Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Gia sư giấy
Trong những việc làm thêm của sinh viên hiện nay thì đi dạy thêm- gia sư là công việc được khá nhiều người lựa chọn. Bởi đây là công việc tương đối nhàn hạ mà thu nhập cũng cao lại không đòi hỏi khắt khe về bằng cấp. Tuy nhiên, cũng chính vì những điều này mà không ít sinh viên coi đây là một chiếc “cần câu cơm” và sử dụng nó một cách bừa bãi. Họ thực sự chỉ là những “gia sư giấy” khi chỉ quan tâm đến việc lấy được tiền còn học sinh muốn học ra sao thì học.

Dạy kiểu “cộng sinh”

Thắng (SV ĐHKHXHVNV) nhận dạy kèm môn Văn cho một học sinh nam đang học lớp 11 với mức thù lao là 50.000đ/buổi. Đã nhiều tháng qua, công việc dạy học của cậu trong mỗi buổi luôn diễn ra theo một kịch bản như nhau. Việc duy nhất mà Thắng quan tâm là làm sao đến đúng giờ để cho bố mẹ cậu học sinh điểm danh, còn sau đó, khi hai thầy trò đã yên vị trong “giang sơn” riêng thì mặc sức “muốn làm gì thì làm”. Trò cứ làm việc của trò, thầy làm việc của thầy. Hết đọc truyện lại đến xem tivi, gọi điện thoại rồi nói chuyện phiếm: “anh ơi, hôm nay lớp em có một con nó viết thư tỏ tình cho em”, “thằng bạn em mới chia tay người yêu anh ạ, nó hẹn em tuần sau sẽ “ra mẳt” con người yêu mới”… Có hôm ngồi chán không có việc gì để làm hay chuyện gì để nói thì lăn ra ngủ. Hết giờ dạy lại về, và cứ thế cuối tháng được trả công đầy đủ không thiếu đồng nào. Thắng lí giải rằng sở dĩ cậu dạy như vậy là vì chính cậu học trò đề nghị như thế: “Ngay hôm đầu tiên mình đến dạy nó đã nói thẳng với mình là không thích học văn. Việc kiếm gia sư là do bố mẹ chủ động vì thế chỉ cần dạy theo hình thức cho bố mẹ nó tin thôi, còn khi hai anh em với nhau thì cứ thoải mái…Ban đầu mình cũng thấy hơi kì cục nhưng nghĩ lại thì như thế cũng chẳng sao cả. Nó đã bảo không thích thì còn dạy làm sao được. Thôi thì cứ theo lời nó, cả hai cùng có lợi: mình vẫn có tiền còn cu cậu thì có thêm thời gian để chơi”. Bố mẹ cậu học sinh của Thắng đều là công chức, bận bịu suốt ngày. Mỗi buổi học giáo của con, người bố chỉ có thể nán lại nhà tới khi gia sư đến rồi lại vội vàng đi làm ngay. “Có hôm bố mẹ nó đi công tác, nó lôi ra cả thùng bia, hai anh em uống chán rồi lại lôi xe ra đi lên bờ Hồ chơi với lũ bạn nó đến tối mới về” - Thắng bật mí.

Đừng đặt trọn niềm tin cho người dẫn đường vô trách nhiệm

Đến tận bây giờ, mỗi lần nhắc đến chuyện tìm gia sư cho con là cô Hoa (Khương Mai – Thanh Xuân) lại cảm thấy rùng mình. Cô có một cậu con trai học lớp 12. Thấy con mình ham chơi, lại học yếu các môn tự nhiên nên cô đến một trung tâm gia sư đăng kí tìm gia sư cho con. Một cậu sinh viên ĐH Bách Khoa được giới thiệu đến. Nhìn “thầy giáo mới” có vẻ sáng sủa, thật thà và sau một vài buổi “dự giờ” thấy cả hai đều học hành nghiêm túc nên cô Hoa đã tin tưởng để cho hai thầy trò được tự do có không gian riêng. Cứ thế, hàng buổi khi thầy giáo đến là cả hai lại vào phòng học và đóng cửa lại vì “bọn con học cần yên tĩnh, mẹ đường làm phiền”. Bỗng nhiên, một hôm vô tình vào phòng cậu con trai lấy một thứ đồ thì cô không khỏi choáng váng khi trước mắt mình, “hai thầy trò” đang đứng ngoài lan can phì phèo hút thuốc, uống cà phê và buông ra những lời tán gẫu không thể chấp nhận được. Cậu gia sư đó ngay lập tức bị đuổi việc nhưng cũng từ lần đó, cô không còn đủ sự tin tưởng để tìm một gia sư khác cho con được nữa.

Trường hợp của cô Hoa không phải hiếm gặp. Nhiều gia đình tìm gia sư cho con với mục đích vừa dạy học, vừa kiêm làm “bảo mẫu”. Đến khi phát hiện ra sự việc thì đã quá muộn. Đã từng có trường hợp một gia đình tìm về cho cô con gái học lớp 9 của mình một nam gia sư dạy kèm rồi tin tưởng “giao” cả cô con gái của mình cho “thầy giáo” để rồi chẳng biết “hai thầy trò” đã “thân mật” với nhau đến mức nào…

Đi gia sư có cần đạo đức nhà giáo

Khi nhắc đến vấn đề này nhiều sinh viên cho rằng dạy gia sư chỉ đơn giản là một công việc làm thêm kiếm tiền, do đó không cần phải có đạo đức nghề nghiệp. “Mình thấy nhiều người đi dạy thêm đều thế, có ai nói gì đâu. Với lại nhiều gia đình họ không coi trọng mình, coi mình như một người làm thuê thì việc gì mình phải tử tế với con cái họ chứ” - một sinh viên đi dạy gia sư đã biện hộ như thế. Một số sinh viên lại đổ lỗi cho học sinh như kiểu của Thắng khi nói rằng ban đầu cũng định sẽ dạy một cách nghiêm túc nhưng khi tiếp xúc với “học trò”, trước thái độ bất hợp tác hay thờ ơ của học sinh, họ cũng đâm ra chán và dần dần trở thành vô trách nhiệm. Tuy nhiên, đó chỉ là những lời lẽ biện hộ không chính đáng. Người xưa có câu: “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, đó không chỉ là lời khuyên cho thế hệ học trò phải tôn trọng giáo viên của mình mà cũng là lời nhắc nhở cho chính những người làm công tác giảng dạy. Cho dù chủ động hay bắt buộc, cho dù chỉ đi dạy với mục đích kiếm tiền thì đã mang danh thầy cô (dù ở mức độ nào) thì cũng đều cần phải có ý thức trách nhiệm và tư cách đạo đức của một người thầy. Đó là chưa kể không ít sinh viên sau này sẽ gắn bó lâu dài với nghề dạy học. Nếu bây giờ họ còn có kiểu dạy vô trách nhiệm như thế, thì sau này khi đứng trên bục giảng thực sự, họ sẽ đưa học trò của mình đi đến đâu?..

 Hồng Quý, ĐHKHXH&NV - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :