Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Đời sống giới trẻ: Du xuân ngoài biên giới
Xuất ngoại đầu xuân bây giờ không còn là cái thú riêng của một số người. Lớp trẻ năng động, giới sinh viên ham cảm giác lạ cũng đua nhau xuất ngoại. Họ thường đi theo cách “tiền sao áo vậy”, đó là những tour xuất cảnh tự do, ngược tàu lên Lào Cai, Lạng Sơn rồi ra biên giới…

Điểm hẹn nơi cửa khẩu

Ga Lào Cai, tinh mơ một sớm xuân, những hành khách trẻ trung đang cố lách sự vây kéo của đám xe ôm, cò xe. Trên những gương mặt phờ phạc sau một đêm không ngủ đã lộ rõ nét háo hức, hồi hộp khi đặt chân đến một vùng đất mới. Họ là những cô cậu sinh viên Hà Nội tranh thủ khoảng thời gian nhàn nhàn sau Tết muốn ngược đường đi khám phá cảnh sắc của miền xa, xứ lạ. Đặt chiếc ba lô lỉnh kỉnh nào nước, hoa quả, đồ ăn khô xuống sân ga Quang, (sinh viên năm thứ 3 Học viện QHQT) kể: "Tụi mình đều là dân đồng bằng ở các trường cao đẳng và đại học khác nhau. Dịp này hằng năm, cả bọn thường rủ nhau đi các đền chùa gần Hà Nội như chùa Hương hay Tây Thiên. Nhưng năm nay thì khác. Mọi người ai cũng muốn đi xa, nhất là lại được sang Trung Quốc…xuất ngoại đầu năm sẽ rất may mắn…" Còn Hồng (sinh viên K47, ĐHKHXH&NV) thì tươi cười: “Tôi đã chuẩn bị khá nhiều phim để chụp những cảnh trên đường du ngoạn. Qua biên giới chuyến này phải mua thật nhiều đồ làm kỷ niệm. Sang năm ra trường mất rồi làm gì còn dịp đi cùng các bạn…".

Phía bên kia Sông Hồng là Hà Khẩu - Trung Quốc

Nhóm của Quang và Hồng chỉ là một trong rất nhiều những nhóm bạn tìm đến với cửa khẩu Lào Cai trong những ngày tháng Giêng này. Họ trẻ trung, có lòng nhiệt tình và hăng say khám phá. Họ không học cùng trường nhưng cùng chung sở thích: cửa khẩu đầu xuân là một điểm hẹn hò lý tưởng. Với những chuyến đi như thế này, họ đều có sự chuẩn bị khá kĩ càng. Bao giờ cũng vậy, họ liên hệ với những bạn bè là thổ dân ở xứ này để kiếm chỗ dừng chân trong thời gian đợi làm thủ tục xuất, nhập cảnh. Chủ nhân của điểm dừng sẽ trực tiếp lo các loại giấy tờ và đóng vai trò là những hướng dẫn viên du lịch. Một bạn trong nhóm của Quang hào hứng: "Tụi mình sẽ đến nghỉ một ngày ở nhà của Phương – cậu bạn đang học năm thứ 3, ĐH Bách Khoa. Bố cậu ấy làm trên của khẩu nên mọi thứ đều khá suôn sẻ. Nếu không có gì thay đổi ngày mai tụi mình sẽ được xuất ngoại. Đi theo từng nhóm nhỏ nhưng cả đoàn gần 20 người hẹn nhau sẽ gặp lại bên Hà Khẩu…". Trên đường về nơi dừng chân cả nhóm ríu rít thoại lại những câu chào, cách hỏi giá mặt hàng bằng tiếng Trung Quốc…có vẻ họ chuẩn bị khá công phu cho lần đi này.

Chúng tôi có mặt ở cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đúng vào những giờ cao điểm. Khác với ở Tân Thanh, người ta đến đây không phải để nhập hàng hoá buôn bán mà để du lịch. Phòng làm thủ tục xuất nhập cảnh đông hơn hẳn ngày thường, mọi người phải xếp hàng dài chờ đến lượt.“Chỉ cần 50.000 đồng là có cả giấy thông hành xuất nhập cảnh (sổ xanh) và phiếu tiêm chủng quốc tế (sổ vàng). Vậy mà xem chừng không đơn giản chút nào…"- một bạn trẻ than thở. Ở cửa khẩu những ngày này còn có một loại "cò" đó là "cò" làm giấy thông hành. Đắt một chút nhưng chỉ chưa đầy một ngày là có đủ thủ tục để xuất cảnh. Hình thức này xem chừng được các lữ khách trẻ ưa chuộng.

Trung tâm thành phố Lào Cai

Anh Hoà, một cán bộ phòng quản lý xuất nhập cảnh (công an tỉnh Lào Cai) xác nhận: “Bắt đầu từ tháng Một dương lịch năm nay số lượng khách trẻ làm giấy sang Hà Khẩu (Trung Quốc) tăng đột biến. Đặc biệt giới thanh niên trí thức, học sinh, sinh viên đi đông hơn mọi năm gấp nhiều lần, có ngày chúng tôi phải hạn chế số lượng…".

Thay vì rủ nhau lên chùa hoặc du xuân theo các tour lữ hành về nguồn, những người trẻ hôm nay nhất là giới sinh viên lại chọn cho mình những cuộc đi xa vài trăm đến hàng nghìn cây số, vừa hao tiền lại tốn sức – một xu thế mới hay một khát vọng tự khẳng định mình, muốn mở rộng tầm hiểu biết vươn ra ngoài biên giới dân tộc? "Mèo con bắt chuột nhỏ" – hôm nay điểm hẹn của họ là Hà Khẩu, còn trong tương lai sẽ là những miền đất xa hơn. Đứng bên này dòng sông Nậm Thi nhìn sang bờ bên kia nước bạn, khoảng cách chỉ mấy trăm mét đường chim bay mà phải chăng mở ra cả một miền bí ẩn trong ước mơ khám phá của những lữ khách sinh viên…?

Chuyện chép ngoài biên giới

Bước chân qua khỏi trạm kiểm soát giấy thông hành, sang bên nước bạn thời gian đã chênh nhau 1 giờ. "Mấy ngày rồi phố ở đây đông hơn, nhiều người thanh niên Việt Nam lắm!" - một phụ nữ Trung Quốc nhận xét bằng thứ tiếng Việt lơ lớ. Điểm đến đầu tiên khá hấp dẫn du khách trẻ có lẽ là chợ Việt Nam. Một khu chợ nằm gần biên giới trên đất Trung Quốc nhưng bán hàng Việt và chỉ do người Việt bán. Giá cả ở đây không rẻ hơn là bao so với ở chợ Cốc Lếu bên Lào Cai, nhưng rất đông khách. Một đồng Trung Quốc trị giá hai ngàn tiền Việt, bạn có thể quy đổi hoặc không vẫn tiêu dễ dàng.

Thành phố Lào Cai ngày nay

Sang Hà Khẩu lần này, mục tiêu của Hùng, Quý và Dũng (sinh viên báo chí - ĐHKHXH&NV) là phải khám phá bằng được địa giới tầng 2 của khu chợ Việt. Ba cậu đã phải tốn khá nhiều thời gian và tiền nhờ người giới thiệu, mối lái để bước chân lên được những bậc cầu thang mờ mờ tối. Một dãy hành lang chạy dài, tranh tối tranh sáng, cùng những bóng người khi thì một lúc lại hai lác đác đi lại. Mọi phương tiện từ máy ảnh, máy ghi âm, máy quay số đều được khuyến cáo không nên sử dụng trong này để đảm bảo an toàn cho chủ nhân của chúng. Những căn phòng hèm hẹp, cửa khép hờ cứ liên tiếp nhau, những chiếc giường nhỡ chỉ nằm vừa hơn một người được kê khéo léo thấp thoáng sau những tấm riđô mỏng, một thứ mùi nửa như phấn sáp, nửa như ẩm mốc tạo nên một cảm giác ngây ngất là lạ. Ngay dưới kia là đường phố nhộn nhịp, xa hơn một chút là lãnh thổ của tổ quốc vậy mà ở đây biệt lập như một thế giới khác, và những cô gái trẻ Việt Nam vẫn tháng tháng, ngày ngày phải sống kiếp "ngựa người". 3 nhà báo tương lai mê mải bước, đầu trống rỗng, sự hăm hở ban đầu tan biến. Bước ra khỏi chợ Việt, Hùng lắc đầu: “Quả là một chuyến thực tế ý nghĩa. Có đi, có nhìn mới biết cuộc sống bên ngoài quả không bình lặng, đơn giản như mình vẫn tưởng…" Quý thì thở dài: " Chỉ có đi, ngắm thôi mà tốn kém quá. Lượng “đạn” mang theo gần cạn rồi, chẳng biết có còn đủ để về…"

Thành phố nơi biên giới

Dọc những con phố Hà Khẩu, lữ khách trẻ Việt quây lấy những quầy đồ lưu niệm, những cửa hàng quần áo hạ giá. "Sao ở đây nhiều thứ hạ giá thế nhỉ ?" – một bạn trẻ thốt lên. Với họ mua được một món đồ ở bên này đã là quý lắm, chẳng cần quan tâm xem sự chênh giá nhiều hay ít ở hai bên biên giới. Hà (sinh viên HV Ngân hàng) cầm lên một sợi dây bạc, hồn nhiên:"Cái này trong nước mình cũng có nhưng mà mua ở đây vẫn có ý nghĩa hơn chứ…!". "Những người bán hàng Trung Quốc họ có rất nhiều nghệ thuật và phương thức để chào mời, hấp dẫn khách… mình đang cố tìm hiểu để học hỏi đấy ! ” – Phương ( ĐH Ngoại thương) thổ lộ.

Trong một shop quần áo đại hạ giá, một nhóm các nữ khách trẻ trung đang bàn tán sôi nổi về kiểu dáng, chất liệu sản phẩm; cách đó không xa tại quầy chụp ảnh tự động lấy ngay, mấy đôi tình nhân đang say sưa chọn phông, chỉnh nền…

Sự hấp dẫn của thành phố biên cương còn là cuộc sống của dân tộc vùng cao

Không chỉ loanh quanh các con phố giáp vùng biên, không ít thanh niên ta thuê xe điện (giống xe lam ở Việt Nam), dạo sâu vào lãnh địa nước bạn từ vài đến vài chục kilômét. Xe điện ở Hà Khẩu giá phải chăng, ngồi trên đó lại thoả sức ngắm phong cảnh, nghỉ ngơi và chụp ảnh. Ở một ngôi chùa trong núi có tên "Thạch Sơn Tự" cách cửa khẩu 30 km, chúng tôi gặp một nhóm bạn đang cung kính làm lễ. Mười hai thanh niên, mười hai mốt ăn mặc, kiểu tóc khác nhau đang cùng hướng về cửa Phật. Một bạn trong nhóm bảo: "Dịp tháng Giêng những năm trước bọn mình đi cầu tại các chùa gần chẳng mấy linh nghiệm. Bụt chùa nhà không thiêng nên năm nay thử đi thật xa… biết đâu có thêm nhiều lộc…".

Tiếng chuông ở một ngôi chùa nào đó vẳng tới, những lữ khách trẻ lại lục tục lên đường. Và ở những địa danh xa lạ đó, có thể họ lại gặp thêm được những người bạn đồng chí hướng…

(Hà Khẩu đầu xuân)

 Minh Trường - Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :