Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
"Trở về cội nguồn" - chuyến đi đáng nhớ cúa Công đoàn ĐHKHXH&NV
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ GD&ĐT, vừa qua Công đoàn Trường ĐHKHXH&NV với sự động viên tích cực của Đảng ủy và Ban Giám hiệu Nhà trường đã phát động một đợt quyên góp ủng hộ trẻ em nghèo miền núi, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, nhằm tạo thêm một phần vật chất và động viên tinh thần học tập của các em học sinh tiểu học và trung học thuộc diện xã nghèo.

Chỉ sau một thời gian ngắn, mặc dù vừa thực hiện các cuộc vận động quyên góp ủng hộ đồng bào gặp bão lụt, thiên tai, toàn thể các thầy cô giáo và các sinh viên trong trường vẫn tích cực tham gia cuộc vận động này. Đến ngày 13/12/2008, cuộc vận động quyên góp đã kết thúc. Ngay sáng ngày 14/12/2008, Công đoàn Trường ĐHKHXH&NV đã cử một đoàn công tác do đồng chí TS. Đặng Xuân Kháng - Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch CĐ trường dẫn đầu, đưa toàn bộ số tiền quyên góp và các hiện vật lên xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để trao cho các em học sinh nghèo vượt khó và các hộ gia đình nghèo tại đây. Cùng đi với đoàn còn có đồng chí Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra CĐ, đại diện Ban nữ công và các Ban chuyên môn.

 

Chuyến xe chở đoàn công tác khởi hành từ 7 giờ sáng, đến gần 11 giờ đã có mặt tại trợ sở UBND xã Vạn Thọ. Đây là một xã nghèo miền núi, đường xá đi lại còn rất nhiều khó khăn. Hiện nay, xã vẫn chưa có đường ô tô đi vào nơi làm việc của Đảng và chính quyền. Xe phải đi qua đường ngầm tại khu vực Suối Đôi. Mặc dù vào mùa khô, nước vẫn ngập ngang bánh ô tô, đường lại lổn nhổn sỏi và đá hộc. Xe lắc nghiêng, lắc ngả làm nhiều cán bộ trong Ban nữ công mệt lử vì say xe, nhưng ai nấy đều vui vẻ khi đến nơi đã thấy các em học sinh nhỏ thuộc đủ 6 sắc tộc trong xã đã tề tựu đón chờ cùng cô hiệu phó trường Tiểu học Vạn Thọ Nguyễn Thị Quyên và đại diện lãnh đạo Đảng, Chính quyền địa phương.

 

Trước đây vài năm, Công đoàn Nhà trường đã từng là đơn vị đỡ đầu cho việc giúp đỡ xây dựng một trường tiểu học miền núi cao thuộc  vùng Tây Bắc (Điện Biên). Lần này, theo sự gợi ý của Đảng ủy và Ban Giám hiệu, chuyến đi về Vạn Thọ là chuyến đi về "cội nguồn", nhằm trở lại địa điểm - nơi Trường ĐHTH Hà Nội đã sơ tán trong những năm chống Mỹ ác liệt. Đó là nơi tình nghĩa, yêu thương, là nơi mà đồng bào đã cưu mang nhiều thế hệ thầy trò của trường sống và học tập vào thời điểm ác liệt nhất khi máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc XHCN. Bởi thế, chuyến đi này có một ý nghĩa rất đặc biệt. Ngoài ý nghĩa động viên tinh thần với học sinh nghèo vùng sâu vùng xa, nó còn là một bài học về sự thủy chung, ân nghĩa theo đạo lý truyền thống của dân tộc "Uống nước, nhớ nguồn".

 

Thế hệ lãnh đạo xã bây giờ đã thay đổi, nhưng dấu ấn và hình ảnh thầy trò hai Khoa Văn, Sử thuở nào vẫn được "truyền tụng", lưu giữ trong ký ức   mọi người và qua nhiều hình ảnh lưu niệm  trên các bức ảnh treo tại hội trường UBND xã. Vừa nghe tin đoàn công tác của Trường ĐHKHXH&NV về địa phương là các đồng chí trong Ban lãnh đạo xã, nhân dân và các em học sinh rất náo nức. Khi xe của đoàn mới dừng ở sân, các em nhỏ và mọi người đã ùa ra nồng nhiệt đón đoán đoàn. Chỉ riêng có đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra CĐ trường đã về xã cách đây vài năm, còn lại tất cả các cán bộ trong đoàn đều mới lần đâu về thăm "quê hương cũ", thế nhưng ai cũng cảm thấy sự gần gũi, gắn bó của đồng bào địa phương đối với mình. Thật khó diễn tả được thứ tình cảm ngọt ngào, thiêng liêng, ẩn chứa sau cặp mắt của những người gặp mặt.

 

Ảnh:Thành Long

Sau khi cùng "lao động" chuyển các kiện hàng gồm quần áo, sách  vở, bút, tẩy... từ xe lên hội trường tại tầng 2, cuộc trao tặng quà đã diễn ra trong bầu không khí ấm cúng, ân tình. Tham dự và chứng kiến cuộc trao tặng quà có các ông: Lê Hùng Mạnh (Bí thư Đảng ủy xã),  Hoàng Quang Sinh (Quyền Chủ tịch UBND xã), Trần Đức Toản (đại diện UB Mặt trận Tổ quốc), cô Nguyễn Thị Quyên (Hiệu phó trường tiểu học Vạn Thọ) cùng một số bà con và các em học sinh. Vào trước lúc lễ trao quà diễn ra, đoàn công tác đã được nghe ông Hoàng Quang Sinh thay mặt chính quyền báo cáo vắn tắt về tình hình kinh tế xã hội của địa phương. Ai cũng xúc động khi được biết tình hình kinh tế của Vạn Thọ còn gặp nhiều khó khăn, đồng bào và nhất là các em học sinh đang còn phải đối mặt với nhiều thách thức của nền kinh tế thị trường. Thật khó hình dung, khi thế giới đã sắp đi qua thập niên đầu của thế kỷ XXI mà thu nhập bình quân của xã mỗi năm mới chỉ đạt bình quân 200.000 VND/đầu người. Toàn xã có 470 hộ thì có đến 50% số hộ nghèo và cận nghèo. Đặc biệt, xóm Vạn Chài (người địa phương còn gọi là xóm nổi giữa lòng hồ) có 13 hộ thì có đến 9 hộ nghèo. Đã nghèo, việc giao lưu giữa Vạn Thọ và các vùng xung quanh lại còn bị hạn chế vì vào xã không có đường ô tô. Cho đến thời diểm này, xã mới chỉ xây dựng được gần 1,85 km đường trải nhựa (giá 1,3 tỷ đồng) do sự tập trung vốn của địa phương kết hợp với sự nhiệt thành vận đông quyên góp của đồng chí Hồng Vinh, nguyên phó Ban Tuyên giáo Trung ương (cựu sinh viên Khoa Ngữ văn từng sơ tán về Vạn Thọ). Con đường duy nhất nối hoạt động của xã với bên ngoài là con đường độc đạo, vào mùa lũ, nước suối lên là giao thông đình trệ nếu không có một chiếc cầu treo nhỏ chỉ đủ trọng tải cho xe cải tiến và xe máy đi qua. Cầu gặp sự cố, Vạn Thọ sẽ bị cô lập hoàn toàn.

 

Ảnh: Thành Long

 

Là một xã miền núi, nhưng thu hoạch chính của kinh tế địa phương lại chỉ dựa vào nông nghiệp, với một năm có hai vụ chính. Toàn xã có 243 ha rừng (chỉ có 11 ha canh tác được, còn lại phải trồng cây lấy gỗ) và 270 ha đất canh tác. Nhìn chung, sản lượng thu hoạch thấp lại phụ thuộc vào thời tiết hàng năm. Trong hoàn cảnh ấy, việc đoàn công tác trở lại địa phương tặng quà không chỉ có ý nghĩa vật chất thuần túy mà còn có sức động viên tinh thần rất lớn đối với toàn thể cán bộ, nhân dân trong xã.

 

Hội trường lặng phắc khi 10 em nhỏ đại diện cho học sinh nghèo của các dân tộc anh em chung sống tại xã Vạn Thọ là: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu lên trực tiếp nhận quà từ tay đồng chí Chủ tịch Công đoàn trường. Các em rất phấn khởi khi cầm trong tay mình chiếc phong bì có tít đền "Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn". Mỗi phong bì trị giá 200.000 đồng tuy nhỏ, nhưng rất có ý nghĩa rất lớn đối với một học sinh nghèo miền núi. Ngoài món quà trao cho các em học sinh đại diện cho học sinh nghèo vượt khó, đoàn còn trao tặng cho địa phương 22 bao tải quần áo (gồm quần áo người lớn, quần áo trẻ em, quần áo ấm và quần áo hè - thu), 4 bộ sách giáo khoa, 70 hộp phấn viết bảng, 2100 vở viết, 600 bút chì, 600 viên tẩy, bút bi, thước kẻ. Ngoài ra, Đoàn còn tặng riêng cho Quỹ người nghèo của Vạn Thọ số tiền là 2 triệu đồng. Như vậy, tính từ đầu năm năm 2008 đến nay, Công đoàn trường ĐHKHXH&NV đã thực hiện 8 đợt ủng hộ cho các Hội, Trại khó khăn: Hội Người mù, Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội khuyết tật (quận Thanh Xuân), các trẻ em khuyết tật (quận Thanh Xuân), các trẻ em khuyết tật (tỉnh Thanh Hóa), Trại thương binh nặng (Ninh Bình, Hà Nam), nhân dân vùng bão lụt (Trung Quốc và Mianma), nhân dân vùng bão lụt các tỉnh phía Bắc. Trong đó, số tiền ủng hộ  nhân dân vùng bão lụt các tỉnh phía Bắc lên tới ba mươi triệu đồng.

 

 

Có thể nói, cuộc trở lại xã miền núi nghèo Vạn Thọ lần này của Công đoàn Trường ĐHKHXH&NV là một chuyến đi truyền thống kết hợp với hoạt động thiết thực ủng hộ lời kêu gọi của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc "quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp học sinh và giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn". Nói là truyền thống, vì trước khi có cuộc kêu gọi này, thầy trò của hai Khoa Ngữ văn và Lịch sử đã nhiều lần về đây thăm hỏi, động viên đồng bào và nhân dân trong xã. Khi thì trở về với cương vị thầy trò của các thế hệ trong khoa, khi thì trở về với cương vị của sinh viên từng khóa, hoặc cá nhân...cuộc trở về nào cũng thấm đậm tình nghĩa sắt son.  Bởi thế mỗi lần cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm cũ, cả lãnh đạo và nhân dân ai cũng còn nhớ đến cả vị trí của các lớp học xưa, nhớ đến cả các gia đình đã từng thắp sáng ngọn đèn cho các giáo sư đọc sách trong những đêm giá lạnh như: nơi ở của giáo sư Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Như Mai, Hà Minh Đức, Phan Hữu Dật, Vũ Dương Ninh...

 

Trước khi rời Vạn Thọ, đoàn công tác còn dừng khá lâu tại phòng lưu niệm của xã. Tại đây, các thành viên trong đoàn còn được xem các bức ảnh phóng to chụp hình đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội - đã về thăm xã vào tháng 11 năm 2005 với cương vị là thành viên trong đoàn sinh viên Ngữ văn khóa VI. Khi giới thiệu bức ảnh này, đồng chí Hoàng Quang Sinh đã nói đùa với chúng tôi: "Trong hai cuộc chiến tranh ác liệt, Đảng và Nhà nước đã nhận ra Vạn Thọ là nơi cất giữ nhân tài nên đã đưa nhiều cơ quan quan trọng sơ tán về đây". Có lẽ vì thế chăng mà nhiều cựu sinh viên của hai Khoa Văn, Sử  mới ngày nào còn cắp sách tới các lán học sơ tán tại vùng đất khó khăn này về sau đã trở thành các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước như: Nguyễn Phú Trọng, Phạm Thành Nghị, Phùng Hữu Phú, Hồng Vinh... Đó là niềm tự hào không chỉ riêng của nhân dân Vạn Thọ mà còn là niềm tự hào của Trường ĐHKHXH&NV.

 

Ảnh: Thành Long

Cuộc "trở về cội nguồn"  ngày 14/12/2008 của Công đoàn ĐHKHXH&NV là một chuyến đi tình nghĩa mang đậm truyền thống nhân văn khiến cho cuộc chia tay giữa các thành viên trong đoàn và nhân dân địa phương thật lưu luyến. Đến Suối Đôi, đồng chí Quyền Chủ tịch UBND xã vẫn còn chưa muốn tạm biệt đoàn nên còn kể nốt câu chuyện sinh động về giáo sư Hoàng Xuân Nhị cưỡi trâu trong mùa nước lũ năm nào. Cả đoàn cười vang, phấn chấn khi tôi ngâm nga đọc câu đối:

Vượt dốc cao Hoàng Hữu Yên rơi kính

  Qua Suối Đôi Hoàng Xuân Nhị cưỡi trâu.

Tôi có cảm giác dòng suối trong ngần mang trong mình những viên cuội trắng mát đang kéo ra dài ra tạo thành bản nhạc trầm hùng hát về một thời oanh liệt...

                                                                                   Hà Nội

                                                                      Mùa đông năm Mậu Tý

Ảnh: Thành Long

 Hữu Đạt, Trường ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   |