Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Phát biểu của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo khoa học “Văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững”.
(Hội thảo khoa học do Tỉnh ủy Ninh Bình và ĐHQGHN phối hợp tổ chức sáng 17/3/2017, tại Ninh Bình).

Kính thưa các vị đại biểu.

Thưa các nhà khoa học.

Thay mặt Lãnh đạo ĐHQGHN, tôi xin nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu và các nhà khoa học tham dự Hội thảo “Văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững” do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với ĐHQGHN cùng tổ chức.

Kính thưa các quý vị

Nhân loại đang bước vào thời kỳ của kinh tế tri thức, nhân tố con người có ý nghĩa quyết định tới chất lượng và tốc độ của sự phát triển. Trong thực tế, rất nhiều quốc gia trên thế giới xuất phát điểm từ điều kiện nước nghèo về tài nguyên, khắc nghiệt về điều kiện tự nhiên đã phát triển thần kỳ và trở thành những quốc gia phát triển và giàu có. Nguồn năng lượng gốc cho sự phát triển của họ chính là yếu tố trí tuệ và nguồn lực con người. Tài nguyên sẽ cạn, lợi thế trời ban nếu không có nhân tố trí tuệ và tiềm lực con người cũng không phát huy được thế mạnh. Nhân loại ngày càng đề cao nhân tố con người, sức mạnh trí tuệ và văn hóa. Vì vậy, việc chúng ta tổ chức hội thảo ngày hôm nay có nhiều ý nghĩa, đối với Ninh Bình nói riêng và với đất nước nói chung. Chúng ta nhằm làm rõ một vấn đề, đào sâu một lĩnh vực nhưng cũng là một việc quan trọng chuẩn bị cho giai đoạn phát triển lâu dài, bền vững của Ninh Bình và đất nước.

Kính thưa các quý vị

Quê hương Ninh Bình và Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là ĐHQGHN, đã sớm gắn kết khá chặt chẽ từ hàng chục năm nay thông qua nhiều hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Các nghiên cứu về thời kỳ Đinh – Tiền Lê, về kinh đô Hoa Lư trong lịch sử dân tộc, về phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn gắn với võ công hiển hách của cha ông hồi thế kỷ 18, cùng nhiều vấn đề văn hóa khác đã được các nhà khoa học của các khoa Lịch sử và Ngữ Văn thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội triển khai và công bố từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Tiếp đó là những nghiên cứu toàn diện về rừng Cúc Phương, về Tam Cốc – Bích Động, về cố đô Hoa Lư, vùng văn hóa Tràng An vv… của các nhà khoa học của Trường đã được thực hiện và có đóng góp thiết thực vào việc quy hoạch và xây dựng những khu vực này thành vườn quốc gia và danh thắng du lịch từ khá sớm. Đặc biệt, gần đây một số chuyên gia hàng đầu của ĐHQGHN đã góp công sức, trí tuệ tư vấn khoa học, góp phần xây dựng hồ sơ để quần thể di tích – danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Ngoài ra còn có nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu khác về di sản văn hóa – lịch sử, về Phật giáo, về Công giáo và về quá trình khai hoang, phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Kim Sơn vv… Đây là những nghiên cứu có giá trị thiết thực đối với sự nghiệp phát triển của Ninh Bình nói riêng và của cả nước nói chung. Về phía quê hương Ninh Bình, hàng chục thế hệ sinh viên đã đến học tập tại Trường. Nhiều người trong số đó đã thành danh và trở thành những nhà khoa học đầu ngành, có nhiều đóng góp có giá trị to lớn vào sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN và đất nước.

Sự gắn kết từ lâu giữa quê hương Ninh Bình với Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội trước đây và ngày nay là ĐHQGHN chính là những viên gạch đầu tiên xây nền đắp móng cho sự hợp tác trên tầm cao mới và chiều sâu mới được ghi nhận bởi lãnh đạo Tỉnh và lãnh đạo ĐHQGHN thời gian vừa qua.  Cuộc Hội thảo có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn quan trọng này chính là một trong những hoạt động trong khuôn khổ hợp tác đó, trực tiếp hướng tới kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh Ninh Bình, và xa hơn nữa là hướng tới kỷ niệm 1050 năm ngày Hoa Lư chính thức trở thành Đế đô đầu tiên của nhà nước quân chủ tập quyền Đại Cồ Việt.

Kính thưa quý vị đại biểu.

Thưa các nhà khoa học.

Với tầm nhìn như vậy, Hội thảo này là nỗ lực chung của các nhà khoa học của ĐHQGHN và nhiều cơ quan khoa học ở Hà Nội cùng với các nhà khoa học và các sở, ban, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp ở Ninh Bình cùng khám phá những đặc trưng, giá trị của nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người của quê hương Ninh Bình đặt trong phối cảnh và yêu cầu của sự nghiệp phát triển bền vững của Ninh Bình, của cả nước, của khu vực và thế giới.

Là vùng đất “địa linh nhân kiệt” đã sớm khẳng định vị trí vừa là Đế đô của nước ta trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập, đồng thời có thể nói Hoa Lư – Tràng An – Ninh Bình cũng là một trung tâm Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng lớn nhất của đất nước trong nhiều thế kỷ. Về sau, trong thời kỳ tiền cận đại và cận đại, Ninh Bình lại là một trong những địa phương sớm tiếp nhận đạo Cơ đốc và sự phát triển của tôn giáo này đã góp cho quê hương một nguồn lực văn hóa có giá trị khá đặc biệt, tiêu biểu nhất là ngôi Nhà thờ chính tòa Phát Diệm bằng đá với nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật kiến trúc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Ninh Bình, lương cũng như giáo, đã đoàn kết vượt qua những thử thách khốc liệt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rồi tiếp tục kiên cường vượt qua những khó khăn gay gắt của thời kỳ hậu chiến, vững bước cùng cả nước đổi mới, hội nhập và phát triển.

Trải qua mỗi chặng đường lịch sử truyền thống văn hóa của đất nước và quê hương Ninh Bình lại được kết tinh và bồi đắp thêm những lớp giá trị và di sản vô giá; con người Ninh Bình lại được tôi rèn thêm những phẩm chất đặc thù, xứng đáng là chủ nhân của một vùng trọng địa, linh thiêng với nhiều cảnh quan kỳ thú bậc nhất của đất nước.

Ý thức sâu sắc rằng những truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cha ông để lại cho chúng ta không chỉ là một gia tài quý báu cần được gìn giữ, bảo tồn mà chính là một nguồn xung lực to lớn trong sự nghiệp phát triển bền vững của quê hương đất nước. Đồng thời phát triển văn hóa, phát triển con người cũng chính là một trong những mục tiêu tối thượng của sự nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, Lãnh đạo tỉnh và Lãnh đạo ĐHQGHN cho rằng cần phải tổ chức nghiên cứu bài bản, toàn diện để đề xuất được và triển khai đồng bộ, có hiệu quả cao những giải pháp phát triển và phát huy vai trò to lớn của nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người trong thời gian tới. Đây cũng là một quan điểm chủ đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

Kính thưa quý vị đại biểu.

Thưa các nhà khoa học.

Cuộc Hội thảo của chúng ta ngày hôm nay vừa là bước tiếp nối những nghiên cứu đã khá dày dặn của các thế hệ nhà khoa học và nhà quản lý trước đây, đồng thời cũng là một sự khởi đầu cho chặng đường nghiên cứu mới với những yêu cầu và kỳ vọng mới do thực tiễn đặt ra. Tôi xin phép được chia sẻ một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, như tiêu đề của cuộc hội thảo này, vấn đề phát huy nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người phải được đặt trong phối cảnh của sự nghiệp phát triển bền vững của Ninh Bình và của cả nước. Điều đó đòi hỏi một cái nhìn tổng thể với tầm nhìn vừa xa rộng, nhưng lại phải rất giàu tính thực tiễn. Có như vậy chúng ta mới giải quyết được bền vững, trên cơ sở khoa học, các bài toán vốn đã rất nan giải là mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế và đảm bảo phúc lợi, an sinh xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích và quyền lợi giữa các bên liên quan, giữa yêu cầu hiện tại và yêu cầu của tương lai.

Thứ hai, trong nghiên cứu tổng thể về vùng đất và con người quê hương Ninh Bình thì phải luôn luôn nhấn mạnh và làm rõ vị thế trọng địa, trọng yếu của Ninh Bình trong toàn bộ sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chúng ta biết rằng, Hoa Lư – Tràng An chính là chốn Đế đô đầu tiên của nhà nước quân chủ độc lập, mở ra kỷ nguyên thái bình thịnh trị, rạng rỡ văn hiến và võ công hiển hách của dân tộc. Đồng thời tạo dựng nền tảng vững chắc mọi mặt cho sự kiến lập vận thế mới của đất nước khi đế đô được dời đến Đại La – Thăng Long sau này. Với ý nghĩa đó, ĐHQGHN đề xuất và đã được lãnh đạo tỉnh Ninh Bình ủng hộ mạnh mẽ, một chương trình nghiên cứu về triều Đinh và không gian văn hóa – lịch sử Đế đô Hoa Lư – Tràng An. Chúng tôi rất hy vọng dự định nghiên cứu này sẽ nhận được sự đồng thuận cao và ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng khoa học và các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và các địa phương liên quan, và sẽ đưa lại những đóng góp thiết thực, có ý nghĩa và tầm vóc to lớn đối với sự nghiệp phát triển bền vững của Ninh Bình và của cả nước.

Thứ ba, trong giai đoạn hiện nay, Ninh Bình đang lựa chọn một số hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển bền vững của Tỉnh, trong đó phát triển du lịch bền vững. Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này trong thời gian vừa qua đã cho thấy sức hấp rất to lớn của các nguồn tài nguyên du lịch của quê hương Ninh Bình, nhất là nguồn tài nguyên văn hóa, lịch sử và cảnh quan. Tuy nhiên, tốc độ tăng tưởng nhanh chóng như vậy cũng đang đặt ra trước mắt chúng ta nhiều vấn đề cần có sự chung tay nghiên cứu và giải quyết của đội ngũ các nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp và cả các cộng đồng dân cư của tỉnh.

Tôi hy vọng rằng tại Hội thảo này và trong các bước đường tiếp theo, ĐHQGHN và các cơ quan khoa học khác sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững ngành du lịch ở Ninh Bình, để các giá trị của các di sản văn hóa và thiên nhiên đặc sắc của Ninh Bình lan tỏa trên nhiều vùng của cả nước và đến với bạn bè quốc tế trên khắp các châu lục. Nhờ thế mà giá trị và sức mạnh của nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người Ninh Bình sẽ được nhân lên gấp bội, thực sự trở thành một nguồn xung lực mạnh của tỉnh nhà trong quá trình phát triển nhanh và bền vững.

Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, với tiềm năng tự nhiên đặc biệt quý, truyền thống văn hóa phong phú, cùng với sự quan tâm đúng hướng, đúng mức tới nhân tố văn hóa và con người, Ninh Bình chắc chắn sẽ phát triển bền vững, phát triển không ngừng trong tương lai.

 Xin chúc cuộc hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   |