Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Làm chủ công nghệ thiết kế hệ thống tự động hoá
Từ một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng - Phó Chủ nhiệm thường trực Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hoá (Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN) cùng các cộng sự đã nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống 30 sản phẩm tự động hoá lắp cho nhà cao tầng, biệt thự. Nhân dịp này, phóng viên website ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Mạnh Thắng để tìm hiểu về “Hệ thống cửa tự động lắp cho biệt thự” - sản phẩm tiêu biểu trong hệ thống 30 sản phẩm KHCN trên.

- Xin Phó Giáo sư cho biết xuất phát từ đâu mà ông cùng các cộng sự tập trung vào hướng nghiên cứu về tự động hoá?
Trước đây, các toà nhà chúng ta xây dựng chưa được trang bị hệ thống tự động hoá. Những năm trở lại đây, cùng với xu hướng phát triển của thế giới, các thiết bị tự động hoá đã được ứng dụng ở nhiều nước tiên tiến. Nhờ đó, chúng ta đã có thể điều khiển các thiết bị từ xa qua điện thoại di động hoặc giám sát trạng thái các thiết bị trong nhà cũng như hệ thống cửa tự động, giúp tăng tính tiện nghi cho người sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các trang thiết bị chúng ta đều phải nhập ngoại, chính vì thế, giá thành của những thiết bị này còn cao và công đoạn bảo trì, bảo dưỡng cũng rất phức tạp.
Xu hướng tất yếu khi xã hội phát triển đòi hỏi chúng ta phải làm chủ công nghệ. Do đó, tôi cùng PGS.TS. Trần Quang Vinh (Trưởng phòng thí nghiệm SIS – Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN), TS. Jung Seung Chul (tình nguyện viên người Hàn Quốc tại Việt Nam) và nhóm nghiên cứu đã đặt ra tiêu chí làm chủ công nghệ kể cả phần cứng và phần mềm, tức là thiết kế, chế tạo các bo mạch điện tử, lập trình nhúng cho những bo mạch ấy và hoàn thiện sản phẩm, tiến tới thương mại hoá cho các sản phẩm KHCN, giống như tôn chỉ chung của ĐHQGHN.
Hiện tại, các sản phẩm đã được hoàn thiện ở mức độ công nghệ, đã trải qua công đoạn chạy thử và được ứng dụng ở nhiều nơi. Một số căn hộ chung cư cũng như biệt thự đã được lắp đặt những thiết bị này.
- Sản phẩm trên có công nghệ đột phá gì, thưa Phó Giáo sư?
Các sản phẩm hiện nay trên thị trường đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Hệ thống tự động hoá lắp cho các biệt thự được chúng tôi thiết kế, chế tạo từ những vật liệu, linh kiện có mặt trên thị trường Việt Nam. Đó là công sức của cả nhóm nghiên cứu trong đó có cả các em sinh viên. Động cơ có thể được nhập ngoại, tuy nhiên tất cả những bộ điều khiển như: hệ thống điều khiển trung tâm, hệ thống đo lường, điều khiển thiết bị chấp hành, module truyền thông đều do chúng tôi tự thiết kế, chế tạo. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đã làm chủ được công nghệ. Chính vì thế, giá thành của các bộ điều khiển này chỉ bằng 50% so với các thiết bị nhập ngoại. Đây cũng là một trong những hướng đi phù hợp với xu hướng ngành Tự động hóa của Việt Nam đó là từng bước làm chủ công nghệ, xây dựng từ các phân hệ đến hệ thống tự động hóa tích hợp quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
- Xin Phó Giáo sư cho biết công trình này có ý nghĩa như thế nào đối với thực tiễn?
Sản phẩm “Hệ thống cửa tự động hoá lắp cho biệt thự” là một trong 30 sản phẩm nằm trong đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước KC03.12 “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các cấu kiện và hệ thống thiết bị tự động hoá cho nhà cao tầng” đã được trưng bày tại Hội chợ công nghiệp Techmart năm 2012. Nghiên cứu, chế tạo thành công sản phẩm là minh chứng rõ nhất cho việc từng bước làm chủ được công nghệ thiết kế hệ thống tự động hoá thành phần trong hệ thống tổng thể là tự động hoá toà nhà. Từ đó, chúng ta có thể nhân rộng mô hình này, tiến tới sản xuất đại trà và giúp giảm giá thành sản phẩm, đồng thời cũng dễ dàng hơn trong việc bảo hành, bảo trì, lắp đặt mà không phải phụ thuộc vào nước ngoài.
- Trong quá trình triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã gặp những khó khăn và thuận lợi gì ?
Nhóm nghiên cứu gồm những cán bộ, nhà khoa học trẻ cùng với lực lượng kỹ sư hùng hậu, có chuyên môn và say mê nghiên cứu nên đã thiết kế, chế tạo được những sản phẩm gần như hoàn thiện. Tuy nhiên, do xu hướng chung của nền kinh tế thế giới cũng như các nhà nghiên cứu thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nên việc liên kết với doanh nghiệp vẫn có những hạn chế. Kế hoạch triển khai quảng bá, hoàn thiện sản phẩm ở mức thương mại hoá còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện sản phẩm về mẫu mã cũng như các điều kiện cần thiết để chuyển giao công nghệ, hướng đến thương mại hoá sản phẩm.
- Phó Giáo sư vừa nhắc tới kế hoạch thương mại hoá sản phẩm, vậy xin ông nói rõ hơn về dự định này?
Mục đính cuối cùng của nhóm nghiên cứu là phải tạo ra được sản phẩm theo nhu cầu của xã hội, của người tiêu dùng. Vì vậy nhiệm vụ đặt ra là làm sao phải tối ưu hóa giá thành sản phẩm, trong khi các đặc tính kỹ thuật cũng như hình thức, mẫu mã sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của người tiêu dùng. Hiện nay chúng tôi cũng đang có các buổi làm việc với một số doanh nghiệp tiềm năng để bàn về phương án phối hợp đưa các kết quả nghiên cứu vào doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm ở quy mô đại trà.
- Xin cảm ơn Phó Giáo sư!

 Thiên Bình - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :