Quy chế đào tạo
Trang chủ   >  ĐÀO TẠO  >   Quy chế đào tạo  >  
Chương VII - NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA SINH VIÊN

Điều 40. Nghĩa vụ của sinh viên
1. Thực hiện nhiệm vụ của công dân theo quy định của pháp luật. Người học là người nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng phong tục, tập quán của Việt Nam.
2. Tham gia hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống các tệ nạn xã hội.
3. Tìm hiểu và thực hiện nghiêm chỉnh quy chế, quy định về đào tạo, về công tác học sinh, sinh viên và các quy định khác liên quan tới sinh viên.
4. Có ý thức xây dựng, gìn giữ, bảo vệ và phát huy thương hiệu của Đại học Quốc gia Hà Nội và các đơn vị đào tạo.
5. Tôn trọng giảng viên, cán bộ, nhân viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong học tập và rèn luyện, thực hiện tốt nếp sống văn minh. Tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động về chính trị, tư tưởng, đạo đức của ngành giáo dục và của Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Có trách nhiệm khai báo các thông tin liên quan đến cá nhân, cập nhật dữ liệu khi có những thay đổi trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội.
7.Thực hiện các yêu cầu của môn học. Đóng học phí theo quy định.
8. Trung thực trong học tập và rèn luyện. Tích cực tham gia phòng chống, phát hiện và báo cáo với đơn vị đào tạo những hành vi tiêu cực, gian lận trong học tập, nghiên cứu khoa học, thi cử và các hoạt động khác của sinh viên.
9. Các hành vi sinh viên không được làm: vi phạm kỷ luật phòng thi, xin điểm; học, thi, thực tập hộ người khác hoặc nhờ người khác học, thi, thực tập hộ; sao chép tài liệu mà không trích dẫn hoặc nhờ làm hộ tiểu luận, khóa luận, đồ án tốt nghiệp, công trình nghiên cứu khoa học và các hành vi gian lận khác, tham gia các hoạt động trái pháp luật.
Sinh viên không trung thực và có hành vi gian lận trong nghiên cứu khoa học, làm tiểu luận, khóa luận, đồ án tốt nghiệp, bị kỷ luật từ mức đình chỉ học tập một năm đến mức buộc thôi học.
          10. Sinh viên có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định về kỷ luật phòng thi, nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật ở các mức sau:
a) Khiển trách: áp dụng đối với sinh viên phạm lỗi 1 lần nhìn bài của người khác, trao đổi bài, thảo luận bài trong giờ thi. Sinh viên bị khiển trách trong khi thi môn học nào bị trừ 25% số điểm đạt được của bài thi môn học đó;
          b) Cảnh cáo: áp dụng đối với sinh viên vi phạm một trong các lỗi:
- Đã bị khiển trách 1 lần nhưng trong giờ thi môn học đó vẫn tiếp tục vi phạm quy định;
- Trao đổi bài làm, giấy nháp với người khác;
- Chép bài của người khác. Những bài thi đã có kết luận là giống nhau thì xử lý như nhau trừ trường hợp nếu người bị xử lý có đủ bằng chứng chứng tỏ mình thực sự bị quay cóp thì thủ trưởng đơn vị đào tạo có thể xem xét giảm từ mức kỷ luật cảnh cáo xuống mức khiển trách.          
          Sinh viên bị cảnh cáo trong khi thi môn học nào sẽ bị trừ 50% số điểm đạt được của bài thi môn học đó.
          c) Đình chỉ thi: áp dụng đối với sinh viên vi phạm một trong các lỗi:
- Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi môn học đó vẫn tiếp tục vi phạm quy định;
- Sau khi đã bóc đề thi bị phát hiện mang theo những vật dụng không được phép như tài liệu, phương tiện kỹ thuật thu phát truyền tin ...;
- Đưa đề thi ra ngoài hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi.
          Sinh viên bị kỷ luật đình chỉ thi sẽ bị điểm không (0) bài thi môn học đó và phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định đình chỉ thi.
          Các hình thức kỷ luật nói trên do cán bộ coi thi lập biên bản, thu tang vật và ghi rõ hình thức kỷ luật.
          d)Sinh viên thi hộ hoặc nhờ người thi hộ bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập 1 năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai.
          Điều 41. Quyền lợi của sinh viên
1. Được nhận vào học đúng ngành đã đăng ký dự tuyển khi trúng tuyển;
2. Được nhà trường tôn trọng và đối xử bình đẳng. Được phổ biến chủ trương,chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội và của đơn vị đào tạo liên quan đến sinh viên.
3. Được cung cấp đầy đủ chương trình, kế hoạch đào tạo của khóa học, năm học, học kỳ và môn học.
4. Được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật đối với sinh viên; được tạo điều kiện trong học tập, tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, tham gia các hội nghị khoa học, công bố các công trình khoa học và công nghệ trong các ấn phẩm của đơn vị đào tạo;
5. Người học thuộc diện cử tuyển, con em các dân tộc ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, diện chính sách xã hội và các gia đình nghèo được cấp học bổng, trợ cấp, miễn giảm học phí, được hưởng các chính sách ưu đãi từ tín dụng giáo dục, quỹ khuyến học và quỹ bảo trợ giáo dục theo quy định của pháp luật.
6. Được cố vấn học tập tư vấn và hướng dẫn xây dựng kế hoạch học tập, lựa chọn đăng ký các môn học, phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm.
7. Được đăng ký môn học, lịch học phù hợp với điều kiện cá nhân trên cơ sở thời khóa biểu của đơn vị đào tạo. Được rút bớt một số môn học đã đăng ký, nhưng không vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 28 của Quy chế này.
8. Được tham gia các cuộc thi Olympic hoặc năng khiếu, tham gia các diễn đàn, câu lạc bộ chuyên ngành dành cho sinh viên.
9. Được tham gia các chương trình đào tạo tài năng, đạt chuẩn quốc tế, chất lượng cao và các chương trình đào tạo khác nếu đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định.
10. Được đăng ký học bằng kép nếu đáp ứng quy định tại khoản 2, Điều 32 của Quy chế này.
11. Được chuyển đến các trường đại học khác ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội nếu đáp ứng quy định tại khoản 1, Điều 34 của Quy chế này.
12. Được tự học hoặc học tại một cơ sở đào tạo đại học khác trong hoặc ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội một số môn học trong chương trình đào tạo nếu được thủ trưởng đơn vị đào tạo cho phép.
13. Được đăng ký dự tuyển đi học ở nước ngoài theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Đại học Quốc gia Hà Nội; được tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế, trao đổi sinh viên trong khuôn khổ chương trình hoặc hiệp định hợp tác quốc tế của Chính phủ, Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc đơn vị. Sinh viên được bảo lưu kết quả học tập. Thủ trưởng đơn vị đào tạo quyết định việc miễn học và chuyển đổi kết quả học tập thay thế cho các môn học thuộc chương trình đào tạo của ngành học tương ứng.
14. Được sử dụng học liệu, thiết bị và phương tiện phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học theo quy định; được cấp tài khoản thông tin riêng phục vụ hoạt động học tập.
15. Được phép thôi học vì lý do cá nhân. Trong trường hợp này, sinh viên phải bồi hoàn cho đơn vị đào tạo toàn bộ kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước trong thời gian theo học.
16. Được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình đóng góp ý kiến với Thủ trưởng đơn vị đào tạo, các tổ chức và cá nhân liên quan về mục tiêu, chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy; hoặc kiến nghị các giải pháp góp phần xây dựng đơn vị đào tạo. Được đề đạt nguyện vọng và khiếu nại lên Thủ trưởng đơn vị đào tạo và Thủ trưởng đơn vị phục vụ đào tạo để giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của sinh viên.
17. Sinh viên được xin nghỉ ốm, nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả đã học trong các trường hợp sau đây:
a) Được động viên vào lực lượng vũ trang;
b) Bị ốm hoặc bị tai nạn buộc phải điều trị trong thời gian dài có giấy xác nhận của cơ sở y tế;
c) Vì lý do cá nhân. Trường hợp này, sinh viên phải học ít nhất một học kỳ ở đơn vị đào tạo, không bị buộc thôi học và phải đạt điểm trung bình chung tích lũy không dưới 2,00. Thời gian nghỉ học tạm thời vì nhu cầu cá nhân phải được tính vào thời gian tối đa được phép học.
Sinh viên nghỉ học tạm thời nếu muốn học tiếp phải có đơn đề nghị Thủ trưởng đơn vị đào tạo giải quyết chậm nhất 2 tuần trước khi bắt đầu học kỳ mới.
18. Được cử đại diện tham gia Hội đồng thi đua, khen thưởng và kỷ luật sinh viên, các hội đồng khác có liên quan đến sinh viên.
19. Được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (đối với sinh viên các khoa trực thuộc) hoặc Hiệu trưởng (đối với sinh viên các trường đại học thành viên) cấp Bằng tốt nghiệp khi được công nhận tốt nghiệp.
20. Được xét học tiếp ở các bậc học cao hơn nếu có nguyện vọng và đáp ứng đủ các điều kiện theo Quy chế đào tạo Sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
21. Được đơn vị đào tạo trả hồ sơ sinh viên, cung cấp các giấy tờ cần thiết, hỗ trợ các thủ tục tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
22. Được tham gia các hoạt động của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên Việt Nam.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :