Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước "Lịch sử Việt Nam"
Ngày 4/4/2006, Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước do PGS. TS. Trần Đức Cường làm chủ tịch đã họp tại Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN để nghiệm thu đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước "Lịch sử Việt Nam"

Đề tài do PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN làm chủ nhiệm đề tài. Trường ĐHKHXH&NV là cơ quan chủ trì. Đề tài thực hiện trong 5 năm (2001-2005).

Hội nghị đã nghe PGS. TS. Nguyễn Quang Ngọc, chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tổng kết quá trình thực hiện và những kết quả chính của đề tài.

Sản phẩm chính của đề tài là bộ sách Lịch sử Việt Nam gồm 4 tập, chia làm 13 phần, 46 chương, gồm 2572 trang viết và 411 bản đồ, ảnh. Tập một: Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIV và tập hai: Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX do GS. Phan Huy Lê chủ biên. Tập ba: Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1945 do GS. Đinh Xuân Lâm chủ biên. Tập bốn: Lịch sử Việt Nam từ 1945 đến 2000 do PGS. Lê Mậu Hãn chủ biên.

Những nội dung chính đã triển khai trong quá trình thực hiện đề tài gồm:

- Tổ chức các hội thảo, tạo đàm, seminar về Lịch sử vương quốc Chămpa, Vùng đất phía Nam trong lịch sử Việt Nam, hội thảo về tư tưởng chủ đạo và nguyên tắc biên soạn bộ sách Lịch sử Việt Nam, hội thảo Lãnh thổ miền Trung và miền Nam, các nền văn hoá văn minh, các vương quốc cổ và quá trình khai phá của người Việt, tọa đàm về kinh nghiệm và phương pháp biên soạn bộ sách Lịch sử Việt Nam, tọa đàm Những vấn đề về lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại

- Nghiên cứu, khảo sát nhiều đợt tại nhiều địa danh phía Bắc và Nam đất nước.

- Sưu tầm, dịch thuật 500 trang tài liệu chữ Hán cổ và chữ Trung Quốc hiện đại, 200 trang tư liệu chữ Nhật Bản cổ, 535 trang tư liệu tiếng Anh, 505 trang tư liệu tiếng Pháp.

- Các sản phẩm, các kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng gồm: 15 bài báo khoa học tham gia hội thảo và đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước; nghiên cứu, xuất bản 12 cuốn sách (Địa bạ Hà Nội; Gia phả Việt Nam; Lịch sử vương quốc Chămpa; Vương quốc Phù Nam: lịch sử và văn hoá; Cơ cấu kinh tế - xã hội Việt Nam thời thuộc địa; Việt Nam Quốc dân Đảng; Chính sách quân điền năm 1839 ở Bình Định qua tư liệu địa bạ; Địa chí Nam Định; Mấy vấn đề về văn hoá làng xã Việt Nam trong lịch sử); nghiên cứu, hoàn thành 7 cuốn sách khác nhưng chưa xuất bản; biên soạn, chỉnh sửa, tái bản 7 cuốn sách giáo khoa, giáo trình các cấp.

- Tổng hợp và xây dưng các chuyên đề nghiên cứu theo các mảng vấn đề: Quá trình hình thành cộng đồng dân tộc Việt Nam: vai trò của cộng đồng các dân tộc trong tiến trình lịch sử đất nước; Lãnh thổ miền Trung và miền Nam: các nền văn hóa, văn minh, các vương quốc cổ và quá trình khai phá của người Việt; Kinh tế - xã hội Việt Nam thời cận - hiện đại; Một số thành tựu của thời kỳ đổi mới; Những nghiên cứu mới về Thăng Long - Hà Nội.

Sau khi thảo luận, Hội đồng nghiệm thu nhất trí đánh giá công trình nghiên cứu Lịch sử Việt Nam đạt loại xuất sắc, đạt số điểm 92,5/100 và khẳng định: So với các bộ sách về lịch sử Việt Nam đã được xuất bản, đây là bộ sách đầu tiên nghiên cứu và trình bày lịch sử Việt Nam một cách đầy đủ, toàn diện, trong phạm vi toàn quốc và trong suốt tiến trình lịch sử từ nguồn gốc cho đến năm 2000 theo một hệ thống những quan điểm nhất quán, cập nhật những thành tựu và phương pháp nghiên cứu mới.

Nhận xét về công trình này, PGS.TS Võ Văn Sen (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) đã viết: "Công trình Lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại, đặc biệt là tập III liên quan đến thời kỳ 1858 đến 1945 là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, đồ sộ, phản ánh những thành tựu nghiên cứu trên nửa thế kỷ qua của nền sử học mác xít Việt Nam cũng như những nghiên cứu của thế giới về lịch sử Việt Nam… Công trình không chỉ có những đóng góp khoa học mới về tư liệu, mà còn có những đóng góp lớn về nội dung, cung cấp nhiều luận giải khoa học, trả lời thuyết phục nhiều câu hỏi lớn của lịch sử Việt Nam…". Đây là "một công trình về lịch sử Việt Nam có tính bước ngoặt đối với sự phát triển của sử học nước nhà".

 Hiện nay, Nhà xuất bản Thế giới đã đề nghị trên cơ sở bản thảo 4 tập Lịch sử Việt Nam, tổ chức rút gọn lại trong một tập (600 trang) để dịch ra tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác, phục vụ nhu cầu học tập và tìm hiểu về lịch sử Việt Nam của người nước ngoài. Chủ nhiệm đề tài cùng các cộng tác viên tham gia đề tài cũng chính thức đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư kinh phí để chuyển các dữ liệu sang đĩa CD-ROM và đưa toàn bộ nội dung bộ sách này lên mạng Internet.

 Tin: Hà Lê - Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :