Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
"Công tác học sinh, sinh viên nội trú - thực trạng và những giải pháp"
Đó là tên của hội thảo do Trung tâm Nội trú Sinh viên ĐHQGHN tổ chức ngày 5/6/2008 với sự tham dự của đông đảo đại biểu đến từ ĐHQGHN cùng lãnh đạo một số cơ sở nội trú lớn có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực trong cả nước.

Các tham luận trình bày tại hội thảo đều tập trung nhấn mạnh vào vấn đề nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng nội trú trong điều kiện chuyển đổi từ phương thức đào tạo niên chế sang học chế tín chỉ. Xung quanh chủ đề của hội thảo này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đào Văn Hải - Phó giám đốc TTNTSV, Trưởng ban tổ chức...

Ông có thể cho biết mục tiêu hướng tới của hội thảo này là gì?

Ông Đào Văn Hải: Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh trước những yêu cầu mới của công tác đào tạo, nhu cầu ngày càng đa dạng của học sinh, sinh viên trong thời kỳ hội nhập và mở cửa; những biến động của xã hội và chuẩn bị cho việc triển khai xây dựng và quản lý các KTX tại Hoà Lạc. Chúng tôi muốn tự đánh giá hiệu quả của mô hình quản lý và phục vụ của TTNTSV hiện nay đang ở đâu so với mặt bằng chung của những mô hình được coi là tiên tiến trong các trường đại học và cao đẳng cả nước. Trên cơ sở đó, trước mắt TTNTSV sẽ xây dựng kế hoạch công tác năm học 2008-2009 và định hướng cho những năm tiếp theo, nhất là ở cơ sở mới tại Hoà lạc với mục tiêu không bị lạc hậu.

Ông có nghĩ rằng việc đánh giá hiệu quả của mô hình quản lý và phục vụ của TTNTSV một cách công bằng, chính xác và khoa học là điều không dễ dàng

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh - Trưởng Ban CT&CT HSSV ĐHQGHN phát biểu tại hội thảo

Ông Đào Văn Hải: Có 3 việc chúng tôi cần giải quyết trong thời điểm hiện tại. Trước tiên cần đánh giá, tổng kết những nội dung công việc đã triển khai trong những năm qua của TTNTSV, bám sát những định hướng và yêu cầu mới của công tác đào tạo. Tiếp đó phải tìm hiểu nhu cầu của học sinh, sinh viên trong điều kiện và những tác động của xã hội mới. Cuối cùng là đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm với một số mô hình KTX hoạt động tiên tiến ở một số đơn vị bạn.

Để xác định được những nhu cầu rất đa dạng của học sinh, sinh viên một cách chính xác và khách quan, chúng tôi đã cộng tác với Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý (Trường ĐHKHXH&NV) tổ chức phát hơn 600 phiếu thăm dò tới từng em. Kết quả của cuộc điều tra xã hội học này đã tạo ra nhiều điều khá bất ngờ và nó sẽ giúp ích cho việc điều chỉnh các hoạt động của TTNTSV cũng như các KTX trong tương lai.

Ông có thể bật mí đôi điều về cái mà ông gọi là khá bất ngờ ở đây?

Ông Đào Văn Hải: Học sinh, sinh viên đang cần nhiều hơn so với những gì chúng tôi đang có và chúng tôi đã làm. Những băn khoăn của các em không chỉ là tình trạng thiếu nhà ở, phòng ở đông người; không có sân tập, sân chơi; nhu cầu về thông tin, văn hoá; nhu cầu về diện tích phòng đọc, thư viện; thậm chí là nhu cầu tự nấu ăn... mà đang xuất hiện những nhu cầu mới theo tôi là cũng rất chính đáng. Đó là những nhu cầu cá nhân về môi trường và điều kiện sống tốt hơn; nhu cầu về các hoạt động hỗ trợ và nhu cầu về các hoạt động tư vấn (sức khoẻ, tâm lý) và nhiều nhu cầu khác mà hiện tại chúng tôi chưa có điều kiện phục vụ...

TTNTSV ĐHQGHN đã đến trao đổi và làm việc với những đơn vị nào và điều gì khiến ông tâm đắc nhất sau những cuộc làm việc ấy?

Ông Đào Văn Hải trình bày tham luận

Ông Đào Văn Hải: Chúng tôi đã lựa chọn và làm việc chính thức với 6 đơn vị đó là làng sinh viên HACINCO, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Dân lập Hải phòng và ĐH Thái nguyên. Ngoài ra với một một số trường thì chúng tôi trao đổi thông tin bằng các phương tiện khác để tham khảo. Điều thú vị nhất đối với chúng tôi là sự đồng cảm và chia sẻ của những người làm công tác phục vụ học sinh, sinh viên nội trú ở tất cả các đơn vị đến làm việc. Có một nét chung là họ rất tận tâm với công việc, luôn mong muốn có cơ chế để đổi mới và làm tốt công việc... Sau những lần làm việc đó, chúng tôi thu hoạch được khá nhiều, về phương thức quản lý, tổ chức điều hành nhân sự, về các hoạt động tự quản của sinh viên, về các hoạt động hỗ trợ và xã hội hoá... Riêng về mô hình nhà ở chúng tôi đặc biệt ấn tượng đến ngôi nhà 9 tầng mới xây của Trường ĐH Công nghiệp. Tôi cho rằng các KTX nếu có điều kiện thì nên học tập mô hình này bởi nó đáp ứng được những yêu cầu căn bản về môi trường và không gian sống, điều kiện học tập của học sinh, sinh viên mặt khác cũng rất thuận lợi cho công tác quản lý và phục vụ, góp phần không nhỏ vào việc tạo môi trường văn minh - văn hoá trong KTX...

Còn về vấn đề nội dung chính của các buổi làm việc?

Ông Đào Văn Hải: Hầu hết những nội dung trao đổi đều hướng tới những vấn đề chung về những khó khăn và thuận lợi trong công tác học sinh sinh viên nói chung và sinh viên nối trú nói riêng. Lãnh đạo từ cấp trường đến KTX ở các đơn vị đều mong muốn tăng cường trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm để đổi mới mảng công tác này ở đơn vị mình và coi việc đổi mới là sự cấp thiết để có thể hỗ trợ tốt hơn cho đào tạo. Điều đặc biệt là những kinh nghiệm mà ĐH Thái nguyên trao đổi được chúng tôi đánh giá rất cao trong việc vận dụng để triển khai xây dựng các KTX tại Hoà Lạc. KTX của ĐH Thái nguyên do tổ chức Đông tây Hội ngộ tài trợ hoàn thành năm 2005 với tổng quỹ nhà là 1.500 chỗ ở. Nhà ở khá tốt nhưng hiện tại (tháng 4/2008) chỉ có khoảng 850 sinh viên trên tổng số hơn 20.000 sinh viên có nhu cầu đến ở mặc dù giá thuê nhà không cao chỉ 55.000đ/tháng. Khi tìm hiểu chúng tôi được biết việc xã hội hoá nhà ở cho sinh viên ở đây rất phát triển. Nhiều gia đình xây nhà cho sinh viên thuê, có những hộ xây đến 70 phòng khép kín cho thuê với phương thức quản lý khá chặt chẽ và phục vụ theo nhu cầu về tiện nghi và diện tích với giá không hề rẻ từ 100.000 đến 300.000 đồng/tháng? Còn một số vấn đề rất đáng quan tâm khác chúng tôi sẽ tổng kết và trình lãnh đạo ĐHQGHN để xin ý kiến.

Phát biểu của PGS.TS Bùi Duy Cam - Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN

Trở lại với vấn đề của hội thảo sắp tới, vậy đây có phải là cuộc hội thảo của một cụm trường không, thưa ông?

Ông Đào Văn Hải: Trong các chuyến làm việc với các trường trước sự quan tâm của họ, chúng tôi đã chủ động xin ý kiến lãnh đạo ĐHQGHN về quy mô của hội thảo để có kế hoạch chuẩn bị nội dung cho phù hợp. Chúng tôi rất mừng là lãnh đạo ĐHQGHN rất ủng hộ sau khi xem kế hoạch tổ chức hội thảo. Các đồng chí lãnh đạo còn lưu ý thêm là ngoài việc tìm kiếm các mô hình quản lý trong nước nên tham khảo các mô hình khu vực và quốc tế, đặc biệt là chuẩn bị kỹ nội dung để đem lại hiệu quả thiết thực. Trước mắt là hoàn thiện mô hình quản lý - phục vụ các cơ sở tại Hà Nội và chuẩn bị cho công tác quản lý và phục vụ tại Hoà Lạc. Ngoài một số trường có mô hình KTX tiên tiến chúng tôi đã mời thêm TTNT của ĐHQG TP.HCM.

Ông kỳ vọng gì ở hội thảo lần này?

Ông Đào Văn Hải: Những kết quả có được từ hội thảo không chỉ có giá trị riêng đối với TTNTSV mà còn có tác dụng đối với những cơ sở nội trú của các đơn vị tham dự hội thảo. Chúng tôi sẽ có thêm kinh nghiệm và điều kiện để làm tốt hơn những công việc của mình. Mong muốn của chúng tôi là các KTX không chỉ đem lại quyền lợi cho riêng sinh viên nội trú mà học sinh, sinh viên còn tìm thấy ở đó những sự hỗ trợ cần thiết cho cuộc sống để các em có thể học tập tốt hơn.

 Trưong Minh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :