Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
GS.VS Đào Trọng Thi, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: "Giáo dục đại học Việt Nam đã nhường sân nhà cho các cơ sở nước ngoài"
Nhân dịp Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Báo Hải quan đã có cuộc phỏng vấn GS.VS Đào Trọng Thi - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQGHN về một số nội dung liên quan đến những thay đổi của ngành giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng khi Việt Nam gia nhập WTO. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài đăng trên Báo Hải quan:

Với chức danh là Chủ tịch Hội đồng kiêm Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và là Ủy viên Trung ương Đảng, GS.VS Đào Trọng Thi trăn trở nhiều về việc ngành đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải thay đổi như thế nào khi Việt Nam đã chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). “Muốn có nhà kinh doanh giỏi thì hệ thống đại học kinh tế, thương mại phải tốt, muốn có luật sư thành danh thì người làm luật cần được đào tạo với chuyên môn cao... Vấn đề giáo dục đang đứng trước những thách thức không thể đừng được nữa”.

P.V: Trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của WTO và yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, các trường đại học trong nước phải đối mặt với những khó khăn gì, thưa giáo sư?

GS.VS Đào Trọng Thi: Việt Nam gia nhập WTO sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng một khi chúng ta quyết tâm vượt qua các thách thức đó thì chúng lại trở thành cơ hội, đó là động lực để chúng ta vươn lên tồn tại và phát triển. Riêng đối với giáo dục đại học, tôi muốn nhấn mạnh hai khía cạnh. Đó là hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việt Nam là một trong những nước cuối cùng gia nhập vào WTO, do đó có thể coi đây là sân chơi toàn cầu. Giáo dục đại học phải đối mặt với vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chúng ta phải xác định rõ mục tiêu để đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức hiện đại, cập nhật và năng lực vận dụng, sáng tạo, giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm…đặc biệt lưu ý bồi dưỡng khả năng sử dụng ngoại ngữ và tin học cho sinh viên. Hội nhập trong giáo dục chính là ở chỗ này. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng cần sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy đại học một cách rộng rãi mà chỉ nên áp dụng cho các chương trình đào tạo quốc tế, bởi vì giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ đối với những bậc học cao như đại học và sau đại học là một thành quả của cách mạng Việt Nam, tạo nên ưu thế cho phát triển tư duy và tri thức mà nhiều quốc gia chậm tiến trên thế giới không có được.

P.V: Trong bối cảnh hội nhập, giáo dục đại học Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh ở khía cạnh nào, thưa giáo sư?

GS.VS Đào Trọng Thi: Vấn đề thứ hai của giáo dục đại học Việt Nam khi hội nhập là nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, các trường đại học nước ta chủ yếu tập trung đáp ứng nhu cầu học tập với chi phí rất thấp của đông đảo người dân. Nhưng cũng đã có những chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài kể cả những cơ sở đào tạo 100% vốn nước ngoài với chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế và thu học phí rất cao, gấp tới 15 đến 50 lần học phí của đại học Việt Nam (thu học phí khoảng từ 2.000 đến 6.000 USD/năm học, trong khi đại học Việt Nam thu khoảng 120 USD/năm). Nhưng mức học phí đó vẫn rẻ hơn ở các phát triển. Thí dụ ở Mỹ học phí đại học khoảng 15 - 20 nghìn USD, các trường nổi tiếng có thể tới 40 - 50 nghìn USD cho một năm học. Chính vì vậy, ở ĐHQGHN chúng tôi có một số chương trình đào tạo liên kết với các trường đại học nước ngoài thu hút được cả sinh viên nước ngoài, kể cả từ “chính quốc” đến học.

P.V: Như vậy, đây là thiệt thòi lớn đối với giáo dục đại học Việt Nam vì chúng ta đã bỏ qua một mảng chất lượng đào tạo cao và có thu nhập lớn.…

GS.VS Đào Trọng Thi: Theo tôi, vừa qua giáo dục đại học Việt Nam vô hình chung đã tự hạn chế mình và nhường lại mảng đào tạo chất lượng cao “béo bở” trên chính sân nhà cho các cơ sở đại học nước ngoài. Trước đây, quy mô của mảng này còn nhỏ, nhưng sau khi gia nhập WTO nhu cầu về nguồn nhân lực đạt trình độ quốc tế sẽ tăng nhanh và nhiều cơ sở đào tạo nước ngoài sẽ vào Việt Nam thì tình hình sẽ khác. Đây là vấn đề giáo dục đại học nước ta nếu không khẩn trương vào cuộc thì có thể chúng ta lại chậm chân một lần nữa. Nếu chờ 5, 7 năm sau mới khởi động thì có thể đã quá muộn. Hơn nữa xây dựng thương hiệu đẳng cấp quốc tế trong giáo dục đòi hỏi nhiều thời gian để khẳng định uy tín và hiệu quả.

P.V: Giáo sư đã nhìn nhận ra vấn đề này. Vậy Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuẩn bị gì cho sự cạnh tranh này?

GS.VS Đào Trọng Thi: Từ nhiều năm nay, chúng tôi tổ chức những chương trình đào tạo liên kết quốc tế hoặc có yếu tố nước ngoài (vì những chương trình như thế không là đối tượng áp dụng của khung học phí rất thấp do Chính phủ quy định). Đó là những chương trình đào tạo đại học, sau đại học liên kết với các trường đại học của Mỹ, Châu Âu, Úc, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc,… Trong đó có một số chương trình do ĐHQGHN quản lý và cấp bằng. Ngoài các trường đại học, khoa, viện, trung tâm nghiên cứu khoa học trực thuộc tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn của mình, chúng tôi đã thành lập hai khoa trực thuộc mới chuyên trách đào tạo quốc tế là Khoa Quản trị Kinh doanh và Khoa Quốc tế. Hiện nay quy mô đào tạo quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội chiếm 7% tổng quy mô đào tạo chung. Chúng tôi đang phấn đấu đưa con số này đạt 15-20% trong tổng số sinh viên là 41 nghìn sinh viên vào năm 2010.

P.V: Để hóa giải những bất cập mà giáo dục đại học đang phải đối mặt, ngành cần tập trung vào những biện pháp gì?

GS.VS Đào Trọng Thi: Việt Nam là một nước đang phát triển ở trình độ thấp, do đó giáo dục đại học cũng như tất cả các lĩnh vực khác đều không thể áp dụng một cách máy móc, rập khuôn mô hình của các nước phát triển có hệ thống giáo dục hiện đại, tiên tiến. Chúng ta chỉ nên tham khảo mô hình và kinh nghiệm của nước ngoài để vạch ra cho giáo dục Việt Nam một lộ trình hợp lý, khả thi để tiến tới hội nhập đầy đủ nên giải pháp đổi mới giáo dục phải đáp ứng yêu cầu cụ thể của kinh tế xã hội và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cần triển khai áp dụng ngay phương pháp dạy – học tiên tiến, lấy người học làm trung tâm, đề cao tính sáng tạo và yếu tố tự học. Trước mắt là thay đổi phương pháp truyền đạt và tiếp thu. Đây là sự thay đổi không cần đầu tư nhiều nhưng từ trước tới nay ta chưa làm và kinh nghiệm thế giới cho thấy cách học này rất hiệu quả.

P.V: Yêu cầu cụ thể của việc đổi mới phương pháp này là gì, thưa giáo sư?

GS.VS Đào Trọng Thi: Lâu nay chúng ta chỉ chú trọng học tập trên lớp, cố chuyển tải tất cả kiến thức ở trên lớp, dẫn đến kiểu học đọc và chép. Bây giờ cần giảm thời gian học trên lớp, tăng thời gian thực hành và tự học. Giảng viên cần hướng dẫn sinh viên chuẩn bị tư liệu ở thư viện, ở nhà trước khi lên lớp. Trên lớp, giảng viên tập trung giới thiệu những nội dung cốt lõi, giúp sinh viên hiểu một số nội dung khó, hướng dẫn sinh viên tiếp tục tự học ở nhà. Kết quả học tập được đánh giá theo chất lượng tiếp thu kiến thức trong quá trình gồm cả ba hình thức học tập: lên lớp, thực hành, tự học. Phương pháp dạy – học này đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển năng lực vận dụng, sáng tạo kiến thức để giải quyết vấn đề cũng như năng lực làm việc theo nhóm mà thị trường nguồn nhân lực quốc tế đòi hỏi. Chúng ta cũng nên từng bước tiếp cận phương thức đào tạo theo tín chỉ, tăng cường cơ hội lựa chọn các môn học và kế hoạch học tập phù hợp với năng lực cá nhân, điều kiện của từng sinh viên.

P.V: Để nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, theo giáo sư biện pháp tăng lương cho giáo viên có giúp nâng cao chất lượng đào tạo hay không?

GS.VS Đào Trọng Thi: Tất nhiên, không những thế đó là điều cần thiết. Không kể đến lương của số đông giảng viên đại học ở nước ta quá thấp, ngay cả lương của các giáo sư cũng chỉ bằng 1/20 mức lương ở các nước phát triển. Tôi nghĩ tăng lương gấp ba, bốn lần so với hiện nay thì các giáo sư của ta sẽ làm việc với chất lượng, hiệu quả không kém các chuyên gia nước ngoài có trình độ tương đương. Điều kiện làm việc và thu nhập quá thấp đã khiến nhiều nhà khoa học tài năng tìm cách ra nước ngoài giảng dạy và nghiên cứu, đặc biệt là tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

P.V: Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi.

 Nguồn: Báo Hải quan - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   |