Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Đạo đức nghề báo: Lương tâm và lòng tự trọng
Nhân kỷ niệm 81 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2006), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo - giảng viên Trần Quang, hiện đang công tác tại Khoa Báo chí, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN - về đạo đức nghề báo:

1. Từ điểm nhìn thực tiễn.

Trong một bài giảng về đạo đức nghề nghiệp tại khoa Báo chí - Trường ĐHKHXH & NV - Đại học Quốc gia Hà Nội, dựa trên quan điểm mácxit về đạo đức học, giảng viên đã tìm cách lý giải đạo đức báo chí trong một xã hội đang đổi mới. Đạo đức được coi giống như chức năng của chiếc máy điều chỉnh hành vi của phóng viên:

Nhà báo, nhà giáo
Trần Quang

Ảnh: Ngọc Diệp

"Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được xã hội thừa nhận, quy định hành vi của con người đối với nhau và đối với xã hội. Các nguyên tắc đạo đức giống như những chiếc máy điều chỉnh hành vi của con người, nhưng không mang tính chất cưỡng chế mà mang tính tự giác (...) Trên cơ sở lí tưởng và trách nhiệm đạo đức đã hình thành nên quan niệm về lương tâm và lòng tự trọng của nhà báo chuyên nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp bao gồm các nguyên tắc xử sự đúng đắn để ngăn ngừa những hành vi không đúng đắn. Căn cứ vào những tiêu chuẩn đạo đức này và dựa vào tính chất của những hành vi, mỗi nhà báo sẽ phải chịu đựng sự tự xỉ vả, xấu hổ, phải tự kết tội, hoặc được khích lệ, tự hào, phấn khởi và hạnh phúc". (1)

Như vậy có nghĩa là, suy cho cùng quan niệm về đạo đức nghề báo cũng vẫn dựa trên đạo đức xã hội nói chung để phân biệt tốt - xấu, thiện - ác. Lạm dụng báo chí vì lợi riêng là việc làm xấu, ác. Công cuộc đổi mới đất nước của chúng ta cần chống lại sự lạm dụng báo chí, một khía cạnh quan trọng của đạo đức nghề nghiệp, để gìn giữ năng lực giải quyết vấn đề của hệ thống truyền thông trong một nền dân chủ, ngược lại với kết quả không mong muốn và một số lỗi lầm thực tế của báo chí hiện nay.

Song, trong hệ thống truyền thông công khai, báo chí đã được điều chỉnh và điều khiển bằng nhiều cách khác nhau. Những điều kiện mà cơ cấu truyền thông tạo ra rất khó hòa hợp với phạm trù đạo đức. Ví dụ như báo chí hoạt động trong nền kinh tế thị trường tất nhiên phải chấp nhận sự cạnh tranh và không thể không tính đến lợi nhuận. Điều đó dễ dẫn đến sự lạm dụng báo chí nhằm tăng lợi nhuận cho đơn vị mình mà các phóng viên có thể "câu khách" bằng những thông tin phi nhân bản. Đối với công luận thì khi có sự giận giữ đối với nó, người ta mới tìm kiếm chuẩn mực để đánh giá thái độ cư xử của báo chí. Sau đó mới có phê bình báo chí. Song báo chí cũng tự viết về mình.

Dĩ nhiên, sự lí giải trong các cuộc thảo luận về đạo đức truyền thông cũng khó được xếp hạng (như các quan niệm về trách nhiệm mà chúng tôi đã bàn đến trong bài "Xã hội thông tin và trách nhiệm của nhà báo"). Rõ ràng là phải giải thích xem cái gì là đối tượng của đạo đức báo chí.

Báo chí được coi như một "lực lượng đối trọng" trong xã hội

Công tác báo chí vốn dĩ vẫn gây ấn tượng mạnh cho công chúng và trở thành đối tượng của những lý lẽ trong các cuộc tranh luận về đạo đức. Những tranh luận đó có thể làm sáng tỏ những vùng xung đột của đạo đức báo chí. Sau đó lại có những bài phê phán riêng rẽ, những lưu ý đến các mâu thuẫn hoặc tin tức sai. Ví dụ: tháng 8/2000, một tờ báo đã đưa tin về một ca sĩ nổi tiếng, nghệ sĩ nhân dân bị chồng bắn vì ghen tuông, rồi sau đó lại cải chính. Thật khó khăn khi phải phân biệt lỗi lầm do tay nghề kém, đạo đức tồi hay có "vùng tối" trong tư tưởng.

