Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Phát huy cao nhất sự sáng tạo, năng động của các nhà khoa học trẻ
Chiều 6/8/2013, Giám đốc ĐHQGHN, kiêm Chủ tịch CLB nhà khoa học trẻ Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc làm việc với các thành viên.

Với chủ đề “Kinh nghiệm phát triển các nguồn lực cho hoạt động khoa học công nghệ”, hội nghị này là cơ hội cho các nhà khoa học trẻ lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm về sự hình thành và phát triển các dự án nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế; giới thiệu các kênh khai thác dự án, đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm trong và ngoài nước; trao đổi các đề xuất lên ĐHQGHN trong việc hỗ trợ các nhà khoa học trẻ.
PGS.TSKH Lưu Văn Bôi PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải PGS.TS Phạm Hồng Tung
Tại buổi làm việc, PGS.TSKH Lưu Văn Bôi – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, PGS.TS Phạm Hồng Tung – Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Ban Quản lý các dự án ĐHQGHN đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về quy trình hình thành và xây dựng các dự án nghiên cứu khoa học; quy trình xuất bản các bài báo khoa học; các lưu ý đối với từng công đoạn…
Tại hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ tuyên dương các đề xuất, đóng góp ý kiến để phát triển nghiên cứu khoa học tại ĐHQGHN. Giám đốc cho biết, ĐHQGHN luôn xác định rõ tầm quan trọng cũng như nhiệm vụ lớn lao trong việc xây dựng đề án bồi dưỡng thế hệ trẻ, giúp họ khẳng định tài năng đồng thời góp phần tăng vị thế của ĐHQGHN. Giám đốc Phùng Xuân Nhạ cho biết, sự thành lập CLB các nhà khoa học trẻ là một nhu cầu cấp thiết để gắn kết những tài năng trẻ, tạo môi trường học thuật và tự do sáng tạo để những tài năng này phát huy cao độ khả năng và niềm say mê, dấn thân trên con đường khoa học. Giám đốc nhấn mạnh, ĐHQGHN sẽ có những hỗ trợ, đãi ngộ cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học trẻ phát huy tính sáng tạo của mình.
Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cho các nhà khoa học trẻ trong thời gian tới như cập nhật, tiếp cận thông tin về các chương trình nghiên cứu trọng điểm; tham gia triển khai chương trình khoa học công nghệ Tây Bắc; khai thác các đối tác trong nước bao gồm các địa phương, đặc biệt ưu tiên thành phố Hà Nội; tìm kiếm và tăng cường hợp tác với một số đối tác chiến lược quốc tế…
Ngoài ra, Giám đốc ĐHQGHN đề nghị CLB các nhà khoa học trẻ nhanh chóng lựa chọn thành viên cho 5 tiểu nhóm trong chương trình khoa học công nghệ Tây Bắc gồm: tiểu nhóm vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, tai biến khí hậu (chủ yếu từ trường ĐH Khoa học Tự nhiên); tiểu nhóm KHXH&NV, chính trị, quốc phòng, an ninh (chủ yếu từ trường ĐH KHXH&NV); tiểu nhóm kinh tế, sinh kế (chủ yếu từ trường ĐH Kinh tế); tiểu nhóm công nghệ (chủ yếu từ trường ĐH Công nghệ); tiểu nhóm xác định nhu cầu đào tạo để chuyển giao, tăng cường năng lực đào tạo.
Cũng trong buổi làm việc, Ban Giám đốc ĐHQGHN đã cùng thảo luận các đề xuất được nêu ra đồng thời giải đáp thắc mắc của các nhà khoa học trẻ.
 
 

 Bình Vũ - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :