Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Mừng thọ GS.NGND Nguyễn Văn Chiển 90 tuổi: Người đưa "thế giới vô tri" vào khoa học
"Tôi nhớ hình ảnh điềm đạm trầm mặc của GS. Nguyễn Văn Chiển, nó cho anh dáng dấp một triết gia phương Đông. Những nhận xét sắc sảo của anh nhiều khi rất mạnh nhưng hiếm khi người ta cảm thấy quá do chân tình và lòng nhân hậu toát ra từ những câu chữ cân nhắc”...

Còn nhớ năm 2005, khi biết Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ được trao cho công trình “Bản đồ Quốc gia Việt Nam” của GS.NGND Nguyễn Văn Chiển (Tổng biên tập) và tập thể tác giả, đã có một nhà khoa học viết trên báo rằng: “Mỗi giải thưởng đều làm vinh dự cho người nhận, nhưng cũng không hiếm trường hợp người nhận làm vinh dự cho giải thưởng. Đó là những người quá cỡ mà kích thước của giải thưởng không trùm lên hết được, hoặc người ấy đa diện mà giải chỉ trao được cho một mặt nào đó... Nhưng những người như vậy thì hiếm lắm. Họ sống khiêm nhường, giản dị, lặng lẽ như một loại quặng quý ẩn chìm giữa nhân gian... Người tôi muốn nói đến ở đây là GS. Nguyễn Văn Chiển - người mở đường, bậc sư biểu, một chuyên gia hàng đầu của ngành địa chất Việt Nam...”. Còn với GS. Tống Duy Thanh, khi kể về người thầy của mình lại súc động: “Thầy Chiển đã cho tôi thấy được những điều kỳ diệu từ những viên đá tưởng chừng vô tri vô giác. Thầy đã dạy tôi cách "nghe" những hòn đá nói”...

Tôi gọi điện xin gặp ông vào một buổi sớm cuối thu se lạnh thì được biết: Ông vừa mới ra ngoài đi bộ tập thể dục! Hẳn nào, cách đây một thời gian, có cậu bạn làm bên báo Văn nghệ Trẻ bảo rằng muốn gặp thầy Chiển để viết bài phỏng vấn về chương trình học và sách giáo khoa cho học sinh phổ thông hiện nay nhưng phải đến vào giấc gần trưa vì buổi sáng thầy còn bận. Hóa ra, đã bước sang tuổi 90, cái tuổi “cửu thập tri thiên mệnh”, vậy mà GS.NGND Nguyễn Văn Chiển vẫn không từ bỏ thói quen và niềm đam mê được vận động hàng ngày. Về điều này thì có lẽ nhà văn, nhà địa chất Tạ Hòa Phương, người học trò yêu quý của ông là hiểu nhất: “Không thể đếm hết những nẻo đường địa chất mà ông đã đặt chân, những con suối, dòng sông ông đã lội qua giữa những ngày đông giá…Hình như lòng ham mê nghề nghiệp của ông là không bờ bến. Chẳng thế mà sau một thời kỳ trèo đèo, lội suối liên miên hàng tháng trời, trở về Hà Nội, ông tâm sự với học trò rằng: Cứ cảm thấy mặt đất dưới chân, nó chông chênh thế nào ấy… Có lẽ bởi vì mặt đất bằng phẳng, phố phường nhộn nhịp đó vốn không phải là môi trường sống và làm việc của một nhà địa chất thực thụ như ông…”.

GS.NGND Nguyễn Văn Chiển (thứ 6, hàng đầu tiên từ phải sang) cùng đồng nghiệp năm 1987

Tôi đến nhà GS. Nguyễn Văn Chiển ở E1 phường Bách khoa. Ngôi nhà tập thể được làm bằng những tấm bê tông lắp ghép trước đây là mơ ước của nhiều người nay đã xập xệ; càng xập xệ hơn khi nó lọt thỏm vào giữa những ngôi nhà lớn, khang trang và hiện đại. Từ ngày đất nước đổi mới đến nay, tuy chưa có một thị trường chất xám thực sự, nhưng cuộc sống của những chuyên gia lao động trí óc cũng khấm khá lên, thậm chí nhiều người phất hẳn. Còn người trí thức nổi tiếng, nhà giáo Nguyễn Văn Chiển thì vẫn vậy. Vẫn gọn gàng, giản dị, khiêm nhường với những tiện nghi tối thiểu. Năm nay đã 90 xuân nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh và tinh tường lắm. Ông ngồi đó với nụ cười hồn nhiên lăn theo những nếp nhăn trên gương mặt đôn hậu, chân chất như chính lĩnh vực khoa học mà cả cuộc đời ông hằng dày công xây dựng và cống hiến...

GS.NGND Nguyễn Văn Chiển là con út của một gia đình trung nông ở thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm ông ra đời (1919) chính được đánh dấu bằng sự kiện thực dân Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai trên toàn cõi Đông Dương. Tháng 9/1934, cậu học trò Nguyễn Văn Chiển ra Hà Nội, thi vào học Trường Bưởi. Nhờ học giỏi, ông được xét cấp học bổng toàn phần vào ở nội trú. Tháng 6/1941, ông đã đỗ đầu kỳ thi tú tài toàn xứ Đông Dương. Cuối hè năm ấy cũng là lúc ông phải lựa chọn một ngành học ở bậc đại học.

Học Y ư? Tôi cũng thích. Nhưng Y phải học tới 7 năm, trong khi mẹ tôi đã già, phải học nhanh để ra trường còn phụng dưỡng mẹ. Học Dược cũng rất hay, nhưng khoản tiền phải ký quỹ ngay năm đầu quá lớn, tới 120 đồng (bằng giá 10 chiếc xe đạp Terô) thì biết lấy đâu ra? Học Trường Luật để ra làm quan đè đầu, cưỡi cổ dân thì chắc chắn tôi không chọn, mà muốn làm luật sư thì phải có 500 đồng ký quỹ. May thay, có Trường Khoa học mới mở và tôi đã ghi tên vào đó. Năm đầu tôi học lớp Toán đặc biệt, hai năm sau thì học cùng lúc 3 chứng chỉ: Vật lý, Hóa học và Địa chất…” - giọng hồi tưởng của ông trầm ấm như đang tự nói với chính mình. Tốt nghiệp Cử nhân Khoa học năm 1944 với 4 chứng chỉ: Toán đại cương, Vật lý, Hóa học và Địa chất; ông đã trăn trở rất nhiều về hướng đi của mình sau này. Tư duy của ông nặng về Toán - Lý hơn nên ông đã đắn đo khi GS. Hôp-Phê ngỏ ý muốn nhận ông về phòng thí nghiệm Địa chất. Ông bèn đến xin ý kiến GS. Hoàng Xuân Hãn, thầy nói: “Giỏi Toán như tôi vẫn chưa làm được gì cho đất nước. Giỏi Vật lý như anh Ngụy Như Kon Tum cũng vậy. Chúng tôi không có phòng thí nghiệm nên đành bó tay. Còn đối với các môn Địa chất, Động vật, Thực vật… thì cả đất nước là một phòng thí nghiệm bao la, chỉ sợ không có chí…”. Với lời khuyên đó, ông đã “ngộ ra” và quyết tâm cống hiến cả đời mình cho lĩnh vực Địa chất học.

Địa chất là một ngành khoa học mà ngoài trí thông minh ra còn đòi hỏi phải có niềm đam mê thật sự mới gắn bó được. Để nhớ được tên các loại khoáng vật, những tên Latinh dài trong môn cổ sinh vật học là thách thức đối với những người học. Chẳng thế mà khóa học của GS. Nguyễn Văn Chiển, đến năm cuối, cả lớp địa chất chỉ còn lại vẻn vẹn có 3 người, trong đó ông là người Việt Nam duy nhất. Sau khi tốt nghiệp năm 1944, Nguyễn Văn Chiển được giữ lại làm trợ lý phòng thí nghiệm của Nhà trường. Cách mạng Tháng Tám rồi kháng chiến chống Pháp khiến ông phải tạm xa cái nghề địa chất của mình. Ông được phân công đi dạy trung học, làm Hiệu trưởng trường sư phạm đầu tiên, Tổng thư ký Ban Tu thư soạn sách giáo khoa cho giáo dục phổ thông. Sau ngày Ban giải tán, có dự kiến điều ông về làm Phó giám đốc Nha Giáo dục phổ thông. Ông suy nghĩ: Làm hành chính thì nhiều người làm được, còn chuyên môn khoa học thì ít người dám theo. Ông đã xin trở lại phòng thí nghiệm địa chất học khi ấy thuộc Đại học Sư phạm Khoa học. Đến khi thành lập Đại học Bách khoa, ông đề nghị chuyển toàn bộ phòng thí nghiệm Địa chất sang để xây dựng một cách toàn diện. Ồng đã gắn bó với môn địa chất học cho đến khi về hưu kể cả khi đã chuyển sang làm Viện phó Viện Khoa học Tự nhiên. Ở bất cứ cương vị nào ông cũng luôn hoàn thành trách nhiệm một cách mẫu mực. Nhưng dù có làm gì, ông vẫn tự nhắc mình là một nhà khoa học, chỉ có địa chất mới là niềm đam mê đích thực, là nơi ông tìm thấy cội nguồn của sự sáng tạo. Nhờ sự dìu dắt, dạy bảo của ông đã có biết bao thế hệ các nhà địa chất trưởng thành, rời giảng đường đại học và góp ích cho đời. Những khi không đứng trên bục giảng, nhà giáo Nguyễn Văn Chiển lại say sưa với công việc nghiên cứu ngoài thực địa.

GS.NGND Nguyễn Văn Chiển (thứ 6, hàng đầu tiên từ phải sang)

Sau những năm tháng miệt mài nghiên cứu qua sách vở và thu thập dữ liệu từ thực tiễn, năm 1963, luận án phó tiến sĩ của ông với đề tài về loại đá màu đen rắn chắc – đá siêu mafic và mafic đã được Hội đồng bác học Trường đại học Mỏ Lêningrat đánh giá rất cao. Ngày nay, tại những phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất, cùng những tập thể cán bộ khoa học hùng mạnh nhất trên thế giới đang dày công nghiên cứu loại đá ấy bởi vì đá siêu mafic không chỉ cho ta những dấu hiệu của các mỏ kim cương, platin, niken, coban,… mà thực chất nghiên cứu nó chính là tìm hiểu bản chất các quá trình địa chất của trái đất. Nhiều người trong đó có nhà văn Đỗ Trung Lai khi nghe ông giảng giải về loại đá này đã tiếc nuối rằng: “Giá như ông có thời gian để cả đời nghiên cứu nó, giá như chúng ta có đủ tiền để trang bị một phòng thí nghiệm hiện đại với những nhà khoa học giỏi làm cộng sự đắc lực cho ông thì biết đâu rất nhiều những ẩn số mà nhân loại đang loay hoay đặt câu hỏi đã được giải mã…”. Nhưng nói là nói vậy, chứ số phận đã chọn cho ông một con đường dài khác. Lịch sử đã đặt lên vai ông nhiệm vụ của người mở đường, người lát những viên gạch nền móng đầu tiên cho ngành Địa chất Việt Nam.

Bằng tài năng, uy tín, trong cương vị là Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, ngay từ năm 1977, ông đã chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu quan trọng của quốc gia. Đó là chương trình Điều tra tổng hợp Tây Nguyên của tập thể 26 nhà khoa học mà ông làm chủ nhiệm chương trình được tiến hành trong suốt 5 năm ngay từ năm đầu sau giải phóng miền Nam; là công trình khoa học đồ sộ - Tập bản đồ quốc gia Việt Nam (tên gọi khác là Atlat quốc gia) được thực hiện trong 7 năm do ông đứng chủ đề tài; là công trình Địa chất miền Bắc Việt Nam; các giáo trình như: Địa chất đại cương, Thạch học, Khoáng vật học, và đặc biệt là cuốn sách Từ điển địa chất Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống thuật ngữ khoa học địa chất, mở đầu cho việc giảng dạy địa chất bằng tiếng Việt. Trong dịp kỷ niệm ngày sinh thứ 80 của mình (năm 1999), ông đã cho ra mắt cuốn sách Khoa học trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI - một cuốn sách nhỏ nhưng đã chiếm mất của ông gần 4 năm để đọc, để tìm hiểu về các lĩnh vực khoa học khác và viết. Tuy tuổi đã cao, nhưng bằng vốn kiến thức uyên bác ông vẫn đóng góp trí lực cho việc xây dựng bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam.

Bao năm tháng đã đi qua, GS.NGND Nguyễn Văn Chiển vẫn âm thầm cùng những công việc trầm lặng của mình, dâng trọn tài năng và sức lực cho các thế hệ học trò, cho mảnh đất quê hương. Phần thưởng dành cho ông là những huân, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ cho tập Bản đồ Quốc gia Việt Nam do ông làm Tổng biên tập… cùng niềm vinh dự được các nhà cổ sinh trân trọng dùng đặt tên cho các sinh vật cổ lần đầu tiên mới phát hiện trên thế giới: Squameo favosites Vanchieni Tong – Dzuy, Plethorhyncha Chieni Zuong et Rzón…

Tròn 90 tuổi đời, mái tóc vị giáo sư đã bạc phơ phơ, nhưng đôi mắt nhân từ vẫn còn tinh anh và trí nhớ của ông thì còn rành mạch lắm. Nhắc đến gia đình, ông xúc động bảo rằng thật may mắn vì có bà, người vợ hiền, chỗ dựa tinh thần của ông trong những lúc khó khăn nhất. Cả cuộc đời bà lặng lẽ tiếp sức cho chồng đi trên con đường khoa học gập ghềnh, âm thầm chia sẻ, cảm thông cùng ông bao nỗi buồn vui trong cuộc sống, xây dựng một “hậu phương” vững chắc, một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Cả cuộc đời gần 1 thế kỷ, GS.NGND Nguyễn Văn Chiển không có gì phải ân hận về những năm tháng đã qua, cũng chẳng hề đòi hỏi chút quyền lợi riêng tư gì cho bản thân, chỉ có điều trong lòng ông còn rất nhiều nỗi day dứt, băn khoăn. Qua việc học hành của cháu con trong nhà, ông thấy giáo dục hiện nay còn nhiều vấn đề, từ sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy đến trình độ của thầy, của trò… Những bài báo mang nặng tâm tư của ông cũng từ đó ra đời và khi trò chuyện với người khác, ông thường hay nhắc lại thời cắp sách của mình, âu đó cũng là một hình thức để người đời so sánh, đối chiếu. Đến đây, người viết chợt nhớ đến lời tâm tình của cố nhà thơ Lê Đạt trong bài “Mười lăm năm chống sáng lòe” đăng trên Tạp chí Tia sáng số tháng 4/2006, xin dẫn ở đây thay cho lời kết: “Tôi nhớ hình ảnh điềm đạm trầm mặc của GS. Nguyễn Văn Chiển, nó cho anh dáng dấp một triết gia phương Đông. Những nhận xét sắc sảo của anh nhiều khi rất mạnh nhưng hiếm khi người ta cảm thấy quá do chân tình và lòng nhân hậu toát ra từ những câu chữ cân nhắc”.

 Minh Trường - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   |