Mặt khác, còn có một sự tranh luận chung chung có tính phê phán đối với các cơ quan báo chí viết về những vấn đề đạo đức trong mối liên quan tới những biểu hiện thương mại hóa của một số tờ báo, với cơ cấu của các hãng truyền thông lớn, với việc đòi hỏi quá nhiều thẩm quyền dành cho báo chí. Trong đó có đề cập đến các số liệu về việc sử dụng phương tiện thông tin và việc đánh giá về công tác thông tin. Có thể nêu lên những tác động chủ yếu có ảnh hưởng tới đạo đức nghề báo như sau:

· Trào lưu hội nhập và toàn cầu hoá dẫn đến áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn giữa các cơ quan truyền thông, không chỉ với nước ngoài mà ngay cả trong nước. Các phương tiện truyền thông cổ điển đánh mất đi vị thế độc quyền trong xã hội. Người phóng viên không còn là "người gác cổng" nữa, sản phẩm của họ trở thành một phần nhỏ trong khối tư liệu đồ sộ được thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau. Phương tiện truyền thông trong nền kinh tế thị trường nói chung xuất hiện nhiều loại tư liệu mang tính chất tiếp thị, quảng cáo,... điều đó làm cho độ tin cậy đối với báo chí không có khả năng tăng lên.

Nhà báo luôn được quan sát ở hai bên "giới tuyến"

· Quá trình phát triển của hệ thống báo chí luôn luôn dẫn đến việc xuất hiện những phương tiện thông tin hiện đại hơn. Vì vậy mà kĩ xảo nghề nghiệp cũng có thể được phát huy tối đa. Hành vi đạo đức bị “sấy khô” bởi các hoạt động theo định chế.

· Đối với những chủ đề của xã hội hiện đại làm cho báo chí có thẩm quyền cao hơn, đồng thời báo chí ngày càng chịu nhiều sức ép của những người chi tiền quảng cáo. Mặt khác, quan trọng hơn là việc báo chí có thể đưa ra những nội dung có chọn lọc, có sắp xếp, xử lý khác hẳn với thông tin "thô" ban đầu.

· Tầm quan trọng và độ tin cậy của thông tin không còn được đảm bảo chắc chắn như trước. Một bộ phận công chúng có thể quay lưng lại với phương tiện truyền thông vì họ không còn tin cậy nữa. Đáng kể nhất là những lời phê phán tác động của phương tiện truyền thông bởi những bài báo vô trách nhiệm của một vài phóng viên.

Và được giành riêng một "góc" tốt nhất

· Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, khuynh hướng thương mại hóa của một số cơ quan báo chí vẫn diễn ra thật phức tạp. Với sự trợ giúp của kỹ thuật điện tử, phương tiện truyền thông trở nên gần như không bị giới hạn.

Trong các cuộc thảo luận về vấn đề đạo đức báo chí hiện nay đang có nhiều cách lý giải, biện minh. So với nhiều năm trước thì trong mấy năm gần đây, tình trạng vi phạm đạo đức báo chí đang tăng lên. Biểu hiện của sự vi phạm này không chỉ là những tác phẩm được công bố mà ngay cả sự im lặng không bình thường cũng được công chúng nhận thấy. Chẳng hạn như có những cơ quan báo chí hoàn toàn "làm ngơ" trước một sự kiện động trời nào đó như sự cố ở mỏ than Quảng Ninh hay vụ án Năm Cam...Trong những tình huống như vậy, công luận lại bắt đầu chú ý đến vấn đề đạo đức và thẩm quyền của báo chí. Những cuộc thảo luận về đạo đức truyền thông lại trở nên sôi nổi, mặc dù đề tài này chưa bao giờ thực sự biến mất khỏi bức tranh hàng ngày, khỏi giáo trình đào tạo phóng viên, khỏi tài liệu chuyên môn.

Cường độ của cuộc thảo luận tăng lên không theo một chu kỳ nhất định. Cứ khi nào có sự cố đặc biệt của báo chí có liên quan đến vấn đề đạo đức thì cường độ của cuộc thảo luận lại tăng theo. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, sau cái chết tự sát của ông Giám đốc nhà máy bia rượu Hà Nội, đã nổi lên những tranh luận đối với vấn đề đạo đức báo chí. Cùng với rất nhiều vấn đề đạo đức báo chí phát sinh trong cơ chế thị trường, mặt khác để hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức của thời kì đổi mới, Hội nhà báo Việt Nam đã thông qua Quy ước đạo đức báo chí (1994). Các nhà báo đã có một văn bản pháp quy làm nền tảng cơ sở lí luận cho đạo đức nghề nghiệp của họ. Họ đã tìm thấy sự ổn định về đạo đức. Mặc dù vậy, trong hoạt động thực tiễn của nghề báo, những vi phạm về tiêu chuẩn đạo đức vẫn không giảm. Năm 2000, sau vụ "cháu bé gái 8 tháng tuổi", dư luận lại dấy lên về chủ đề đạo đức nhà báo. Có người đã viết lên báo rằng, nhà báo đưa tin đó lên báo còn đáng ghét hơn thằng đàn ông đã làm hại cháu. Phải chăng sự khiếm khuyết đạo đức hiện nay có nguyên nhân chủ yếu ở chỗ thiếu sự đền bù xứng đáng cho hành vi có đạo đức?

Ngoài những vấn đề chính phải quan tâm thì...

... còn những vấn đề cũng không được bỏ qua

Trong những bài viết có tính chất phê phán hành vi đạo đức báo chí, thường được đăng rải rác trên các tạp chí chuyên ngành, trên các báo, mặc dù không tạo nên sự rầm rộ của công luận như những thông tin thời sự có tính độc đáo và nhạy cảm khác, nhưng cứ như một dòng chảy lúc âm ỉ, lúc trào dâng. Có thể tổng hợp thành những điểm cơ bản như sau:

· Thông tin sai sự thật (do phóng viên bịa ra)

· Thông tin méo mó (sai một phần)

· Không quan tâm đến hậu quả của thông tin.

· ứng xử nhẫn tâm.

· Đưa tin không khách quan vì mục đích vụ lợi hay vì năng lực chuyên môn kém.

· Khuynh hướng thương mại hoá báo chí.

Những ý kiến vừa nêu trên đây mặc dù còn chưa được tổng hợp đầy đủ và trình bày thường rải rác, lồng ghép trong những bài viết có chứa đựng nhiều nội dung khác nữa. Tuy vậy, chúng vẫn có ý nghĩa thời sự đặc biệt đối với đạo đức báo chí. Cái bị phê phán mạnh mẽ là trách nhiệm xã hội được coi như là sự lý giải cho một thực tiễn công tác truyền thông đang có nhiều vấn đề. Tinh thần nổi bật của những ý kiến này là sự bất tín nhiệm đối với cơ quan truyền thông, sự nghi ngờ về đạo đức của các phóng viên và sự bất bình đối với quyền lực của cơ quan truyền thông ngày càng dâng cao. Cho nên các phóng viên và những người đứng đầu của cơ quan truyền thông cần suy nghĩ lại về các nguyên tắc đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp.

Vấn đề đạo đức truyền thông đã trở thành một mảng của chương trình đào tạo và vẫn thường xuyên được đề cập trên các báo và tạp chí, đặc biệt là tạp chí chuyên ngành, mặc dù kết quả mang lại không được là bao. Một khía cạnh thường được chú ý là việc định hướng khắt khe tới quyền được thông tin của công chúng. Trung tâm của vấn đề là trách nhiệm xã hội của cơ quan báo chí. Các cán bộ giảng dạy báo chí nêu câu hỏi trong một cuộc hội thảo năm 1994: “Trách nhiệm báo chí: cái gì xã hội cần ở chúng ta? Một số diễn giả nêu quan điểm: Vì đặc quyền xã hội và đặc quyền pháp lý, vì sức mạnh mà các phóng viên nắm giữ, họ phải chịu trách nhiệm về những thông tin mà công chúng cần, theo một cách thức thông minh và có cân nhắc.

Như thế có nghĩa là, người phóng viên phải chịu trách nhiệm cả về những thông tin mà họ quyết định không công bố. Như chúng ta đã biết, trách nhiệm là một khái niệm lấp lánh, trong hệ thống hoạt động báo chí nó đồng thời mang hai nghĩa: trách nhiệm của phóng viên đối với cơ quan báo chí và trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với xã hội.

Khi nói đến trách nhiệm thì rõ ràng rằng, trước sau gì phóng viên cũng phải “đo” trách nhiệm của họ bằng thước đo chung của thực tiễn nghề nghiệp. Trách nhiệm là một vấn đề do học tập và do năng lực mà có. Nó là việc báo tin, đánh thức người phóng viên dậy rồi cử anh ta đi dưới sự hướng dẫn của những biên tập viên từng trải - sau đó sản phẩm truyền thông sẽ được làm sáng tỏ hơn.

Trong nhiều văn bản khác nhau, các biên tập viên cũng chứng minh tương tự, khi họ thu gọn vấn đề đạo đức báo chí vào trong phạm vi kỹ thuật nghề nghiệp giống như phương pháp săn tin nhất định hay là vấn đề pháp luật và vấn đề thị trường. Đối với họ, vấn đề đạo đức trong ngày thường khá cụ thể. Cho nên họ không phải suy nghĩ nhiều lắm về trách nhiệm xã hội chung- hoặc là họ không nhìn nhận chúng như là một vấn đề đặc biệt thuộc nghề nghiệp, vì họ quan niệm rằng, đạo đức lao động là chuẩn mực chung cho mọi người, không riêng gì nhà báo, mặc dù nhà báo gặp nhiều tình huống phải ứng xử dựa trên nguyên tắc đạo đức nhiều hơn những nghề khác.

Cả hai nhóm - các nhà khoa học và các nhà báo thực hành đều thống nhất với quan điểm cho rằng nghề báo có nhiều nhu cầu đạo đức hơn. Nhu cầu đạo đức có tính thời sự này có thể nghiên cứu được vì lý do và hệ quả của nó đối với bốn yếu tố ràng buộc hành vi báo chí như sau:

§ Qui chế báo chí (Danh mục đạo đức học và sự trùng hợp với các qui định pháp luật. Ví dụ như việc bảo vệ người cung cấp thông tin đồng thời được ghi trong luật báo chí và qui ước đạo đức báo chí).

§ Cơ cấu báo chí (Điều kiện chế định dành cho sự tự ràng buộc cá nhân của hành vi báo chí).

§ Chức năng báo chí (Sự thống nhất của nguyên tắc đạo đức học với ý định đưa tin của phóng viên và mong muốn được thông tin của công chúng).

§ Vai trò báo chí (Tính nhạy cảm của phóng viên đối với hoàn cảnh dẫn tới quyết định mang tính đạo đức).

Trong vấn đề tự chịu trách nhiệm nghề nghiệp của phóng viên, trước hết mỗi nhà báo cần xác định xem trong một tình huống cụ thể, cần ứng xử như thế nào để phù hợp với quy tắc đạo đức. Sau đó mới có thể nói đến việc người phóng viên được làm gì và muốn làm gì, nghĩa là họ có được sự nhạy cảm đạo đức học thế nào. Trên mặt bằng chức năng, người phóng viên cần phải, được phép và mong muốn mang lại điều mà xã hội và công chúng mong đợi.

2. Một số khía cạnh về đạo đức học.

Hàng chục năm qua, mặc dù vấn đề đạo đức học báo chí đã được bàn bạc khá nhiều và cũng không ít văn bản của các cơ quan quản lí nhà nước về báo chí được ban hành. Quy ước đạo đức báo chí Việt Nam trở thành văn bản pháp quy. Tuy nhiên, những văn bản đó hầu như chưa phát huy được vai trò của chúng trong hoạt động thực tiễn. Khoa học truyền thông và khoa học báo chí cũng không quan tâm mấy đến chủ đề này. ở các cơ sở đào tạo người làm báo có nơi đưa vào giáo trình giảng dạy, có nơi chỉ coi như một phần của chương trình ngoại khoá. Họ hầu như không chú ý đến vấn đề “quan điểm” và “trách nhiệm” như là một phạm trù nhằm đạt được mục đích của hành vi báo chí. Đó là chưa nói đến tình trạng đội ngũ nhà báo hiện nay đang hoạt động ở các cơ quan truyền thông đại chúng có đến 55% không qua đào tạo chuyên ngành, 12, 5% chưa học qua đại học (số liệu từ Bộ Văn hoá - thông tin). Không học chuyên môn, chưa có đủ thời gian công tác để đúc rút kinh nghiệm, chỉ viết báo bằng năng khiếu trời cho, thật khó mà trách móc các nhà báo trẻ khi họ không phân biệt được những hành vi nhỏ nhoi nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Cho nên vấn đề đạo đức học đối với nhà báo cần phải được chấp nhận một cách khoa học và có niềm tin. Trong thời kì chuyển đổi cơ chế như hiện nay, hệ thống giá trị đang thay đổi thì đạo đức học rất khó tìm thấy sự đồng thuận ở tất cả mọi nhà báo và nhà nghiên cứu, kể cả các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực triết học. ở đó, sự hoài nghi đối với đạo đức học được phản ánh thông qua tính đa dạng trong quan niệm về giá trị đang tăng lên trong xã hội.

Từ quan niệm đơn giản như thế nào là tốt, thế nào là xấu trong cái sự giàu có và sự nghèo khó cũng đang thay đổi khá rõ. Trong những năm bao cấp, chúng ta vẫn quan niệm rằng, người nghèo bao giờ cũng là người tốt, còn người giàu thì phải có giới hạn của sự giàu, vượt qua cái ngưỡng nào đó sẽ bị coi là xấu. Bây giờ thì ngược lại, đừng trộm cắp, tham nhũng, phạm pháp thì càng giàu càng được mọi người kính trọng. Còn nghèo phải có giới hạn, nếu không có lí do chính đáng như tàn tật, hoạn nạn, đau yếu... mà nghèo "rớt mùng tơi" thì sẽ bị xem thường, thậm chí là khinh bỉ. Và dĩ nhiên là nhiều khái niệm giá trị khác cũng đang thay đổi theo hướng đại loại như vậy. Đó là chưa nói đến nhiều sức ép khác của cơ chế quản lí báo chí. Biết ai đó đã làm sai (vi phạm pháp luật chẳng hạn) nhà báo nhận thức được rằng không tố cáo tội ác là trái với trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp, nhưng nói ra thì cũng không xong, vì người vi phạm đó là một thành viên trong hệ thống quyền lực có khả năng chi phối báo chí. Cho nên ở nước ta có tình trạng là khi cán bộ ở địa phương phạm pháp thì may ra báo trung ương hoặc báo địa phương bạn tố cáo, còn báo địa phương đó hoàn toàn "không biết gì". Dĩ nhiên, có những vấn đề nhân bản, là "mẫu số chung" của đạo đức con người mang tính nhân loại như tình thương, sự trung thực, yêu lao động, yêu tổ quốc, tôn trọng lẽ phải... thì mỗi nhà báo, dù được đào tạo ở bất cứ nơi nào đều có thể ý thức được. Mặc dù vậy, trước thực tế cuộc sống vô cùng đa dạng và phong phú, phức tạp và nhiều bí ẩn, không phải ai cũng dễ dàng phân biệt được đúng, sai, nên làm hay nên tránh.

Cho nên, cuộc thảo luận về đạo đức học báo chí hiện nay tuy dễ thống nhất về lí luận nhưng rất khó ứng dụng vào thực tiễn. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi trình độ lý luận và các bằng chứng đưa ra trong các cuộc thảo luận không đầy đủ. Đặc biệt đáng chú ý là sự phê phán việc pha trộn của đạo đức với luật pháp và sự phân hóa hệ thống báo chí trong quá trình đi tìm thuớc đo chuẩn mực cho hành vi báo chí (gần như có sự khác nhau trong quan niệm đạo đức nghề nghiệp giữa báo trung ương và báo địa phương). Hoạt động thực tiễn báo chí thường vẫn gặp phải những xung đột giữa ý tưởng đạo đức và định chế. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ cao và báo chí trực tuyến thì sự lúng túng về mặt lí luận càng tăng lên không chỉ ở nước ta mà nhiều nơi khác cũng có tình hình tương tự. Thay cho việc tìm ra chuẩn mực phù hợp có thể có tầm quan trọng to lớn trong hệ thống báo chí hiện đại, các nhà lí luận lại lo "nhấm nháp" những thứ được chuyển hóa từ những nguyên lý triết học lớn lao. Lý luận triết học chọn lọc từ hai nghìn năm trăm năm nay phải biện minh cho đạo đức nghề báo và đạo đức lao động ở các nước này vào cuối thế kỷ thứ hai mươi và đầu thế kỉ hai mốt.

Từ thế kỷ thứ V trước công nguyên đã có những cố gắng nhằm hệ thống hóa tiêu chuẩn đạo đức. Thời Arixtốt (Aristoteles), lý thuyết suy tưởng đạo đức được gọi là "luân lý". Sự việc xoay quanh việc xem đạo đức như là một sự phân biệt giữa tốt và xấu hay gữa thiện và ác, rồi phát triển thành chuẩn mực. Hiện nay khi chúng ta thông qua hành vi của mình, xuất hiện sự xung đột lại bắt đầu đi tìm lại những chuẩn mực đó.

Arixtốt, lý thuyết gia đạo đức đầu tiên đưa ra tính bình thường, sự cân bằng giữa nhu cầu cá nhân và nhu cầu xã hội như là một thước đo chuẩn mực. Sự thỏa hiệp này làm nền tảng cho những hành vi hợp lý. Đương nhiên sự thỏa hiệp do ông phát triển trong đạo đức học có tầm quan hệ lớn, đó là mối liên quan hệ thống.

Việc thực hiện thỏa hiệp này trong xã hội hiện đại sẽ trở nên rõ ràng hơn thông qua sự phân cực (tốt-xấu, thiện-ác) của các nguyên tắc đạo đức mà cuộc thảo luận về đạo đức báo chí ở nước ta đang hướng tới. Những ý kiến về quan niệm đạo đức nghề nghiệp trong thực hành báo chí được trình bày rải rác trên các báo, tạp chí, hội thảo và cả trong các giáo trình có thể phân thành đạo đức trách nhiệm (hay nghĩa vụ) và đạo đức mục đích, nhưng không phải nói về sự mâu thuẫn trái ngược nhau mà là sự giải thích khác nhau. Có thể trình bày tóm lược như sau:

· Đạo đức mục đích là hành động theo những qui tắc mà chúng ta mong muốn và coi như luật lệ chung, không cần để ý đến hoàn cảnh và không có ngoại lệ. Ví dụ như trong báo chí, bất cứ tin tức nào thiếu chính xác đều không được chấp nhận. Các quyết định được đưa ra bởi những lý do hợp lý nằm ngay trong sự việc. Bản chất của hành vi quyết định xem hành vi đó sai hay đúng chứ không lệ thuộc vào hậu quả của hành vi. Qui tắc này không phụ thuộc vào chủ đề của tác phẩm mà nó có hiệu lực mọi lúc, mọi nơi.

· Đạo đức trách nhiệm đề cao quan điểm hoạt động vì lợi ích của đại bộ phận công chúng (bao gồm lợi ích của Đảng, Nhà nước, quốc gia và toàn thể nhân dân). Một hành vi là tốt hay xấu phải được xem xét dưới góc độ hậu quả liên quan đến số đông (xã hội). Quyết định được đưa ra nhằm hướng tới mục đích, hậu quả của hành vi sẽ quyết định xem hành vi đó đúng hay sai. Quan niệm này là sự kết hợp giữa hành vi tốt và hành vi có ích.

Tư tưởng vì quyền lợi của đa số (toàn xã hội) chắc chắn sẽ được đại đa số phóng viên báo chí nước ta chấp nhận và ngưỡng mộ. Nó giữ vai trò là định hướng cho mô hình trách nhiệm xã hội của cơ quan truyền thông. Tất nhiên là không phải mọi người đều đồng tình với quan niệm này. Có ý kiến cho rằng, nếu như quan niệm vì lợi ích của đa số tự coi mình là đạo đức trách nhiệm thì chưa hẳn đã chính xác. Mỗi một hành vi báo chí chỉ được xác định khi nó gây ra tác động, trong khi đó lại không thể lường trước được tất cả các tác động. Chẳng hạn như tin tức về vụ trẻ em ngộ độc khi ăn vải thiều ở Lục Ngạn - Hà Bắc. Rõ ràng là tác giả của bản tin đó, trong khi bị sức ép của tính thời sự, khó lòng mà biết trước hậu quả của tin tức v.v.. Nhưng dù sao thì phép tính lợi ích vẫn đang được thừa nhận và là yếu tố định hướng cho cuộc thảo luận về đạo đức nghề báo. Lý thuyết vì lợi ích đa số này như là một thứ thước đo dành cho hành vi báo chí hàng ngày nhằm chống lại động cơ cá nhân bị khai thác triệt để và chủ nghĩa khoái lạc cá nhân. Đối với sự phân biệt giữa tự do và lạm dụng tự do, kiểu quan niệm về đạo đức trách nhiệm đó chưa có bằng chứng là đã mang lại lợi ích thực tế. Bởi vì tự do báo chí, suy cho cùng cũng là sản phẩm của cơ chế báo chí. Mỗi đất nước, tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như chính trị, xã hội, trình độ dân trí, mức sống vật chất v. v.. để có cơ chế báo chí thích hợp. Nếu đem quan niệm tự do của các nước khác áp đặt lên kiểu tư duy của dân mình là phi khoa học. Chỉ lấy một ví dụ đơn giản: ở Thuỵ điển tình trạng dân số giảm làm cho quốc hội của họ phải đau đầu để nghĩ ra kế sách nhằm tăng dân số. Vì thế đã xuất hiện ý tưởng công bố rộng rãi và tăng cường thời lượng chiếu phim sex trên màn ảnh nhỏ, và đương nhiên là trên nhiều phương tiện truyền thông khác nữa. Đó là một quan niệm về tự do. Trong khi đó chúng ta đang vất vả lắm trong công tác tuyên truyền, thế mà hàng chục năm rồi vẫn chưa thực hiện được chủ trương mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có một hoặc hai con. Nếu để cho một số nhà báo nào đó được tự do trong khoái lạc cá nhân thì công sức tuyên truyền cuả hàng trăm cơ quan truyền thông và các tổ chức xã hội khác chỉ là công cốc. Đến như nước Mỹ được mệnh danh là "thế giới tự do" vậy mà sau vụ khủng bố 11/9 nhân dân cũng đồng ý với chính quyền là hạn chế tự do của dân để tăng cường an ninh của đất nước. Cho nên tình trạng lạm dụng tự do báo chí không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức. Dĩ nhiên cũng không thể hi sinh tự do của đa số để dành quyền tự do cho thiểu số. Như vậy mỗi nhà báo sẽ có tự do khi nhận thức đầy đủ quy luật của tự nhiên và xã hội, như Ăng ghen đã nói: "tự do là tất yếu".

Vấn đề về đạo đức nghề nghiệp của báo chí hiện nay là phải tìm ra những quy tắc cho phép nhà báo hành động hợp đạo đức trong ngày thường. Các phóng viên, trong hoạt động nghiệp vụ cần áp dụng tính thực tế (thực dụng) và tính qui nạp, căn cứ vào tình hình cụ thể dẫn đến quyết định mang dấu ấn đạo đức.

Mặt khác, nên chăng những cuộc tập huấn thường niên về đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, đặc biệt là nhà báo trẻ phải được cơ quan quản lí lưu ý. Căn cứ vào nội dung của "Quy ước đạo đức báo chí Việt Nam" để rút ra những bài học thực tiễn. Một trong những chức năng chủ yếu của báo chí nước ta là giáo dục. Nhà báo là nhà giáo dục bằng phương tiện thông tin. Mà "nhà giáo dục lại rất cần được giáo dục" (Mác).

[1] Dương Xuân Sơn, Đinh Hường, Trần Quang: Cơ sở lý luận báo chí - truyền thông, Nxb Văn hóa - thông tin, H., 1995, tr. 252.

Cùng tác giả:

- Thử tìm một quy trình hợp lí trong công tác đào tạo người làm báo

 Trần Quang - Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :