Đảng - Đoàn thể
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đảng - Đoàn thể  >  
VNU-UEB: Nghiên cứu khoa học là động lực và nòng cốt phát triển cho các lĩnh vực khác
Ngày 12/7/2013, Đảng bộ Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN đã tổ chức hội nghị giữa nhiệm kì nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhà trường lần thứ II. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức – Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc ĐHQGHN đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường đã trình bày dự thảo báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường ĐHKT lần thứ II tính đến giữa nhiệm kì 2010 – 2015, đồng thời vạch ra các nhiệm vụ trọng tâm lãnh đạo của Đảng bộ từ nay đến hết nhiệm kì. Đồng chí cho biết, Đảng bộ Trường Kinh tế luôñ quán triệt và thực hiện tốt phương châm ̀ “Tiếp tục đổi mới quản trị đại học để phát huy mọi nguồn lực nhằm tạo bước phát triển đột phá về chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học.”
Trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Trường ĐH Kinh tế từng bước lãnh đạo thực hiện tốt các mục tiêu Đại hội đề ra là xây dựng Trường thành một trường đại học định hướng nghiên cứu được xếp hạng ở khu vực châu Á (500 trong số các trường đại học kinh tế và kinh doanh theo tiêu chí xếp hạng  QS); đạt tiêu chuẩn kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của ĐHQGHN (mức 2) trong đó hơn 50% các tiêu chí đạt mức 3; một số ngành đạt tiêu chuẩn kiểm định của AUN-QA.
Về phát triển chương trình đào tạo, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn cho biết, cùng với việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp cho chương trình Nhiệm vụ chiến lược (NVCL) ngành Quản trị kinh doanh và chương trình chất lượng cao (CLC) ngành Kinh tế đối ngoại ở bậc đại học, từ năm 2011 Trường đã xây dựng và triển khai chương trình CLC ngành Tài chính – Ngân hàng; từ năm 2012, bắt đầu triển khai chương trình thạc sĩ Quản trị công nghệ và Phát triển doanh nghiệp ở bậc sau đại học, đây là chương trình theo chuẩn quốc tế, điều kiện học tập, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn quốc tế, phương thức tuyển sinh cũng theo hướng tiếp cận quốc tế.
Đối với nghiên cứu khoa học, Trường đã hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và quy tụ các nhà khoa học nhằm thực hiện các chương trình nghiên cứu trọng điểm của Nhà trường và ĐHQGHN. Kết quả hoạt động NCKH đã được ứng dụng phục vụ đào tạo và phát triển kinh tế xã hội. “Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam đã được thực hiện hàng năm và chuyển giao cho HĐLLTƯ có tác động lan tỏa xã hội tốt, được giới nghiên cứu và một số cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách đánh giá cao về chất lượng và hàm lượng khoa học, trở thành đặc thù và thương hiệu của Trường ĐH Kinh tế”, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn cho biết.
Ngoài ra, ấn phẩm khoa học, bài báo quốc tế của Nhà trường tăng mạnh. Tính từ tháng 9/2011 đến tháng 12/2012, cán bộ giảng viên của Trường đã công bố 24 bài báo quốc tế và 140 bài báo trong nước, tỉ lệ bài báo quốc tế/giảng viên là 1:5,6, cao hơn so với chuẩn quy định trong KHXH (1/8); xuất bản 15 sách chuyên khảo.
Bên cạnh những thành tựu trên, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn cũng nêu rõ những hạn chế trong nửa đầu nhiệm kỳ như cơ cấu các ngành của từng hệ đào tạo còn chưa đồng đều, đào tạo sau đại học đang đối mặt với nhiều thách thức; chưa phát huy, khai thác hết tiềm năng hợp tác Nhà trường-Doanh nghiệp-Địa phương; một số đề xuất về NCKH vẫn thiên về tính học thuật, nghiên cứu mang tính hàn lâm, tính ứng dụng chưa cao…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Đức đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc cũng như những thành tựu mà cán bộ, giảng viên Nhà trường đạt được trong thời gian qua.
Phó Bí thư Đảng uỷ ĐHQGHN chỉ đạo Đảng bộ Nhà trường cần kiên định với sứ mệnh, với sự phát triển và với sự cam kết trong đề án xây dựng Trường. Đồng chí Nguyễn Hứu Đức chia sẻ, xây dựng Trường ĐH Kinh tế theo định hướng trở thành trường ĐH nghiên cứu là hướng đi đúng đắn bởi vì NCKH là động lực và nòng cốt phát triển cho các lĩnh vực khác của ĐHQGHN và NCKH là nhân tố góp phần tăng tính cạnh tranh với các cơ sở giáo dục khác.
Đồng chí Phó Bí thư Đảng uỷ ĐHQGHN đề nghị, Đảng bộ Trường ĐH Kinh tế tăng cường quy mô đào tạo chất lượng cao; nâng cao trình độ tiếng Anh để thúc đẩy quá trình quốc tế hóa; đào tạo NVCL theo kiểu phân luồng; tham gia đề án 911; quản trị đại học, khoa học công nghệ theo từng nhóm lĩnh vực. Đồng chí còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung đào tạo sau đại học trong thời gian tới và tin học hóa trong quản lý. ĐHQGHN sẽ có những điều chỉnh và hỗ trợ về cơ sở vật chất như mặt bằng, giảng đường, trang thiết bị,…

 

 Minh Vũ - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :