Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Vĩnh biệt thầy Nguyễn Văn Hồng - kẻ sĩ cốt cách, một đời tài hoa
Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Hồng Sinh năm 1934, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nghiên cứu Trung Quốc, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã qua đời ngày 16/10/2019, hưởng thọ 86 tuổi. Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu đôi nét cuộc đời và sự nghiệp của PGS. Nguyễn Văn Hồng “kẻ sĩ cốt cách, một đời tài hoa”.

Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Hồng

Sinh năm 1934, tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, trú quán tại số nhà 12B, phố Nguyễn Cao, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. 

Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nghiên cứu Trung Quốc, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.

Do tuổi cao, sức yếu đã từ trần hồi 11 giờ 15, ngày 16 tháng 10 năm 2019 (tức ngày 18 tháng 9 năm Kỷ Hợi), tại Bệnh viện Hữu Nghị, hưởng thọ 86 tuổi. 

Lễ viếng được tổ chức từ hồi 9 giờ 30 đến 11 giờ 00, ngày 21 tháng 10 năm 2019, tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 11 giờ 00 cùng ngày.

Hỏa táng tại Đài Hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.

Là một chuyên gia chuyên ngành lịch sử, nhưng hướng nghiên cứu chính của PGS. Nguyễn Văn Hồng là Lịch sử thế giới, đặc biệt chuyên sâu về lịch sử và văn hoá Trung Quốc. Với niềm đam mê khoa học, tư duy sắc sảo, kiến thức sâu rộng, các công trình nghiên cứu của thầy từ nhiều năm nay đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong đông đảo người đọc và nhiều thế hệ học trò. Trong hàng chục năm nghiên cứu và giảng dạy, vốn rất am hiểu nền văn hóa và ngôn ngữ phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, PGS. Nguyễn Văn Hồng tuy không có quá nhiều đầu sách, nhưng những cuốn ông để lại đã được tái bản nhiều lần và là sách gối đầu giường của sinh viên chuyên ngành Lịch sử thế giới. Các công trình tiêu biểu của thầy là: Lịch sử thế giới cận đại (Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1973), Lịch sử Trung Quốc cận đại (Đại học Tổng hợp TPHCM, 1979), Lịch sử cận đại thế giới tập 1 (NXB ĐHTH&CN, 1986), Lịch sử cận đại thế giới tập 3 (NXB ĐH&TH chuyên nghiệp, 1987), Việt Nam - Asean (NXB CTQG 1996), Giáo dục Minh Trị – Duy Tân (Nhật Bản) (NXB Giáo dục, 1996), Mấy vấn đề về lịch sử châu Á – Việt Nam: môt cách nhìn (NXB Thông tin lý luận, 2001), Trung Quốc cải cách mở cửa – những bài học kinh nghiệm (NXB Thế giới, 2003), Nguyễn Trường Tộ với canh tân đất nước (Viện KHXH HCM 1993), Cách mạng tháng 8/1945 trong Đông Nam Á – thách đố và biến động (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 7,8 1990)…

Với lịch sử Việt Nam, dù không là sở trường, nhưng thầy vẫn có niềm yêu thích đặc biệt. Thầy thường tâm sự với các đồng nghiệp và học trò: “Nếu không biết sử Việt Nam mà nghiên cứu sử thế giới thì như là cây không có gốc vậy, nếu chỉ tìm hiểu sử Việt Nam mà tách ra khỏi nhãn quan, tầm nhìn của khu vực và thế giới thì không thể có cái nhìn toàn diện và sâu sắc”. Nhờ vậy, những công trình nghiên cứu của thầy về các vấn đề của lịch sử châu Á và Việt Nam, về giao thoa văn hóa, về Nho giáo, hẹp hơn là những công trình nghiên cứu về các nhân vật lịch sử Việt Nam như Hồ Chí Minh, Phan Châu Trinh, Tôn Trung Sơn, Nguyễn Trường Tộ… của thầy, bao giờ cũng sâu sắc và rất ấn tượng.

Nhiều thế hệ sinh viên Khoa Lịch sử và sau này là Đông phương học vẫn thường truyền tai nhau: nghe thầy Hồng giảng bài rất “kỳ thú” - đó là khi nhãn quan rộng mở của một chuyên gia nghiên cứu sử thế giới hòa quyện với tư duy thâm trầm, sâu sắc của một nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông. “Tôi thích dùng Văn để dạy Sử” - thầy thường chia sẻ như vậy với đồng nghiệp và học trò. Ông Lý Gia Trung, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, từng học tiếng Việt với thầy Hồng khi thầy là lưu học sinh tại Trung Quốc, kể lại rằng: “Dường như muốn gợi lên trong tôi niềm hứng thú học tiếng Việt, nên ngay từ buổi phụ đạo đầu tiên, anh Hồng đã đọc cho tôi nghe một số câu thơ trong Kim Vân Kiều truyện. Mặc dù chưa hiểu gì nhưng tôi cảm thấy tiếng Việt cũng đẹp và rung động như tiếng Pháp. Từ đó đến nay thời gian đã hàng chục năm, đồng chí Nguyễn Văn Hồng luôn là người thầy và người bạn thân thiết của tôi”.

Tinh thần lao động miệt mài và sự nghiêm túc trong khoa học của PGS. Nguyễn Văn Hồng được nhiều học trò ghi nhớ. TS. Nguyễn Thọ Đức – Chủ nhiệm Bộ môn Trung Quốc học – vẫn thường so sánh người thầy của mình với hình ảnh “con tằm nhả tơ” trong bài thơ Vô đề của nhà thơ Trung Quốc Lý Thương Ẩn. Anh vô cùng tâm đắc và cảm phục triết lý sống của PGS. Nguyễn Văn Hồng: “Cuộc đời kẻ sĩ giống như con tằm mùa xuân, phải lao động cực nhọc đến khi chết mới thôi. Nghiên cứu và giảng dạy phải rút ruột mình ra như con tằm nhả cho đời những sợi tơ vàng óng ánh”.

Đôi khi, tự so sánh mình có đôi chút tính cách một ông thầy - đồ Nho xứ Thanh: một chút “gàn”, một chút “kiêu”, một chút “khó”, nhưng PGS. Nguyễn Văn Hồng cũng đã tự hài lòng rằng, cả cuộc đời mình đã sống ngay thẳng, yêu đời và quý người. Không bon chen cũng chẳng vội vã, thầy tin vào số phận. Ngoài việc dạy học và nghiên cứu, một góc lớn của tình yêu và cuộc đời thầy gửi gắm vào thơ ca. Thơ về quê hương, đất nước, thơ tặng danh nhân, bạn bè, đồng chí... hay đôi khi chỉ là những xúc cảm, suy tư thoáng vụt qua. Thầy viết thơ bằng chữ Hán, tự phiên âm và dịch thơ. Đong đầy những cảm xúc và chiêm nghiệm, những bài thơ chữ Hán của thầy lần lượt ra đời, đọng lại trong tập Dã thảo, gây ngạc nhiên cho ngay cả những nhà phê bình ăn chương. Thơ ca cũng đã giúp thầy kết giao được nhiều bạn bè và để lại trong lòng họ những ấn tượng sâu sắc. GS. Văn Trang ở Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc) nhân có dịp đọc tập thơ Dã thảo đã có lời đề tặng: “Dã Thảo ở nước Nam/Thu đông không khô chết/Ngàn năm còn giữ nếp/Vạn dặm chim hồng Nho/Hoa Việt cùng thưởng thức/Núi sông cùng vui ca/Sao không ngâm nga nhỉ ?/Bác Hồ có học trò”.

Một đồng nghiệp khác cùng ngành sử với thầy, PGS. Chương Thâu, cũng nhận xét về PGS. Nguyễn Văn Hồng bằng những lời lẽ trân trọng: “Người tiêu biểu còn lại cho một thời kỳ Văn - Sử - Triết bất phân của Đại học Tổng hợp xưa, đó là PGS. Nguyễn Văn Hồng”. Còn nhiều thế hệ học trò lại yêu mến, tìm thấy ở thầy sự hòa quyện thú vị và tài tình giữa cốt cách một ông đồ Nho sâu sắc với tính cách sôi nổi, hướng ngoại của một nhà nghiên cứu khoa học hiện đại.

PGS.TS Vũ Văn Quân (Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV) từng chia sẻ những ấn tượng sâu sắc về PGS. Nguyễn Văn Hồng: “Nói đến thầy Hồng là nói đến sự uyên bác trong kiến thức và uyên thâm trong những luận giải mang đậm dấu ấn cá nhân. Những bài giảng cuốn hút của thầy về lịch sử Nhật Bản, Indonexia và các nước Đông Nam Á… là những ấn tượng không thể quên trong lứa sinh viên chúng tôi thời ấy”. Điều đặc biệt trong phong cách dạy của thầy Hồng là “thầy dạy Sử rất có hồn”. Thầy lại yêu văn thơ, rất thích làm thơ chữ Hán và chính nhờ tình yêu với thơ ca đã giúp nghề dạy Sử của thầy thêm thi vị.

Là bạn đồng niên, GS. Phan Huy Lê có nhiều kỷ niệm gắn bó với PGS. Nguyễn Văn Hồng trong quãng thời gian hai người cùng công tác tại Khoa Lịch sử và Khoa Đông phương học. “Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về thầy Hồng, đó là một nhà Trung Quốc học rất tài hoa. Ngoài những nghiên cứu sâu sắc về lịch sử và văn hoá Trung Quốc, thầy Hồng còn rất mê thơ và sáng tác nhiều thơ chữ Hán. Đến tận bây giờ, thầy vẫn là một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc học” – GS. Phan Huy Lê chia sẻ.

Về góc độ con người, GS. Phan Huy Lê cho biết ông quý nhất tính điềm đạm và vô cùng độ lượng với những người xung quanh của người bạn đồng niên. Ngay cả những khi tranh luận với nhau những vấn đề gay cấn nhất về chuyên môn, thầy Hồng vẫn luôn nhẹ nhàng, chưa bao giờ to tiếng và nặng lời với bất kỳ ai.

Trên góc độ quản lý, PGS.NGND Nguyễn Văn Hồng có những đóng góp lớn trong việc xây dựng Khoa Đông phương học giai đoạn đầu, đặc biệt là mở ngành Trung Quốc học tại Trường ĐHKHXH&NV. Năm 1993, Bộ môn Trung Quốc học thuộc Khoa Đông phương được thành lập và PGS. Nguyễn Văn Hồng trở thành Chủ nhiệm Bộ môn đầu tiên. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy trong nghề và những mối quan hệ quốc tế rộng mở, thầy là người góp phần đặt những nền tảng đầu tiên cho việc xây dựng và phát triển Bộ môn. Từ xây dựng đội ngũ cán bộ, hệ thống bài giảng, học liệu, đặt nền móng cho các hướng nghiên cứu khoa học cho đến các định hướng phát triển lớn của Bộ môn… đều có dấu ấn và công sức của PGS. Nguyễn Văn Hồng. Từ năm 2001-2007, thầy được cử giữ chức Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc. Từ một ngành học non trẻ ban đầu, đến nay, ngành Trung Quốc học đã trở thành một thương hiệu của Trường ĐHKHXH&NV. Cho đến giờ, dù đã nghỉ hưu từ khá lâu song PGS. Nguyễn Văn Hồng vẫn là một trong những thầy giáo mở ngành có tầm ảnh hưởng học thuật lớn đối với các thế hệ cán bộ trẻ và sinh viên trong Bộ môn.

Năm 2014, nhân dịp sinh nhật PGS.NGND Nguyễn Văn Hồng và PGS. Lương Ninh (nguyên Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Ấn Độ học) tròn 80 tuổi, Khoa Đông phương học đã tổ chức một buổi gặp mặt gần gũi giữa nhiều thế hệ cán bộ và sinh viên để chung vui cùng hai thầy. Trong không gian ấm cúng và thân tình, nhiều kỷ niệm đã được chia sẻ, những tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp và học trò được gửi đến thầy  Hồng với tất cả sự trân trọng, ngưỡng mộ và yêu mến.

Trước những lời chia sẻ và chúc mừng của đồng nghiệp và học trò, PGS. Nguyễn Văn Hồng cảm động bộc bạch: “Nghiệp giảng dạy và nghiên cứu vất vả, thậm chí cả nhiều cay đắng. Nhưng mọi chức vụ rồi cũng sẽ qua đi, duy nhất chỉ có danh hiệu người thầy là muôn đời không thay đổi. Đó là nghề cao quý !”. Dấn thân vào nghiệp nghiên cứu và giảng dạy, trải nghiệm tất cả ngọt bùi và đắng cay của nghề, thầy chiêm nghiệm: càng nghiên cứu nhiều càng thấm thía sâu sắc rằng cuộc sống và thế giới này quá rộng lớn, những điều chưa biết thì quá nhiều mà sự hiểu biết của con người thì hữu hạn. Vì thế, thầy luôn tâm niệm: “Hãy luôn tìm tòi những điều mới và đừng bao giờ tự thoả mãn, đừng để những lời khen và những tiếng vỗ tay tán thưởng làm thui chột những cố gắng, phấn đấu của mình”. Đó là điều tâm niệm của người thầy giáo tài hoa để giúp ông đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu và giảng dạy.  

Trên trang cá nhân của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã xúc động chia sẻ:
VĨNH BIỆT THẦY NGUYỄN VĂN HỒNG KẺ SĨ CỐT CÁCH, MỘT ĐỜI TÀI HOA
11 giờ 15 phút ngày 16 tháng 10 năm 2019, PGS.NGND Nguyễn Văn Hồng đã từ biệt chúng ta. Mặc dù việc ra đi của Ông được tính báo và chuẩn bị trước, nhưng vẫn khiến lòng người buồn thương khôn tả. Không thể dùng một vài lời, một đôi câu để có thể đánh giá về một sự nghiệp, cuộc đời một nhà khoa học, nhưng nếu vẫn phải có một đôi lời như thế, thì có thể xem ông là kẻ sĩ cốt cách, một đời tài hoa.
Không còn nhớ vào dịp nào, tôi được thầy Nguyễn Văn Hồng đọc cho nghe đôi câu thơ ông tâm đắc, giọng đọc hào hùng ngân nga rất đặc biệt: Bất thức ba đào tráng
An tri chí hải bằng (Không cảm thức được cái dữ dội của sóng cực lớn,
Thì sao biết được chí của chim Hải Bằng cao tới chừng nào). Tứ thơ gợi hứng từ phiến văn trong sách Trang Tử, nói về chim bằng biển Bắc dũng chí vượt sóng cao nghìn dặm và sự chiêm nghiệm về cuộc đời nhiều thách thức.
Ông thực sự là người có chí lớn. Một phần quan trọng của cái chí ấy là ông mong mỏi, ông ước nguyện, sao cho có được đội ngũ các học giả Việt Nam nghiên cứu được sâu sắc đầy đủ về Trung Quốc. Một đội ngũ được trang bị học vấn đầy đủ và mang tầm quốc tế. Trung Quốc có lịch sử dài lâu, nền văn hóa đồ sộ, người Trung Quốc hiểu người Việt Nam rất sâu, trong khi Việt Nam hiểu về Trung Quốc không được mấy. Thấu hiểu về Trung Quốc không dễ. Dù bất kỳ tình thế quan hệ nào, một cách khoa học, sự thấu hiểu chủ động và bằng con đường riêng vẫn là điều vô cùng hệ trọng đối với Việt Nam. Với quá trình lâu dài nghiên cứu về Lịch sử và văn hóa Trung Quốc, về các quốc gia Đông Á, Đông Nam Á, ông để lại nhiều công trình rất có giá trị khoa học. Với vốn Hán học tốt và tư duy sắc bén ông có nhiều kiến giải sâu sắc về một số vấn đề lịch sử Việt Nam từ cổ đại tới đương đại. Thầy Nguyễn Văn Hồng có phạm vi nghiên cứu rộng, đối tượng nghiên cứu lớn, nhưng trụ cột và cống hiến chính là Trung Quốc học. Ông là một trong những nhà Trung Quốc học hàng đầu của Việt Nam đương đại. Ông có đóng góp làm sâu sắc thêm những hiểu biết của người Việt Nam về Trung Quốc và luôn không ngại tranh biện để các học giả Trung Quốc hiểu đúng hơn, khách quan hơn về Việt Nam. Bản vị dân tộc và trách nhiệm xã hội luôn thường trực trong ông.
PGS Nguyễn Văn Hồng là người được đào tạo bài bản tại Đại học Bắc Kinh, có thời gian làm việc dài tại Đức và từng giao du, làm việc tại nhiều quốc gia. Ông sử dụng tiếng Hán bạch thoại tinh tế và đạt tới tầm của ngôn ngữ văn hóa. Ông có thể làm văn chương bằng chữ Hán, cả cổ văn và bạch văn, sử dụng tốt tiếng Anh. Ngoài việc nghiên cứu khoa học, ông hay sáng tác thơ, tập Dã Thảo của ông chứa đựng nhiều tâm sự về cuộc đời. Các nhà khoa học rất nhiều người sáng tác thơ, nhưng thơ hay và điển nhã như ông không nhiều. Thơ với ông như một thú chơi phảng phất phong thái tinh thần văn nhân truyền thống.
Ông, một người tài hoa, học vấn sâu rộng, nhưng cuộc đời của ông không hẳn thuận lợi, âu cũng là chuyện của một thời. Ông luôn nhìn đời lạc quan, bao dung. Ông rất thích một bài thơ cổ nói về cỏ. Bài thơ cổ ấy ý nói người đời hàng ngày dẫm đạp lên cỏ, nhưng khi người ta nằm xuống đất, cỏ sẽ che chở bao dung. Tập thơ DÃ THẢO (cỏ hoang) của ông thể hiện một triết lý mới. Ông đề tựa tập thơ rằng:
Dã thảo thiêu bất tận, Xuân phong xuy hựu thanh.
Ông tự dịch là:
Cỏ dại đốt không chết, Gió xuân về lại xanh.
Đó là triết lý nhân sinh của ông, là cách để ông sống, vươn lên, cống hiến và hỷ xả giữa đời.
Ngoài cái tên Nguyễn Văn Hồng (chữ Hán chỉ chim Hồng), trong nhiều bài viết, chủ yếu là văn chương, báo chí ông hay ký tên Minh Hồng. Ông tự nhận “thân mình gầy vóc hạc, nhưng tiếng thì tốt”. Minh là tiếng kêu, Hồng là chim Hồng. Minh Hồng là tiếng của Chim Hồng. Từ đây, chim Hồng vỗ cánh vân du về miền vĩnh hằng, không còn ngân tiếng khi vầng dương lên, nhưng những âm thanh hồng hạc đã tạo ra và để lại thì dư âm còn mãi trong tâm những người cùng chí và mến yêu ông. Mãi nhớ hai câu thơ ông viết tặng từ mùa hè năm 2000 tại Sầm Sơn: “Ngã quân đồng chí hướng, Trí lực tạo tân san.”
Cảm ơn lòng bao dung, khích lệ của Thầy!

 Lê Thanh Hà - Ảnh: Thành Long - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   | 350   | 351   | 352   | 353   | 354   | 355   | 356   | 357   | 358   | 359   | 360   | 361   | 362   | 363   | 364   | 365   | 366   | 367   | 368   | 369   | 370   | 371   | 372   | 373   | 374   | 375   | 376   | 377   | 378   | 379   | 380   | 381   | 382   | 383   | 384   | 385   | 386   | 387   | 388   | 389   | 390   | 391   | 392   | 393   | 394   | 395   | 396   | 397   | 398   | 399   | 400   | 401   | 402   | 403   | 404   | 405   | 406   | 407   | 408   | 409   | 410   | 411   | 412   | 413   | 414   | 415   | 416   | 417   | 418   | 419   | 420   | 421   | 422   | 423   | 424   | 425   | 426   | 427   | 428   | 429   | 430   | 431   | 432   | 433   | 434   | 435   | 436   | 437   | 438   |