Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
VinaREN, một hạ tầng thiết yếu cho nghiên cứu và đào tạo
Hội nghị mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam VinaREN lần thứ IV đã được Bộ KH&CN tổ chức ngày 20/3/2009 tại Hà Nội. Gần 50 báo cáo, tham luận từ các đơn vị đào tạo, nghiên cứu trong cả nước đã được gửi đăng trong kỷ yếu của hội nghị.

PGS.TS Phạm Trọng Quát - Phó giám đốc ĐHQGHN cùng các nhà khoa học về CNTT đã tham dự hội nghị.

Diễn văn khai mạc của TS. Trần Quốc Thắng - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Chỉ đạo VinaREN đã khẳng định: “Kể từ tháng 3/2008 khi VinaREN được chính thức khai trương ở quy mô toàn quốc, sau 1 năm hoạt động, VinaREN đã và đang trở thành một mạng tiên tiến trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo ở nước ta, một thành viên tích cực và trách nhiệm trong cộng đồng Mạng Thông tin xuyên Á - Âu (TEIN2) và mạng tiên tiến Châu Á - Thái Bình Dương (APAN)... Nhiều mạng thành viên đã chủ động và tích cực triển khai các ứng dụng cũng như tiện ích của VinaREN trong đó phải kể đến ĐHQGHN; Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội...”.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Thắng, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài chính, hai ĐHQG cùng các viện nghiên cứu lớn để xây dựng cơ chế phát triển bền vững VinaREN theo phương châm: Nhà nước tiếp tục hỗ trợ VinaREN như một hạ tầng thiết yếu cho nghiên cứu và đào tạo. Các đơn vị thành viên có trách nhiệm đầu tư, đóng góp một cách hợp lý để VinaREN có thể duy trì, phát triển đồng thời khai thác và phát huy hiệu quả VinaREN ngày một cao...

Ngài Sean Doyle - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam phát biểu

Đại diện các nhà khoa học của  ĐHQGHN trình bày tham luận tại hội nghị, ThS. Nguyễn Nam Hải (Trường ĐH Công nghệ) đã tổng kết về vai trò của VinaREN đối với ĐHQGHN kể từ năm 2006 đến nay. Theo ThS. Hải thì hệ thống đường truyền kết nối trong nước 100 Mbps, kết nối quốc tế 45 Mbps của VinaREN đã giúp ĐHQGHN thực hiện được nhiều hoạt động hợp tác quốc tế có hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế của ĐHQGHN trong khu vực, trở thành một điểm thu hút được sự quan tâm từ nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học trong những hoạt động đào tạo trực tuyến và hợp tác quốc tế.

Từ năm 2006, các trường đại học thành viên của ĐHQGHN như: Trường ĐHKHTN, Trường ĐHKHXH&NV và đặc biệt là Trường ĐH Công nghệ đã tổ chức được hàng trăm hoạt động trực tuyến đa dạng thông qua VinaREN với các đơn vị đào tạo, nghiên cứu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapo, Mỹ, Pháp, Na Uy...

Với việc kết nối tới 5.000 trường đại học, các đơn vị nghiên cứu ở Châu Âu, Châu Á và kết nối qua APAN sang Mỹ với băng thông cao, VinaREN đã hỗ trợ đắc lực cho các nhà khoa học của ĐHQGHN trao đổi được thường xuyên, nhanh chóng các dữ liệu nghiên cứu với các nhà khoa học nước ngoài.

Các phòng thí nghiệm của ĐHQGHN trung bình mỗi tháng đã trao đổi đến 700 GB dữ liệu thông qua VinaREN.

 Trương Minh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :