Quy chế đào tạo
Trang chủ   >  ĐÀO TẠO  >   Quy chế đào tạo  >  
Chương 2 - Hình thức, chương trình đào tạo và thủ tục cấp phép

 

Chương II

HÌNH THỨC, CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO VÀ THỦ TỤC CẤP PHÉP 

 

Điều 4: Xây dựng chư­ơng trình đào tạo

4.1. Đối với chư­ơng trình đào tạo liên kết quốc tế do đối tác nước ngoài cấp bằng: Đơn vị liên kết lựa chọn ngành/chuyên ngành đào tạo, đề nghị bổ sung, thay thế một số môn học phù hợp, đáp ứng yêu cầu của Việt Nam, sau đó gửi toàn bộ chương trình đào tạo ngành/chuyên ngành đã lựa chọn trình ĐHQGHN xem xét và phê duyệt trước khi chính thức ký kết với đối tác nước ngoài.

4.2. Đối với ch­ương trình đào tạo liên kết quốc tế do ĐHQGHN cấp bằng: Tuân thủ quy trình xây dựng đề án mở ngành đào tạo của ĐHQGHN và tham khảo ý kiến, nội dung chương trình của đối tác nước ngoài, sau đó gửi toàn bộ hồ sở đề án mở ngành/chuyên ngành đã lựa chọn trình ĐHQGHN xem xét và phê duyệt.

4.3. Đối với chư­ơng trình đào tạo liên kết quốc tế do cả hai bên cùng cấp bằng: Tuân thủ quy trình xây dựng chương trình đào tạo của đối tác nước ngoài hoặc quy trình xây dựng đề án mở ngành/chuyên ngành đào tạo của ĐHQGHN, tuỳ thuộc vào thoả thuận hợp tác được kí kết giữa hai bên; sau đó gửi toàn bộ hồ sơ mở ngành/chuyên ngành đã được lựa chọn trình ĐHQGHN xem xét, phê duyệt.

 

Điều 5. Kế hoạch đào tạo và ph­ương thức đào tạo liên kết quốc tế

5.1. Trước 30/6 hàng năm, các đơn vị có đào tạo liên kết quốc tế căn cứ vào tình hình cụ thể về cơ sở vật chất, cán bộ quản lý và giảng dạy và các điều kiện khác đảm bảo chất lượng, lập kế hoạch các chương trình dự kiến tổ chức thực hiện trong năm học, báo cáo Đại học Quốc gia Hà Nội.

5.2. Đào tạo liên kết quốc tế bao gồm các phương thức như sau:

5.2.1. Đào tạo toàn phần tại Việt Nam.

5.2.2. Đào tạo một phần thời gian tại Việt Nam, một phần thời gian ở cơ sở đối tác nư­ớc ngoài. Thời gian và nội dung đào tạo tại mỗi nơi tuỳ thuộc vào sự thoả thuận được ký kết giữa hai bên.

 

Điều 6. Thủ tục hồ sơ cấp giấy phép thực hiện chương trình đào tạo liên kết quốc tế do đối tác nước ngoài cấp bằng

           

6.1. Hồ sơ xin phép thực hiện chương trình đào tạo liên kết quốc tế

 

Đơn vị liên kết gửi văn bản đề nghị ĐHQGHN cấp giấy phép thực hiện chương trình đào tạo liên kết quốc tế kèm theo hồ sơ chi tiết bao gồm:

- Công văn đề nghị được thực hiện chương trình đào tạo liên kết quốc tế do thủ trưởng đơn vị đào tạo liên kết ký và đóng dấu. 

- Văn bản xác nhận tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp;

- Bảng xếp hạng đối tác nước ngoài tại thời điểm xin cấp phép (xếp hạng quốc tế của các tổ chức như THES, Đại học Giao thông Thượng Hải, US News World Report hoặc tương đương).

- Văn bản thoả thuận, ghi nhớ, hợp tác đã đư­ợc ký kết với đối tác nước ngoài;

- Hợp đồng phân công trách nhiệm của mỗi bên khi tham gia đào tạo liên kết;

- Văn bản hoặc chứng nhận là chương trình/cơ sở đào tạo đó được kiểm định chất lượng hoặc được cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước sở tại công nhận;

 

- Đề án triển khai chương trình đào tạo liên kết, trong đó nêu rõ:

+ Cơ sở, mục đích, sản phẩm thiết lập chương trình;

+ Cơ sở tài chính, vật chất để thực hiện chương trình;

+ Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy chương trình;

+ Chuyên ngành, nội dung, tài liệu sử dụng cho chương trình;

+ Ngôn ngữ sử dụng để giảng dạy chương trình;

+ Phương thức, quy mô tuyển sinh;

+ Tiêu chuẩn đối tượng tuyển sinh;

+ Thời gian, địa điểm thực hiện chương trình;

+ Đơn vị cấp bằng tốt nghiệp chương trình;

+ Cơ chế đảm bảo chất lượng;

+ Các giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh;

+ Cơ chế đảm bảo quyền lợi của người học;

+ Yêu cầu về đầu ra đối với học viên;

+ Kế hoạch phân bổ kinh phí;

+ Hiệu quả thực hiện chương trình;

+ Phân tích rủi ro và các biện pháp hạn chế rủi ro.

 

6.2 Hồ sơ xin phép tuyển sinh

- Sau khi có giấy phép thực hiện chương trình đào tạo liên kết quốc tế, đơn vị liên kết chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình. Trước thời điểm dự kiến tuyển sinh ít nhất 1 tháng, đơn vị liên kết gửi báo cáo lên ĐHQGHN về các điều kiện đảm bảo chất lượng theo đề án đã được phê duyệt.

- Các Ban đầu mối, Khoa Sau Đại học phối hợp với Ban Quan hệ quốc tế, Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển Giáo dục tổ chức thẩm định thực tế trong vòng 07 ngày làm việc sau khi nhận được báo cáo của đơn vị liên kết.

- Căn cứ vào báo cáo của đơn vị và báo cáo thẩm định của các Ban đầu mối, Khoa SĐH, Giám đốc ra quyết định cho phép tuyển sinh.

 

Điều 7. Thủ tục hồ sơ cấp giấy phép thực hiện chư­ơng trình đào tạo liên kết quốc tế do ĐHQGHN cấp bằng, do ĐHQGHN và đối tác nước ngoài cùng cấp bằng

 

7.1. Hồ sơ xin phép thực hiện chương trình đào tạo liên kết quốc tế

Ngoài các hồ sơ, thủ tục như đối với chương trình đào tạo trong nước do ĐHQGHN cấp bằng. Đơn vị liên kết gửi văn bản đề nghị ĐHQGHN cấp giấy phép thực hiện chương trình liên kết đào tạo quốc tế do ĐHQGHN cấp bằng/do ĐHQGHN và đối tác nước ngoài cùng cấp bằng kèm theo hồ sơ gồm:

- Thông tin đầy đủ về đối tác nước ngoài tham gia chương trình (gồm thông tin về tư cách pháp nhân, nguồn lực tài chính và nhân lực, uy tín và truyền thống đào tạo, văn bản kiểm định chất lượng hoặc minh chứng được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận đối với đối tác nước ngoài, bảng xếp hạng ...);

- Văn bản thoả thuận, ghi nhớ, hợp đồng đã đư­ợc ký kết với đối tác nước ngoài (bao gồm cam kết đảm nhận khối lượng công việc giảng dạy trong chương trình của đối tác nước ngoài);

- Chư­ơng trình đào tạo đ­ược xây dựng theo quy chuẩn của chương trình đào tạo trong nhiệm vụ chiến lược.

 

7.2. Hồ sơ xin phép tuyển sinh

            Thực hiện như đối với chương trình đào tạo liên kết quốc tế do đối tác nước ngoài cấp bằng được quy định tại mục 6.2.

 

Điều 8. Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ các chư­ơng trình đào tạo liên kết quốc tế

Ban Đào tạo làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, thẩm định nội dung chương trình đào tạo đối với chương trình đào tạo liên kết bậc đại học; Khoa Sau Đại học là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, thẩm định nội dung chương trình đào tạo đối với chương trình đào tạo liên kết bậc sau đại học. Ban Khoa học công nghệ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, thẩm định nội dung chương trình đào tạo đối với chương trình đào tạo liên kết bậc sau đại học của Khoa Sau Đại học (gọi tắt là các Ban đầu mối và Khoa Sau Đại học). Ban Quan hệ Quốc tế là đầu mối thẩm định tư cách pháp nhân của đối tác. Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển Giáo dục là đầu mối thẩm định văn bản kiểm định chất lượng và thứ hạng của đối tác nước ngoài. Hồ sơ sau khi đã được thẩm định sẽ được các Ban đầu mối, Khoa Sau Đại học trình Giám đốc ĐHQGHN phê duyệt.

 

Điều 9. Thời hạn giải quyết thủ tục hồ sơ cấp giấy phép thực hiện chương trình đào tạo liên kết quốc tế

 

9.1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thực hiện ch­ương trình đào tạo liên kết quốc tế gửi về các đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ của ĐHQGHN ít nhất là 06 tháng trước thời điểm dự kiến thông báo tuyển sinh đối với mỗi chư­ơng trình.

 

9.2. Các Ban đầu mối và Khoa Sau Đại học cùng phối hợp với Ban Quan hệ Quốc tế, Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển Giáo dục và các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ, đối tác nước ngoài, trình Giám đốc phê duyệt và thông báo kết quả cho đơn vị liên kết đào tạo trong phạm vi thời gian tối đa 30 ngày (không tính các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ tuần theo quy định của Luật Lao động) sau khi nhận đủ hồ sơ.

 

9.3. Các Ban đầu mối và Khoa Sau Đại học phối hợp với Ban QHQT và Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển Giáo dục tổ chức thẩm định điều kiện thực tế theo đề án đã được phê duyệt, làm báo cáo trình Giám đốc ĐHQGHN cho phép tuyển sinh trong vòng 07 ngày làm việc sau khi tổ chức thẩm định tại đơn vị. Đơn vị liên kết chỉ được thông báo tuyển sinh sau khi được phép tuyển sinh bằng văn bản của Giám đốc ĐHQGHN.

 

9.4. Đối với chương trình liên kết đào tạo quốc tế theo những đề án của Bộ GD&ĐT có thụ hưởng toàn bộ nay một phần ngân sách đào tạo hoặc các dự án liên kết được trường/viện nước ngoài tài trợ, sau khi được Giám đốc ĐHQGHN đồng ý, các Ban đầu mối và Khoa Sau đại học cùng với Ban QHQT và TTĐBCLĐT&NCPTGD sẽ hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu và gửi về Bộ Giáo dục và ĐT hoặc địa chỉ mà dự án liên kết tài trợ yêu cầu. Đơn vị đào tạo có trách nhiệm bảo vệ đề án/dự án trước Hội đồng thẩm định, đánh giá của Bộ hoặc dự án đó để được Bộ hoặc dự án quyết định cho phép.

 

Điều 10. Đào tạo liên kết quốc tế tại các địa phương

Khi có nhu cầu tổ chức đào tạo liên kết tại các địa phư­ơng, đơn vị có nhu cầu đào tạo liên kết tại các tỉnh gửi công văn xin phép về ĐHQGHN qua các Ban đầu mối và Khoa Sau Đại học. Căn cứ vào điều kiện triển khai của từng trường hợp cụ thể, các ban đầu mối và Khoa Sau Đại học trình Giám đốc ĐHQGHN phê duyệt.

 

Điều 11. Thẩm định chương trình đào tạo liên kết quốc tế

            Thủ tục thẩm định chương trình đào tạo liên kết quốc tế do ĐHQGHN cấp bằng hoặc đồng cấp bằng với đối tác quốc tế thực hiện theo quy định về thẩm định chương trình đào tạo của ĐHQGHN.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :