Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Hội đồng ngành và liên ngành: tập trung trí tuệ định hướng cho sự phát triển đại học nghiên cứu
Ngày 18/6/2013, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ có buổi làm việc với các cố vấn khoa học của Giám đốc và chủ tịch Hội đồng ngành, liên ngành về định hướng phát triển khoa học - công nghệ ĐHQGHN giai đoạn 2013-2015.

Theo báo cáo đề dẫn của Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức, năm 2013, ĐHQGHN tiếp tục được bảng xếp hạng QS xếp trong nhóm 250 các trường đại học Châu Á. Để hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm 2011-2015 và sớm đạt trình độ của nhóm 200 của châu Á, góp sức đưa Việt Nam thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, ĐHQGHN cần phải kiên định với sứ mệnh phát triển đại học nghiên cứu; lấy KH&CN làm động lc phát triển để nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo và tạo ra nhiều sản phẩm KH&CN phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với phương châm đó, ĐHQGHN phải phát triển đồng bộ cả khoa học xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên, công nghệ và kỹ thuật, đặc biệt là các khoa học liên lĩnh vực. Khoa học - công nghệ phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của đất nước, nhưng cần được triển khai theo cách tiếp cận chuẩn quốc tế, đặc biệt về các phương pháp nghiên cứu và tiêu chí đánh giá. Các nghiên cứu ứng dụng và kết quả chuyển giao công nghệ của ĐHQGHN phải có tính khoa học cao và giá trị sở hữu trí tuệ lớn; sản phẩm KH&CN có thể tạo ra yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế tri thức.
Tại buổi làm việc GS.TSKH. Nguyễn Văn Mậu đã đánh giá chỉ mới sau gần 10 năm tiếp cận (từ 2006), mô hình đại học nghiên cứu của ĐHQGHN đã phát triển nhanh từ chỗ mới bắt đầu tìm hiểu khái niệm, nội hàm đến việc đầu tư, triển khai và đã đạt được các kết quả đáng khích lệ. Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục phát huy nghiên cứu cơ bản, cần tập trung đầu tư để mỗi năm chúng ta có 1-2 sản phẩm có thương hiệu hướng đến người sử dụng. GS.VS. Phan Huy Lê nhấn mạnh phát triển ĐHQGHN theo định hướng đại học nghiên cứu là hướng đi đúng đắn, có truyền thống từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Muốn đào tạo đại học tốt phải nghiên cứu tốt, không nghiên cứu tốt thì không thể có chất lượng đào tạo tốt. Vấn đề đặt ra là phải đánh giá đúng năng lực của ĐHQGHN, nhận thức đúng yêu cầu của xã hội và thời đại. Giáo sư cho rằng: ĐHQGHN có lịch sử lâu đời, được kế thừa di sản tri thức lớn, có đội ngũ khoa học mạnh nhất quốc gia, quan trọng nhất là có cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực với sự liên thông, liên kết chặt chẽ. ĐHQGHN muốn có sự phát triển bền vững mạnh mẽ phải bám sát cuộc sống, thực tiễn, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng và công bố các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trên trường quốc tế.
Quan tâm đến giải pháp thực hiện mục tiêu, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng cần phải có những giải pháp đột phá về cơ chế tổ chức, thanh toán, tài chính và thu hút nhân tài; cần đổi mới tư duy coi NCKH là một hoạt động thường xuyên, xác định thế mạnh của ĐHQGHN là liên ngành, tập trung nghiên cứu các vấn đề của Việt Nam, đặc biệt lĩnh vực KHXH&NV. Đặc biệt, ĐHQGHN phải vươn tầm là đơn vị có tư cách quốc gia, do đó trách nhiệm của ĐHQGHN không chỉ thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao mà còn là "bà đỡ" cho các hoạt động KHCN ngoài ĐHQGHN.
Đề cập đến việc lựa chọn và xác định các đề tài nghiên cứu, GS.TS. Bạch Thành Công cho rằng: các hội đồng ngành, các nhà khoa học cần phải tiếp xúc nhiều hơn nữa với thực tiễn, tổ chức các hội nghị để tiếp xúc các doanh nghiệp và địa phương từ đó nắm rõ được nhu cầu thực tiễn và định hướng các chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực của mình. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã trao đổi và đóng góp các ý kiến về phương hướng tổ chức các đơn vị theo mô hình đại học nghiên cứu và đánh giá cao chủ trương tổ chức các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp ĐHQG để hướng tới các sản phẩm KHCN hoàn chỉnh...
Kết luận buổi làm việc, Giám đốc Phùng Xuân Nhạ khẳng định: với sứ mệnh của mình ĐHQGHN phải phát triển thành trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước, là địa chỉ tin cậy cung cấp các luận cứ khoa học giúp Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách phát triển; cung cấp các giải pháp khoa học và công nghệ cho các địa phương và các tập đoàn kinh tế giải quyết các vấn đề thực tiễn. Nghiên cứu khoa học vừa là tâm huyết vừa là nhiệm vụ của các nhà khoa học, đồng thời là động lực và phương thức để nâng cao chất lượng đào tạo. KHCN là thế mạnh và là yếu tố cạnh tranh quan trọng, ĐHQGHN cần phải phát huy và khai thác lợi thế rất mạnh này.
Giám đốc đã chỉ đạo, quan điểm phát triển KHCN của ĐHQGHN là phát triển đồng bộ theo 4 nhóm lĩnh vực: khoa học xã hội và kinh tế, khoa học tự nhiên và khoa học sự sống, công nghệ và kỹ thuật và nhóm lĩnh vực liên ngành. Phương thức quản lý, tổ chức thực hiện cần phải phù hợp đặc thù của từng nhóm lĩnh vực đó theo cách tiếp cận đầu ra, đảm bảo nguyên tắc thực tiễn và hội nhập; cơ bản và trình độ cao; ứng dụng và chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp được thể hiện trong trình độ nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ cao, trong hàm lượng tri thức và yếu tố cạnh tranh của các kết quả nghiên cứu mà ĐHQGHN chuyển giao cho cộng đồng, hỗ trợ được được cộng đồng doanh nghiệp và địa phương gia tăng được giá trị và năng lực cạnh tranh. Nghiên cứu khoa học cơ bản vì vậy phải được tiếp tục đầu tư đúng tầm, để kết hợp được sức mạnh của các thế hệ các nhà khoa học, phát huy được sự sáng tạo của các nhà khoa học trẻ và hội nhập quốc tế một cách bình đẳng. Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng cần ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước, đóng góp trực tiếp các sản phẩm KHCN của mình vào đời sống xã hội. Đây là trách nhiệm của đại học đối với cộng đồng. Trước mắt, các nhà khoa học cần quan tâm tham gia thực hiện tốt Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước về phát triển bền vững Vùng Tây Bắc do ĐHQGHN chủ trì và các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, địa phương, đặc biệt với các đối tác chiến lược.
Theo Giám đốc, để nâng cao chất lượng và hiệu quả, hệ thống các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải được phân cấp mạnh hơn nữa thành nhóm từ đề tài cấp cơ sở, đề tài cấp ĐHQG và các chương trình nghiên cứu trọng điểm. Trong đó, chương trình nghiên cứu trọng điểm là chủ trương mới nhằm tích hợp một số đề tài, nhiệm vụ; tập hợp một số nhóm nghiên cứu mạnh để triển khai một số nhiệm vụ khoa học lớn, giải quyết trọn vẹn một số vấn đề, hướng tới các sản phẩm hoàn chỉnh, có thương hiệu. ĐHQGHN chủ trương tập trung ưu tiên cho các chương trình này. Việc xác định để hình thành các chương trình này cần phải được triển khai đúng và trúng, xứng tầm với nhiệm vụ trọng điểm của ĐHQGHN. Trong quá trình lựa chọn, ĐHQGHN sẽ phát huy dân chủ và trí tuệ của các nhà khoa học, trong đó đặc biệt có vai trò quan trọng của chuyên gia khoa học trong các hội đồng ngành/liên ngành. Các hội đồng ngành/liên ngành phải tham gia vào từ đầu, từ khâu xây dựng các tiêu chí xét chọn, đến việc xét chọn và theo dõi quá trình triển khai. Giám đốc đề nghị các hội đồng sớm tư vấn đề xuất tiêu chí xây dựng khung chương trình khả thi, sát thực để các nhà khoa học triển khai thực hiện.
Đối với vai trò của Hội đồng ngành, Giám đốc mong muốn, không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ tư vấn, Hội đồng cần được tăng cường chức năng giám sát, hỗ trợ Ban Giám đốc trong việc quản lý, giám sát đơn vị và các nhà khoa học triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã phê duyệt. Các hội đồng hiện nay đang được tổ chức theo cơ cấu mở, có sự kết hợp giữa các thế hệ, bao gồm cả các nhà khoa học tiền bối, các nhà khoa học trẻ. Sắp tới sẽ mở rộng thêm một số thành phần từ doanh nghiệp, thậm chí có cả các chuyên gia quốc tế. Các thành viên Hội đồng cần phát huy sự năng động, chủ động và mạnh dạn đề xuất các ý tưởng của mình để tư vấn cho Giám đốc. Theo Giám đốc, trong hoạt động tư vấn, cần có sự thông tin hai chiều giữa Hội đồng tư vấn và Ban Giám đốc. Không chỉ bằng kinh nghiệm của mình, các thành viên Hội đồng tư vấn sẽ được cập nhật các thông tin về sự phát triển khoa học công nghệ của ĐHQGHN và trong, ngoài nước. Để có kênh trao đổi thông tin chuyên nghiệp, ĐHQGHN sẽ tổ chức để mỗi Hội đồng có một nhà khoa học trẻ giúp Chủ tịch Hội đồng cập nhật thông tin và kết nối mạng lưới, đồng thời ĐHQGHN sẽ tạo điều kiện và nguồn lực thuận lợi khác để các Hội đồng tăng cường các hoạt động, đóng góp hiệu quả hơn nữa vào định hướng phát triển của ĐHQGHN.

 VH - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :