Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Vũ điệu của bầu trời năm 2014
Năm 2013 đã khép lại để lại sự luyến tiếc trong lòng những tín đồ của bầu trời khi bị tước đi cơ hội trăm năm có một được quan sát sao chổi thế kỉ ison. Nhưng bù lại, chúng ta cũng được thưởng thức những vũ điệu đáng nhớ của bầu trời như những trận sao băng đẹp mắt. Giờ thì chúng ta sẽ chờ đón năm 2014 với những hiện tượng thiên văn đẹp mắt sẽ diễn ra.

NGUYỆT THỰC

Năm 2014, cư dân thế giới sẽ chào đón 2 lần nguyệt thực. Lần nguyệt thực đầu tiên xảy ra vào ngày 15/4 là nguyệt thực toàn phần. Nguyệt thực lần này sẽ được quan sát trong một khu vực rộng lớn bao gồm châu Mỹ, một phần châu Âu và châu Phi, Úc, Thái Bình Dương và khu vực viễn đông của châu Á. Rất tiếc là Việt Nam không quan sát được hiện tượng này.

Lần nguyệt thực toàn phần thứ hai sẽ xảy ra vào ngày 8/10. Các khu vực như châu Mỹ, phần lớn châu Á (trong đó có Việt Nam), Thái Bình Dương, Úc đều quan sát được hiện tượng thú vị này.

NHẬT THỰC

Rất tiếc là cả hai lần nhật thực xảy ra trong năm 2014 người Việt Nam đều không có cơ hội quan sát được. Nhật thực đầu tiên của năm 2014 là nhật thực hình khuyên sẽ xảy ra vào ngày 29/4. Dải nhật thực sẽ kéo dài từ bờ biển Nam Phi, dọc theo châu Nam Cực và đến bờ biển phía Đông của nước Úc. Nếu những ai có cơ hội đặt chân đến Nam Cực vào thời điểm này sẽ chứng kiến một cảnh tượng hùng vĩ: một chiếc nhẫn khổng lồ màu đỏ hiện ra ở sát đường chân trời trong khi xung quanh tràn ngập màu đỏ cam bởi ánh sáng phản xạ trên các núi băng trắng muốt.

Trong khi lần nhật thực đầu tiên của năm 2014 xảy ra ở Nam bán cầu thì lần nhật thực thứ hai lại chỉ dành cho những cư dân sống ở một số khu vực Bắc bán cầu. Đây là nhật thực một phần xảy ra vào ngày 23/10 và sẽ quan sát được tại những vùng ở Bắc và Trung của châu Mỹ. Bên cạnh đó, những vùng viễn đông của nước Nga cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng hiện tượng này.

NHỮNG NGƯỜI ANH EM TRONG HỆ MẶT TRỜI

Những người yêu thiên văn hãy chuẩn bị cho mình những chiếc kính thiên văn có thể để chiêm ngưỡng những người anh em của Trái đất trong gia đình Hệ mặt trời mỗi khi những hành tinh này và Trái đất ở khoảng cách gần nhau nhất trong năm.

Ngày 5/1, người anh cả trong Hệ mặt trời là sao Mộc và Trái đất sẽ ở khoảng cách gần nhau nhất trong năm. Hành tinh khí khổng lồ này rất dễ nhận ra bằng mắt thường và chỉ cần một chiếc kính thiên văn có độ phóng đại trung bình là chúng ta có thể nhận thấy hình dạng tròn cùng một số vệt sẫm màu chạy song song trên bề mặt hành tinh này. Và đặc biệt, các bạn có thể quan sát và chụp ảnh 4 vệ tinh nổi tiếng của hành tinh này là Io, Europa, Ganymede và Callisto. Quan sát trong một đêm các bạn sẽ thấy các vệ tinh này thay đổi vị trí khi chúng chuyển động trên quỹ đạo xung quanh sao Mộc.

Hành tinh được mệnh danh là vị thần của chiến tranh, Sao Hỏa, cũng sẽ di chuyển trên quỹ đạo đến điểm gần Trái đất trong năm và đây là cơ hội để chúng ta khám phá hành tinh này với chiếc kính thiên văn phổ thông. Ngôi sao sáng màu đỏ lửa nổi bật trên bầu trời đêm là đặc điểm để nhận ra hành tinh này. Với chiếc kính thiên văn có độ phóng đại trung bình, bạn có thể nhín thấy Sao Hỏa hiện ra như một hạt ngô tròn. Với những chiếc kính thiên văn lớn hơn, được trang bị CCD hay máy ảnh chuyên dụng, chúng ta có thể ghi nhận được một số đặc điểm địa hình trên bề mặt hành tinh này như các vùng sáng tối, hay các chỏm băng màu trắng ở hai cực của hành tinh. Sao Hỏa luôn là mục tiêu thú vị của con người trên con đường chinh phục vũ trụ bởi hành tinh này có khá nhiều điểm tương đồng với Trái đất về điều kiện lý, hóa. Các nhà khoa học vẫn đang trong cuộc truy tìm sự sống trên hành tinh này.

Một điều thú vị nữa sẽ đến với chúng ta đó là vào ngày 10/5,cô nàng duyên dáng Sao Thổ và Trái đất cũng ở khoảng cách gần nhau nhất trong năm. Hãy chuẩn bị một chiếc kính thiên văn để chiêm ngưỡng những vệ tinh sáng nhất của hành tinh này như Titan.

Tiếp theo, hai hành tinh mang tên những vị thần nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp là Hải Vương và Thiên Vương cũng sẽ ở khoảng cách gần nhất với Trái đất trong năm – Sao Hải Vương vào ngày 29/8, còn sao Thiên Vương vào ngày 7/10. Tuy nhiên, để quan sát được hai hành tinh vốn ít khi chúng ta được quan sát trực tiếp thì cần phải trang bị những chiếc kính thiên văn tương đối lớn. Với sự hỗ trợ của những chiếc kính thiên văn thì hai hành tinh này cũng chỉ hiện ra như một chấm sáng nhỏ. Nhưng dù sao cũng rất thú vị vì được trực tiếp nhìn thấy những gì mà chúng ta ít có cơ hội được chiêm ngưỡng.

NHỮNG CHIẾC CHỔI TRÊN BẦU TRỜI

Sau nỗi thất vọng khi thấp thỏm chờ đợi sao chổi thế kỉ ISON tan biến, chúng ta lại tìm được niềm hứng khởi mới chờ đón một năm mới tới với những sao chổi đẹp mắt. Mặc dù sẽ có rất nhiều sao chổi sẽ di chuyển đến vị trí gần nhất trong năm 2014 và trong số đó có những sao chổi chúng ta có thể quan sát được bằng ống nhòm hoặc một chiếc kính thiên văn nhỏ. Vì vậy, chúng ta hãy chờ đợi những sao chổi tương đối sáng sau đây khi chúng tiến đến vị trí gần Mặt trời nhất: tháng 3: 2012 K1 (PanSTARRS), tháng 5: 209P / LINEAR, tháng 9: 2013 A1 (Siding Spring), tháng 12: 5P/Finlay.

NHỮNG VŨ ĐIỆU CỦA BẦU TRỜI

Những trận mưa sao băng đẹp mắt sẽ luôn là điều được các “fan” thiên văn chờ đợi trong năm. Không chỉ có người Việt Nam mà các cư dân trên thế giới đều có cơ hội được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn thú vị này. Nguồn gốc của những trận mưa sao băng là do Trái đất của chúng ta đi vào đám bụi thường là tàn dư của những sao chổi. Những hạt bụi nhỏ lao và o bầ u khí quyể n với vận tốc rất lớn khoảng 30 - 50 km/s, tạ o ra cá c só ng xung kí ch, né n cá c phầ n tử không khí phí a trướ c là m cho nhiệ t độ cao đế n hà ng nghì n độ và bị bốc cháy tạo ra những vệt sáng ở độ cao 60 -100 km. Người ta gọi những vệt sáng nhỏ ấy là sao băng.

Đến hẹn lại lên, gần một chục trận mưa sao băng rực rỡ nhất cùng những trận mưa sao băng khác là những điểm nhấn nổi bật của bầu trời năm 2013. Có thể kể đến những trận mưa sao băng lớn như: mưa sao băng Quadrantids đạt cực đại vào đêm 2, rạng sáng 3/1 với số sao băng dự đoán là 40 vệt/giờ; mưa sao băng Anh Tiên (Perseids) đạt cực đại vào đêm 12, rạng sáng 13/8 với số sao băng dự đoán là 60 vệt/giờ; mưa sao băng Tráng Sĩ (Orionids) đạt cực đại vào đêm 22, rạng sáng 23/10 với số sao băng dự đoán là 20 vệt/giờ; mưa sao băng Song Tử (Geminids) đạt cực đại vào đêm 13, rạng sáng 14/12 với số sao băng dự đoán là 120 vệt/giờ. Điều đáng chú ý là trận mưa sao băng với nhiều màu sắc và được mệnh danh là vua của những trận mưa sao băng.

 

 Nguyễn Đức Phường
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :