Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
Xe bus bỏ bến... Sinh viên lắc đầu!
Là sinh viên, đi xe bus, chắc hẳn bạn đã quen với cảnh tượng từng nhóm sinh viên chạy theo xe bus và sau đó là những cái nhìn tiếc nuối, có phần bực tức...

Đối với rất nhiều sinh viên, xe bus từ lâu đã là người bạn quen thuộc, là phương tiện hữu dụng cho việc đi lại. Phải thừa nhận rằng, đi xe bus có những thuận tiện nổi trội hơn các phương tiện khác: có thể di chuyển với quãng đường xa, an toàn, tránh được bụi bặm của đường phố và đặc biệt là giá vé lại rất rẻ (yếu tố để rất nhiều bạn sinh viên chọn xe bus). Tuy nhiên, đi xe bus không phải là không có những mặt hạn chế của nó như: khả năng linh hoạt không cao, bạn chỉ có thể đi vào những tuyến đường có xe bus chạy qua, hay sự chen lấn đến khủng khiếp trên những tuyến xe “hot” vào những giờ cao điểm. Và một điều nữa gây cho bạn không ít những khó khăn đó là hiện tượng xe bus bỏ bến.

Những tuyến xe quá đắt khách

Một thực tế là rất ít sinh viên tìm được nhà trọ ngay gần trường học của mình, hầu hết đều ở xa trường. Hơn nữa, ngoài việc đi học, một số sinh viên còn đi làm thêm. Thế nên xe bus thực sự tiện ích. Nếu bạn chọn xe bus là phương tiện hàng ngày để đi lại, chắc hẳn không chỉ đôi ba lần bạn gặp phải tình trạng xe bus bỏ bến. Thùy (ĐHNN) trọ tại Phùng Khoang mỗi lần đi học quả thực là một sự khó khăn. Để đến được trường bạn phải bắt tuyến xe duy nhất 39, mà dường như chẳng mấy khi tuyến xe này vắng khách, phải đứng lại bị chen lấn xô đẩy. Nhưng do là dân chuyên nghiệp đi xe bus nên chuyện cơm bữa đó không là trở ngại lớn lắm. Điều gây cho bạn sự phiền toái đó là điểm mà bạn bắt xe gần nhất cũng chính là điểm mà xe hay bỏ bến. Điều này khiến cho bạn thường xuyên đi học muộn, đôi khi còn phải nghỉ cả tiết. Trọng (ĐH Kinh tế - ĐHQGHN) cũng gặp trường hợp tương tự. Trọ ở Nhổn nên bạn thường đi xe 32 để đển trường. Nhưng nhiều lúc cả 3 xe lên tiếp đều bỏ bến khiến cho bạn khóc dở mếu dở, nhất là vào những hôm thi. Tình trạng trên cũng thường xuyên xảy ra với những bạn đi xe 04, 02 vào buổi sáng, và còn nhiều tuyến khác cũng trong trường hợp tương tự. Nguyên nhân cũng vì xe đã quá đông và thậm chí có những lúc xe vắng nhưng không biết có phải do lái xe biết điểm đó đa phần là sinh viên đi vé tháng nên đã “bỏ qua”.

Ảnh: V.O

Những sự phiền toái mang lại

Nếu là người trong cuộc thực sự bạn sẽ thấy được sự phiến toái của hiện tượng này. Muộn học sẽ là chuyện thường xuyên xảy ra, nguy hại hơn khi bạn đang trong mùa thi. Minh (ĐH Bách Khoa) không được thi hai môn do đi học muộn quá nhiều. Với những thầy cô dễ tính có thể châm chước cho sinh viên, nhưng cũng có một số thầy cô ra quy định: sinh viên đi muộn 5 phút thì không được vào lớp, hoặc được vào nhưng không được điểm danh và coi như nghỉ học hôm đó. Một số bạn còn nghỉ luôn cả buổi hôm đó vì nghĩ… muộn thế này thầy điểm danh rồi vào lớp cũng còn ý nghĩa gì. Điểm đến của các bạn lúc này có thể là thư viện, ghế đá sân trường, hay thậm chí là quán điện tử. Loan (ĐHKHXH&NV) đã từng phải nhiều lần ngậm ngùi bỏ tiền ta đi xe ôm đến trường vì không còn đủ sự kiên nhẫn để đợi xe bus và chẳng biết lúc nào mình mới được lên. Với những bạn chọn đi liên tuyến và có nhiều tuyến xe đi qua trường còn đỡ, với những bạn đi một tuyến hoặc có duy nhất một tuyến xe qua trường thì quả thực sẽ gặp rất nhiều phiền phức.

Và những chiêu thức đối phó

Một số bạn cố gắng thuyết phục gia đình mua xe máy để thuận tiện cho việc đi lại, nhưng không phải ai cũng được chấp thuận vì tài chính gia đình, vì giá xăng quá đắt, và cả lí do an toàn. Một số người chuyển sang đi xe đạp nhưng cũng chỉ thích hợp với những quãng đường ngắn. Nhiều bạn cố tìm những nhà trọ gần trường nhưng cũng thật khó bởi “cầu nhiều cung ít” và càng gần trường thì giá nhà trọ càng cao. Với những sinh viên “có nghề” đi xe bus, nếu gần điểm cuối bến họ thường bắt xe ngược vào tận trong bến, khi đó vừa có chỗ ngồi thoải mái lại không lo bị bỏ bến. Tuy nhiên với chiêu này cũng khá mất thời gian…

Với một sự việc tưởng chừng như rất nhỏ: xe bus bỏ bến, nhưng quả thật đôi khi nó cũng gây cho sinh viên những tình cảnh khóc dở mếu dở và sinh viên chỉ biết lắc đầu!

 Danh Ngọc, K50 Sư phạm Ngữ văn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :