Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Chùm ảnh: Ngày hội ở một ngôi trường Anh hùng Lao động…
Ghi nhận của PV Bản tin ĐHQGHN sau một ngày sống trong không khí lễ hội tưng bừng cùng thầy và trò trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) - đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới…

Không chỉ riêng cá nhân tôi (một cựu sinh viên) mà có lẽ hàng trăm giảng viên, hàng ngàn sinh viên của Nhà trường đã chờ đợi ngày này từ lâu lắm rồi, trường ĐHKHXH&NV được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Sự kiện này diễn ra vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Ban đại học Văn khoa tại Hà Nội - tiền thân của Nhà trường hôm nay. Niềm vui, niềm tự hào đan xen, nối tiếp nhau và được nhân lên gấp nhiều lần…

Sáng ngày 09/10, bầu trời thu như xanh và cao hơn, không khí thu hanh heo đằm đặm, nắng vàng dìu dịu tô phấn lên những gương mặt sinh viên trẻ trung đang nhộn nhịp với những khâu chuẩn bị cho ngày hội văn hoá - thể thao chuẩn bị diễn ra. "Các em đẹp quá" - tôi tự nhủ…

Tôi đi giữa một rừng cờ hoa, biểu ngữ đang phần phật tung bay, "lòng rộn ràng và mê say" hoà nhịp cùng những bước chân đang dồn về sân trường này ! Mái trường yêu quý của tôi ơi! Ước mong đã bao năm rồi, "một ngày vui và đẹp thế"! Hãy nhìn trên những lối vào và tấm phông đỏ ở đầu nhà G kia:

7 giờ 30 phút, lối cổng vào và sân trước nhà E đã được phân ra rành mạch từng khu vực. Đây là sân bóng đá một chân, đây là sân kéo co, kia là địa giới của trò nhảy bao bố, trò vật tay , góc trước của nhà A sẽ diễn ra trò đập niêu với sự tham dự của gần 50 "nam thanh, nữ tú"…8 giờ không khí trên các khoảng sân nóng dần lên cùng những tiếng hò reo cổ vũ - cuộc chơi bắt đầu:

- "Báo chí cố lên!" "Thông tin thư viện vô địch!” “Du lịch muôn năm!” “Ôi ! tôi yêu nhân văn!” như một dàn hợp xướng hỗn độn đủ mọi cung bậc âm thanh…họ đang hò hét.

- Cái độc đáo của bóng đá một chân (một nam, một nữ cột vào nhau, chân kề chân) là sự phối hợp uyển chuyển nhịp nhàng, cái dũng mãnh cài vào sự khéo léo để tạo nên những pha bóng đẹp "mê hồn"…

- Trên sân nhà G, cuộc đấu vật tay giữa hai “nữ hiệp” đang vào hồi gay cấn. Một nam sinh viên đứng cạnh tôi giọng bồi hồi: "Nàng áo đen, đeo kính ấy là ở khoa Du lịch em đấy! Trông xinh xắn, tiểu thư thế mà vật tay thì không có đối thủ!…"

- Tiếng la hét ầm ĩ kéo tôi ra với sân thi đấu nhảy bao bố tiếp sức. Nam nữ từng khoa chia nhau án ngữ hai đầu sân thay nhau tiếp sức “nhảy”! Có nàng ngã dúi dụi cả chục lần mà vẫn bặm môi "tung mình" về đích giữa tiếng vỗ tay rào rào…

- Yên tĩnh hơn là góc đặt bàn thư ký, nơi hai cô cậu áo xanh mẫn cán đang hì hục ghi chép kết quả từ các sân đấu báo về. Họ là những nhân vật được “sếp” Bí thư đoàn trường quan tâm nhất…

- Trầm lắng và tiện nghi là

cảm giác khi tôi đặt chân vào khu vực "báo chí" đang làm nhiệm vụ tường thuật "trực tiếp" diễn biến của ngày hội lên trang Web Nhà trường. Một đội ngũ phóng viên ảnh được trải đều khắp các sân, thường xuyên cung cấp dữ liệu để họ tác nghiệp….

 

* Chiều
: - Trận trung kết bóng đá một chân giữa hai khoa Văn học và Du lịch đang diễn ra sôi động. Cổ động viên Văn khoa luôn áp đảo đối thủ bằng âm thanh hò hét …nhưng tỷ số thì…

- 17 giờ: Sân trường ngổn ngang như một bãi chiến địa, các khoa đang thi nhau dựng trại. Nếu rơm, dây thừng và lá cọ của khoa Văn học, khoa Du lịch tạo cho người xem một cảm giác bình yên như đang ở quê nhà gần gụi thì khoa Báo chí lại gây ấn tượng bằng chính chất liệu tạo nên cái tên của mình….

* Tối: - Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là ở khu trại của Bộ môn
Khoa học Quản lý. Bên ché rượu cần tôi chưa có duyên nếm thử nhưng đã say bởi ánh mắt một người…

- Còn cậu bạn tôi thì không thể chối từ lời mời mọc nhiệt tình của một cô bé bán hàng…

- Ôi ngon quá! những tiếng xuýt xoa bên cạnh khiến tôi không thể làm ngơ….và chuyện gì đến đã phải đến. Ngồi ăn thế này thật thú vị….

- Ngoảnh sang khu trại khoa Văn, mấy cô cậu sau một hồi quảng cáo thư pháp đã ngồi thở dốc…

- Anh ơi! em không thích câu đối; anh viết tên em nhé! Em là: Ngọc Lan…

- Sân khấu chính trang hoàng rực rỡ, chúng tôi có mặt đúng lúc tiếng nhạc nổi lên, những chàng trai, cô gái khoa Lịch sử xuất hiện với mô hình trống đồng Đông Sơn cùng trang phục và những điệu múa thủa Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân đi mở cõi…

- Trong trang phục váy dạ hội tha thướt, dưới ánh đèn sân khấu lung linh, điệu múa của những thiếu nữ Quảng Đông làm ngây ngất tâm hồn người xem…

- Hãy nhìn những cử nhân ngành Du lịch học tương lai, họ đang thể hiện độ chuyên nghiệp của mình trong từng điệu nhảy…

- Từ giá khởi đầu 25 ngàn đồng, sau màn đấu giá kịch tính và hồi hộp, chiếc quạt này đã được cô Tô Thị Hiền mua tặng cho Phòng truyền thống Nhà trường với giá 2 triệu đồng, một mức giá nằm ngoài sự tưởng tưởng tượng của những người sản xuất…

- Ngồi trên hàng ghế đại biểu, các thầy lãnh đạo Nhà trường cũng có những giây phút thoải mái thực sự…

- "Tấn Minh…I love you!", chàng ca sĩ hào hoa này bước ra sân khấu trong niềm hạnh phúc tột độ…Hàng ngàn fan hâm mộ trẻ đang hoà nhịp cùng anh trong "Bức thư tình đầu tiên" và tiếc nuối chia tay anh với giai điệu tha thiết của "Phượng hồng"…

- Có lẽ chưa khi nào tôi thấy sân trường đông đến thế. Cả một biển người chật cứng từ cổng chính đến cổng phụ. Tôi có cảm giác mình bước đi không phải bằng đôi chân mà bằng sức nâng của hàng vạn con người…

- Cuộc vui nào cũng phải có lúc tàn. 10giờ 25phút tôi dừng chân trước khu trại của khoa Lịch sử. Có lẽ họ sẽ thức thâu đêm cùng cây đàn ghi ta và những bản tình ca tuổi trẻ…

 Nguyễn Minh Trường (thực hiện) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :