Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Hội thảo khoa học về các giải pháp công nghệ và quản lý trong thu trữ, xử lý nước mưa, nước mặt phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc
Tây Bắc là địa bàn sinh sống của 11,6 triệu người thuộc hơn 30 dân tộc anh em, được thiên nhiên ưu đãi với những nguồn tài nguyên phong phú dồi dào. Song, đáng nói, chỉ có trung bình 65% số hộ dân được tiếp cận với nguồn nước đạt tiêu chuẩn phục vụ sinh hoạt và ăn uống. Chính vì vậy, việc tìm kiếm những giải pháp để thu trữ, xử lý các nguồn nước tự nhiên để phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc là một vấn đề cấp thiết đặt ra trong tiến trình phát triển bền vững của khu vực này.

Trong số những nghiên cứu đặt ra nhằm giải quyết vấn đề trên, đề tài nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ và quản lý trong thu trữ nước mưa và nước mặt phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì là một đề tài tiềm năng, nhận được sự quan tâm của địa phương và sự hưởng ứng của các nhà khoa học trong lĩnh vực này. Đề tài thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ Trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013 – 2018 “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”. Mục tiêu của đề tài là đề xuất được các giải pháp công nghệ phục vụ thu, trữ, xử lý nguồn nước mưa, nước mặt phù hợp với điều kiện địa phương để phục vụ dân sinh; xây dựng được các mô hình quản lý các hệ thống cấp nước theo hướng bền vững; áp dụng mô hình thử nghiệm và đề xuất giải pháp nhân rộng. Đề tài được thực hiện từ tháng 5/2017 đến tháng 12/2018.

Trong khuôn khổ đề tài, ngày 15/3/2019, tại tỉnh Bắc Kạn, ĐHQGHN – đơn vị chủ quản đề tài và Văn phòng Chương trình Tây Bắc đã phối hợp cùng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội thảo khoa học về các giải pháp công nghệ và quản lý trong thu trữ, xử lý nước mưa, nước mặt phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc.

Hội thảo Khoa học về các giải pháp công nghệ và quản lý trong thu trữ, xử lý nước mưa, nước mặt phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận về những tham luận của các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Trong đó, TS. Nguyễn Hồng Trường thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã trình bày những nét chung nhất về thực trạng công trình thu trữ nước phục vụ dân sinh vùng Tây Bắc và định hướng giải pháp nâng cao hiệu quả công trình.

Theo đó, kết quả điều tra của nhóm đề tài cho thấy tỷ lệ cấp nước hợp vệ sinh trung bình tại 6 tỉnh là Bắc Kạn, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Tuyên Quang chỉ là 65%, trong khi đó, bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được ban hành theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là 90% số hộ phải được sử dụng nước hợp vệ sinh. Hiện nay, các tỉnh Tây Bắc tồn tại nhiều loại hình công trình thu, trữ phục vụ dân sinh như cấp nước tự chảy bằng hệ thống bể, cấp nước tự chảy bằng hệ thống hồ chứa hoặc đập dâng, hồ treo, bể nước mưa, lu, téc và bi chứa nước. Các công trình này đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, hiệu quả đem lại chưa thực sự cao. Chính vì vậy, TS. Nguyễn Hồng Trường đề xuất cần có sự đầu tư đồng bộ về các dự án thu, trữ, xử lý nước đã phục vụ sinh hoạt cho các đối tượng sử dụng khác nhau đảm bảo theo tiêu chuẩn nước sinh hoạt; lựa chọn loại hình công trình thu trữ phù hợp với điều kiện tự nhiên và hạ tầng sẵn có của địa phương; lựa chọn vật liệu cấu thành ngay tại bản địa để dễ áp dụng và nhận rộng.

Các đại biểu trình bày tham luận trong Hội thảo

Các tham luận còn lại trong Hội thảo xoay quanh việc nghiên cứu áp dụng các giải pháp thu trữ nước từ các nguồn tự nhiên, đồng thời đề xuất các công nghệ xử lý, quản lý nguồn cấp nước sinh hoạt cho các hộ gia đình, tổ chức và cụm dân cư trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Các nghiên cứu này đã được triển khai thành các mô hình thử nghiệm ngay tại các khu dân cư và trường học trên địa bàn và bước đầu đã cho thấy những kết quả khả quan và khác biệt so với các phương pháp truyền thống.

Mô hình thu trữ, xử lý nguồn nước mưa tại cụm dân cư ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn

Bà Vũ Thị Hiên, Hiệu trưởng trường mầm non Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Trước đây nhà trường rất khó khăn vì nguồn nước trên núi lấy về khan hiếm vào mua khô, sau đó nhà trường phải mua của dân gần 10 năm. Sau khi được Viện Khoa học thủy lợi cung cấp mô hình thử nghiệm, chúng tôi đã có nguồn nước ổn định, tiết kiệm chi phí và hợp vệ sinh”

Mô hình thu trữ, xử lý nguồn nước mưa tại trường mầm non Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn

Ông Hà Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở NN&PT Nông thông tỉnh Bắc Kạn đánh giá “95% dân số vùng nông thôn tại tỉnh Bắc Kạn đã được cấp nước sinh hoạt, tuy nhiên, các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng từ lâu và chưa được ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nên tiêu chuẩn nước chưa cao. Chính vì vậy, việc tích trữ và xử lý nguồn nước bằng cách tiến bộ khoa học, kỹ thuật là hết sức cần thiết để thích ứng với tình trạng khan hiếm nước sạch do biến đổi khí hậu và trước mắt là để phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân”

Các đại biểu tham dự Hội thảo

>>> Các tin bài liên quan:

Thông tin về Chương trình KH&CN cấp Nhà nước Phát triển bền vững vùng Tây bắc

Chương trình Tây Bắc: Nhiều đề tài triển khai tại Lào Cai có tác động tốt đến hoạch định chính chính sách của tỉnh

Chương trình Tây Bắc: Ứng dụng công nghệ lấy nước kiểu ngầm cho tỉnh Lào Cai

Chương trình Tây Bắc: Cây Macca và những triển vọng chế biến sâu

 

 

 Thùy Trang - Ảnh: Ngọc Tùng - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :