữu nghị Việt-Nga trình Chính phủ xin thành lập Đại học Quốc tế Việt-Nga. Sau đó, do điều kiện chưa chín muồi, Trung ương Hội đã đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Khoa Quốc tế Việt-Nga trực thuộc ĐHQGHN vào tháng 7 năm 2002. Do nhu cầu phát triển, tháng 12-2003, Khoa Quốc tế Việt-Nga được mở rộng chức năng và đổi tên thành Khoa Quốc tế.

Kể từ tháng 10/2002, khi 44 sinh viên đầu tiên của Khoa Quốc tế Việt-Nga nhập học, thầy trò Khoa Quốc tế đã phấn đấu không mệt mỏi vừa xây dựng chương trình, mời giáo viên giỏi đến giảng dạy, vừa lựa chọn, xác định ngành nghề đào tạo, vừa tìm kiếm, ký kết liên kết đào tạo với các trường đại học đối tác. Đến nay Khoa đã gần 1000 sinh viên, học tập trong các chương trình liên kết với hơn 20 trường Đại học nước ngoài, ở các bậc khác nhau, bằng một trong 4 ngoại ngữ (Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc).

1.2. Các chương trình đào tạo tại Khoa Quốc tế

Các chương trình đào tạo bậc đại học của Khoa được thiết kế theo mô hình rất linh hoạt. Sinh viên có thế học toàn phần hoặc bán phần tại Khoa và nhận bằng nước ngoài.

Các chương trình học toàn phần tại Khoa Quốc tế (còn gọi là du học tại chỗ) gồm các ngành: Kinh tế-Quản lý (học bằng tiếng Pháp, Đại học Lyon 2 cấp bằng); Kế toán, Phân tích và Kiểm toán (học bằng tiếng Nga, ĐHQGHN cấp bằng cử nhân chính quy); Kinh doanh, kế toán, quản trị kinh doanh (học bằng tiếng Anh, các đại học HELP (Malaysia), Edith Cowan (Australia), East London (Anh), Thompson Rivers (Canada) cấp bằng cử nhân.

Các chương trình du học bán phần (học 1-2 năm tại Khoa Quốc tế, những năm còn lại học tại các trường đối tác nước ngoài) cho phép sinh viên rất nhiều lựa chọn về ngành nghề. Sau 1,5-3 năm đầu học tại Khoa Quốc tế, sinh viên hệ tiếng Anh có thể chuyển tiếp sang học những năm cuối tại các trường đại học HELP (Malaysia); East London, West England (Anh), Queensland, Charles Sturt (Úc), Deakin, Griffith, Công nghệ Curtin, Edith Cowan (Úc), Thompson Rivers (Canada), Bemedji State (Hoa Kỳ). Sinh viên hệ tiếng Trung Quốc có thể chọn các trường Đại học Kinh tế-Tài chính Trung ương Trung Quốc, Trung Y-Dược Quảng Châu, Học viện Trung Y Hồ Bắc, Sư phạm Quảng Tây, Đại học Sư phạm Nam Kinh, Giao thông Trùng Khánh. Sinh viên học bằng tiếng Pháp có thể lựa chọn đại học Paris Sud XI, Đại học Lyon 2. Kể từ năm 2007, Khoa sẽ có chương trình đào tạo bác sỹ nha khoa 6 năm (3 năm đầu học tại Khoa Quốc tế, 2 năm tiếp theo học tại Đại học Nantes, năm cuối cùng tại Khoa Quốc tế), một chương trình chất lượng hang đầu châu Âu và thế giới.

Bên cạnh các chương trình bậc đại học, Khoa đang tiến hành Chương trình đào tạo thạc sỹ Quản trị kinh doanh quốc tế bằng tiếng Anh liên kết với ĐH HELP (Malaysia) và ĐH Edith Cowan (Australia), đồng thời xúc tiến triển khai hai chương trình thạc sĩ về Marketing và Tài Chính- Ngân hàng với đại học Nantes, trường đại học lớn thứ 2 của Pháp về số lượng sinh viên.

Ngoài các chương trình dài hạn, Khoa đã và đang tổ chức các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, nhằm cập nhất kiến thức và nâng cao trình độ cho các đối tượng có nhu cầu trong lĩnh vực kinh doanh, marketing, tin học, ngoại ngữ (tiếng Anh doanh nghiệp).

1.3. Tổ chức và quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo

Công tác tuyển sinh của Khoa Quốc tế căn cứ vào các tiêu chí tuyển sinh của đối tác nước ngoài, dựa vào kết quả 3 năm học THPT, kết hợp với điểm thi tốt nghiệp PTTH và thi đại học (tùy theo chương trình). Công tác tuyển sinh, dưới hình thức xét tuyển, được thực hiện công khai, nghiêm túc. Quá trình đào tạo được tổ chức đào tạo theo chương trình, giáo trình của trường đối tác nước ngoài, đồng thời gắn kết nội dung phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Đội ngũ giảng dạy là những giảng viên giỏi của Việt Nam và nước ngoài, áp dụng phương pháp dạy và học lấy người học làm trung tâm. Quy mô lớp học nhỏ (học ngoại ngữ thường 15-20 sinh viên/lớp). Việc kiểm tra, thi đánh giá các học phần cũng như học kỳ, năm học theo quy định của các trường đối tác nước ngoài, của ĐHQGHN, được “quy chế hoá” trong văn bản “Quy định đào tạo đại học ở Khoa Quốc tế”.

Khác với ở đại đa số các trường đại học khác của Việt Nam, sinh viên Khoa Quốc tế phải trải qua một sự sàng lọc rất nghiêm khắc trong quá trình đào tạo. Số lượng sinh viên cuối năm học ngoại ngữ của cả 4 khoá thường giảm từ 30% đến trên 50% so với số lượng sinh viên nhập học ban đầu. Điều này vừa là yêu cầu về chất lượng của đối tác, vừa xuất phát từ lợi ích của người học. Triết lý ở đây là mở rộng cơ hội cho mọi người, nhưng chỉ có những sinh viên học tập chăm chỉ theo đúng các hướng dẫn của giáo viên và đáp ứng được yêu cầu mới có thể tốt nghiệp.

Để thu hút học sinh có năng lực khá giỏi ở bậc THPT vào học cũng như khuyến khích sinh viên phấn đấu rèn luyện, Khoa Quốc tế đã trích kinh phí để thành lập quỹ khen thưởng dưới hình thức trao học bổng hàng tháng cho sinh viên. Quỹ này xét và cấp theo định kỳ một năm 2 lần. Năm 2006-2007 quỹ dành cho học bổng là 400-500 triệu đồng. Quỹ học bổng này sẽ còn được mở rộng vào những năm sau. Tỷ lệ sinh viên được nhận học bổng là khoảng 10%.

Để đảm bảo chương trình và chất lượng đào tạo, Khoa đang sử dụng hơn 100 giáo viên có trình độ từ thạc sỹ trở lên, có năng lực, kinh nghiệm và trách nhiệm cao. Khoảng 20 đến 50% các môn học ở Khoa do giảng viên của trường đối tác nước ngoài cử tới giảng dạy. Riêng đối với ngành bác sĩ nha khoa, 70% thời lượng do giảng viên của đại học Nantes trực tiếp giảng dạy.

Ban lãnh đạo Khoa Quốc tế kiên trì thực hiện mục tiêu chất lượng cao, tuân thủ điều luật phi lợi nhuận trong giáo dục, nắm bắt và vận dụng công nghệ đào tạo nước ngoài (thực hiện đúng chương trình, nội dung, quy trình tổ chức quản lý, kiểm tra đánh giá), đồng thời chú trọng các điều kiện có tính quyết định đối với chất lượng đào tạo như: Đội ngũ giảng viên, tổ chức quản lý cơ sở vật chất-kỹ thuật.

Để thực hiện được nhiệm vụ khó khăn này, tập thể thầy trò Khoa Quốc tế không chỉ dựa vào những nỗ lực mang tính vật lý, mà còn phải căn cứ vào những nghiên cứu khoa học, cho phép đánh giá chính xác những thuận lợi, khó khăn và thách thức.

2. NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÁC CHƯƠNG TRÌNH LIÊN KẾT QUỐC TẾ CỦA KHOA QUỐC TẾ

2.1. Về nội dung và phương pháp giảng dạy

2.1.2. Sự khác biệt về chương trình PTTH

Một trong những khó khăn lớn khi tiến hành hợp tác đào tạo quốc tế là sự khác biệt về nội dung và phương pháp giảng dạy ở trường PTTH, bởi lẽ chương trình phổ thông trung học đóng vai trò chủ yếu trong việc tạo lập nền tảng kiến thức cũng như thói quen học tập cho sinh viên khi bước vào trường đại học. Hiện nay Việt Nam cũng đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 12 năm như phần lớn các nước trên thế giới. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giáo dục phổ thông nói chung và THPT nói riêng của Việt Nam, khá tốt1. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, giáo dục THPT ở Việt Nam đang có những khác biệt đáng kể so với giáo dục THPT ở nhiều nước, đặc biệt là các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ. Những khác biệt này chủ yếu là ở nội dung và phương pháp giảng dạy.

a. Khác biệt về nội dung:

So với nội dung chương trình THPT ở Âu-Mỹ, theo tôi, chương trình THPT ở Việt Nam có hai điểm đáng phải quan tâm, đó là quá nặng, lạc hậu. Tình trạng quá tải của chương trình phổ thông đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập trong hàng chục năm nay, nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức. Tuy nhiên, sự giảm tải trên thực tế đã không thành công như mong đợi. Lý do chính, theo tôi, là triết lý giáo dục. Vì giáo dục vẫn được coi là quá trình cung cấp kiến thức chứ không phải là rèn luyện tư duy, các nhà thiết kế chương trình có xu hướng đưa vào chương trình tất cả những gì họ cho là “cần thiết”. Trên thực tế, dường như họ rất khó khăn trong việc xác định những gì có thể “giảm tải” mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng chương trình. Tình trạng lạc hậu vừa có lý do lịch sử vừa có lý do phát triển. Do Việt Nam thuộc khối các nước xã hội chủ nghĩa, với nền kinh tế trước đây mang tính tập trung kế hoạch hóa, nền giáo dục phổ thông tuân theo triết lý khác, có nhiệm vụ khác và vì thế nội dung cũng khác. Khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, nền giáo dục cần phải chuyển đổi theo, nhưng qúa trình này đang được thực hiện một cách chậm trễ và thiếu một chiến lược tổng thể. Những khảo sát chúng tôi cho thấy rằng khác biệt lớn nhất là về các môn khoa học xã hội, nhưng ngay cả các môn khoa học tự nhiên cũng cũng có nhiều nội dung khác. Trình độ phát triển thấp của nền kinh tế Việt Nam cũng tạo ra những sức cản về tài chính, thể chế và văn hóa đối với quá trình cải cách giáo dục. Kết quả là nội dung chương trình THPT hiện đang tụt hậu khá xa so với đòi hỏi của xã hội.

b. Khác biệt về phương pháp giảng dạy

Như trên đã nói, những yếu tố lịch sử, chính trị, kinh tế và văn hoá ảnh hưởng rất lớn đến triết lý giáo dục. Đến lượt mình, triết lý giáo dục lại là một trong những nhân tố quyết định phương pháp giáo dục. Vì ở Việt Nam, cho đến nay, việc giáo dục về cơ bản vẫn được coi là cung cấp kiến thức nên dễ hiểu là là phương pháp giáo dục vẫn mang nặng tính áp đặt, trong đó người thầy đóng vai trò cung cấp kiến thức, còn học sinh đóng vai trò tiếp nhập một cách thụ động. Phương pháp giáo dục này còn có một cơ sơ vững chắc khác nữa, đó là truyền thống Nho giáo và tâm lý trọng khoa cử với lịch sử hàng ngàn năm ở Việt Nam.

Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, trong một bài báo đã nói: “Yếu kém lớn nhất của giáo viên phổ thông hiện nay vẫn là phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá học sinh và việc dạy chưa đảm bảo yêu cầu học đi đôi với hành. Phương pháp dạy còn nặng về truyền đạt kiến thức, chưa phát huy tính chủ động và khuyến khích sự vận dụng sáng tạo của học sinh, sinh viên. Chưa chú trọng việc hướng dẫn hình thành năng lực tự học của học sinh, sinh viên và khả năng làm việc tập thể, làm việc theo nhóm2.

Cùng với những khác biệt về nội dung chương trình, những khác biệt về phương pháp giáo dục ở THPT của Việt Nam khiến học sinh Việt Nam ít nhiều lúng túng khi bước vào học các chương trình nước ngoài.

2.1.3. Sự khác biệt về chương trình đại học:

a. Khác biệt về triết lý và phương pháp giáo dục

Giáo dục đại học ở Việt Nam cũng đang mắc những căn bệnh như ở bậc THPT, nhưng có lẽ còn trầm trọng hơn. Điều đáng suy nghĩ nhất hiện nay chính là sự lúng túng của những nhà hoạch định chính sách giáo dục trong việc đưa ra một triết lý giáo dục đúng đắn. Hiện nay, một vấn đề đang gây tranh cãi là giáo dục đại học nên hướng tới việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp hay các kiến thức văn hóa nền tảng theo truyền thống từ thời Khai Sáng. Tôi đồng ý với TS Vũ Quang Việt khi ông viết rằng đại học Việt Nam, “không phải là dạy nghề, cũng không đào tạo một người có kiến thức sâu và tính sáng tạo”: “Nhìn chương trình giảng dạy ở ĐH Kinh tế TP.HCM ta thấy, sinh viên trong 4 năm phải học gần như tất cả mọi thứ trên đời về kinh tế mà nhà trường có thể nghĩ ra được. Họ học từ các môn cơ bản như kinh tế vĩ mô và vi mô, đến các môn như kinh tế lao động, quản trị xí nghiệp, kế toán, địa lý kinh tế, luật kinh tế, dân số học, chính sách thương mại, kinh tế tài nguyên và môi trường, phân tích dự án kinh tế, thị trường chứng khoán… Đây là những môn ít khi dạy ở cấp đại học 4 năm và có dạy thì chỉ là những môn để sinh viên có thể chọn lựa”. Đúng như TS. Vũ Quang Việt đã nhận xét, do phải học quá nhiều môn, sinh viên Việt Nam có rất ít thì giờ để tự học, lại càng không có thì giờ để hình thành và rèn luyện kỹ năng đi sâu nghiên cứu các vấn đề đã học. Về phần mình, các giáo viên cũng chỉ nói lại những gì mình đọc được trong sách, chứ ít có thì giờ để nghiên cứu. Kết quả là chương trình đại học của Việt Nam nặng về lý thuyết mà lại rất kém về thực hành. Đó là nguyên nhân chính khiến phần lớn sinh viên Việt Nam rất bỡ ngỡ khi ra trường. TS. Vũ Quang Việt nhận xét rất đúng rằng “Như vậy trường chỉ nhằm nhồi sọ kiến thức lý thuyết kinh tế mà sự phân chia chi li các lớp học thì có vẻ thực dụng như dạy nghề”.3

Hậu quả của việc thiếu một triết lý giáo dục đại học là tính không toàn diện của các chương trình đại học. Nhìn chung, các chương trình đại học của Việt Nam không chú trọng đến việc trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản và toàn diện liên ngành. Sinh viên cũng không được rèn luyện các kỹ năng hết sức cần thiết cho học tập và nghiên cứu ở bậc đại học, như kỹ năm diễn đạt, kỹ năng viêt luận hay tư duy logic.

Một hậu quả gián tiếp khác của tình trạng thiếu triết lý giáo dục là sự trì trệ trong thay đổi phương pháp dạy và học. Như trên đã nói, giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học Việt Nam nói riêng hiện vẫn còn áo dụng rộng rãi phương pháp giáo dục cũ mà Paulo Freire gọi là “giáo dục kiểu ngân hàng” (banking education), trong đó người thầy là trung tâm: vừa là kho kiến thức được tích tụ từ trước, vừa là người truyền thụ kiến thức, còn người học chỉ đơn thuần là kẻ hấp thụ thụ động mà thôi.

b. Khác biệt về thời gian và hình thức đào tạo

Chương trình đại học ở Việt Nam nhìn chung là kéo dài 4 năm (trừ trường đại học y kéo dài 6 năm). Trong khi đó chương trình đại học ở Anh và nhiều nước theo truyền thống Anh là 3 năm.

Không chỉ khác nhau về thời gian, chương trình học đại học ở Việt Nam còn khác biệt ở thời gian trên lớp. Theo TS. Vũ Quang Việt, thời gian học 4 năm ở lớp tại Việt Nam là 2.183 giờ so với 1.380 giờ ở Mỹ4. Như vậy chương trình ở Việt Nam dài hơn gần 60%. So sánh chương trình khung do Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam ban hành với chương trình khung của các nước Canada và Anh chúng tôi cũng có nhận xét tương tự. Chẳng hạn, ta có thể so sánh khung chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh. Theo Khung chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh (Business Administration) do Bộ giáo dục và đào tạo ban hành, khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo theo thiết kế là 180 đơn vị học trình, chưa kể phần nội dung về Giáo dục thể chất (5 đơn vị học trình) và Giáo dục Quốc phòng (165 tiết). Điều này có nghĩa là chương trình 4 năm của Việt Nam đòi hỏi 250 đvht (xem phụ lục 1). Trong khi đó, Khung chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh của ĐH Thompson Rivers, Canada, chỉ bao gồm 120 tín chỉ (xem phụ lục 2).

So sánh các khung chương trình của Việt Nam với khung chương trình cùng loại của nước ngoài, ta còn thấy rằng thời gian lên lớp của sinh viên Việt Nam nhiều hơn rất nhiều. Với thời gian học trên lớp nhiều như vậy, giáo viên buộc phải đọc nội dung bài giảng mới có thể hoàn thành chương trình, còn sinh viên sẽ còn ít thì giờ để tự học, nghiên cứu.

Điểm khác biệt nữa cần phải nhắc đến là hình thức đào tạo. Các trường đại học Việt Nam hiện nay về cơ bản vẫn áp dụng niên chế trong đào tạo, trong khi các trường đại học Bắc Mỹ và nhiều trường ở châu Âu áp dụng học chế tín chỉ. Tất nhiên, mỗi hình thức đào tạo đều có mặt mạnh mặt yếu riêng và việc lựa chọn hình thức này hay hình thức khác phụ thuộc vào truyền thống, kinh nghiệm, triết lý và điều kiện của từng nước. Tuy nhiên, khi tiến hành liên kết đào tạo, các khác biệt này cần phải được nghiên cứu để có thể dung hòa chúng bằng những giải pháp tối ưu.

Cần phải nói rằng hình thức đào tạo theo tín chỉ có nhiều ưu thế lớn, và đó chính là lý do khiến ngày càng có nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, muốn áp dụng rộng rãi. Một trong những ưu điểm của hình thức đào tạo theo tín chỉ là tính linh hoạt. Hình thức này cho phép sinh viên có nhiều lựa chọn hơn về môn học, giảng viên, thứ tự môn học, và cả thời gian học tập. Nó cũng cho phép cơ sở đào tạo linh hoạt hơn trong việc xây dựng thời gian biểu, điều động giảng viên. Chính nhờ thế, các cơ sở đào tạo theo tín chỉ có thể tuyển sinh nhiều lần trong một năm chứ không phải chỉ một lần hàng năm như khi áp dụng niên chế.

Như trên đã nói, chế độ đào tạo theo tín chỉ hiện mới đang được triển khai thí điểm tại một số trường đại học và cao đẳng của Việt Nam. Những khác biệt này gây không ít khó khăn không chỉ trong việc trao đổi giáo viên, chuyển tiếp sinh, mà còn cả việc chấm hết kỳ, xét lên lớp.

2.2. Về đội ngũ giảng viên

Theo bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, năm học 2005-2006, cả nước có khoảng 47.700 giảng viên đại học, cao đẳng5. Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, “Đội ngũ giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng còn rất thiếu, nhất là đối với những chuyên ngành đào tạo mới, môn học mới. Đội ngũ nhà giáo đầu ngành bị hẫng hụt, không kịp bù đắp số nghỉ hưu. Năng lực, trình độ, khả năng cập nhật kiến thức mới, sử dụng ngoại ngữ; quy mô và chất lượng nghiên cứu khoa học phục vụ nhu cầu của thực tiễn lao động sản xuất và đào tạo, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học, quản lý giáo dục của đội ngũ giảng viên còn rất hạn chế. Nhìn chung trình độ (đặc biệt là trình độ nghiên cứu khoa học và công nghệ) của giảng viên đại học của nước ta thấp trong tương quan với các nước trên thế giới, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học. Hiện tại 55% giảng viên đại học, cao đẳng chỉ có trình độ cử nhân, kỹ sư, chỉ có 13% là tiến sĩ, số phó giáo sư là hơn 4%, số giáo sư 1%. Các tỷ lệ này ở những vùng khó khăn còn thấp hơn rất nhiều. Đội ngũ giảng viên giỏi kế cận chưa được chuẩn bị để thay thế đội ngũ giảng viên đầu ngành là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có nhiều kinh nghiệm nay đã lớn tuổi.6

Nếu số lượng thiếu và chất lượng yếu là vấn đề khó khăn của giáo dục đại học nói chung, thì đó còn là vấn đề khó khăn hơn đối với liên kết đào tạo. Bởi lẽ, ngoài năng lực chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy, các giáo viên tham gia giảng dạy trong các chương trình liên kết còn phải thành thạo ngoại ngữ và am hiểu các hệ thống giáo dục của trường liên kết. Vấn đề đặt ra là hiện nay ở Việt Nam có bao nhiêu người có khả năng giảng dạy bằng ngoại ngữ?

Để trả lời cho câu hỏi quan trọng này, chúng ta cần phải tiến hành nghiên cứu khả năng giảng dạy bằng ngoại ngữ của các giáo viên đại học Việt Nam một cách hệ thống không chỉ về số lượng, bằng cấp, thứ tiếng, ngành nghề, mà còn cả về trình độ hiện nay của họ. Trong khi chờ có một cuộc nghiên cứu tổng thể như thế, chúng ta có thể đánh giá tình hình theo kết qua cuộc điều tra sơ bộ được chúng tôi hợp tác với Trung tâm hợp tác chuyên gia và khoa học kỹ thuật với nước ngoài (Bộ giáo dục và đào tạo) tiến hành năm 2004. Kết quả thu được cho thấy chúng ta hiện có hàng trăm giáo viên được dào tạo từ nước ngoài về, đã và đang giảng dạy đúng ngành nghề, hoàn toàn có thể giảng dạy hoặc được tập huấn để giảng dạy thành công trong các chương trình liên kết. Tuy nhiên, không phải các giáo viên này đều có thể giảng dạy được trên thực tế vì những lý do sau đây:

a. Về ngôn ngữ sử dụng trong đào tạo

Mặc dù số lượng các giáo viên có thể giảng dạy bằng ngoại ngữ là khá lớn, nhưng sự phân bố là rất không đồng đều. Đại đa số thành thạo tiếng Anh, ở tỷ lệ thấp hơn là tiếng Nga, rồi đến tiếng Pháp. Số người giảng dạy được bằng tiếng Trung Quốc là quá ít. Trong tình hình đó, các chương trình liên kết với các trường đại học Anh ngữ và Nga ngữ tương đối thuận lợi hơn so với các thứ tiếng khác, còn các chương trình liên kết với các đối tác Hoa ngữ gặp rất nhiều khó khăn về giáo viên. Trong khi đó, các giáo viên sử dụng các thứ tiếng ít thông dụng hơn như tiếng Tiệp, tiếng Bungari, tiếng Rumani…hầu như không hề có cơ hội để tham gia giảng dạy.

b. Về chuyên ngành

Sự phân bổ của các giáo viên có thể giảng dạy bằng ngoại ngữ cũng rất không cân đối nếu xét theo ngành nghề. Rất nhiều người trong số họ được đào tạo về các ngành khoa học cơ bản hiện nay chưa có điều kiện kinh tế và kỹ thuật để tiến hành liên kết đào tạo.

c. Về mức độ cập nhật kiến thức

Một tỷ lệ đáng kể các giáo viên nói trên được đào tạo tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, trong bối cảnh khác, theo triết lý đào tạo khác, nhằm mục đích khác so với bối cảnh, triết lý và mục đích đào tạo đại học hiện nay. Thêm vào đó, do các trường ĐH của Việt Nam không có sự khuyến khích đối với giảng viên trong việc nâng cao kỹ năng giảng dạy, chất lượng môn học và khả năng nghiên cứu, rất nhiều giảng viên đã không cập nhật kiến thức kịp thời, không quan tâm nghiên cứu và nâng cao trình độ kiến thức cũng như sư phạm.

d. Về cương vị và địa phương công tác.

Sự phân bổ theo địa phương cũng gây ra ít nhiều khó khăn. Mặc dù trên thực tế, phần lớn các giáo viên có thể giảng dạy bằng ngoại ngữ tập trung tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, vẫn có một bộ phận đáng kể làm việc tại các trường đại học và cao đẳng ở các tỉnh, hay thậm chí đã không còn tham gia giảng dạy mà chuyển sang các công tác khác.

Mặc dù có khó khăn như vậy, chúng tôi vẫn cho rằng vấn đề giáo viên là có thể khắc phục được. Không một cơ sở đào tạo đại học nào ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh đủ năng lực thực hiện trọn vẹn một chương trình đào tạo nước ngoài. Nhưng nếu sử dụng đội ngũ giảng viên của nhiều trường đại học của một trong hai thành phố lớn nói trên thì có thể thực hiện được nhiều chương trình liên kết quốc tế. Ở đây chúng ta còn chưa tính đến các giảng viên nước ngoài cũng tham gia giảng dạy nhiều môn học khác nhau. Điều chúng ta cần làm là phải có nghiên cứu đầy đủ, có chế độ đãi ngộ thích đáng và có phương pháp tổ chức hiệu quả.

II.3. Về môi trường giáo dục

II.3.1. Chương trình đào tạo tiếng và môi trường ngôn ngữ.

Đối với sinh viên tham gia các chương trình liên kết quốc tế, khả năng ngôn ngữ chính là chiếc chìa khóa để họ mở các cánh cửa tri thức trong quá trình học tập. Chính vì thế, Khoa Quốc tế đặc biệt quan tâm đến chương trình ngoại ngữ.

Nhằm chuẩn bị tốt cho sinh viên trước khi vào học chương trình đại học, Khoa đã tổ chức và thực hiện một chương trình dự bị đại học đặc biệt phù hợp với yêu cầu của các ngành học. Chương trình dự bị đại học kết hợp dạy tiếng nước ngoài với một số môn cơ sở giúp học viên có đủ trình độ ngoại ngữ và học vấn để nhập học các khoá đào tạo đại học ở Khoa hoặc ở nước ngoài. Theo các nghiên cứu của chúng tôi, ngoài các khó khăn của giáo dục và đào tạo nói chung, việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam hiện nay gặp phải hai khó khăn chính ảnh hưởng đến chất lượng. Đó là sự chưa thích hợp của nội dung sách giáo khoa và sự thiếu vắng một môi trường ngoại ngữ cần thiết.

Trước hết là về giáo trình. Hiện nay, hầu hết các giáo trình ngoại ngữ đang sử dụng tại Việt Nam là giáo trình do các tác giả nước ngoài biên soạn và được định hướng toàn cầu. Chính vì vậy, nội dung giáo trình có nhiều điểm khó hiểu, thậm chí xa lạ, đối với người học. Trong khi đó, nhiều kiến thức gần gũi và cần thiết cho người học lại không có. Đó là lý do khiến chương trình thiếu hấp dẫn và ít hiệu quả về mặt thực tiễn đối với người học. Vì lý do này, chung tôi đang nỗ lực để tiến hành thành lập một nhóm học giả, bao gồm các chuyên gia về dạy ngoại ngữ nước ngoài và Việt Nam, có nhiệm vụ viết một giáo trình ngoại ngữ sao cho vừa đảm bảo chất lượng quốc tế, vừa gần gũi với người học Việt Nam.

Nhưng khó khăn lớn nhất đối với các chương trình liên kết chính là làm sao tạo dựng được một môi trường ngôn ngữ cho phép sinh viên hoàn thiện nhanh chóng khả năng ngôn ngữ của họ. Như chúng ta đều biết, tiếng Việt là một ngôn ngữ dân tộc khá mạnh, không chỉ được tuyệt đại đa số dân cư Việt Nam sử dụng trong đời sống hàng ngày, mà còn là ngôn ngữ chính thức trong hành chính, văn hóa, chính trị và giáo dục ở mọi cấp, từ mẫu giáo đến sau đại học. Trong bối cảnh như thế, sinh viên hầu như chỉ dùng ngoại ngữ trên lớp, còn trong xã hội họ có xu hướng sử dụng tiếng Việt là thứ tiếng họ thông thạo hơn. Làm sao để khắc phục tình trạng đó? Kinh nghiệm của Khoa Quốc tế là cần phải nâng cao tỷ lệ giáo viên bản ngữ lên mức hợp lý, sử dụng nhiều ngoại ngữ hơn trong giao tiếp giữa giáo viên với sinh viên cũng như giữa sinh viên với nhau. Một loạt hoạt động ngoại khóa cũng được tổ chức như thành lập các câu lạc bộ ngoại ngữ, tiến hành trao đổi sinh viên với các trường đại học ngước ngoài. Ngoài ra, khoa còn tổ chức các cuộc thi viết luận bằng ngoại ngữ hay khuyến khích các em tham gia các kỳ thi Olympic ngoại ngữ. Những biện pháp này trên thực tế đã thu được kết quả rất đáng khích lệ.

2.3.2. Cơ sở vật chất-kỹ thuật.

a. Hệ thống thư viện:

Thư viện là một trong những điều kiện không thể không có đối với đào tạo đại học. Nhưng nếu đây là một điểm còn yếu của các trường đại học Việt Nam, thì đối với các chương trình liên kết, khó khăn này còn lớn hơn nhiều. Làm sao để có thể nhanh chóng xây dựng một thư viện tốt cho các chương trình liên kết, đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe của các đối tác nước ngoài? Trong điều kiện khả năng kinh tế còn rất eo hẹp của Việt Nam nói chung, của Khoa Quốc tế nói riêng, giải pháp của chúng tôi là: 1. tận dụng và sử dụng hiệu quả thư viện của ĐHQGHN và các thư viện khác; 2. Cố gắng khai thác khả năng của internet; 3. Xây dựng một tủ thư viện chuyên ngành riêng của Khoa.

- Tận dụng và sử dụng hiệu quả thư viện của ĐHQGHN và các thư viện khác: Vì Khoa Quốc tế là một bộ phận của ĐHQGHN, vì thế sinh viên Khoa Quốc tế được quyền sử dụng thư viện của trường với một nguồn tài liệu bao gồm 200.000 tên sách với trên 1.000.000 bản; 3.000 tên tạp chí với 450.000 bản; bộ s­ưu tập tài liệu điện tử gồm 6 CSDL bài đăng tạp chí khoa học nư­ớc ngoài trên CD - ROM với số l­ượng gần 3 triệu biểu ghi thư­ mục, index và hàng chục nghìn bản full text về các lĩnh vực Khoa học Ứng dụng & Công nghệ, Khoa học Xã hội & Nhân văn, Giáo dục, Sinh học, Kinh tế. Trong số các sách và tài liệu này có rất nhiều tài liệu bằng ngoại ngữ.

- Khai thác khả năng của internet: Một hướng khác để cung cấp tài liệu học tập cho sinh viên là khai thác tối đa khả năng của internet. Khoa Quốc tế hiện có 2 phòng máy tính được kết nối internet. Khoa cũng đã lắp đặt mạng internet không dây, cho phép mọi sinh viên sử dụng internet ở mọi nơi, mọi lúc trong khuôn viên của Khoa. Nhờ vậy, sinh viên Khoa Quốc tế có thể khai thác nguồn tài liệu và thông tin on-line rất lớn, gồm 3 cơ sở dữ liệu sách (CSDL), tạp chí và khóa luận của Trung tâm (50.000 biểu ghi), 8 CSDL do Trung tâm Thông tin Tư­ liệu Khoa học và Công nghệ quốc gia (NACESTID) cung cấp bao gồm CSDL sách của Thư­ viện Khoa học kỹ thuật Trung ư­ơng (95.000 biểu ghi), CSDL sách của Th­ư viện Quốc gia (110.000 biểu ghi), CSDL Sinh học (300.000 biểu ghi), CSDL Năng l­ượng - Điện tử - Tin học (300.000 biểu ghi), CSDL Wilson Omrifile: Full Text Select Database (Abtracts & Indexing: 1420 tiles, since 1994 , Fulltext: 1420 titles, since 1994),... và một số các CSDL khác như­ bài trích tạp chí về KHCN, các đề tài nghiên cứu đang tiến hành hoặc đã kết thúc ở Việt Nam.

Bên cạnh kho tài liệu của thư viện ĐHQGHN và các thư viện khác của Việt Nam, chúng tôi cũng đề nghị các đối tác cho sinh viên Khoa Quốc tế sử dụng kho tư liệu trực tuyến của các trường đối tác.

- Xây dựng một thư viện theo các ngành đào tạo của Khoa: Song song với việc tổ chức khai thác tiềm năng của thư viện ĐHQG và internet, Khoa Quốc tế chủ trương xây dựng một cách có lựa chọn một kho sách chuyên ngành thật sự hữu ích cho người học. Chúng tôi có một nhóm các chuyên gia đầu ngành, trong đó có một số người đang giảng dạy tại Hoa Kỳ, Anh, Úc, Pháp và một số nước khác, chuyên tư vấn về học liệu. Hiện nay Khoa đã có hơn 2000 đầu sách, giáo trình với hơn 6000 bản. Một chương trình liên kết với các nhà xuất bản sách giáo khao nổi tiếng trên thế giới, cũng như với tổ chức và cá nhân từ thiện cũng đang được tiến hành, hướng tới việc xây dựng một thư viện chuyên ngành đạt tiêu chuẩn quốc tế.

b. Cơ sở vật chất: Trang thiết bị học tập, phòng thí nghiệm và cơ sở thực tập

- Giảng đường và trang thiết bị học tập: Trong thời gian đầu mới thành lập, có rất nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất, nhưng tập thể cán bộ viên chức của Khoa Quốc tế đã phấn đấu phát triển để khẳng định mình, khẳng định mô hình đào của Khoa- một trường công lập nhưng không có nguồn ngân sách Nhà nước, tự lo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm… Đến nay Khoa đã có gần 70 phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện tại Nhà C Làng sinh viên Hacinco; hai phòng máy tính, được kết nối mạng trực tuyến; hai phòng học tiếng Multimedia cùng các thiết bị hỗ trợ giảng dạy như Overhead, Projector, máy tính xách tay và các thiết bị nghe nhìn khác; Các phòng học, phòng làm việc đều được trang bị máy điều hoà không khí.

- Phòng thí nghiệm: Tuy nhiên, khó khăn lớn hơn đối với Khoa là xây dựng và hoàn thiện các phòng thí nghiệm, bởi lẽ so với phòng học và các thiết bị giảng dạy thông thường khác, phòng thí nghiệm đòi hỏi đầu tư lớn hơn nhiều. Để giải quyết vấn đề này, Khoa Quốc tế đã có những giải pháp rất linh hoạt và sáng tạo. Trước hết, về mặt chiến lược phát triển, Khoa bắt đầu bằng những ngành chưa đòi hỏi hoặc đòi hỏi ít thiết bị, ví dụ các ngành quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính, Hán ngữ, tiếp theo là các ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính… Sau khi các chương trình này đã vững vàng, khi kinh nghiệm quản lý, uy tín và khả năng tuyển sinh đã được nâng cao đáng kể, Khoa mới xúc tiến các ngành cần nhiều phòng thí nghiệm hơn, như Nha Khoa. Để thực hiện chương trình đào tạo bác sỹ Nha, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các phòng thí nghiệm của các cơp sở đào tạo khác của ĐHQGHN cũng như với các trường đại học Y, Dược và răng hàm mặt của Hà Nội. Đặc biệt, chúng tôi được sự giúp đỡ rất quý báu của ĐH Nantes (CH Pháp). Khoa Nha của ĐH Nantes đã tặng chúng tôi 3 phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo bác sĩ Nha khoa cho toàn bộ giai đoạn đào tạo tiền lâm sàng.

Bằng những giải pháp và bước đi thích hợp, chúng tôi đã giải quyết được những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi để xây dựng một chương trình đào tạo Nha khoa chất lượng theo đúng tiêu chuẩn châu Âu và thế giới.

- Cơ sở thực tập: Một điểm khác biệt giữa các chương trình đại học liên kết so với các chương trình của Việt Nam là tính thực tiễn. Các chương trình đại học của Việt Nam trước đây dựa trên yêu cầu của kế hoạch nhà nước và trên thực tế chỉ thực hiện các đơn đặt hàng của nhà nước về đào tạo nhân lực. Vì mang tính nhà nước như vậy, đến lượt nó, các chương trình đào tạo cũng mang nặng tính duy ý chí và khó thay đổi. Tình hình này hiện vẫn chưa thay đổi được bao nhiêu. Các chương trình đại học của Phương Tây, trái lại, luôn được xây dựng dựa trên các yêu cầu của đời sống kinh tế-xã hội. Vì thế, các chương trình này không chỉ nhắm đến việc cung cấp nhân lực cho các cơ sở sản xuất và dịch vụ, mà còn gắn kết với hoạt động tại các cơ sở đó ngay trong quá trình đào tạo.

Sự khác biệt này ít nhiều gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo liên kết, bởi lẽ nhiều cơ sở kinh doanh Việt Nam chưa quen, hoặc thậm chí không muốn nhận sinh viên thực tập. Trên thực tế, Khoa Quốc tế đã phải rất năng động để tăng cường mối quan hệ với các sơ sở kinh doanh hoặc hành nghề khác như bệnh viện, công sở, nhằm đảm bảo yêu cầu về thực hành cho sinh viên.

2.4. Những đặc điểm văn hóa-xã hội

Trong những khó khăn mà các chương trình liên kết đào tạo ở Việt Nam gặp phải, không chỉ có vấn đề cơ sở vật chất và ngôn ngữ, mà còn có các vấn đề văn hóa, đặc biệt là ở các khía cạnh: 1. Quan điểm truyền thống về giáo dục; 2. Những đặc thù về trình độ phát triển và hệ thống chính trị, và 3. Nguồn gốc xã hội của sinh viên.

2.4.1. Quan điểm truyền thống ở Việt Nam về giáo dục:

Trong xã hội Việt Nam trước đây, học trước hết là để làm quan chứ không phải là để trở thành một người có tri thức. Trong hàng ngàn năm, toàn bộ quá trình học tập chỉ xoay quanh việc thi cử, mà việc thi cử lại chỉ xoay quanh việc học thuộc lòng Tứ Thư và Ngũ Kinh, những cuốn sách được coi là của Thánh Hiền. Hậu quả của truyền thống này là cho đến tận ngày nay nhiều người Việt Nam vẫn coi trọng bằng cấp hơn là thực học. Nhiều người cố bằng mọi cách để được học đại học, nhưng khi được vào học lại không chăm chỉ học mà chỉ có gắng làm sao có được mảnh bằng. Tâm lý này cũng có một hậu quả gián tiếp khác là người học chỉ chăm chú vào các môn thi mà bỏ qua các môn khác, bị coi là “môn phụ”. Ngoài ra, để đạt điểm cao, nhiều sinh viên chỉ cố gắng học các môn thi, dẫn đến tình trạng học vẹt, học lệch.

Trong tình hình như thế, khi tham gia các chương trình liên kết, khi tiếp xúc với các phương pháp học tập mới, một số sinh viên rất bỡ ngỡ, một số thậm chí rất thất vọng vì không thích ứng được.

Để khắc phục tình trạng này, Khoa Quốc tế rất chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng học tập cho các em, đồng thời luôn luôn chú trọng đến kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên. Đối với giảng viên nước ngoài, chúng tôi cố gắng tạo điều kiện để họ gần gũi sinh viên và trao đổi với các giáo viên Việt Nam, giúp họ nắm bắt được tình hình và đặc điểm tâm lý của người học tại Việt Nam.

2.4.2. Sự khác biệt về hệ thống chính trị-xã hội và trình độ phát triển:

Khác biệt về hệ thống chính trị xã hội không chỉ dẫn đến khác biệt về mục đích giáo dục mà còn trực tiếp quyết định nhiều nội dung học tập. Rất nhiều kiến thức bắt buộc đối với sinh viên đại học Việt Nam được quy định bởi định hướng tư tưởng như Chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử ĐCS Việt Nam. Trong khi đó, sinh viên Việt Nam lại gặp nhiều bỡ ngỡ khi tiếp xúc với các mảng kiến thức liên quan đến văn minh phương Tây, như lịch sử tôn giáo, các trường phái tư tưởng hay văn hoá.

Sự khác biệt về trình độ phát triển chủ yếu ảnh hưởng đến sự tiếp nhận của sinh viên, đặc biệt là ở khía cạnh thực tế. Một ví dụ là các chương trình kinh tế. Do Việt Nam mới tiếp nhận kinh tế thị trường không lâu và trình độ phát triển còn thấp, rất nhiều khái niệm cơ bản về thị trường, chứng khoán, kiểm toán…, những khái niệm thông thường đối với sinh viên ở phương Tây, là hoàn toàn xa lạ đối với sinh viên Việt Nam. Thực tế này đòi hỏi các giảng viên, đặc biệt là giảng viên nước ngoài phải có cách tiếp cận đặc biệt. Trong nhiều trường hợp, các ví dụ trực quan là rất cần thiết. Các chương trình dự bị cần phải đặc biệt lưu tâm đến việc chuẩn bị các khái niệm căn bản này. Riêng đối với các chương trình dự bị tiếng, chúng tôi chủ chương hợp tác với các chuyên gia để Việt Nam hoá và chuyên ngành hoá nội dung giảng dạy.

2.4.3. Đặc điểm xã hội của sinh viên tại Khoa Quốc tế

Một đặc điểm hết sức quan trọng của sinh viên Khoa Quốc tế là tuyệt đại đa số các em thi trượt đại học và xuất thân từ các gia đình khá giả. Quan điểm của đa số các nhà giáo hiện nay là cần phân biệt trình độ đầu vào với năng lực học tập của các em. Nói cách khác, việc các em không thi đỗ đại học không có nghĩa là các em có năng lực tiếp thu kém, mà điều đó chỉ phản ánh kết quả kiểm tra ở một thời điểm nhất định trong một lĩnh vực nhất định. Một cơ sở đào tạo đại học có chất lượng là cơ sở có thể giúp gia tăng nhanh chóng kiến thức và chất lượng hoạt động tư duy của người học.

Tuy nhiên, do xuất thân từ các gia đình khá giả, sinh viên các chương trình liên kết có những đặc điểm không thể không quan tâm. Trước hết là những thuận lợi. Do có điều kiện kinh tế, các gia đình sẵn sàng đầu tư nhiều hơn cho các em về điều kiện học tập, bao gồm sách vở, thời gian, và các thiết bị khác như máy tính, phương tiện đi lại. Nhiều em còn được gia đình cho tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ trợ, như tham dự trại hè quốc tế, học thêm ngoại ngữ và các môn nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng do được đảm bảo về vật chất, một số em không có ý thức đầy đủ về tương lai của chính mình. Một số em học hành không chăm chỉ, không có ý thức rèn luyện về đạo đưc, tác phong và kỷ luật học tập. Một số ít thậm chí còn sa ngã trước các hiện tượng tiêu cực như nghiện hút và các tệ nạn xã hội khác.

Để đảm bảo chất lượng học tập của các em, Khoa chủ trương và trên thực tế đã tổ chức một phương thức hữu hiệu, bao gồm sự giáo dục của nhà trường, sự quan tâm của của gia đinh, sự khuyến khích của các đoàn thể và sự theo dõi của xã hội. Như vậy, các em không chỉ được hưởng sự chăm sóc mà còn chịu sự giám sát chặt chẽ. Song song với sự giáo dục từ nhà trường, gia đình và xã hội, các em còn phải trải qua một quá trình sàng lọc nghiêm khắc. Chỉ có những sinh viên thực sự chăm chỉ, cầu tiến và có năng lực mới được tốt nghiệp và nhận bằng tốt nghiệp.

III. KẾT LUẬN: LIÊN KẾT ĐÀO TẠO QUỐC TẾ VÀ VẤN ĐỀ HIỆN ĐẠI HOÁ NỀN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM

Liên kết đào tạo không chỉ nhằm mục đích trước mắt là giải quyết nơi học và đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Liên kết đào tạo còn có một mục tiêu xa hơn, chiến lược hơn, đó là nhập khẩu công nghệ giáo dục tiên tiến, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và góp phần hiện đại hóa nền giáo dục đại học Việt Nam. Thực tiễn hoạt động của Khoa cho thấy rằng các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu không hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo chất lượng đào tạo và cung cấp nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế thì cũng không thể tích luỹ và thực hiện các nhiệm vụ lâu dài.

Năm năm qua là một chặng đường đầy khó khăn vất vả, nhưng tập thể cán bộ giảng viên của Khoa Quốc tế đã phấn đấu không ngừng và trên thực tế đã khẳng định được mô hình đào tạo đặc thù của mình. Những kết quả tích cực năm năm qua là cơ sở chắc chắn để Khoa Quốc tế tiếp tục vươn tới những tầm cao mới trong sự nghiệp trồng người đầy vinh dự và trách nhiệm của mình.

Để kết thúc bài báo cáo đã khá dài nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống này, tôi xin nói thêm rằng đây mới chỉ là nghiên cứu bước đầu, cần tiếp tục nghiên cuau và bổ khuyết.

Cuối cùng, tôi xin mượn lời trong thư chúc mừng của Giáo sư Đường Bá Minh, hiệu trưởng trường Đại học Giao thông Trùng Khánh, một đối tác rất thân thiết của Khoa, rằng năm năm qua là “5 năm vinh quang và đầy khát vọng, 5 năm phấn đấu và tìm tòi. (Khoa Quốc tế) đã không ngừng phát triển và tiến bộ. Những thành tựu đạt được là không thể phủ nhận…những cống hiến là không thể phai mờ”.



1 “Khảo sát của các chuyên gia Mỹ về hiện trạng Giáo Dục Đại Học Việt Nam”, Nhandan, ngày 04-08-2007, <http://www.nhandan.com.vn/tinbai>

2 “Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân”, Tuổi trẻ, Thứ Ba, 07/11/2006.

3 Vũ Quang Việt, So sánh giáo dục Đại học Việt - Mỹ, <http://chungta.net/>

4 Vũ Quang Việt, đã dẫn.

5 “Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân”, Tuổi trẻ, Thứ Ba, 07/11/2006.

6 “Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân”, Tuổi trẻ, Thứ Ba, 07/11/2006.

 Nguyễn Trọng Do và Ngô Tự Lập - IS_VNU
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   |