Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Viết cho mùa tốt nghiệp:Trong hành trang hôm nay, bạn có những gì cho ngày mai?
Trúng tuyển vào đại học, coi như bạn đã vượt qua được một “cửa ải” khó khăn. Những bước chân buổi đầu nhập trường có cái khấp khởi, lo âu nhưng trong đôi mắt bạn vẫn ánh lên niềm vui mừng, hạnh phúc bởi những ước mơ hoài bão của bạn đang dần trở thành hiện thực...

Lại một hành trình mới, gian truân, vất vả nhưng cũng không kém phần vinh quang nếu bạn vượt qua được những khó khăn thử thách trong 4 năm ngồi trên giảng đường để hy vọng ra trường có được một công việc ổn định, đúng chuyên môn. Hôm nay, trước lúc ra trường, bạn đã chuẩn bị được những gì cho định hướng nghề nghiệp ngày mai trong hành trang sinh viên của mình…?

Chỉ bằng cử nhân thôi - chưa đủ!

Sau tốt nghiệp là nỗi lo âu về việc làm

Từ bao đời nay ông cha ta có câu “Người tài lo gì không có đất dụng võ”. Lời khẳng định “chắc như đinh đóng cột” ấy của tiền nhân đã khẳng định được vị trí, tài năng, trí đức của những nhân tài.

Ngày nay sinh viên không ít người khi được hỏi về nghề nghiệp đã quan niệm rằng: “Trước mắt học để kiếm cái bằng đã. Có bằng rồi tính tiếp cũng dễ hơn”. Họ mang tâm lý ấy bởi trong xã hội vẫn còn tình trạng có bằng đồng nghĩa với có việc làm. Phải chăng đó còn là thực tế của không ít địa phương…? Còn một số nhà tuyển dụng khi nói về khả năng “bắt” việc của sinh viên mới ra trường cho biết: “Sinh viên ta thiếu thực tế lắm! Họ cứ chờ khi đi làm mới dấn thân vào nghề. Khi ấy mới nói là hợp hay không thì đã muộn”.

Không chỉ có thế, có nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng vì không theo được hoặc cảm thấy thất vọng về nghề mình đang học. Vì thế mà xuất hiện những câu nói “tôi đăng ký nhầm trường”, “tôi chọn nhầm ngành học” hay “tôi đã đi lệch lối” của một số sinh viên đang chuẩn bị tốt nghiệp...

Vậy, trong hành trang tôi cần có?

Yêu cầu của những nhà tuyển dụng lao động ngày nay là đòi hỏi tuyển được một nhân viên có nhiều khả năng, sở trường và phải có năng lực. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường mỗi sinh viên chúng ta cần trang bị cho mình thật tốt những yếu tố dù nhỏ nhưng rất cần thiết bên cạnh kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tin học để có thể tìm được một công việc phù hợp khi ra trường…

* Năng lực (Kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, tin học): Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với bất kỳ lao động nào khi đi xin việc. Bạn phải thực sự chứng thực được tài năng của mình trong thời gian thực tập, thử việc ở bất kỳ một cơ quan hay doanh nghiệp nào. Không ít bạn sinh viên lầm tưởng rằng mình học được một môn tự nhiên hay xã hội là có thể học được ngành nghề liên quan đến nó. Thắng Cảnh (sinh viên Khoa Vật lý, Trường ĐHKHTN): “Học ngành Vật liệu, gắn lý thuyết với thực hành hơn nữa lại đi làm phụ thêm ở bên ngoài, mới chợt nhận thấy hình như mình hợp với nghiên cứu hơn…”. Thời gian sẽ là câu trả lời vô hình nhưng chắc nịch nếu như mỗi sinh viên chúng ta có năng lực thực sự với ngành học mà mình đã chọn…

* Sở thích: Cái thích nhất thời là cái thích cảm tính” - Minh Hòa (Trường ĐHCN) tâm sự khi cậu than phiền vì: “Mình không thích ngành đang theo học. Ngày trước thích là bởi thấy ngành đó lương cao lại dễ xin việc làm”. Còn Lê Song Linh (Khoa Báo chí, ĐHKHXH&NV) hỏi một cô bạn cùng lớp: “T có thích làm báo không? Khi ra trường, bạn sẽ làm báo chứ?”. Người bạn đáp lại: “Thích chứ! Chắc chắn mai này mình sẽ làm báo dù có vất vả đến mấy”. Linh thở dài: “Trước đây mình cũng thích nghề báo bởi thấy phóng viên oai thật nhưng càng học càng thấy mình không đủ khả năng viết lách”. Và căn bệnh “thích”nghề nhất thời của không ít sinh viên đã vô tình làm cho giấc mơ của họ tan dần theo ngày tháng. PGS.TS Đinh Hường - Chủ nhiệm Khoa Báo chí (ĐHKHXH&NV) tâm sự: “Thích nghề mà mình theo học thôi thì chưa đủ. Điều quan trọng nhất đó là các bạn phải thích nó như đam mê sống, như chính cuộc sống của mình vậy…”.

* Thói quen làm việc: Lúc mới vào năm thứ nhất tôi cũng mang ý nghĩ là phải nghỉ ngơi để “xả hơi” cho bõ những ngày tháng ôn thi vất vả. Nhưng nếu ý nghĩ ấy theo đuổi bạn trong suốt 4 năm học thì nó sẽ trở thành “tai họa” cho bạn rồi đấy. Một ngày kia vô tình bạn đã biến mình thành những kẻ thụ động trong học tập. Việc lười đọc sách, nghiên cứu tài liệu như đã ngấm vào máu để cuối kỳ luôn cầu “phao cứu hộ”, hỏi bài mấy đứa bạn thân ngồi gần. Và kết cục là khi ra trường với một cái đầu trống rỗng. Bên cạnh hiện tượng nêu trên, còn có không ít bạn sinh viên đã “tìm được chốn tiêu tiền” bằng việc chát chít, chơi game hay lô đề, cờ bạc… bỏ quên cả thời gian ngay cả khi kỳ thi “đã đến tận gót chân”. Họ chỉ ăn năn, hối hận khi bạn bè xin được một công việc tốt ở công ty A, công ty Z nào đó với mức lương trong mơ trong khi mình thì thất nghiệp…

* Sức khoẻ: Nhiều sinh viên chúng ta rất coi thường sức khoẻ, cậy mình có sức trẻ mà coi việc ăn uống chỉ là nghĩa vụ. “Có sức khoẻ là có tất cả”, khẩu hiệu ấy nghe hình thức nhưng thật đúng. Có sức khoẻ bạn sẽ đủ sức làm những việc mình muốn, tinh thần thoải mái để hiệu quả học tập đạt mức tốt nhất. Khoẻ chúng ta không chỉ hiểu đơn thuần là sức lực mà còn là tâm lực. Còn nhớ phóng viên Đà Trang (báo Tuổi trẻ TP. HCM) có lần tâm sự rằng: “Để làm nghề phóng viên mà bạn không có độ bền cả về sức khoẻ và độ dẻo về tinh thần thì làm sao có thể trở thành một phóng viên tốt được…”

* Hầu bao và hoàn cảnh xã hội: Thực tế cho thấy nếu không có tiền bạn sẽ không thể theo học ở bất kỳ ngành nghề nào. Để vượt qua được 4 năm đại học bạn đã tiêu tốn của gia đình khoảng 40 - 70 triệu đồng. Do đó khi lựa chọn ngành học, bạn phải suy nghĩ thật kỹ rồi có cả một quá trình nỗ lực học tập thì khi ra trường mới tìm được việc như ý. Xét về nhu cầu xã hội bạn phải nhận biết được xã hội đang có xu hướng nào trong định hướng nghề. Việc cạnh tranh sàng lọc trong việc làm là một tất yếu của cơ chế thị trường. Đôi khi học đường vòng lại là cách lựa chọn thích hợp cho khả năng tuyển dụng lao động hiện nay…

 Vĩnh Minh - Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :