Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Ký kết và thực hiện hợp đồng đào tạo cử nhân với đối tác Pháp
Với trường đại học của Pháp, việc tổ chức hợp tác đào tạo có những tính chất riêng thể hiện qua từng giai đoạn từ việc liên hệ tiếp xúc ban đầu với đối tác tiềm năng, thương thuyết ký kết hợp đồng, tổ chức đào tạo để đến kết quả cuối cùng là đào tạo được sinh viên ra trường đạt tiêu chuẩn quốc tế. Để đạt được mục tiêu đào tạo, có những vấn đề cần được trao đổi sau đây:

Hợp đồng đào tạo

Những điều khoản trong hợp đồng đào tạo với đối tác Pháp nhìn chung tương đối ngắn gọn so với hợp đồng với đối tác Anh, Mỹ. Theo hệ thống luật mặc định, hợp đồng với đối tác Pháp không mô tả chi tiết những ràng buộc về mặt pháp lý, những điều khoản liên quan đến kiện tụng, tranh chấp, các trường hợp bất khả kháng, các điều kiện về thương hiệu, bản quyền... Theo thông lệ, sau khi ký biên bản ghi nhớ về ý muốn hợp tác, các bên có thể thảo luận để ký một thoả thuận khung, trong đó xác định những điều kiện cơ bản nhất cho kế hoạch hợp tác trong một giai đoạn nhất định. Để chương trình hợp tác thực sự được thực hiện, cần có những hợp đồng bổ sung với những điều khoản có thể thay đổi hàng năm. Hợp đồng bổ sung này khá chi tiết, mô tả cụ thể việc thực hiện đào tạo, những điều kiện về tài chính v.v. Hợp đồng này cũng khá mềm dẻo, cho phép thương lượng sửa đổi để phù hợp hơn với những vấn đề nảy sinh ở từng giai đoạn đào tạo.

Nhìn chung việc ký kết biên bản ghi nhớ và Thoả thuận khung khá dễ dàng. Các vướng mắc thường nảy sinh khi thảo luận về hợp đồng bổ sung với những điều kiện chi tiết và rất cụ thể. Chính vì vậy không ít những kế hoạch hợp tác chỉ dừng ở mức độ Biên bản ghi nhớ hoặc Thoả thuận khung.

Với những đối tác có mối quan hệ thân thiện từ trước, quá trình thương lượng thường diễn ra trong tinh thần mong muốn hợp tác một cách nhanh chóng, tích cực và có phần nể nang lẫn nhau. Vì vậy khi thương lượng hợp đồng chi tiết, có thể nhiều vấn đề cụ thể không được đề cập đến một cách thấu đáo. Chỉ đến lúc chương trình hợp tác được triển khai rồi các bên mới đối mặt với những vấn đề nảy sinh mà phía Pháp hoặc phía Việt Nam coi là đơn giản, nhưng thực tế là khá phức tạp cho mỗi bên. Ví dụ như tiêu chí tuyển sinh cụ thể liên quan đến trình độ tiếng Pháp và điểm thi đại học tại Việt Nam, cách tính kết quả cuối năm học, tỷ lệ sàng lọc sinh viên theo từng năm v.v.

Vì vậy để thương lượng và ký kết thành công hợp đồng đào tạo với trường đại học của Pháp, cần có những công tác chuẩn bị rất kỹ lưỡng để có đủ những cứ liệu khi đàm phán. Khi trao đổi phải rất thẳng thắn, các kết luận đều phải ghi nhận thành văn bản có chữ ký của các bên.

Công tác chuẩn bị này phải trả lời được một cách thoả đáng những câu hỏi về học thuật, quản lý, tài chính, nhu cầu xã hội như sau :

1. Trường đốí tác nào là phù hợp

2. Ngành nào được xã hội quan tâm

3. Đội ngũ giáo viên có phù hợp không

4. Đối tượng sinh viên nào phù hợp với chương trình

5. Chi phí cho chương trình là bao nhiêu

6. Học phí dự tính như thế nào

Ngoài việc tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản nói trên, còn phải xác định những vấn đề quan trọng khác như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất...

Lựa chọn đối tác và ngành nghề đào tạo

- Đối tác

Trong quá trình phát triển của mình, Khoa Quốc tế đã khởi đầu bằng sự hợp tác với những trường đại học có uy tín. Điều này rất quan trọng vì một Khoa non trẻ, chưa được biết đến nhiều, cần phải xây dựng niềm tin của xã hội bằng việc hợp tác với các trường đại học có uy tín. Với các đối tác Pháp, Khoa Quốc tế đã chọn hợp tác với đại học Paris 11 là cơ sở đào tạo được xếp trong số 50 trường đại học hàng đầu thế giới. Trường đại học Lyon 2 cũng là đối tác rất tốt, có uy tín và nhiều kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế về đào tạo cử nhân ngành Kinh tế-Quản lý, nhất là với các nước Đông Nam Á.

- Ngành đào tạo

Việc lựa chọn ngành đào tạo quyết định rất lớn với kết quả tuyển sinh và việc chuẩn bị cơ sở vật chất. Khoa Quốc tế đã chọn ngành Kinh tế-Quản lý với những đặc điểm sau :

1. Không đòi hỏi nhiều trang bị kỹ thuật.

2. Huy động được đội ngũ giáo viên giỏi từ các trường đại học trong nước.

3. Thời gian đào tạo không kéo dài.

4. Văn bằng tốt nghiệp cho phép sinh viên làm việc trong lĩnh vực được ưa chuộng như tài chính, ngân hàng, quản lý doanh nghiệp.

Một số ngành khác như Công nghệ thông tin, Du lịch, Quản lý khách sạn, nhà hàng v.v chưa được lựa chọn mặc dầu có các đối tác khác thuận lợi như trường Đại học Lyon 1. đại học Angers v.v

Thực tế đã chứng minh rằng lựa chọn này phù hợp với điều kiện của Khoa Quốc tế đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, phải tự đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ giáo viên.

Xác định đối tượng sinh viên

Đối tượng sinh viên là một vấn đề lớn được đặt ra khi mà chương trình đòi hỏi chi phí lớn và chất lượng đào tạo lại cao. Tại Việt Nam, các sinh viên giỏi thường chọn những ngành nghề hay và có chi phí thấp. Những sinh viên có điểm tuyển thấp hơn mới chịu chọn những chương trình có chi phí cao. Như vậy, chương trình đào tạo bậc đại học quốc tế vốn đòi hỏi chất lượng đào tạo tốt nhưng vì chi phí cao nên phải chấp nhận đối tượng tuyển sinh có điểm đầu vào khá khiêm tốn. Việc đảm bảo chất lượng sẽ phụ thuộc vào công tác tổ chức đào tạo và sàng lọc sinh viên sao cho đến cuối khoá học, những sinh viên thực sự có kiến thức đạt yêu cầu chuẩn quốc tế mới nhận được bằng tốt nghiệp. Vấn đề đặt ra là phải làm sao để xã hội chấp nhận được việc sàng lọc nghiêm túc trong quá trình học đại học trong khi bệnh thành tích còn chưa hết và quan niệm về đầu vào và đầu ra đại học theo mô hình đào tạo quốc tế vẫn còn chưa quen thuộc đối với quảng đại quần chúng. Để giải quyết vấn đề này, Khoa đã phải tuyên truyền vận động đối với phụ huynh học sinh, đi đôi với việc quản lý sinh viên một cách sâu sát đồng thời động viên, nhắc nhở, giúp đỡ, sử dụng những biện pháp thưởng, phạt thích đáng sao cho các sinh viên đều cố gắng học tập. Những em nào thực sự không có khả năng hoặc không chịu học tập sẽ bị thải loại với những bằng chứng xác đáng.

Chuẩn bị cơ sở vật chất

Chương trình Kinh tế-Quản lý thuộc nhóm ngành Khoa học xã hội, không cần những phòng thí nghiệm, thực hành đắt tiền. Phòng học, được trang bị ở mức tiêu chuẩn quốc tế nhưng cũng chỉ cần có điều hoà nhiệt độ, máy tính, máy chiếu, màn hình, bảng cho giáo viên và bàn ghế thuận tiện cho sinh viên. Đối với phòng học lớn, giáo viên có thêm micro cài ve áo, micro không dây và hệ thống loa. Phòng tin học với nhiều máy tính được lập trình phù hợp sẽ được trang bị chung cho nhiều lớp. Tuy trang thiết bị không nhiều nhưng cơ sở học liệu lại phải rất phong phú. Với sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các trường Đại học đối tác, đặc biệt là của trường Đại học Paris 11, Khoa Quốc tế đã mua và được trao tặng hơn 500 đầu sách liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo. Bên cạnh đó, các trường đại học đối tác cũng cung cấp đầy đủ giáo trình và cho phép truy cập thư viện điện tử.

Xây dựng đội ngũ giáo viên

Khi khởi động chương trình, Khoa không thể ngay lập tức có đủ các giáo viên nhiều kinh nghiệm và được đào tạo tốt để đảm bảo chất lượng đào tạo. Chính vì vậy, trong thời gian đầu cần phải có sự hỗ trợ của đội ngũ thỉnh giảng. Việc huy động được một đội ngũ giáo viên có đủ năng lực và nhiệt tình để đảm nhận các môn học có trong chương trình là một quá trình lâu dài và suy tính rất thận trọng.

Trong lĩnh vực Kinh tế-Quản lý, có nhiều giáo viên đã được đào tạo tại Pháp và có kinh nghiệm giảng dạy tại các trường lớn như Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế ĐHQG HN... Bên cạnh đó, cũng có nhiều thạc sỹ, tiến sỹ được đào tạo tại Pháp mới trở về nước và có nguyện vọng tham gia chương trình.

Đối với các thầy, cô giáo đương nhiệm, đa số các môn học trong chương trình là khác quen thuộc, song vấn đề khó khăn là phải khai thác những nội dung mới và phải truyền đạt lại bằng tiếng Pháp cũng như hướng dẫn sinh viên làm bài tập thực hành theo đúng yêu cầu. Bên cạnh đó là quỹ thời gian hạn hẹp, gây cản trở nhiều đến việc sắp xếp lịch giảng dạy.Đối với các thầy cô giáo mới về nước, kinh nghiệm còn ít, Khoa chỉ phân công được ở các vị trí trợ giảng.

Nhìn chung đội ngũ giáo viên đã được huy động không có nhiều khó khăn. Tuy vậy, các giáo trình và sách tham khảo đều phải gửi trước đến các thầy các cô để chuẩn bị bài giảng, ngoài ra còn phải dự kiến các giờ ôn tập trong dịp nghỉ hè để giúp các em chưa có kết quả tốt ở kỳ thi lần thứ nhất có cơ may đạt được kết quả như mong muốn ở kỳ thi lại.

Khi sinh viên ý thức được việc tổ chức đào tạo chặt chẽ theo chuẩn quốc tế và việc sàng lọc rất nghiêm túc thì việc cố gắng học tập để đạt thành tích thật sự sẽ được cải thiện rõ rệt. Như vậy, những năm đầu tiên sẽ gặp nhiều khó khăn về ý thức học tập của sinh viên. Đến các năm tiếp theo, khi sinh viên đã quen với phương thức đào tạo của Khoa và các trường đối tác thì việc quản lý đào tạo sẽ nhẹ nhàng hơn và chất lượng đào tạo được nâng cao.

Dự kiến chi phí cho chương trình

Điều khoản về tài chính thường được nhắc tới sau cùng trong quá trình đàm phán nhưng lại là vấn đề then chốt, nếu không giải quyết thoả đáng thì có thể làm đổ vỡ chương trình. Có những đối tác Pháp không tỏ ra sát sao đối với vấn đề tài chính, những năm đầu có thể chấp nhận chi phí thấp, thậm chí còn xin giúp tiền tài trợ hoặc tham gia giảng dạy miễn phí. Có những đối tác lại tính toán khá chi li và đòi hỏi chi phí cao ngay từ đầu. Tuy vậy nhìn chung việc thương thuyết về tài chính với đối tác Pháp trong thoả thuận ban đầu là khá thuận lợi. Phía Việt Nam không phải trả về chi phí bản quyền hoặc những bó buộc về tài chính nhằm đảm bảo có lợi cho phía đối tác, dù cho chương trình gặp khó khăn. Tuy nhiên chương trình vẫn phải tính toán đến những rủi ro do số lượng sinh viên ít hoặc do phía đối tác chỉ có thể trợ giúp về tài chính trong những năm đầu của dự án. Như vậy việc tính chi phí cho một chương trình hợp tác với Pháp phải dựa trên các dự toán của nhiều năm. Không thể trông chờ vào sự tài trợ hoặc giúp đỡ lâu dài để phát triển chương trình một cách bền vững.

Vấn đề định mức học phí liên quan trực tiếp đến khả năng tuyển sinh và cân đối tài chính của chương trình, Tuy vậy, việc xác định mức học phí thường do phía Việt Nam đảm nhận căn cứ vào dự toán về chi phí tại chỗ và số lượng sinh viên có thể tuyển được. Học phí có thể thay đổi theo từng năm nhưng phải thống nhất cho từng khoá học. Vì vậy cùng một chương trình đào tạo nhưng sinh viên khoá 1 chỉ đóng học phí là 1700 USD nhưng sinh viên khoá 3 lại phải đóng học phí là 2200 USD.

Một trong những thành công của Khoa Quốc tế ĐHQGHN

Khoa Quốc tế ĐHQGHN đã ký kết hợp đồng đào tạo với hai trường đại học là Paris 11 và Lyon 2 để thực hiện thành công chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh tế-Quản lý. Chương trình đào tạo này có những đặc điểm như sau :

1. Hai trường đại học có uy tín của Pháp cùng hợp tác với Khoa 2. Quốc tế đào tạo song song một ngành.

3. Văn bằng tốt nghiệp do Đại học Lyon 2 hoặc Paris 11 cấp.

4. Sinh viên vào năm thứ nhất phải có trình độ tiếng Pháp tối thiểu TCF 350 và điểm sàn thi đại học khối A, B, D

5. Nội dung giảng dạy thực hiện như bên Pháp.

6. Chế độ thi cử nghiêm ngặt, đảm bảo sàng lọc sao cho sinh viên đạt trình độ học vấn theo quy định của Pháp mới được lên lớp.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng đào tạo với hai đối tác này, đã có nhiều thoả thuận bổ sung, sửa đổi so với hợp đồng ban đầu.

Đối với đại học Lyon 2, việc khởi đầu khá thuận lợi vì có tài trợ của vùng Rhône-Alpes và có sự tham gia nhiệt tình của các giáo viên đã từng tham gia giảng dạy theo dự án tại Pnomphenh. Sau một năm hợp tác, chương trình này chuyển sang chế độ hoạt động của Trung tâm Đại học Pháp, là mô hình du học tại chỗ với các nguồn tài trợ của chính phủ Pháp và Việt Nam.

Đối với đại học Paris 11, chương trình được tổ chức theo mô hình du học bán phần. Hai năm đầu học tại Việt Nam, năm thứ ba được chuyển tiếp sang Paris để hoàn thành khoá học. Hàng năm Đại diện Paris 11 và Khoa Quốc tế đều có những cuộc họp rút kinh nghiệm để đưa ra những điều chỉnh hợp lý hơn so với những quy định ban đầu nhằm giúp cho chương trình hoạt động có hiệu quả hơn. Những điều chỉnh quan trọng nhất liên quan đến tăng tiêu chuẩn đầu vào của sinh viên, cập nhật nội dung đào tạo, cải tiến cách quản lý thi cử, chuẩn bị tiếp đón sinh viên sang Pháp hoàn thành năm học cuối khoá. Có thể nói đây là một chương trình đòi hỏi chất lượng rất cao và đã góp phần vào việc thay đổi về cơ bản thái độ học tập của sinh viên. Những sinh viên nào vượt qua năm thứ nhất để học năm thứ hai đều có những tiến bộ vượt bậc so với năm thứ nhất không những về kiến thức về ngành Kinh tế-Quản lý mà còn về khả năng sử dụng tiếng Pháp và tinh thần, thái độ nghiêm túc, chủ động trong học tập.

Qua 3 năm thực hiện chương trình hợp tác đào tạo cử nhân với đối tác Pháp, Khoa Quốc tế đã có những kết quả và kinh nghiệm tốt để mở rộng và phát triển thêm các chương trình mới như đào tạo bác sỹ Nha khoa và đào tạo Thạc sỹ ngành Kinh tế - Quản lý.

 PGS.TS Vũ Xuân Đoàn - Khoa Quốc tế, ĐHQGHN - IS-VNU
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   |