Khoa học và Công nghệ
Trang chủ   >  Tin tức  >   Khoa học và Công nghệ  >  
Hướng tới một mô hình đại học nghiên cứu ở Việt Nam
Mô hình đại học nghiên cứu (ĐHNC) không còn xa lạ với các "cường quốc" đại học thế giới. Ngay cả những quốc gia châu Á như Nhật Bản (với JAIST - Viện Công nghệ tiên tiến Nhật Bản) và Hàn Quốc (với KAIST - Viện Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc) đã coi phát triển ĐHNC là con đường ngắn nhất giúp họ củng cố tiềm lực khoa học để bứt phá trong nền khoa học thế giới.

Nhưng ở Việt Nam mới chỉ có ÐHQGHN và ÐHQG Tp.HCM đi tiên phong gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với GS.TSKH Trương Quang Học (Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường - ÐHQGHN) trong việc hướng tới xây dựng mô hình ÐHNC ở Việt Nam.

Xin GS cho biết đôi nét về thực trạng triển khai mô hình đại học nghiên cứu ở Việt Nam?

GS.TSKH Trương Quang Học - Nguyên Trưởng ban Khoa học - Công nghệ ĐHQGHN

ÐHQGHN và ÐHQG Tp.HCM đang phát triển theo mô hình của ÐHNC. Trong Chiến lược phát triển Giáo dục Việt Nam 2001 - 2010 cũng đã phân chia các ÐH thành hai nhóm: định hướng nghiên cứu và định hướng công nghệ, ứng dụng. Trong Dự thảo Chiến lược giáo dục 2009 - 2020 vừa công bố, ở Giải pháp 10, “Nâng cao hiệu quả họat động KHCN trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu” đã nêu rõ “Tổ chức một số trường ÐH theo hướng nghiên cứu. Ðến năm 2010 có 14 trường và đến năm 2020 có khoảng 30 trường đại học theo hướng nghiên cứu cơ bản.

Như vậy, về mặt chủ trương thì đã tương đối rõ, nhưng trong thực tế xây dựng như thế nào thì còn là một bài toán đang tìm lời giải và nhiều khó khăn.

Thách thức đó là gì thưa GS?

Các trường đại học lớn của chúng ta hiện nay chủ yếu được xây dựng sau khi hòa bình lập lại lần thứ nhất (1954) và theo mô hình của Ðông Âu, Liên Xô cũ có sửa đổi và thuộc Bộ Ðại học và Trung học chuyên nghiệp cũ, nay là Bộ Giáo dục và Ðào tạo quản lý, với chức năng chủ yếu là đào tạo. Chức năng NCKH vẫn có nhưng mờ nhạt và chỉ được xem như một chức năng phụ. Nhiệm vụ NCKH được xem như của hệ thống các Viện nghiên cứu của hai Trung tâm lớn, Viện KH&CN Việt Nam và Viện KHXHVN, nay là hai Viện Hàn lâm và các viện của các bộ ngành do Bộ KHCN hoặc các Bộ ngành quản lý. Ðơn vị cơ sở của các trường đại học là bộ môn - một đơn vị được tổ chức chủ yếu cho hoạt động đào tạo. Các đơn vị NCKH có rất ít và thường là không chính thống, theo cơ chế tự lập, tự cấp - tự túc...

Như vậy, giữa mô hình của chúng ta hiện có và mô hình ÐHNC vừa được xem xét ở trên khác nhau ở rất nhiều điểm cơ bản.

Vậy phải chăng để có một cấu trúc tổ chức của một ÐHNC rõ ràng chúng ta cần phải làm một cuộc đổi mới toàn diện?

Ðúng vậy, để làm được việc này, theo tôi, trước hết cần phải có sự thống nhất về nhận thức, không những của lãnh đạo mà còn của từng cán bộ giảng dạy về tầm quan trọng của họat động NCKH trong trường đại học và xây dựng đại học theo mô hình ÐHNC là giải pháp chiến lược mang tình lâu dài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cần sớm thiết lập hệ thống các đơn vị nghiên cứu triển khai chính thống (các Viện, Trung tâm, PTN, doanh nghiệp KHCN...) và cơ chế liên thông với hệ thông đào tạo theo mô hình viện - trường đặc thù cho các trường ÐHNC chất lượng cao. (Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường ÐH Bách khoa Hà Nội là một mô hình tốt). Trong các trường đại học hiện nay, kể cả hai ÐHQG chỉ có rất ít các Viện (2 - 3 viện – và như vậy là mới cho 2 - 3 ngành đào tạo); số lượng các trung tâm thì nhiều hơn, nhưng thực chất thì đó là “con nuôi”/ ”con riêng”, phần lớn là rất oặt ẹo, phát triển theo cơ chế tự cấp, tự túc. Có lẽ chiến lược trước mắt là củng cố và phát triển các trung tâm này theo tinh thần của Nghị định 115 có định hướng và đầu tư, ít nhất là đầu tư ban đầu. Bên cạnh đó, cần xây dựng và phát triển các “Nhóm nghiên cứu” và xây dựng cơ chế tích hợp chúng trong các họat động NCKH và đào tạo; Dần tập trung nghiên cứu cơ bản về cho các trường ÐH. Mặt khác chúng ta phải dần từng bước đổi mới công tác đào tạo SÐH. Về lâu dài phải coi công tác đào tạo SÐH là hoạt động NCKH-ÐT, chứ không phải chỉ đơn thuần là công tác đào tạo như hiện nay.

Thế còn với cơ chế quản lý?

Ðổi mới cơ chế quản lý để phát huy hiệu quả liên ngành trong các đại học (sự liên thông giữa hệ thống NCKH và đào tạo, giữa các bậc và ngành học, giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng…). Vào những năm 1990 chúng ta đã có đợt cải cách giáo dục toàn diện, cơ sở khoa học và cách tiếp cận rất hay nhưng tiếc là chưa chín muồi về điều kiện thực tế. Phải chăng hiện nay cơ hội đã chín muồn để chúng ta làm một đợt đổi mới tương tự như vậy ?

Có định hướng các ưu tiên, trong đó, như trong Chiến lược phát triển giáo dục 2009 - 2020 đã đề cập, đổi mới tổ chức quản lý và xây dựng nguồn nhân lực phải là các giải pháp ưu tiên đầu tiên.

Cảm ơn GS!

 Bùi Tuấn (thực hiện) - Bản tin ĐHQGHN số 217
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :