Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Cải cách hành chính của Nhật Bản và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
Cải cách hành chính luôn là một nội dung mang tính thời sự ở Việt Nam và Nhật Bản. Không phải đến thập kỷ 1990 Nhật Bản mới tiến hành cải cách hành chính mà trước đó nước này đã thực hiện 3 lần cải cách: năm 1949, thập kỷ 1960 và thập kỷ 1980. Bài viết này cố gắng phân tích những nội dung chủ yếu của cải cách hành chính Nhật Bản từ 1990 đến nay và rút ra một số bai học kinh nghiệm cho Việt Nam trong lĩnh vực này.

I. Điều chỉnh và cải cách thể chế hành chính

1.Xây dựng cơ sở pháp lý và chính sách điều chỉnh.

Chuyển từ mô hình “nhà nước lãnh đạo tăng trưởng” sang mô hình “thị trường lãnh đạo tăng trưởng” đòi hỏi phải có các thể chế phù hợp, đặc biệt trong việc xây dựng các luật lệ và tổ chức bộ máy hành chính. Nhật Bản đã kịp thời ban hành nhiều luật lệ làm cơ sở cho cải cách hành chính: Luật Thủ tục hành chính (11/1993), Luật Bổ sung Luật Nội các, Luật Xây dựng Văn phòng nội các (năm 1999)…Đáng chú ý là ngay từ năm 1993 chính phủ Nhật Bản đã thông báo kế hoạch cải cách điều chỉnh cả gói và cụ thể hoá bằng các chương trình và giải pháp thực hiện cụ thể. Sau đó ngày 14 tháng 4 năm 1995, Nội các Nhật Bản đã họp và quyết định cần phải nổ lực thực hiện và hoàn thành sớm Chương trình hành động tái điều chỉnh trong ba năm thay vì 5 năm như kế hoạch đề ra. Ngày 30 tháng 9 năm 1999 Nội các Nhật Bản đã đưa ra 4 đề nghị quan trọng nhằm cụ thể hoá việc thực hiện chương trình cải cách: xúc tiến nghiên cứu toàn diện cải cách, tìm kiếm các biện pháp thích đáng, chuẩn bị các phương pháp liên quan và nhanh chóng thực hiện các nội dung điều chỉnh. Trong đó đáng chú ý là tháng 2 năm 2002 chính phủ chủ trương điều chỉnh tập trung vào Tái cơ cấu các khu vực đặc biệt (Special Zones). Tiếp sau đó ngày 19 tháng 3 năm năm 2004, Nội các đã thông qua Chương trình cải cách điều chỉnh mới ( New regulatory Reform Programme) thực hiện trong 3 năm (2004-2006) và đề ra nhiều biện pháp điều chỉnh mới. Như vậy, để tiến hành cải cách hành chính Nhật Bản đã xây dựng khá đầy đủ và đồng bộ các luật lệ cũng như xây dựng được các chương trình, chính sách ngắn hạn và dài hạn. Tiến trình này được hoạch định và thực hiện nghiêm túc từ Trung ương đến địa phương và các ngành có liên quan.

2.Lựa chọn các lĩnh vực điều chỉnh chủ yếu.

Để đạt được mục tiêu cải cách đề ra Nhật Bản đã tập trung điều chỉnh vào các lĩnh vực sau:

Trước hết, xây dựng thể chế điều chỉnh phù hợp với cơ chế thị trường mở bao gồm: 1. Thực hiện các biện pháp đảm bảo hoạt động điều hành thông suốt của chính phủ, nhất là của Thủ tướng. Theo đó xây dựng chính phủ điện tử là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Tháng 12 năm 1994, Chính phủ thông qua “ Kế hoạch cơ bản về tin học hoá các cơ quan nhà nước”. Kế hoạch này sẽ thực hiện trong 5 năm bắt đầu từ năm 1995. Kết quả không chỉ công tác hành chính được hiện đại hoá mà hoạt động điều hành của chính phủ được dễ dàng và mang lại hiệu quả cao. 2.Tăng cường năng lực và sự điều hành của Văn phòng Nội các với chức năng được xác định là “ Trợ giúp Nội các với các chức năng và địa vị cao hơn các bộ khác, mở rộng sự lựa chọn trước và thực thi các công việc của văn phòng theo cách tương tự như các Bộ khác ” (1) Để củng cố Văn phòng nội các cơ quan này sẽ bao gồm: nhóm các nhà quản lý, Bộ trưởng và các Tổng giám đốc với sứ mệnh đặc biệt, Uỷ ban về các chính sách quan trọng và các tổ chức độc lập khác. 3. Củng cố và nâng cao vai trò và trách nhiệm của Uỷ ban cải cách điều chỉnh (CRR). CRR đã tập hợp được một đội ngũ gồm nhiều nhà kinh doanh tư nhân, các giáo sư, các quan chức hành chính có kiến thức tốt và có nhiều kinh nghiệm. Cùng với CRR Nhật Bản đã thành lập và củng cố các cơ quan chuyên môn có liên quan để giám sát và thực hiện cải cách hành chính. 4. Thành lập và củng cố các cơ quan chuyên môn để giám sát và thúc đẩy cải cách hành chính. Đó là: Văn phòng thanh tra đầu tư và mậu dịch ( Office of Trade and Investment Ombudsman (OTO), Uỷ ban đầu tư Nhật Bản (Japan Investment Council (JIC), Cơ quan chỉ huy chuyên trách về cải cách cơ cấu, Văn phòng thẩm tra mua sắm của chính phủ (Ofice for Government Procurement Challenge System (CHANS). Từ tháng 4 năm 2003 chuyển Uỷ ban công bằng thương mại (FTC) từ Cục quản lý công cộng, nội vụ, bưu chính viễn thông sang Văn phòng Thủ tướng).

Thứ hai, điều chỉnh các ngành, các lĩnh vực chủ yếu. Từ cuối năm 1990 Nhật Bản tập trung điều chỉnh 9 ngành và lĩnh vực kinh tế quan trọng: hàng không, đường bộ, điện lực, viễn thông, bán lẻ, bán buôn và bán lẻ (các sản phẩm quan trọng), nhà cửa và đất đai, bán buôn và bán lẻ (các sản phẩm dầu lửa qaun trọng), tài chính. Chương trình điều chỉnh các ngành này được cụ thể hoá khá chi tiết với các nội dung cụ thể như: xây dựng các luật lệ chủ yếu, hệ thống điều chỉnh, điều chỉnh đầu ra và đầu vào và các điều chỉnh khác nhằm thúc đẩy cạnh tranh hiện tại và trong tương lai. Nhà nước xây dựng lộ trình điều chỉnh giá cả, xoá bỏ các quy định không còn phù hợp, mở cửa thị trường, khuyến khích những đột phá mới trong các ngành. Đi đôi với điều chỉnh, nhà nước chủ trương thực hiện cải cách cơ cấu các khu vực đặc biệt không chỉ ở cấp trung ương mà cả ở cấp địa phương. Nhờ vậy “ cho đến bây giờ đã có 250 biện pháp tái điều chỉnh được thựuc hiện ở cấp quốc gia, 176 biện pháp điều chỉnh lại khác và có 324 khu vực đặc biệt đã được đề nghị điều chỉnh.”(2)Đặc biệt từ tháng 4 năm 2002, chính phủ áp dụng Hệ thống đánh giá chính sách mở rộng (Wide Policy Evaluation System (PES) nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, hợp lý và ưu tiên của các chính sách nhà nước đã đề ra. Thực tế những biện pháp điều chỉnh của chính phủ không chỉ tạo thuận lợi cho sự phát triển các ngành, nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế mà còn tạo nên nhiều đột phá mới trong các ngành, trong đó bưu chính viễn thông là một thí dụ điển hình.

Thứ ba, điều chỉnh thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính nói chung, tính minh bạch và linh hoạt của hoạt động hành chính nói riêng, có liên quan chặt chẽ với nâng cao chất lượng điều chỉnh và khả năng cạnh tranh trong điều kiện thị trường mở. Vì vậy, Nhật Bản đã ban hành Luật thủ tục hành chính vào tháng 11 năm 1993. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo lợi ích của các bên tham gia hoạt động và đạt hiệu quả cao. Đồng thời giảm thiểu các thủ tục hành chính và tiếp cận với các quy định của quốc tế trong các lĩnh vực hành chính có liên quan. Thực tế “ theo kết quả điều tra về thực hiện luật thủ tục hành chính ngày 31 tháng 3 năm 1996, 90% tiêu chuẩn đang được áp dụng, số đúng thời hạn là 80%”.(3)

Để giảm bớt các thủ tục và minh bạch các hoạt động hành chính chính phủ Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp chủ yếu sau:

- Sử dụng hệ thống thủ tục hành chính không dùng giấy tờ (N0-Action-Letter (NAL) bắt đầu từ năm 2003. Theo đó cần thiết phải đơn giản các thủ tục, xây dựng cách thức hướng dẫn hành chính. Việc giảm giấy phép, hoá đơn…sẽ làm cho hoạt động kinh doanh trở nên thuận lợi, hiệu quả hơn, nhất là trong xuất nhập khẩu và đầu tư.

- Sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại, đặc biệt hệ thống Internet. Từ tháng 4- 2004, 97% các thủ tục quản lý của chính phủ (khoảng 13 000 thủ tục) đã được sử dụng thông qua mạng.

- Cải tiến các thủ tục hải quan có ý nghĩa quan trọng, nhất là chủ trương thực hiện một cửa trong xuất nhập khẩu đã có tác dụng rất tốt. Từ tháng 7 năm 2003 hải quan làm việc 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần và giảm các lệ phí và thời gian thông quan cho hàng hoá qua cảng.

- Nhanh chóng chuẩn hoá các thủ tục và tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế không chỉ trong các lĩnh vực kinh tế mà còn ở các lĩnh vực khác.“ Trong báo cáo năm 1999 chỉ có 21% trong tổng số 8000 tiêu chuẩn sản phẩm công nghiệp Nhật Bản phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế thì đến đầu năm 2002 đã đột ngột tăng lên 90%”.(4)

- Coi trọng các ý kiến tư vấn, đề nghị góp ý của các hiệp hội nghề nghiệp, các nhà doanh nghiệp, các nhà chính trị, hành chính và dân chúng về cải cách thủ tục hành chính. “ Từ năm 1999 đến 2002 số lượng các ý kiến đóng góp tăng từ 265 lên 399, riêng năm 2002 ý kiến về thủ tục hành chính chiếm 51,4% tăng 10% so với năm 1999.”(5)

II. Phi tập trung hoá-nội dung chủ yếu của cải cách hành chính.

Chủ trương phi tập trung hoá được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình cải cách hành chính ở Nhật Bản trước đây và hiện nay. Nhằm tạo cơ sở pháp lý cần thiết ngày 19 tháng 5 năm 1995 Quốc hội đã thông qua Luật xúc tiến phi tập trung hoá. Tiếp đó chính phủ đã đệ trình “ Chương trình hành động phi tập trung hoá” và thành lập “Uỷ ban xúc tiến phi điều chỉnh hoá” bao gồm 7 thành viên. Tháng 3 năm 1996 Uỷ ban đã đệ trình chính phủ báo cáo “ Sự sáng tạo của xã hội phi tập trung hoá” trong đó đề xuất nhiều biện pháp cụ thể để thực hiện chủ trương của chính phủ đã đề ra. Chủ trương phi tập trung hoá bvao gồm nhiều vấn đề, song ở đây chỉ phân tích 2 nội dung chủ yếu đó là:

1.Cải tổ bộ máy hành chính theo hướng gọn nhẹ hiệu quả.

Đây là nội dung ưu tiên hàng đầu của chính phủ được thực hiện dựa trên cơ sở của Luật về cải cách hành chính chính phủ Trung ương ương.

-Tinh giảm bộ máy hành chính. Theo đó tập trung phân định rõ chức năng của các cơ quan hành chính và kiên quyết giảm đầu mối và nhân viên hành chính. Đồng thời, nâng cao tính độc lập của bộ máy tư pháp, thành lập các uỷ ban đặc biệt và tăng cường chức năng và quyền hạn của bộ máy giúp việc nhất là các cơ quan có liên quan đến kinh tế. Chính phủ sẽ kiên quyết hiện thực hoá các chính sách (ra các quyết định, cấp giấy phép..). Ngày 6 tháng 1 năm 2001 Nhật Bản đã tiến hành cải tổ bộ máy của chính phủ. Nội dung cải tổ bao gồm: từ 1 văn phòng và 22 bộ hiện được tổ chức thành 1 văn phòng nội các và 12 bộ. Số cục sẽ giảm từ 128 xuống còn 96 (giảm 25%) và các bộ phận (phòng ban) từ 1200 xuống còn 1000 (giảm 20%). Các trường Đại học tổng hợp, các bệnh viện, các cơ sở y tế nhà nước, các viện nghiên cứu và các tổ chức khác sẽ được xem xét và cơ cấu lại. Chính phủ sẽ tổ chức lại và hợp lý hoá các chi nhánh ở địa phương.

- Sáp nhập các bộ cũ thành các bộ mới trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ có thể phối hợp tốt vì mục tiêu và lợi ích chung, đồng thời nâng cao hiệu quả tránh lãng phí và tiêu cực. Chẳng hạn, Bộ đất đai, hạ tầng và giao thông được thành lập trên cơ sở của Bộ xây dựng, giao thông, Cục đất đai và Cục phát triển Hokkaido. Hoặc Bộ Y tế, lao động và phúc lợi được thành lập trên cơ sở Bộ Y tế và phúc lợi, Bộ lao động…

- Thành lập Văn phòng nội các trên cơ sở sáp nhập Cục kế hoạch kinh tế và một số cơ quan khác với văn phòng của Thủ tướng. Văn phòng nội các sẽ có thẩm quyền của cao hơn các bộ khác, vì vậy sẽ có quyền hạn và điều kiện hỗ trợ mạnh mẽ cho thủ tướng trong việc điều hành các hoạt động của chính phủ. Một số Hội đồng sẽ được thành lập nhằm giám sát việc thực thi các chiến lược quan trọng của quốc gia.

- Giảm bớt số viên chức hành chính và tư nhân hoá ngành bưu chính. Đi đôi với việc cải cách bộ máy hành chính chính phủ Nhật Bản chủ trương giảm bớt số viên chức trong các cơ quan hành chính trung ương và địa phương. Theo đó, ngày 16 tháng 3 năm 1999, Uỷ ban cải cách lâm thời đã hoàn thành báo cáo dựa trên nguyên tắc cơ bản của cải cách hệ thống phục vụ dân sự công cộng và đệ trình cho Thủ tướng Keizo Obuchi. Ngày 17 tháng 4 năm 1999, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp cải cách cụ thể về vấn đề: “ Các chính sách xúc tiến cải cách chính phủ Trung ương”. Ban thư ký về Xúc tiến cải cách hành chính của Nội các đã chỉ đạo thảo luận về hiện thực hoá các biện pháp này và thông qua bản “ Hướng dẫn cải cách hệ thống dân sự phục vụ công cộng” đã được Nội các phê duyệt vào ngày 25 tháng 12 năm 2001. Mục tiêu của cải cách là giảm 25% số công chức nhà nước trong vòng 10 năm. Có thể coi đây là một chủ trương khá táo bạo không chỉ vì đây là lần đầu tiên Nhật Bản kiên quyết cắt giảm một số lượng lớn nhân viên nhà nước mà kế hoạch này diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cả về kinh tế và chính trị xã hội. Sự thành công hay thất bại của chủ trương này không chỉ tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế, hành chính của đất nước mà còn là thử thách liên quan đến “số phận” và sự tồn tại của chính các nhà chủ trương cải cách mà trước hết là thủ tướng và nội các.

Để giảm bớt số nhân viên nhà nước, chính phủ sẽ chuyển một số công ty của Bộ Quản lý công cộng, nội vụ, bưu điện và viễn thông thành công ty cổ phần. Trong số gần 550.000 nhân công (ngoại trừ ngành bưu điện) sẽ có khoảng 137.000 sẽ bị bãi nhiệm và một nửa trong số đó sẽ bố trí lại vào các cơ quan nhà nước. Việc giảm số nhân viên nhà nước thực sự là một nhiệm vụ khó khăn và cũng là thách thức rất lớn của chủ trương cải cách và ngươì đứng đầu ở thời điểm này là Thủ tướng Koizumi. Chính phủ lựa chọn tư nhân hoá ngành bưu điện như là một là một ví dụ điển hình về việc thực hiện cắt giảm số lượng biên chế nhà nước.

Ngay từ khi trở thành người đứng đầu chính phủ Thủ tướng Koizumi đã đã có ý định muốn tư nhân hoá công ty bưu điện. Tuy nhiên, kế hoạch của Koizumi bị phản đối từ nhiều phía, nhất là của quốc hội. Không từ bỏ kế hoạch đề ra, thủ tướng đã đánh đổi vận mình của mình bằng việc giải tán quốc hội, tổ chức bầu cử lại và ông đã thành công.

Koizumi kêu gọi tư nhân hoá ngành bưu điện như là một phần chủ yếu nhằm cắt giảm chi tiêu chính phủ và giảm nợ quốc gia và giảm biên chế. Không chỉ có vậy, việc kiên quyết tư nhân hoá ngành bưu điện còn có ý nghĩa lịch sử nhằm xây dựng kinh tế thị trường mới của Nhật Bản trong thế kỷ 21. Theo đó chính phủ chủ trương bắt đầu ngày 1 tháng 10 năm 2007 sẽ tiến hành tư nhân hoá ngành bưu điện và dự định thành lập 4 công ty cổ phần. Cựu chủ tịch ngân hàng Sumitomo được chỉ định làm chủ tịch công ty mới. 4 Công ty sẽ được tư nhân hoá trong vòng 10 năm ở các lĩnh vực: tiết kiệm bưu điện, bảo hiểm, thư tín, dịch vụ bưu điện…Các công ty sẽ nhận được vốn của chính phủ khi quá trình tư nhân hoá bắt đầu với số tiền khoảng 300 ngàn tỷ yên bao gồm cả 150 ngàn tỷ vốn chứng khoán. Có thể khẳng định rằng, việc kiên quyết thực hiện tư nhân hoá một công ty khổng lồ của Nhật Bản cho thấy quyết tâm rất cao của chính phủ mà người đứng đầu là Thủ tướng đương nhiệm lúc đó Koizumi.

Không chỉ trong ngành bưu điện mà nhiều ngành khác cũng đang thực hiện chủ trương cải cách một cách khá quyết liệt. Chủ trương trao cho các trường đại học trong ngành giáo dục có tư cách pháp nhân (năm 2004) và nhiều quyền tự chủ là một minh chứng. Theo đó, các trường sẽ có quyền quyết định vấn đề tài chính và các công việc cụ thể của trường mình. Dự kiến số viên chức trong ngành giáo dục (khoảng 100 ngàn) sẽ không còn là công chức nhà nước. Với cách làm này, bộ máy hành chính sẽ được thu gọn, giảm bớt chi tiêu và đòi hỏi phải hoạt động với năng suất và hiệu quả cao hơn so với trước đây. Hiện tại việc giảm số lượng công chức ngành giáo dục cũng không gặp nhiều khó khăn, bởi số lượng người nghỉ hưu khá lớn, hai nữa các trường tư đang mở rộng cửa thu nhận đội ngũ này. Về lâu dài, khi các trường đủ khả năng về tài chính, vấn đề đảm bảo các chế độ cho nhân viên không còn là công chức cũng không gây nhiều lo lắng. Thậm chí, với việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục sẽ là cơ hội để họ nâng cao sức cạnh tranh, khẳng định vị thế và khả năng của mình. Dĩ nhiên, đây sẽ là thử thách đầy cam go và cạnh tranh chắc chắn sẽ tăng lên không chỉ trong nước mà còn với bên ngoài.

2. Phân quyền cho địa phương

Suốt nhiều thập kỷ qua, quyền lực hành chính Nhật Bản thường tập trung cao cho chính phủ Trung ương. Còn vai trò của địa phương thường yêú và ở vị trí phụ thuộc, bị động. Xét ở khía cạnh tích cực cách tổ chức này đã cho phép tập trung được quyền lực và các nguồn lực cũng như tạo ra sự thống nhất trong toàn quốc để thực hiện có kết quả các mục tiêu chung. Song, thực tế đã bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt địa phương thiếu chủ động sáng tạo, thậm chí ỷ lại trung ương. Hầu như các chính sách hoạch định ở trung ương thường ít đề cập đến các vấn đề địa phương. Theo ước tính, ở Nhật Bản, 80% vụ việc ở quận và 40% ở thành phố do trung ương quyết định. Hiện có tới 550 luật với 70%-80% số đó do nhà nước xác định và tham dự vào hầu như tất cả các hoạt động của thành phố, tỉnh…Do vậy, những kế hoạch và triển khai thực hiện ở địa phương thường chậm và không ít trường hợp những quy định chung rất khó vận dụng và đạt được kết quả như mong đợi. Dĩ nhiên, trong bối cảnh đó vẫn có khá nhiều tỉnh thành phố ở Nhật Bản rất năng động và đề ra nhiều sáng kiến và các biện pháp linh hoạt giải quyết khá tốt các vấn đề cụ thể của địa phương mình. Do vậy, sự cần thiết phải cải cách mối quan hệ giữa trung ương và địa phương đã trở nên cấp bách không chỉ từ nhu cầu của các địa phương mà ngay cả bản thân hoạt động của Trung ương. Trên thực tế vấn đề phân quyền địa phương đã được thảo luận khá sôi nổi nhất là vào đầu thập niên 1990 và xuất hiện khá nhiều quan niệm khác nhau. Điểm chung có thể nhận thấy là cần phải nhanh chóng phân quyền cho địa phương và yêu cầu này đã nhận được sự nhất trí cao từ trung ương xuống địa phương, của quốc hội, chính phủ và các đảng phái…ở Nhật Bản.

Mục tiêu phân quyền mạnh cho địa phương nhằm tăng tính độc lập và tự quản của địa phương được xác định là trọng tâm của cải cách hành chính nói chung, phi tập trung hoá nói riêng ở Nhật Bản trước đây, hiện nay và trong thời gian tới.

Như đã đề cập ở trên, Quốc hội Nhật Bản đã nhanh chóng thông qua Luật về phi tập trung, chính phủ thành lập Ủy ban giám sát và thực thi các luật về vấn đề này. Nội dung cải cách phân quyền cho địa phương tập trung vào các vấn đề sau đây:

- Xác định lại chức năng, vai trò của nhà nước và các cơ quan quản lý địa phương. Theo đó, Trung ương sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến sự tồn tại và phát triển của quốc gia, còn địa phương đóng vai trò đáng kể và độc lập cao trong việc thực hiện quyết các vấn đề cụ thể ở địa phương mình. Nhà nước sẽ tiến hành sự can thiệp của mình một cách hợp lý và chuyển cho địa phương công việc chủ yếu mà trước đây do trung ương đảm nhiệm. Như vậy, các địa phương sẽ có quyền quyết định và thực hiện các công việc của mình. Tính độc lập sáng tạo và tự chủ của các địa phương sẽ được tăng lên, hiệu quả công việc sẽ cao hơn.

Nội dung phi tập trung không chỉ thực hiện ở trung ương mà ở cả địa phương. Nghĩa là, bản thân địa phương cũng phải tiến hành hợp lý hoá bộ máy, rà soát lại chức năng của các bộ phận và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát.

Một điều dễ dàng nhận thấy là, khi thực hiện phân quyền cho địa phương chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề và nhiều mâu thuẩn giữa trung ương và địa phương sẽ tăng lên. Vì vậy, Luật phi tập trung hoá cũng đã đề cập đến việc cần thành lập Ủy ban đặc biệt do Thủ tướng thoả thuận với Thượng nghị viện và Hạ nghị viện để xem xét, giải quyết các vấn đề phát sinh và xung đột xảy ra.

- Củng cố cơ sở tài chính cho địa phương để thực hiện tự quản và độc lập là một trong những nội dung chủ yếu của phi tập trung hoá. Thực chất là phân quyền tài chính đầy đủ hơn cho địa phương.

Ở Nhật Bản, theo quy định các nguồn thu của địa phương đều phải nộp cho trung ương sau đó sẽ được phân bổ kinh phí cho chi tiêu các hoạt động ở địa phương. Thậm chí rất nhiều khoản chi của địa phương đều do trung ương nắm giữ và quyết định. Tình trạng không công bằng trong việc thu chi, phân bổ tài chính giữa các địa phương đã không khuyến khích họ tìm cách tăng nguồn thu và sử dụng chủ động, hiệu quả tài chính.

Hướng cải cách phân quyền tài chính cho địa phương tập trung vào hai nội dung chủ yếu. Một là, cải cách các nguồn thu của địa phương (Thuế địa phương, Thuế phân chia cho địa phương, chi tiêu cho nhà nước và công trái địa phương từ các nguồn thu khác). Hai là, mở rộng quyền tự chủ tài chính cho các địa phương. Theo đó cố gắng giảm bớt sự can thiệp của nhà nước trung ương và khuyến khích sự sáng tạo tự chủ của địa phương nhằm đảm bảo thu chi có hiệu quả các nguồn tài chính.

Với sự nổ lực của chính phủ việc phân quyền cho các địa phương đa thu được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại không ít các vấn đề liên quan đến thu chi tài chính, phân định chức năng và nhiệm vụ, sự tham chính của người dân (6)

Sau nhiều thập kỷ thực hiện chế độ tập quyền, việc tiến hành cải cách phi tập trung hoá ở Nhật Bản rõ ràng là công việc không đơn giản. Để đạt được mục tiêu đặt ra của cải cách không chỉ là nhiệm vụ của trung ương mà còn của các địa phương nhằm hoàn thiện bộ máy hành chính nói chung, tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế nói riêng ở cả cấp toàn quốc cũng như mỗi một khu vực, tỉnh thành phố.

III. Một số bài học kinh nghiệm

Dù vẫn còn không ít những vấn đề tồn tại, song cải cách hành chính của Nhật Bản đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Nhìn lại tiến trình cải cách hành chính của Nhật Bản chúng ta có thể rút ra được một số kinh nghiệm tốt sau đây.

Thứ nhất, cải cách hành chính là sự lựa chọn tất yếu và đã có tác động tốt đối với phát triển kinh tế nói chung, nâng cao năng lực cạnh tranh nói riêng. Thực tế khó có thể xác định rõ ràng kết quả tăng trưởng kinh tế do cải cách hành chính đưa lại. Song, điều không thể phủ nhận là ra khỏi suy thoái kinh tế và đạt con số tăng trưởng dương những năm gần đây của Nhật Bản là do có sự đóng góp của cải cách hành chính. Giữ vững mục tiêu, tập hợp được các nguồn lực và kiên quyết thực hiện kế hoạch cải cách hành chính là kinh nghiệm tốt không chỉ đối với hành chính mà với các lĩnh vực khác.

Thứ hai là đề xướng và thực hiện các biện pháp cải cách hành chính phù hợp, đặc biệt luôn đặt trong mối quan hệ với cải tổ kinh tế nói chung, nâng cao năng lực cạnh tranh nói riêng. Nhật Bản đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thành lập Uỷ ban cải cách, các Hội đồng chuyên môn và tập hợp được đông đảo các chuyên gia có kinh nghiệm, nhất là từ các doanh nghiệp tư nhân, xác định lĩnh vực vực ưu tiên…nhờ đó đã huy động được trí tuệ và sáng kiến của các nhà chuyên môn cũng như dân chúng.

Thứ ba là sự quyết tâm của lãnh đạo và ủng hộ của dân chúng. Về cơ bản cải cách hành chính của Nhật Bản đều nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng các đảng phái và các doanh nghiệp. Sự nhất trí về chủ trương cải cách hành chính sẽ là thuận lợi rất cơ bản để có thể huy động các nguồn lực và sự sáng tạo nhằm hỗ trợ cho sự thành công của cải cách. Ở Nhật Bản dù ở rất nhiều vấn đề các đảng cũng như các chủ thể còn có những quan niệm ý kiến khác nhau, song chủ trương cải cách hành chính có lẽ là lĩnh vực tìm kiếm được sự nhất trí cao nhất. Vì thế, các giải pháp cải cách hành chính mà chính phủ đưa ra đều nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các đảng, các hiệp hội đoàn thể. Đặc biệt lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng được quan tâm và coi trọng đã góp phần tạo nên sự thành công của cải cách. Hơn nữa, kết quả trực tiếp của cải cách hành chính đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế là câu trả lời thuyết phục nhất cho sự mong đợi của dân chúng.

Ở Nhật Bản bản thân nội bộ các đảng, nhất là Đảng Dân chủ tự do cũng đang có nhiêù thay đổi: đó là vai trò của các nhà chính trị lão thành và mối quan hệ với các nhà chính trị trẻ tuổi, chủ nghĩa bè phái… Giáo sư Furuta Motoo ( University of Tokyo) cho rằng, cải cách của Thủ tướng Koizumi đả kích mạnh vào chủ nghĩa bè phái, trong bối cảnh ảnh hưởng của các nhà chính trị già đang giảm đi. Trong mối quan hệ tam giác quyền lực vốn rất điển hình ở Nhật Bản thì dường như vai trò của quan chức hành chính đang giảm đi. Sự thay đổi này là thuận lợi để chủ trương cải cách có thể thực hiện một cách suôn sẻ, ít ra cũng giảm bớt sự chống đối từ nhiều phía nhất là những quan chức hành chính và nhân viên của hệ thống này.

Thứ tư là vai trò quan trọng của thủ lĩnh cải cách, đó là người đứng đầu chính phủ. Với Nhật Bản dù vị trí của thủ tướng có thể thay đổi, song người tiền nhiệm bao giờ cũng luôn coi cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm. Thủ tướng Koizumi đã rời nhiệm sở, song những đóng góp của ông trong giai đoạn khó khăn vừa qua đặc biệt là cải cách hành chính thật đáng ca ngợi. Không chỉ là nhà lãnh đạo có bản lĩnh kiên quyết mà ông còn là người biết tập hợp xung quanh mình những người có đức tài. Báo Daily Yomiuri ngày 6 tháng 4 năm 2006 cho rằng Koizumi là Thủ tướng thứ ba (Cùng với Yasuhiro Nakasone) có thời gian tại vị lâu nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay với khoảng 1806 ngày (tính đến ngày 6 tháng 4 năm 2006) sau Shigeru Yoshida (2.616 ngày), Eisaku Sato (2.798 ngày). Tờ báo còn so sánh nhiều tương đồng trong cải cách của Koizumi với Thủ tướng Nakasone: tiến hành tư nhân hoá, phục hồi kinh tế có hiệu quả, sử dụng các nhà chính trị có kinh nghiệm tham gia chính quyền…

Kết luận

Với sự nổ lực và quyết tâm của những người lãnh đạo và dân chúng cải cách hành chính ở Nhật Bản đã thu được kết quả khá tốt. Điểm hết sức quan trọng là cải cách hành chính ở Nhật Bản đã chuyển từ số lượng sang chất lượng trong môi trường thị trường mở. Thực tế cải cách hành chính của Nhật Bản vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Song, những kinh nghiệm cải cách thời gian qua của Nhật Bản sẽ là những bài học bổ ích cho công cuộc cải cách hành chính của Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Adreas Foest: Institutional Analyses of development administration the case of Japan’s bilateral grant Aid and technical assistance. Physica-verlag. Heidelbeng, 1995.

2. B.C Koh Japan’s administrative elite, Univresity of California Press, Oxpord England 1989.

3. Craig Freedman, economic reform in Japan: Can the Japanese change?, Edward Elgar Pubblishing Inc. USA, 2001.

4. Donald J.Devinne, Victory for small government, The Wasington Times, September 21, 2005.

6.Japan Almanac 2005.

7.Regulatory reform in Japan. Organisation for economic co-operation and development. OECD 1999.

8.Takero Doi, Amissing link in Decentralization reform in Japan: “Trinity reform package”, Keio university , Policy Research Institute, Ministry of Finance, Apr.2004, Japan.



1.http://kantei.go.jp/fỏeign/center_government/01_establishing.html

2.OECD Reviews of Regulatory Reform Japan-OECD 2004, p.41

3.http/unpan1.un.org/intradoc/gróup/public/documént/un/upan00230.pdfserarch. p.31

4.OECD reviews of regulatory reform Japan-OECD 2004, p.21

5.OECD reviews of regulatory reform Japan-OECD 2004, p.22

6.Xem thêm: Nguyễn Bình Giang: Phân quyền tài chính ở Nhật Bản, Tạp chí nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 4 tháng 8 năm 2004 và Phạm Ngọc Hoa: Cải cách phân quyền địa phương tại Nhật Bản trong thập niên 1990, Luận Văn Thạc sỹ Khoa học Châu Á học, Hà Nội năm 2006.

 PGS.TS Nguyễn Duy Dũng, Viện KHXHVN
TS. Trần Anh Tài, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   |