Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Kế thừa truyền thống, vững tin tiến tới tương lai
Nhân dịp Trường ĐHKHXH&NV tổ chức công bố Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng tiếp tục nhiệm kỳ 2004-2009 cho PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, ngày 23/2/2005, phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với tân Hiệu trưởng Nhà trường.

PV: Xin chúc mừng ông vừa mới nhận quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2004 - 2009. Xin ông cho biết suy nghĩ và cảm tưởng của mình khi nhận quyết định này?

PGS.TS Nguyễn Văn Khánh: Trước đây, khi là một sinh viên rồi sau ở lại trường làm công tác giảng dạy, tôi chỉ mong ước trở thành một cán bộ chuyên môn, một nhà khoa học giỏi, chứ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành cán bộ lãnh đạo cấp khoa nữa là trở thành lãnh đạo của một trường đại học. Bởi vậy, khi nhận được quyết định làm Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, một trường đại học lớn, có bề dày truyền thống và uy tín hàng đầu của đất nước, tôi không khỏi cảm thấy bất ngờ và xúc động.

Tôi hiểu rằng đây là sự ưu ái, và là tình cảm yêu mến của tập thể cán bộ, viên chức Nhà trường, là sự tin tưởng và đánh giá cao của các cấp lãnh đạo từ Đại học Quốc gia Hà Nội đến Thành uỷ và Bộ Giáo dục & Đào tạo đối với bản thân tôi. Tự đáy lòng, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới toàn thể các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ, viên chức Nhà trường, xin trân trọng cảm ơn Đảng ủy và Ban giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tin tưởng giới thiệu và trao cho tôi trọng trách làm Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn tiếp tục nhiệm kỳ 2004 - 2009.

PV: Thưa ông, theo đánh giá của cá nhân ông, hiện nay Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn đang có những thuận lợi và khó khăn gì?

PGS.TS Nguyễn Văn Khánh: Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội mà tiền thân là Đại học Văn khoa và Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong hơn 10 năm qua, đã có những bước phát triển mới với nhiều thành tựu nổi bật và rất đáng tự hào. Từ những khó khăn ban đầu về cơ sở vật chất và trang thiết bị thiếu thốn (toàn bộ tài sản của trường khi mới thành lập chỉ có 3 ngôi nhà 4 tầng và 200 triệu đồng) tới nay Nhà trường đã có một cơ ngơi với hệ thống giảng đường và các trang thiết bị khá hiện đại phục vụ tốt công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học; từ một phương pháp quản lý và điều hành phân tán, đến nay mọi hoạt động của Nhà trường đã đi vào nề nếp, khá chặt chẽ và quy củ; quy mô và các loại hình đào tạo của trường ngày càng phong phú và đa dạng; chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và uy tín của trường ở trong nước và quốc tế ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, vào năm 2005, nhân dịp 60 năm thành lập Đại học Văn khoa, tiền thân của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Nhà trường vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đó là kết quả lao động sáng tạo và sự đóng góp quên mình của nhiều thế hệ nhà giáo, cán bộ và sinh viên Nhà trường trong sáu chục năm qua, tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi để trường tiếp tục phát triển đi lên trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện nay Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn đang đứng trước những thách thức và khó khăn không nhỏ; trong đó, khó khăn lớn nhất là sự thiếu hụt về đội ngũ cán bộ có trình độ cao, bao gồm cả cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý từ cấp bộ môn đến cấp khoa, phòng, ban trong trường. Hầu hết các cán bộ khoa học đầu ngành có kinh nghiệm trong đào tạo và nghiên cứu đã về hưu hoặc sắp đến tuổi nghỉ hưu. Thêm vào đó, hiệu quả và chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học nói chung của trường còn hạn chế và chưa đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

PV: Thưa ông, với tư cách là Hiệu trưởng mới của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn ông và các đồng chí trong Đảng ủy, Ban giám hiệu có những quyết sách, chiến lược gì mới để thúc đẩy Nhà trường phát triển hơn nữa trong thời gian từ nay đến năm 2009?

PGS.TS Nguyễn Văn Khánh: Để vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay, đồng thời tiếp tục xây dựng Nhà trường theo hướng đại học nghiên cứu, trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao ngang tầm khu vực và dần đạt tới trình độ quốc tế vào thập niên thứ hai của thế kỷ này, tôi cho rằng, tập thể lãnh đạo, toàn thể cán bộ, viên chức và sinh viên của trường cần tập trung mọi cố gắng, đẩy mạnh việc thực hiện 6 chương trình tiến tới chuẩn hóa và hiện đại hóa các hoạt động của Nhà trường. Trước mắt, từ nay đến 2010, cần tập trung triển khai hiệu quả bốn nhiệm vụ trọng yếu sau đây:

Thứ nhất: Tập trung khai thác mọi nguồn lực từ nguồn vốn được cấp của Nhà nước và nguồn kinh phí tự có của Nhà trường, từ nguồn kinh phí ở trong nước và sự trợ giúp từ nước ngoài của các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế, của cả tập thể và các cá nhân để nhanh chóng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ giảng dạy về cả số lượng và chất lượng, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao, đồng thời có khả năng hội nhập quốc tế.

Thứ hai: Tiếp tục nâng cao và tạo bước chuyển căn bản trong chất lượng đào tạo của Nhà trường. Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai đề án đào tạo theo tín chỉ; trong năm học tới phải chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để phấn đấu đến năm học 2008 - 2009, tổ chức đào tạo theo tín chỉ trong phạm vi toàn trường. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng nâng cao tính chủ động của người học, biến quá trình đào tạo ở trong trường thành quá trình tự học tập, tự nghiên cứu của sinh viên dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Bên cạnh đó, tiến hành nhân rộng hệ đào tạo chất lượng cao; mở rộng và nâng cao chất lượng hệ đào tạo sau đại học. Mạnh dạn tiếp thu và áp dụng những chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài để đưa vào triển khai đào tạo trước hết ở bậc sau đại học một số ngành như: Tâm lý học, Xã hội học, Quốc tế học, Công tác xã hội, v.v…

Thứ ba: Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học. Ưu tiên xây dựng và hình thành các đề tài mang tính liên ngành và có ý nghĩa thực tiễn cao, nhằm trực tiếp phục vụ yêu cầu đào tạo chất lượng cao của Nhà trường và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thủ đô Hà Nội. Tăng cường hoạt động của Hội đồng tư vấn chính sách của trường nhằm thực hiện tốt hơn chức năng đầu mối báo cáo Trung ương các vấn đề về chính sách giáo dục và khoa học. Tiếp tục mở rộng và phát triển theo hướng thiết thực và hiệu quả các mối quan hệ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học trong nước và quốc tế.

Thứ tư: Tăng cường thực hiện kỷ cương trong làm việc, giảng dạy, nghiên cứu và học tập. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp trang thiết bị ở khu làm việc và giảng đường nhằm phục vụ yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao của Nhà trường; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của cán bộ và sinh viên, giữ gìn và phát huy môi trường văn hóa, quan hệ nhân văn giữa thầy và trò, Nhà trường và xã hội để Nhà trường thực sự trở thành chỗ dựa về khoa học, giáo dục và là biểu tượng về văn hoá của đất nước và dân tộc.

PV: Bắt đầu đảm nhiệm một trọng trách mới - lãnh đạo Trường ĐHKHXH&NV, ông có tâm nguyện gì muốn nói cùng đồng nghiệp và cán bộ, sinh viên Nhà trường không?

PGS.TS Nguyễn Văn Khánh: Xây dựng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu đứng đầu đất nước về các ngành khoa học xã hội - nhân văn, đạt trình độ các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới là nhiệm vụ vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề. Để hoàn thành mục tiêu đó, ngoài tinh thần tích cực và chủ động, sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ viên chức và sinh viên trong trường, Nhà trường rất mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ nhiều hơn nữa của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Thành ủy Hà Nội và trực tiếp là Đại học Quốc gia Hà Nội; sự hợp tác, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan, đoàn thể và các đơn vị bạn; sự động viên, khuyến khích, đóng góp của các nhà quản lý, các giáo sư, các nhà giáo lão thành ở trong và ngoài trường, kể cả ở nước ngoài.

Về phần mình, được tập thể và cấp trên tín nhiệm giao cho trọng trách làm Hiệu trưởng Nhà trường, tôi xin hứa sẽ cùng với các đồng chí trong Đảng uỷ, Ban giám hiệu tăng cường đoàn kết, chủ động và tích cực khắc phục khó khăn, quyết tâm tìm mọi giải pháp, khai thác và phát huy đến mức tối đa các nguồn lực và điều kiện hiện có để cùng với đội ngũ cán bộ viên chức và sinh viên Nhà trường xây dựng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQGHN sớm thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao đứng đầu của đất nước và từng bước đạt trình độ các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới về các ngành khoa học xã hội - nhân văn, xứng đáng với niềm tin yêu và trông đợi của Đảng và nhân dân cả nước.

PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!






 Lưu Mai (thực hiện) - Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :