Quy chế đào tạo
Trang chủ   >  ĐÀO TẠO  >   Quy chế đào tạo  >  
Chương III - TUYỂN SINH

Điều 14. Chỉ tiêu tuyển sinh 
Hàng năm, căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng, nhu cầu xã hội và tình hình sinh viên có việc làm đúng chuyên môn sau tốt nghiệp, đơn vị đào tạo xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh cho từng ngành học, từng hình thức đào tạo với chương trình đào tạo tương ứng của năm học tiếp theo, trước ngày 30 tháng 6 báo cáo và đề nghị Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt. 
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định chỉ tiêu tuyển sinh của các đơn vị đào tạo, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi có quyết định về chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội, các đơn vị đào tạo mới được tổ chức tuyển sinh, tổ chức đào tạo.
          Điều 15. Điều kiện dự thi tuyển sinh
1. Những người có đủ các điều kiện dưới đây được dự thi tuyển sinh vào học các chương trình đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội:  
a) Điều kiện về học lực
- Đối với các chương trình đào tạo theo hình thức đào tạo chính quy được quy định tại khoản 1 (trừ mục e và f), Điều 7 của Quy chế này: thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề, trung cấp nghề; đáp ứng các điều kiện về học lực ở bậc trung học phổ thông hoặc tương đương do Đại học Quốc gia Hà Nội quy định cho tất cả hoặc một số ngành học;
- Đối với chương trình đào tạo bằng kép: Đáp ứng điều kiện quy định tại mục c, khoản 1 và mục b, khoản 2, Điều 32 của Quy chế này;  
- Đối với chương trình đào tạo chuẩn theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học: thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương, trung cấp chuyên nghiệp, bổ túc trung học phổ thông;
- Đối với chương trình đào tạo liên thông: thí sinh đã tốt nghiệp cao đẳng đạt loại khá trở lên, ngành học cao đẳng phù hợp với ngành dự thi sẽ được dự thi ngay sau khi tốt nghiệp; tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất 1 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được dự thi;
- Đối với chương trình đào tạo văn bằng hai: thí sinh tốt nghiệp đại học.
b) Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang trong thời kỳ thi hành án hình sự.
c) Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định của ngành học. Đối với những người tàn tật, khuyết tật, tùy tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành học, khả năng và điều kiện của đơn vị, Thủ trưởng đơn vị đào tạo xem xét, quyết định cho dự thi tuyển sinh.
          d) Nộp đầy đủ, đúng thủ tục, đúng thời hạn các giấy tờ hợp lệ, lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí dự thi.
e) Đáp ứng những quy định riêng đối với một số ngành học đặc thù.
2. Những người không đủ các điều kiện trên và những người thuộc diện dưới đây không được dự thi:
          a) Không chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự;
          b) Bị tước quyền dự thi tuyển sinh hoặc bị kỷ luật buộc thôi học chưa hết thời hạn quy định tính từ ngày ký quyết định kỷ luật đến ngày dự thi;
          c) Sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng chưa được Hiệu trưởng nhà trường cho phép dự thi;
d) Quân nhân hoặc công an nhân dân tại ngũ chưa được Thủ trưởng cơ quan cho phép đi học.
          Điều 16. Hồ sơ và thủ tục đăng ký dự thi
1. Đào tạo chính quy
a) Đối với các chương trình đào tạo chuẩn, đạt chuẩn quốc tế, ngành chính – ngành phụ và ngành kép: thí sinh hoàn thành hồ sơ và thủ tục đăng ký dự thi theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, bằng kép, văn bằng thứ hai, liên kết quốc tế do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng: thí sinh hoàn thành hồ sơ và thủ tục đăng ký dự thi theo quy định hàng năm của đơn vị đào tạo.
2. Đào tạo vừa làm vừa học
a) Hồ sơ đăng ký dự thi
- Đối với chương trình đào tạo chuẩn, hồ sơ gồm có:
+ Phiếu đăng ký dự thi hoặc phiếu đăng ký xét tuyển;
+ Bản sao bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (trung cấp chuyên nghiệp, bổ túc trung học) có công chứng;
+ Bản sao bằng tốt nghiệp đại học có công chứng (nếu có);
+ Bản sao giấy khai sinh có công chứng;
+ Bản sơ yếu lý lịch có xác nhận của thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp hoặc ủy ban nhân dân xã, phường;
+ Bản sao giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên có công chứng (nếu có);
+ Hai ảnh màu chụp kiểu chứng minh thư nhân dân cỡ 4 cm x 6 cm, mặt sau ảnh ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm sinh của thí sinh;
+ Hai phong bì có dán tem thư ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận.
- Đối với chương trình đào tạo liên thông, hồ sơ cần bổ sung:
+ Bản sao bằng tốt nghiệp cao đẳng có công chứng;
+ Quyết định của Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp cử đi học (đối với những người đang làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp);
+ Giấy giới thiệu đi học của xã, phường nơi người học có hộ khẩu thường trú (đối với người không thuộc diện cơ quan, doanh nghiệp quản lý).
- Đối với chương trình đào tạo văn bằng thứ hai, hồ sơ cần bổ sung:
+ Bản sao bằng tốt nghiệp và bảng điểm đại học có công chứng;
+ Quyết định của Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp cử đi học (đối với những người đang làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp);
+ Giấy giới thiệu đi học của xã, phường nơi người học có hộ khẩu thường trú (đối với người không thuộc diện cơ quan, doanh nghiệp quản lý).
b) Thủ tục đăng ký dự thi
- Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi, lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí dự thi cho đơn vị đào tạo chậm nhất một tháng trước ngày thi;
- Sau khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu có sự thay đổi về gia đình hoặc bản thân, thí sinh có trách nhiệm thông báo kịp thời cho đơn vị đào tạo và trước ngày thi phải nộp bổ sung đầy đủ giấy tờ liên quan. Sau ngày thi, đơn vị đào tạo không nhận các giấy tờ bổ sung;
          - Đối với lớp mở tại đơn vị đào tạo, thí sinh nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký dự thi; đối với lớp đặt tại địa phương, thí sinh nộp 2 bộ hồ sơ đăng ký dự thi (1 bộ lưu tại đơn vị đào tạo và 1 bộ lưu tại cơ sở đặt lớp).
Điều 17. Các môn thi tuyển sinh  
1. Đào tạo chính quy
a) Đối với các chương trình đào tạo chuẩn, đạt chuẩn quốc tế, ngành chính – ngành phụ, ngành kép: thí sinh dự thi 3 môn văn hóa theo khối thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định khối thi cho mỗi ngành học và thông báo trước thời gian tổ chức thi tuyển sinh ít nhất là 3 tháng.
b) Đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng: Sinh viên đủ điều kiện xét tuyển học chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng sẽ dự kiểm tra trình độ tiếng Anh.
c) Đối với các chương trình đào tạo bằng kép: Thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định cụ thể môn thi tuyển.
d) Đối với chương trình đào tạo văn bằng thứ hai: thi 2 môn phù hợp với yêu cầu của văn bằng thứ hai.
2. Đào tạo vừa làm vừa học
a) Đối với chương trình đào tạo chuẩn: thí sinh dự thi 3 môn văn hóa theo khối thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định khối thi cho mỗi ngành học và thông báo trước thời gian tổ chức thi tuyển sinh ít nhất là 3 tháng;
b) Đối với chương trình đào tạo liên thông: thí sinh dự thi môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành;
c) Đối với chương trình đào tạo văn bằng thứ hai: thi 2 môn phù hợp với yêu cầu của văn bằng thứ hai.
Điều 18. Tổ chức thi tuyển sinh
1. Đào tạo chính quy
a) Đối với các chương trình đào tạo chuẩn, đạt chuẩn quốc tế, ngành chính – ngành phụ, ngành kép
Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ đạo tổ chức tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng chính quy hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định về tuyển sinh đại học do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành. Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ đạo điều phối chung và quyết định sử dụng đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc trực tiếp tổ chức làm đề thi chung. Các đơn vị đào tạo xác định các ngành tuyển sinh, đề xuất khối thi tuyển sinh và hệ số điểm các môn thi cho từng ngành học để trình Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không được đưa vào kế hoạch tuyển sinh những ngành học, chương trình đào tạo chưa được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giao nhiệm vụ cho tổ chức đào tạo.
Thủ trưởng đơn vị đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh của đơn vị, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng chính quy hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định về tuyển sinh đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Việc tiếp nhận hồ sơ dự thi, tổ chức thi, làm phách, chấm thi, ráp điểm, tiếp nhận đơn xin phúc khảo và chấm phúc khảo được tổ chức theo khối thi và được Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho Hội đồng tuyển sinh của một số đơn vị đào tạo thực hiện.
Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định điểm sàn trúng tuyển cho khối thi. Hội đồng tuyển sinh của đơn vị đào tạo chịu trách nhiệm quyết định điểm trúng tuyển của từng ngành học, nhóm ngành học hay của đơn vị đào tạo để phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh được giao, công bố kết quả và triệu tập thí sinh trúng tuyển của đơn vị. Đối với các khoa trực thuộc, Trưởng Ban Đào tạo ký giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển, khoa tổ chức đón nhận và làm thủ tục nhập học cho thí sinh trúng tuyển vào năm học thứ nhất.
b) Đối với chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng
- Sinh viên thuộc các diện sau được xét tuyển thẳng vào học chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng:
             + Thành viên đội tuyển quốc gia tham dự kỳ thi Olympic quốc tế về môn học phù hợp với ngành học;
+ Học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 về môn học phù hợp với ngành học.
- Sinh viên đã trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy trong năm vào Đại học Quốc gia Hà Nội có cùng khối thi và đáp ứng một trong các điều kiện sau được dự tuyển vào học chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng:
+ Đã tốt nghiệp trung học phổ thông chuyên của các trường đại học hoặc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Được xếp loại giỏi 3 năm liền ở lớp 10, 11, 12;
+ Đạt giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh, thành phố hoặc tương đương về môn học phù hợp với ngành học;
+ Đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy trong năm.
Xét tuyển theo điểm các tiêu chí từ cao xuống cho đến hết chỉ tiêu, ưu tiên đối với sinh viên có trình độ tiếng Anh tốt.
Căn cứ tình hình hàng năm, Thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định cụ thể và thông báo rộng rãi về điều kiện dự tuyển xét theo kết quả thi tuyển sinh đại học.
c) Đối với chương trình đào tạo bằng kép
Chương trình đào tạo bằng kép do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt trên cơ sở đề nghị của Thủ trưởng đơn vị đào tạo. Quy mô đào tạo bằng kép do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giao hàng năm theo điều kiện đảm bảo chất lượng. Đơn vị đào tạo thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện và hình thức tuyển sinh trước thời gian tổ chức tuyển sinh ít nhất là 3 tháng.
 d) Đối với chương trình đào tạo văn bằng thứ hai theo hình thức chính quy 
Thủ trưởng đơn vị đào tạo lập kế hoạch tuyển sinh và báo cáo Đại học Quốc gia Hà Nội; Thủ trưởng đơn vị đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức tuyển sinh của đơn vị mình theo quy định về tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Đại học Quốc gia Hà Nội.
 2. Đào tạo vừa làm vừa học
a) Đối với chương trình đào tạo chuẩn
- Mỗi năm, chỉ tổ chức tuyển sinh 2 đợt vào tháng 4 và tháng 10.
- Chậm nhất 1 tháng sau khi nhận được quyết định giao chỉ tiêu, các đơn vị đào tạo báo cáo Đại học Quốc gia Hà Nội kế hoạch tổ chức các đợt tuyển sinh; chỉ tiêu và ngành học dự kiến tuyển sinh; môn thi; ngày thi, địa điểm thi và địa điểm đặt lớp; đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng đầy đủ thông tin về các đợt thi tuyển sinh. Mọi thay đổi về kế hoạch tuyển sinh, môn thi tuyển sinh, chỉ tiêu, ngành học phải báo cáo Đại học Quốc gia Hà Nội chậm nhất 1 tháng trước khi tổ chức tuyển sinh và thông báo công khai để thí sinh biết.
- Điều kiện được tổ chức tuyển sinh:
+ Ngành học đã có ít nhất 2 năm tổ chức đào tạo chính quy;
+ Đơn vị liên kết phải đảm bảo được các yêu cầu về cơ sở vật chất và cán bộ quản lý đối với các ngành được đào tạo; chịu trách nhiệm quản lý sinh viên, giám sát việc thực hiện kế hoạch giảng dạy của giảng viên và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất theo yêu cầu của đơn vị đào tạo;  
+ Đơn vị đào tạo chịu trách nhiệm tất cả các khâu về công tác đào tạo từ thông báo tuyển sinh, tổ chức thi tuyển, xét và công nhận thí sinh trúng tuyển, quản lý và tổ chức đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp cho người học.
- Thủ trưởng đơn vị đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội, bao gồm các nội dung sau:
+ Thành lập hội đồng tuyển sinh;
+ Ra thông báo tuyển sinh chậm nhất trước ngày thi 3 tháng. Nội dung thông báo tuyển sinh cần ghi rõ: ngành học, chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian và địa điểm thi, môn thi, phương thức xét tuyển, hình thức đào tạo, thời gian đào tạo, văn bằng tốt nghiệp, học phí;
+ Nhận và duyệt hồ sơ đăng ký dự thi;
+ Đề thi tuyển sinh các môn văn hóa thuộc các khối thi nhận từ Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức in sao, bảo quản, sử dụng đề thi;
+ Tổ chức kỳ thi;
+ Tổ chức chấm thi và phúc khảo;
+ Quyết định điểm chuẩn và xét tuyển phù hợp với chỉ tiêu đã phân bổ;
+ Ra quyết định công nhận trúng tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển.
b) Đào tạo liên thông, văn bằng thứ hai theo hình thức vừa làm vừa học
- Thủ trưởng đơn vị đào tạo lập kế hoạch tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội;
          - Các quy định cụ thể về công tác tuyển sinh, xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển thực hiện theo các quy định của Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hiện hành phù hợp với trình độ và hình thức đào tạo.
Điều 19. Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh
Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đối với các hình thức đào tạo thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội.
          Điều 20. Xét tuyển người nước ngoài
1. Người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài được xét tuyển vào học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, gọi chung là lưu học sinh bao gồm:
a) Lưu học sinh theo hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài;
b) Lưu học sinh theo hợp tác ký kết giữa Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc giữa đơn vị đào tạo thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội với cơ sở đào tạo hoặc tổ chức giáo dục nước ngoài;
c) Lưu học sinh theo hình thức tự đăng ký.
2. Điều kiện nhập học
a) Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương;
b) Có đủ trình độ tiếng Việt hoặc ngoại ngữ (nếu theo học chương trình đào tạo được thực hiện bằng ngoại ngữ tương ứng) đáp ứng yêu cầu học tập do Đại học Quốc gia Hà Nội quy định.
Lưu học sinh phải dự kiểm tra trình độ tiếng Việt hoặc ngoại ngữ trước khi được tiếp nhận vào học. Việc kiểm tra do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (đối với tiếng Việt) và trường Đại học Ngoại ngữ (đối với ngoại ngữ) tổ chức thực hiện.
Lưu học sinh được miễn kiểm tra tiếng Việt nếu thuộc một trong các diện:
- Đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Việt ở nước ngoài;
- Đã tốt nghiệp lớp dự bị tiếng Việt dành cho người nước ngoài ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hoặc tại cơ sở đào tạo chuyên ngành của Việt Nam được Đại học Quốc gia Hà Nội công nhận;
- Đã tốt nghiệp chương trình đào tạo đại học bằng tiếng Việt.
Lưu học sinh được miễn kiểm tra ngoại ngữ nếu thuộc một trong các diện:
- Là công dân sử dụng ngoại ngữ cần dùng như ngôn ngữ chính thức;
- Đã tốt nghiệp chương trình đào tạo đại học bằng ngoại ngữ cần dùng;
- Có chứng chỉ ngoại ngữ do cơ sở đào tạo trong nước hoặc nước ngoài cấp và được Đại học Quốc gia Hà Nội công nhận;
- Đối với lưu học sinh dự học chương trình đào tạo sử dụng tiếng Anh: có chứng chỉ tiếng Anh đạt 5.5 điểm IELTS hoặc tương đương đối với lưu học sinh các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ; 6.0 điểm IELTS hoặc tương đương đối với lưu học sinh các ngành khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, luật…
c) Đủ sức khỏe để học tập theo xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;
d) Có đủ khả năng tài chính đảm bảo học tập và sinh hoạt.
3. Hồ sơ nhập học
a) Đơn xin nhập học;
b) Bản sao bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương có công chứng (kèm theo bản dịch tiếng Việt hoặc tiếng Anh);
c) Bản sao học bạ hoặc bảng điểm bậc trung học phổ thông hoặc tương đương có công chứng hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (kèm theo bản dịch tiếng Việt hoặc tiếng Anh);
d) Giấy chứng nhận kết quả học tập đã tích lũy tại trường đại học nước ngoài hoặc Việt Nam (nếu có);
e) Minh chứng được miễn kiểm tra tiếng Việt hoặc ngoại ngữ;
f) Giấy xác nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Việt Nam cấp;
g) Cam kết khả năng tài chính đảm bảo học tập và sinh hoạt;
h) Bốn ảnh cỡ 4 cm × 6 cm (ảnh chụp không quá 6 tháng trước khi gửi đơn xin nhập học).
4. Xét tuyển
Thủ trưởng đơn vị đào tạo lập Hội đồng xét tuyển để xem xét, đánh giá trình độ và năng lực học vấn chuyên môn; trình độ tiếng Việt hoặc ngoại ngữ; sức khỏe và điều kiện tài chính của lưu học sinh thông qua thẩm định hồ sơ, kiểm tra hoặc phỏng vấn (nếu cần); triệu tập lưu học sinh đủ điều kiện nhập học và báo cáo Đại học Quốc gia Hà Nội. Giấy triệu tập ghi rõ hình thức đào tạo, nguồn và mức kinh phí đào tạo.
Trường hợp đặc biệt do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định.
          Điều 21. Nhập học
1. Các đơn vị đào tạo hoàn thành công tác tiếp nhận sinh viên năm thứ nhất và bắt đầu khóa học chính quy theo kế hoạch năm học chung của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thời gian nhập học chính quy của toàn Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thống nhất, không kéo dài quá 7 ngày.
2. Khi nhập học, thí sinh trúng tuyển thực hiện đầy đủ các quy định theo Giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển.
3. Mọi thủ tục đăng ký nhập học phải được hoàn thành chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhập học theo quy định.
4. Khi làm thủ tục nhập học, sinh viên được đơn vị đào tạo cung cấp đầy đủ các thông tin: mã số sinh viên, chương trình đào tạo, kế hoạch học tập, quy chế đào tạo, quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên.
5. Thủ trưởng đơn vị đào tạo ký quyết định công nhận sinh viên năm thứ nhất, báo cáo Đại học Quốc gia Hà Nội chậm nhất 2 tháng tính từ thời gian nhập học đợt một.
6. Chậm nhất một tuần sau khi nhập học, sinh viên phải khai báo đầy đủ thông tin cá nhân theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội (theo yêu cầu của hệ thống thông tin tích hợp) và của đơn vị đào tạo.
Điều 22. Lệ phí tuyển sinh
            1. Đối với các chương trình đào tạo chuẩn, đạt chuẩn quốc tế, ngành chính – ngành phụ, ngành kép có tuyển sinh chung trong toàn quốc, lệ phí tuyển sinh được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Đối với các chương trình đào tạo còn lại, căn cứ quy định của Nhà nước, của Đại học Quốc gia Hà Nội và điều kiện thực tế của đơn vị đào tạo, Thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định lệ phí đăng ký dự thi, lệ phí dự thi, lệ phí xét tuyển theo nguyên tắc lấy thu bù chi.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :