Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Vài ghi nhận tại Hội thảo Giáo dục Việt - Nhật lần thứ 4, năm 2005
Ngày 23/8/2005, tại khách sạn Horison, Khoa Sư phạm - ĐHQGHN đã phối hợp cùng Công ty EIKOH Việt Nam tổ chức hội thảo Giáo dục Việt Nhật lần thứ 4 với chủ đề "Giáo dục đạo đức và giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông Việt Nam và Nhật Bản".

Tham dự hội thảo có gần 50 nhà khoa học, nhà giáo và hơn 30 sinh viên của hai nước Việt Nam, Nhật Bản. GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN đã tới dự và phát biểu tại hội thảo. Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng giáo dục đạo đức và giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông là những nội dung quan trọng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Sự kết hợp trí tuệ của các học giả Việt Nam, Nhật Bản tại hội thảo này sẽ làm những vấn đề này ngày càng sáng tỏ.

Tại hội thảo, PGS,TS. Ito Tetsuji (Đại học Ibaraki), PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Khoa Sư phạm - ĐHQGHN) và ngài Jinnai Tsutomu đã trình bày một số điểm tương đồng cùng một số nét khái quát của nền giáo dục hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Tiếp đó, 11 bản tham luận về các nội dung liên quan đến giáo dục đạo đức và giáo dục hướng nghiệp đã được học giả của hai quốc gia trình bày và thảo luận sôi nổi.

Theo PGS.TS Hà Nhật Thăng (Trưởng Tiểu ban Xây dựng chương trình Giáo dục đạo đức), trong sự nghiệp đổi mới của Việt Nam đang tiến hành thì giáo dục đạo đức được coi là một bộ phận có ý nghĩa quan trọng phát triển nguồn lực con người. Mục tiêu của giáo dục đạo đức là trang bị cho học sinh và mọi người những tri thức cần thiết về đạo đức, tư tưởng, chính trị lối sống về văn hoá, pháp luật; hiểu những giá trị có tính chuẩn mực, biết các phương pháp rèn luyện phẩm chất. Giáo dục đạo đức giúp hình thành ở học sinh và mọi công dân có năng lực những kỹ năng, có thói quen như: năng lực giao tiếp, ứng xử, năng lực tự hoàn thiện, năng lực thích ứng, năng lực hợp tác và cạnh tranh, năng lực tổ chức quản lý, năng lực hoạt động chính trị xã hội, năng lực lao động nghề nghiệp cụ thể, năng lực nghiên cứu khoa học. Giáo dục đạo đức hình thành và phát triển hệ thống thái độ đúng đắn, có tình cảm, niềm tin, thẩm mỹ, đạo đức văn hoá trong sáng, lối sống lành mạnh phù hợp yêu cầu của xã hội.

PGS.TS. Ito Tetsuji (Khoa Xã hội và Tâm lý học, ĐH IBaraki) nêu lên một hiện trạng ở Nhật Bản hiện nay là: các vấn đề trong trường học, ví dụ như nạn "trêu trọc", "bỏ học", "lớp học hỗn loạn" ở học sinh ngày càng trở nên nghiêm trọng, do vậy, chủ trương "đạo đức quốc gia của quốc dân" ngày càng rõ nét hơn. Ở các trường tiểu học và trung học cơ sở tại Nhật Bản có giờ gọi là giờ đạo đức. Giờ học này thường được xếp vào thời khoá biểu, nhưng cách giảng dạy và cách dùng giáo trình thì khác nhau ở từng trường và từng giáo viên. Không có giáo viên chuyên môn giảng dạy môn đạo đức. Giáo viên chủ nhiệm các lớp học đảm đương môn học này.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường (Hiệu trưởng trường THPTDL Lômônôxốp) giới thiệu các chủ đề giáo dục theo từng tháng hiện đang thực hiện tại nhà trường: giáo dục truyền thống, giáo dục pháp luật và giáo dục đức dục. Các giáo viên chủ nhiệm lớp là người tổ chức cho lớp mình thực hiện các chủ đề theo kế hoạch và theo dõi, đánh giá việc thực hiện của các học sinh.

Cũng bàn về vấn đề Giáo dục đạo đức truyền thống cho học sinh THPT qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, TS. Lưu Thu Thuỷ (Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục) cho rằng cần phải tập trung vào một số nội dung cơ bản sau: Khái niệm về một số giá trị đạo đức truyền thống cốt lõi của dân tộc, phù hợp với lứa tuổi và trình độ học sinh trung học phổ thông; Sự hình thành các giá trị đạo đức tuyền thống trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; Nội dung của các giá trị đạo đức truyền thống trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; Nội dung của các giá trị đạo đức truyền thống cốt lõi của dân tộc và sự phát triển nội dung những giá trị đó qua các giai đoạn lịch sử,…

Trong bản tham luận của mình, PGS.TS Usami Kayo (Khoa Sư phạm, ĐH Saitama, Nhật Bản) nêu lên một hiện thực trong giáo dục đạo đức tại trường học của Nhật Bản. Giờ đạo đức không có sách giáo khoa chính nhưng trong đề cương giảng dạy và học tập có quy định nội dung và mục tiêu của giờ học đạo đức.Nội dung giáo dục đạo đức được quy định theo mỗi giai đoạn (gồm 2 năm học đối với giáo dục bắt buộc: giáo dục tiểu học và giáo dục trung học) với chương trình gồm 4 lĩnh vực: Những điều liên quan đến bản thân; Những điều liên quan đến mối quan hệ với những người xung quanh; Những điều liên quan đến mối quan hệ với tự nhiên và những con vật cao siêu; Những điều liên quan đến mối quan hệ với đoàn thể và xã hội. Hiện nay, Bộ Giáo dục & Khoa học Nhật Bản tiến hành cải cách giáo dục, đưa vào lĩnh vực học tập mới là "môn sinh hoạt", áp dụng năm 1989 và "giờ học tổng hợp" áp dụng năm 1998. Môn sinh hoạt được áp dụng cho đối tượng là học sinh tiểu học lớp 1, lớp 2. Môn học này, nhằm mục đích thông qua những hoạt động và trải nghiệm cụ thể giúp trẻ quan tâm đến quan hệ giữa bản thân mình và những người thân, xã hội, tự nhiên, trang bị cho mình những tập quán, kỹ năng cuộc sống cần thiết, nuôi dưỡng cơ sở cho sự tự lập. Từ lớp 3 tiểu học đến trung học cơ sở và trung học phổ thông "giờ học tổng hợp" được áp dụng nhằm mục đích nuôi dưỡng tư chất, năng lực, thái độ tự học để giải quyết vấn đề, hay còn gọi là nuôi dưỡng sức sống cho trẻ. Tuỳ theo từng trường, người ta có thể lựa chọn nhiều chủ đề riêng, ví dụ như học về quê hương, học về hoà bình, học về món ăn, nhiều phương pháp thực tiễn đa dạng đang được tiến hành.

Về việc tổ chức tư vấn hướng nghiệp trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở Việt Nam, bà Phạm Thị Thanh (Trung tâm Lao động Hướng nghiệp, Bộ Giáo dục & Đào tạo) cho rằng: tư vấn hướng nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng. Tư vấn hướng nghiệp có nhiệm vụ hướng dẫn cho học sinh cách thức lựa chọn nghề nghiệp tương lai, trên cơ sở hình thành những hứng thú nghề nghiệp vững chắc phù hợp với những phẩm chất, năng lực của cá nhân và yêu cầu của nghề cũng như nhu cầu của xã hội, thông qua quá trình nghiên cứu, theo dõi bước đường các em học tập, sinh hoạt và lao động trong nhà trường.

Trong bản tham luận của mình, ThS. Ngô Quốc Phương trình bày quan điểm: trong công tác hướng nghiệp ở nhà trường phổ thông, thông tin, tư liệu với tư cách là các công cụ và phương tiện hỗ trợ tác nghiệp và hoạt động chuyên môn, có vai trò hết sức quan trọng, hỗ trợ và đảm bảo chất lượng của giáo dục và tư vấn hướng nghiệp. Sau khi sơ bộ điểm qua tình hình tài liệu xuất bản phục vụ hướng nghiệp học đường hiện nay, ông Phương tạm phân loại các tài liệu theo hai nhóm: sách và các tài liệu nghiệp vụ hướng nghiệp và tài liệu thông tin hướng nghiệp. Mặc dù chưa thể nói rằng hệ thống thông tin, tư liệu hỗ trợ hướng nghiệp trong các trường phổ thông ở Việt Nam đã được phát triển ở mức khả dĩ đáp ứng toàn bộ các yêu cầu của giới chuyên môn và nhu cầu xã hội, song cũng cần ghi nhận rằng việc cho biên soạn và xuất bản các tài liệu chuyên môn, tham khảo, sách giáo khoa cho tới nay đã là những nỗ lực hết sức tích cực, đáng hoan nghênh và khích lệ. Trong thời gian tới, so với yêu cầu đa dạng và phức tạp của công tác hướng nghiệp phổ thông, nhu cầu trang bị thông tin và công cụ làm việc cho các cán bộ làm hướng nghiệp học đường, của bản thân học sinh, các gia đình và các chủ thể xã hội khác liên quan đến hướng nghiệp, chắc chắn sẽ xuất hiện thêm các hệ thống tài liệu chuyên môn, tham khảo và thông tin về hướng nghiệp phong phú hơn về mặt chủng loại và đầy đủ hơn về mặt chuyên môn. Các hệ thống này chắc chắn sẽ được tổ chức tốt hơn với tư cách các cơ sở dự liệu và thông tin tin cậy, trợ giúp đắc lực cho hiệu quả của công tác hướng nghiệp học đường.

PGS.TS. Đặng Danh Ánh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Tư vấn Khoa học Công nghệ) nêu một số điểm mới trong chương trình giáo dục hướng nghiệp hiện nay ở Việt Nam. Qua nghiên cứu, ông cho rằng có ba điểm mới trong giáo dục hướng nghiệp hiện nay cần được quan tâm là: mới về cấu trúc, mới về nội dung và mới về phương pháp. Trong bản tham luận của mình, PGS.TS Đặng Danh Ánh đã chỉ rõ các nội dung liên quan đến ba điểm mới đã nêu trên.

Ông Jinnai Tsutomo (Giáo viên bộ môn tiếng Nhật trường Shukisha kiêm giảng viên chương trình đào tạo, hỗ trợ y tá Việt Nam) trình bày về hiện thực của việc giáo dục định hướng cho tương lai trong trường học của Nhật Bản bước vào thời kỳ chuyển đổi. Ở trường trung học phổ thông, dù là trường công lập hay trường tư thục thì định hướng cho tương lai của học sinh bắt đầu từ lớp 10. Tất nhiên, trong điều kiện chưa có giờ học "định hướng cho tương lai" thì giáo viên chủ nhiệm lớp nói chuyện với các em trong giờ hoạt động câu lạc bộ hoặc hướng dẫn riêng cho từng em. Ông Jinnai Tsutomo cũng chỉ ra một thực trạng trong việc hướng dẫn cho học sinh nhận thức được "tính thích ứng" của bản thân học sinh Nhật Bản. Ông cũng khẳng định rằng người lựa chọn con đường cho tương lai cho mình chính là bản thân học sinh. Vì vậy, nỗ lực trước tiên là học sinh phải tự mình suy nghĩ. Thế nhưng có nhiều học sinh chưa trang bị cho mình khả năng tự suy nghĩ, vì vậy tôi cho rằng giáo viên, phụ huynh cần định hướng bằng cách cùng suy nghĩ với các em. Ông Jinnai Tsutomo cũng cho rằng hiện nay, kỳ thi đại học đã nhẹ nhàng và đa dạng hoá lên nhiều là cơ hội tốt để chuyển sang định hướng bằng cách cùng suy nghĩ với học sinh.

Trong khuôn khổ của hội thảo Giáo dục Việt - Nhật lần thứ IV năm 2005, các vấn đề về giáo dục đạo đức và giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam và Nhật Bản đã phần nào được các học giả hai quốc gia trình bày và làm sáng tỏ ở mức độ nhất định. Hội thảo góp phần vào việc tăng cường sự hiểu biết và giao lưu của hai nước Việt - Nhật, đặc biệt là tăng cường những hiểu biết song phương trong lĩnh vực giáo dục.

 Ngọc Diệp - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :