Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Khởi sắc hoạt động nghiên cứu cơ bản
Chương trình nghiên cứu cơ bản (NCCB) trong khoa học tự nhiên, giai đoạn 2001- 2005, do cố GS, VS Nguyễn Văn Ðạo làm chủ nhiệm đã đạt được các mục tiêu đề ra.

Nhiều kết quả của chương trình đạt trình độ quốc tế, được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước và quốc tế, hoạt động nghiên cứu cơ bản khởi sắc tạo tiền đề cho nghiên cứu triển khai phát triển.

Chương trình NCCB trong lĩnh vực khoa học tự nhiên giai đoạn 2001- 2005 là chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Chương trình có nhiệm vụ NCCB có định hướng trong lĩnh vực toán học, tin học, cơ học, vật lý học, hóa học, khoa học sự sống và các khoa học về trái đất; góp phần phát triển khoa học và công nghệ, tạo cơ sở cho các nghiên cứu ứng dụng phát triển; sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý; góp phần nâng cao trình độ của cán bộ khoa học và công nghệ (KH và CN).

Bắt đầu từ giai đoạn 2001- 2003, nhờ có các đề tài trọng điểm mà các hoạt động khoa học ngành toán những năm qua đã trở nên phong phú, đa dạng và góp phần nâng cao chất lượng các nghiên cứu về toán và tập hợp lực lượng nghiên cứu vào các hướng nghiên cứu trọng điểm khác nhau.

Giai đoạn 1996 - 2000 có thể xem là giai đoạn hồi phục của ngành vật lý nước ta. Giai đoạn 2001- 2005 được xem là giai đoạn chấn hưng để tạo đà cho sự phát triển của ngành vật lý. Trong một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản (tuy quy mô còn nhỏ bé) của vật lý lý thuyết và thực nghiệm, năm năm qua ngành vật lý nước ta đã vươn lên đạt được kết quả đáng khích lệ.

GS. Nguyễn Văn Đạo là người khởi xướng nhiều hướng nghiên cứu công nghệ cơ bản mũi nhọn.

Nổi bật nhất là những kết quả nghiên cứu thực nghiệm về các vật liệu từ tính. Các nhà khoa học đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu các quá trình và hiệu ứng vật lý trong các vật liệu từ tính mới đạt trình độ quốc tế, tiếp cận với công nghệ vật liệu từ tính cấu trúc na-nô.

Ðến nay, ở trong nước đã hình thành một số tập thể khoa học mạnh về các vật liệu từ tính như Viện Khoa học Vật liệu, Viện KH và CN Việt Nam, Trường đại học Khoa học Tự nhiên và Ðại học Công nghệ thuộc Ðại học Quốc gia Hà Nội, Viện Vật lý kỹ thuật (bao gồm cả Trung tâm quốc tế Ðào tạo về Khoa học Vật liệu, ITIMS), Ðại học Bách khoa Hà Nội.

Những kết quả đạt được của ngành khoa học sự sống là rất đáng kể. Có 134 công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế, 648 công trình công bố trên các tạp chí trong nước, 116 báo cáo khoa học đã được trình bày trong các hội nghị quốc tế, có giá trị lớn về lý thuyết cơ bản không thể thay thế trên các sinh vật nước ta. Nhiều loài mới đã được phát hiện cho hệ động vật và thực vật nước ta và cho khoa học, nhiều tên khoa học đã được hiệu chỉnh. Không chỉ trong sinh học mà cả trong khoa học nông nghiệp và y học, nhiều vấn đề cơ bản mang tính ứng dụng cũng gần như lần đầu được đề cập. 14 hội nghị và hội thảo khoa học quốc gia đã được tổ chức hay hỗ trợ tổ chức.

72 cuốn sách chuyên khảo về các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tham gia chương trình đã được Hội đồng Khoa học Tự nhiên tài trợ xuất bản là những đóng góp lớn cho nghiên cứu và đào tạo. Ngoài ra, còn phải kể đến rất nhiều sách chuyên khảo khác về những vấn đề nghiên cứu của các đề tài được xuất bản với các nguồn kinh phí khác, trong số đó phải kể đến cuốn "Slipper Orchids of Vietnam. With an introduction to the flora of Vietnam" của các tác giả Phan Kế Lộc, Nguyễn Tiến Hiệp, L.A-vê-ry-a-nốp và Phi-líp Crip do Vườn thực vật hoàng gia Kew xuất bản năm 2003. Cuốn sách được đánh giá là ấn phẩm hàng đầu thế giới năm 2003 trong lĩnh vực thực vật học và nông nghiệp.

Một phiên họp thường kỳ của Hội đồng Khoa học Tự nhiên

Kết quả nghiên cứu của ngành khoa học sự sống đã đạt được là rõ ràng. Việc kiểm kê nguồn tài nguyên sinh vật là công việc lâu dài và rất cần thiết để biết được nguồn dự trữ và biết được phải bảo tồn cái gì trước khi nó có thể mất đi. Các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên sẽ có những dẫn liệu quý, không mất tiền đầu tư mà có được danh mục tài nguyên mình quản lý. Những dữ liệu mà vừa qua các đề tài thu nhập được đã bổ sung cho Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Thực vật chí và động vật chí sẽ sử dụng những dẫn liệu về nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực tương ứng.

Trong nông nghiệp là vấn đề về giống gia súc, gia cầm, vấn đề năng suất, phòng chống sâu bệnh, tính chống chịu với các điều kiện môi trường... đều liên quan với các kết quả của những nghiên cứu cơ bản. Trong y học, các kết quả cũng có những ý nghĩa trong việc chẩn đoán và đề phòng các bệnh hiểm nghèo, tìm kiếm các dược liệu trong nguồn tài nguyên đất nước.

Nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ na-nô là hướng nghiên cứu mới được thành lập cách đây hai năm (2004- 2005) với mục đích xây dựng và triển khai nghiên cứu một số đề tài quy mô lớn mang tính chất liên ngành về vật lý, hóa học, y - sinh học, điện tử, công nghệ... mà hiện nay đang phát triển hết sức mạnh mẽ trên thế giới.

GS. Nguyễn Văn Hiệu với nỗ lực thúc đẩy phát triển nghiên cứu công nghệ nano tại Việt Nam

Một số kết quả khoa học công nghệ có giá trị đã được nghiên cứu thành công: chế tạo thành công một số hệ na-nô tinh thể bán dẫn họ AIIBVI, các la-ze vi cầu, vật liệu dẫn sóng phẳng có khả năng ứng dụng trong công nghệ quang tử hiện đại và kỹ thuật đánh dấu. Ðã chế tạo thành công cấu trúc các na-nô hình dây, thanh, băng, ống, đĩa của các ô-xít và bán dẫn II-VI bằng phương pháp bay bốc nhiệt; màng kim cương na-nô bằng phương pháp HFCVD và bằng phương pháp CVD.

Ngoài các kết quả về mặt khoa học nói trên, hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ na-nô đã tạo cơ sở cho các nhà khoa học Việt Nam có tiếng nói trên diễn đàn khoa học quốc tế, cũng như mở rộng mối quan hệ hợp tác. Thí dụ như Diễn đàn Công nghệ na-nô châu Á - Thái Bình Dương, một số nhà khoa học của Việt Nam đã được ban tổ chức quan tâm mời làm chủ tịch một số chủ đề.

Trong năm năm triển khai, chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên đã tập hợp được hàng nghìn cán bộ KH và CN của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu thuộc 17 bộ, ngành từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Nguyên... để triển khai nghiên cứu 1.622 đề tài với tổng kinh phí gần 162 tỷ đồng. Số lượng các đề tài tập trung chủ yếu ở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ðại học quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hội đồng Toán đã tập hợp 200 nhà toán học của cả nước tham gia. Hội đồng Khoa học sự sống đã huy động được đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ từ 17 viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu của tám bộ, ngành khác nhau, tám trường đại học và hai đại học quốc gia.

Trong giai đoạn 2001- 2005, các nhà khoa học tham gia chương trình đã công bố các công trình khoa học thông qua việc đăng hơn 1.300 bài trên các tạp chí nước ngoài, nhất là các tạp chí chuyên ngành nổi tiếng và hơn 1.500 báo cáo trong các hội nghị khoa học quốc tế. Kết quả này đã nâng uy tín của các nhà khoa học nước ta trên thế giới.

Trong quá trình thực hiện các đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, các nhà khoa học kiến nghị các cấp có thẩm quyền nên hoàn chỉnh quy trình xét cấp kinh phí và quản lý kinh phí theo kiểu Quỹ NCCB ở các nước. Những vấn đề NCCB lớn quan trọng, sau khi được các nhà khoa học đề xuất, nên tổ chức đấu thầu và giao nhiệm vụ, đề tài nào đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tập hợp được lực lượng nghiên cứu sẽ được giao. Nên phân ra nhiều loại đề tài với các mức kinh phí khác nhau, trong đó có loại ưu tiên cho các nhà khoa học trẻ.

Các nhà khoa học hy vọng khi các kiến nghị nói trên được đáp ứng, kết quả của các đề tài NCCB lĩnh vực khoa học tự nhiên sẽ ngày càng bám sát thực tế, tạo tiền đề thuận lợi cho nghiên cứu triển khai phát triển.

 (Theo Nhân dân, ngày 8/5/2007)
Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :