Tin tức chung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin tức chung  >  
Mô hình công ty trong trường đại học: Kết nối nghiên cứu & cuộc sống
Trong khi liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam để chuyển giao những kết quả nghiên cứu vào cuộc sống vừa yếu lại vừa thiếu, thì việc trường đại học tự thành lập công ty để "bật đèn xanh" và tăng tốc quá trình chuyển giao này là một động thái đáng mừng.

Là công ty trực thuộc một trường đại học vốn “thuần” nghiên cứu cơ bản, nhưng Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên, trường ÐHKHTN, ÐHQGHN đã chứng tỏ rằng, mô hình công ty là cầu nối giữa nghiên cứu cơ bản và cuộc sống.

Trao đổi với Bản tin ÐHQGHN, PGS.TS Hoàng Chí Thành - Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên – cho biết:

PGS.TS Hoàng Chí Thành

Với vai trò là trung tâm khoa học và đào tạo, mỗi trường đại học đều cố gắng thực hiện tốt ba nhiệm vụ chính của mình là: Ðào tạo được các thế hệ học viên giỏi đáp ứng nhu cầu xã hội; Nghiên cứu phát triển khoa học theo kịp các hướng nghiên cứu tiền tiến của thế giới; Ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ vào công cuộc dựng xây đất nước.

Ba nhiệm vụ trên gắn kết với nhau và hỗ trợ cho nhau. Ba nhiệm vụ này cũng chính là ba tiêu chí để đánh giá xếp loại các trường đại học trong xu thế phát triển và hội nhập. Có thể nói, các trường đại học của chúng ta đã làm tốt hai nhiệm vụ đầu tiên, nhiệm vụ thứ ba đang còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc tăng cường chuyển giao tri thức từ trường đại học vào cuộc sống sẽ là một giải pháp lớn. Ngoài ý nghĩa xã hội, nó còn tạo đà phát triển cho chính mỗi trường đại học. Nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng là các hoạt động chuyển giao tri thức.

Xin PGS cho biết ý kiến của mình về hiện trạng chuyển giao những kết quả nghiên cứu vào cuộc sống ở các trường đại học hiện nay?

Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống ở các trường đại học nước ta hiện nay còn rất khiêm tốn. Theo một báo cáo mới nhất của Chính phủ thì việc đóng góp của khoa học công nghệ trong nền kinh tế quốc dân chưa quá 10%. Ðó là một tỷ lệ thấp. Chúng ta phải có trách nhiệm nâng tỷ lệ này lên. Ðiều đáng hy vọng là các trường đại học đã nhận thức được vai trò của ứng dụng khoa học trong cuộc sống và đang xúc tiến việc này.

Ðể đẩy nhanh việc chuyển giao tri thức vào cuộc sống trong các trường đại học Việt Nam, theo ông, sẽ gặp thuận lợi và khó khăn gì?

Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý cho các trường đại học chuyển giao tri thức vào cuộc sống. Vừa rồi, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115 về Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ trao quyền tự chủ cho các đơn vị khoa học công nghệ. Mỗi trường đại học lại có một đội ngũ hùng hậu các nhà khoa học giỏi và các em sinh viên say mê khoa học, có nhiều phòng thí nghiệm với các trang thiết bị hiện đại. Ðó là những thuận lợi lớn. Song khó khăn không phải ít. Kinh nghiệm thương trường của những người quản lý như chúng tôi còn rất hạn chế. Hệ thống thuế phức tạp, áp đặt và chưa có ưu đãi đáng kể cho hoạt động ứng dụng khoa học cũng như chuyển giao công nghệ. Mối liên kết giữa các trường đại học với các đơn vị bên ngoài còn ít. Do vậy, các công ty ra đời và hoạt động dựa trên nội lực là chính.

Vậy yếu tố nào quyết định đến hiệu quả của việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ?

Hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ phụ thuộc rất nhiều vào thế mạnh nhân lực và cơ sở vật chất của từng trường đại học. Do vậy các hoạt động này mang tính đặc thù của từng trường và phải phù hợp với nhu cầu của xã hội

Ở nhiều trường đại học nước ngoài thành lập các công ty như một tất yếu. Còn ở ta, việc thành lập các công ty trong trường đại học có vẻ như còn rất xa lạ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Chủ trương thành lập công ty trong các trường đại học, viện nghiên cứu để tạo thuận lợi cho việc chuyển giao kết quả khoa học và công nghệ đã được Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề xướng từ những năm 90 của thế kỷ trước và Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ký Nghị định 14 thực hiện từ năm 2001. Ðây là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Một số trường đại học đã đi tiên phong theo chủ trương này. Gần đây có nhiều trường đại học thành lập công ty. Do vậy, với những ai quan tâm đến ứng dụng khoa học công nghệ thì không có gì xa lạ. Song cần thực hiện tốt và quảng bá tốt để nhiều người biết, nhiều đơn vị biết để cùng hợp tác.

 

Cứ tạm gọi là “những công ty khoa học”, như vậy nhà khoa học ngoài làm tốt khoa học phải am hiểu kinh doanh và “máu” làm ăn?

Ðã là nhà khoa học thì cần phải làm tốt khoa học: nghiên cứu khoa học tốt và tham gia đào tạo được nhiều nhà khoa học giỏi. Nếu có kiến thức kinh doanh và làm ăn giỏi thì rất tốt. Kinh doanh và “máu” làm ăn không nhất thiết phải đặt ra cho mọi nhà khoa học. Nếu trong nghiên cứu và đào tạo của mình, nhà khoa học gắn được với ứng dụng hay hướng tới các ứng dụng thực tế thì đó là điều đáng trân trọng.

Ðược biết Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên là công ty “đầu lòng” thuộc Trường ÐHKHTN, ông có thể kể qua đôi nét?

Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên được thành lập giữa năm 2004 với bốn lĩnh vực kinh doanh sau đây: Dịch vụ khoa học kỹ thuật và đào tạo theo yêu cầu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên; Tư vấn, triển khai ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên; Kinh doanh các sản phẩm, các đề tài đã có kết quả ứng dụng; Kinh doanh vật tư, thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Hiện nay, Công ty có 1 xưởng sản xuất và 4 trung tâm.

Vậy trong những năm qua, Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên đã được chuyển giao thành công những kết quả nghiên cứu nổi bật nào?

Công ty đã ký kết hàng trăm hợp đồng dịch vụ khoa học, chuyển giao công nghệ với các đối tác như: Hợp đồng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ: công nghệ gốm sứ đổi màu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, xử lý nước thải ở Tổng công ty xăng dầu Hà Nội; dịch vụ khoa học công nghệ: đánh giá tác động môi trường ở Thái Nguyên, than Quảng Ninh; phân tích mẫu, xử lý môi trường ở điện Hải Phòng, Khu CN Vĩnh Yên, xây dựng bản đồ điện tử biển Vịnh Bắc Bộ, lập quy hoạch sinh thái vùng ở Quảng Ngãi; Tư vấn khoa học công nghệ: xử lý nước nhiễm asen, cải tạo thổ nhưỡng vùng ngập mặn, ngập cát ở Quảng Trị; Ðào tạo chuyên đề: địa chính, tin học, vệ sinh công nghệp; Sản xuất các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao: phần mềm tin học cho UBND tỉnh Nam Ðịnh, màng lọc xenlulo, gốm xốp lọc nước, gốm xốp chịu lửa cho ÐHBK Tp. Hồ Chí Minh…

Cảm ơn ông!

 

Ðể thúc đẩy quá trình chuyển giao tri thức từ trường đại học vào cuộc sống, chúng tôi đề xuất một số giải pháp:

1. Trên tầm vĩ mô, Chính phủ cần có chính sách cụ thể cho các hoạt động chuyển giao tri thức như:

- Ðặt hàng một số công nghệ (hoặc cải tiến công nghệ đã có) cho các đơn vị khoa học và đào tạo, hạn chế nhập khẩu công nghệ.

- Giảm thuế VAT, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ (Nghị định 80 của Chính phủ về Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ còn nhiều hạn chế).

- Ưu tiên các đề tài khoa học mang tính ứng dụng trong các khâu: đánh giá, chọn lựa, phân bổ kinh phí…

- Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ các trường đại học.

2. Về phần mình, các trường đại học chủ động liên kết với các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp… để chuyển giao tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ. Các mối quan hệ này cần được xây dựng trên cơ sở bình đẳng, hiểu biết lẫn nhau và làm lợi cho nhau.

3. Các trường đại học cần mạnh dạn khai thác tiềm năng chất xám và cơ sở vật chất của mình trong ứng dụng khoa học, chuyển giao tri thức.

4. Xây dựng các nhóm làm việc đủ mạnh để có thể giải quyết tốt và nhanh chóng các bài toán lớn của thực tế.

Với những giải pháp nêu trên, chúng tôi hy vọng rằng việc chuyển giao tri thức từ trường đại học vào cuộc sống sẽ trở nên thường xuyên hơn, hiệu quả hơn đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội và cho các trường đại học.

 Bài đã in trên Bản tin ĐHQGHN số 218/2009. Bùi Tuấn (thực hiện) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   |