Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Hội thảo khoa học "Quan hệ Việt - Nga: quá khứ và hiện tại"
Đã 90 năm trôi qua kể từ ngày Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi (1917 - 2007) nhưng tư tưởng hoà bình, tự do, thấm đượm tính nhân văn nhằm giải phóng nhân loại cần lao khỏi mọi áp bức bóc lột của cuộc cách mạng này vẫn còn nguyên giá trị thời đại.

 Trên nền tảng thắng lợi của Cách mạng tháng Mười, Liên Xô đã phát triển thành một quốc gia hùng cường bậc nhất thế giới, đã tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và cùng với các lực lượng đồng minh, giải phóng châu Âu và thế giới thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa phát xít trong những năm chiến tranh Thế giới thứ hai. Thắng lợi của Liên Xô và phe Đồng minh trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo điều kiện cho hàng loạt các nước thuộc địa trên thế giới trong đó có Việt Nam vùng lên giành độc lập, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại - kỷ nguyên hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược giành độc lập, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn về cả vật chất và tinh thần của chính phủ và nhân dân Liên Xô. Cho đến nay, quan hệ Việt - Nga vẫn là tài sản cô cùng quý báu mà Chính phủ và nhân dân hai nước cần gìn giữ, xây dựng và phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước, của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.  

            Với ý nghĩa đó, ngày 2/11/2007, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN tổ chức Hội thảo khoa học "Quan hệ Việt - Nga: quá khứ và hiện tại" nhằm nhận diện toàn diện và đầy đủ, sâu sắc hơn về mối quan hệ Việt - Nga, nhất là trong vòng 90 năm qua từ sau Cách mạng tháng Mười đến nay. Nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai, trên tinh thần trân trọng các giá trị của truyền thống và lịch sử, dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các tham luận đã cung cấp nhiều tư liệu mới, những hiểu biết mới để có những định hướng đúng đắn, chiến lược cho sự phát triển mối quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược, vì cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân hai nước và hai dân tộc Việt - Nga trong thế kỷ XXI.

            Hội thảo thu hút trên 60 tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự, Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III...

            Hội thảo chia làm hai tiểu ban. Tiểu ban 1: Quan hệ Việt - Nga: những vấn đề lịch sử và văn hoá. Tiểu ban 2: Triết học Xô viết và tác động đến Việt Nam.

            Tại tiểu ban 1, các báo cáo tập trung làm rõ mối quan hệ lịch sử Việt - Nga qua từng mốc lịch sử, từ cách mạng tháng Mười cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI; những ảnh hưởng, những dấu ấn của lịch sử và văn hoá, văn học Nga đối với Việt Nam, vị thế của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Liên Xô đối với Đông Á... tiếp cận ở nhiều nguồn tư liệu và trên nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau.

            Tại tiểu ban 2, các báo cáo tập trung phân tích đặc trưng, bản chất, những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác Lê nin; ảnh hưởng của Triết học Mác Lê nin đối với cách mạng Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; tư tưởng dân chủ của V.I. Lê nin và ý nghĩa của nó trong thực hiện dân chủ ở Việt Nam hiện nay; bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ quan điểm của Lê nin về Đảng kiểu mới; logic học Xô viết, một số thành tựu và những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu và dạy học logic ở Việt Nam thời kỳ đổi mới...

 Nguyễn Lê Duy Anh - Thu Hường - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   |