Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
ĐHQGHN sẽ không ngừng vươn lên xứng đáng với vị thế trung tâm hàng đầu của nền giáo dục đại học Việt Nam
Bài phát biểu của GS. Phan Huy Lê tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐHQGHN, 15/5/2006.

Lễ kỷ niệm trọng thể hôm nay của Đại học Quốc gia Hà Nội hội tụ nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử nền giáo dục đại học Việt Nam:

- 100 năm Đại học Đông Dương tính từ năm 1906 đánh dấu mốc chuyển đổi từ nền giáo dục đại học cổ truyền theo mô hình văn hóa Á Đông có hơn 900 năm lịch sử tính từ năm 1076 với sự thành lập Quốc Tử giám, sang mô hình đại học mang tính cận đại của văn minh phương Tây.

- 61 năm thành lập trường Đại học Việt Nam khai giảng ngày 15.11.1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa, mở đầu cho sự hình thành nền giáo dục hiện đại của nước Việt Nam độc lập.

- 50 năm thành lập trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thành viên chủ yếu góp phần xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 1993.

Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay đã kế thừa, tích hợp và phát huy nhiều truyền thống và giá trị di sản của nền giáo dục dân tộc gần 1000 năm và trực tiếp của nền giáo dục đại học cận đại và hiện đại đúng 100 năm.

Tôi rất xúc động được dự lễ kỷ niệm đầy ý nghĩa này ở tuổi 72 khi mà tôi đã từng được học tập từ hơn nửa thế kỷ trước đây ở Trường Dự bị Đại học ở Thanh Hóa năm 1952 - 1953 rồi Trường Đại học Sư phạm / Đại học Văn khoa Hà Nội năm 1954 - 1956 và đúng nửa thế kỷ từ năm 1956 khi bắt đầu giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Qua cuộc đời sinh viên rồi công tác giảng dạy và nghiên cứu liên tục, tôi rất vinh dự được chứng kiến và trực tiếp tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng trường Đại học Tổng hợp và Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng với các đồng nghiệp và nhiều thế hệ sinh viên chia sẻ những gian lao khó khăn trong những năm tháng chiến tranh và cùng vui hưởng những thành tựu nghiên cứu và đào tạo của nhà trường với biết bao kỷ niệm vui buồn của tình bạn, tình thầy - trò mang theo suốt cả cuộc đời.

Tôi vẫn tự hào là thế hệ những nhà sử học đầu tiên được đào tạo từ mái trường đại học của nước Việt Nam độc lập. Vào những năm cuối của cuộc chiến tranh thứ nhất (1945 - 1954) và những năm đầu sau khi hòa bình lập lại, điều kiện học tập của sinh viên chúng tôi thiếu thốn mọi thứ. Nhưng may mắn lớn nhất của thế hệ chúng tôi là được trực tiếp học tập từ những giáo sư là những học giả lớn nhất của đất nước với những tên tuổi lừng danh của Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Trấn Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường..., trong đó có những thầy tốt nghiệp từ trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Chương trình, giáo trình lúc đó hầu như chưa có, nhưng chúng tôi học được ở các thầy ý chí và hoài bão khoa học, phương pháp tư duy, đạo lý và phong cách học thuật... nghĩa là những hành trang cơ bản nhất để tự lập và tự vươn lên trong sự nghiệp khoa học. GS. Cao Xuân Huy dạy môn Giáo dục học luôn luôn khuyên chúng tôi: “Muốn dạy tốt ở đại học trước hết phải nghiên cứu thật tốt”. GS. Trần Văn Giàu mạnh dạn giao việc cho lớp cán bộ trẻ chúng tôi, cả những việc quá sức của một trợ lý và tuyên bố: “Tôi thả các chú xuống biển và tự các chú phải bơi vào bờ”. Thế hệ chúng tôi dấn thân vào khoa học trong bối cảnh đất nước còn rất nghèo, nhưng với quyết tâm và ý chí được các thầy truyền cho như vậy.

Tiếp nối sự nghiệp của các bậc giáo sư khai sáng, chúng tôi rồi các thế hệ nối tiếp cho đến hôm nay, ra sức vượt qua mọi khó khăn để tham gia xây dựng và phát triển nhà trường từ những chuyên ngành khác nhau của mỗi người. Nhìn lại nửa thế kỷ qua, tôi rất phấn khởi nhận thấy nhà trường chúng ta đã trưởng thành khá nhanh.

Riêng ngành lịch sử năm 1956 chỉ nằm trong Khoa Khoa học Xã hội rồi tách ra Khoa Sử và Khoa Văn. Khoa Lịch sử ban đầu chỉ có 3 bộ môn: Lịch sử cổ - trung đại Việt Nam, Lịch sử cận - hiện đại Việt Nam và Lịch sử thế giới, rồi dần dần mở thêm các ngành: Khảo cổ học, Dân tộc học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phương pháp luận sử học, Lưu trữ học (đã tách thành khoa riêng) và đang xây dựng ngành Nhân học (Anthropology). Nhìn rộng ra về khoa học xã hội - nhân văn, từ hai ngành Lịch sử và Ngữ văn, nay đã có một cơ cấu đào tạo và nghiên cứu tương đối toàn bộ với sự phân lập ra và thành lập nhiều khoa mới: Văn học, Ngôn ngữ học, Triết học, Lưu trữ và Quản lý văn phòng, Tâm lý học, Kinh tế học, Luật học, Xã hội học, Báo chí, Quốc tế học, Đông phương học, Du lịch, Ngoại ngữ, Khoa học quản lý...

Đội ngũ cán bộ giảng dạy tăng trưởng và phát triển khá nhanh, chỉ riêng khoa học xã hội - nhân văn từ vài chục cán bộ năm 1956 nay đã có hàng trăm người từ thạc sĩ trở lên đến tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Từ đào tạo đại học lúc đầu chỉ 3 năm nâng lên 4 năm, rồi phát triển lên đào tạo sau đại học: từ học vị phó tiến sĩ, tiến sĩ chuyển thành thạc sĩ và tiến sĩ. Số sinh viên được đào tạo từ nhà trường nay có mặt trên hầu hết mọi lĩnh vực khoa học và mọi địa bàn của đất nước, nhiều người giữ vị trí quan trọng trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa và có người trở thành cán bộ quản lý, lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Hầu như có dịp đi đến bất cử tỉnh/thành phố nào hay làm việc với ngành nào, tôi cũng rất vui gặp lại các sinh viên cũ, nhiều người tóc đã bạc trắng, nhưng vẫn trong tình nghĩa thầy - trò sâu nặng của đạo lý dân tộc.

Một ưu thế đã trở thành truyền thống đáng tự hào của trường ta được xác lập ngay khi mới thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và nay được tiếp tục với Đại học Quốc gia Hà Nội là rất coi trọng nghiên cứu khoa học, coi đào tạo và nghiên cứu là hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau trong chức năng, nhiệm vụ và quán triệt trong mọi hoạt động của nhà trường. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay là một trung tâm khoa học đa ngành mạnh nhất của đất nước và có ngành đã vươn lên tầm cỡ quốc tế. Từ đây nhiều công trình khoa học có giá trị được công bố và cũng từ đây, nhiều nhà khoa học đã có mặt trên các diễn đàn khoa học quốc tế, góp phần nâng cao vị thế khoa học của Việt Nam. Trường chúng ta đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của giao lưu và hợp tác quốc tế, trong đó có những ngành được coi là trung tâm học thuật mạnh, nhất là các ngành nghiên cứu về Việt Nam.

Nhìn lại quá trình đã qua, mỗi chúng ta có quyền tự hào chính đáng về những gì trường chúng ta đã làm được, đã cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhưng cũng cần nói thêm, nhìn vào hiện trạng và tương lai, nhiều thách thức đang đặt ra trong nhiệm vụ hoàn thành chức năng một trung tâm đào tạo và nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao mà Đảng và Nhà nước đã giao phó và nhân dân, xã hội đang hằng dõi theo, vừa động viên cổ vũ, vừa kiểm tra, đòi hỏi. Với sự đoàn kết và nỗ lực của toàn trường, tôi tin rằng ĐHQGHN sẽ luôn luôn vươn lên xứng đáng với vị thế trung tâm hàng đầu của nền giáo dục đại học Việt Nam, xứng đáng với phần thưởng cao quý Huân chương Sao vàng mà hôm nay đích thân Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã trực tiếp trao tặng cho nhà trường./.

 Phan Huy Lê
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :