Đảng - Đoàn thể
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đảng - Đoàn thể  >  
Ghi chép: Viếng ngã ba Đồng Lộc và tình nguyện trên quê Bác Hồ
Nằm trong chùm hoạt động lập thành tích chào mừng kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống của Đoàn TNCS HCM, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy Thanh niên, kỷ niệm 118 năm ngày sinh của Bác, 60 năm ngày Người ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc và hưởng ứng đợt “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn ngành giáo dục, hưởng ứng chiến dịch mùa hè thanh niên tình nguyện năm 2008, từ ngày 25 - 29/6/2008, Chi Đoàn Cơ quan ĐHQGHN đã đến thăm viếng ngã ba Đồng Lộc và dâng hương tưởng niệm, báo công với Bác ở Làng Sen (Nam Đàn, Nghệ An).

Trầm mặc trưa Đồng Lộc

"Hai bảy năm trôi qua, chúng tôi không thêm một tuổi nào” - câu thơ viết về 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong của nhà thơ Vương Trọng năm 1995 cứ vương vấn trong tâm trí chúng tôi trên đường vào khu di tích ngã ba Đồng Lộc. Ngã ba Đồng Lộc năm xưa nằm trên trục đường mòn Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Mười cô gái ấy đều là người con của Hà Tĩnh, thuộc 7 xã, 1 thị trấn của 3 huyện Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn và thị xã Hà Tĩnh. Tất cả nằm lại trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn và tại ngã ba huyết mạch Bắc - Nam này, họ chung chiến hào khốc liệt trong những thời khắc lấp hố bom của Mỹ dội xuống để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến miền Nam. Để rồi, họ cùng nằm lại trong lòng đất đớn đau vào một buổi chiều nghiệt ngã, lúc 16 giờ, ngày 21/7/1968 và trở thành bất hủ, chung một danh xưng: Mười cô gái Đồng Lộc.

Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc

Hôm nay, sau 40 năm, nếu còn sống, có lẽ họ đã trở thành những bà, những mẹ cao niên, thế nhưng mãi mãi họ vẫn “không thêm một tuổi nào”. Tôi đã từng thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ ở nghĩa trang Điện Biên, nơi có những anh hùng Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... Tôi cũng đã từng đến viếng thăm hơn 10 ngàn liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn, Quảng Trị, một trong những nghĩa trang liệt sĩ có số lượng hài cốt lớn nhất thế giới... nhưng lần này về Đồng Lộc tâm trạng thật khác lạ. Nơi đây chỉ có 10 liệt sĩ và tất cả đều là những người con gái trẻ, chưa một lần yêu nên “thương lắm và thiêng lắm”. Nơi này còn lưu một chứng tích mà mỗi người dù ở đất nước nào, khi đến đây đều chùng chân, bước ngập ngừng, cúi đầu lặng lẽ - đó là một hố bom. Hố bom ấy chính là chứng tích tội ác của kẻ xâm lược. Tĩnh tâm tưởng niệm, hình như đâu đó làn khói thuốc nổ của 40 năm trước còn vảng vất quanh mấy ngọn cỏ dại mọc dưới lòng hố sâu kia. Thân xác trinh nguyên của các cô đã tan vào đất nhưng anh linh thì như còn quanh quất trong những sợi khói hương trầm mặc... Giờ đây, trước 10 phần mộ các cô, những đoàn viên trẻ chúng tôi đặt những chiếc khăn tay, những chùm quả bồ kết, những chiếc lược nhỏ và đặc biệt là những cây hương màu đỏ thắm, sợi khói trôi mông lung, hư ảo. Phải chăng những người quản trang nơi đây cũng không muốn cất bớt đi những cây hương đã cháy hết trong ngày nên chân hương tựa vào nhau ngày một to, nối lên rất cao, như cây cối mỗi ngày một sinh sôi. Lòng thành kính dâng đầy.

Sách xưa dạy không quét phần mộ màu trắng, chỉ quét màu xám nhưng ở đây 10 phần mộ toát một màu trắng tinh khôi. Màu của trinh trắng và màu của tang tóc ở ngã ba này như cứa vào hồn những người viếng niệm.

"Dấu tích của tội ác chiến tranh còn lại"

Cán bộ Ban quản lý di tích giới thiệu về Ngã ba Đồng Lộc

Đoàn viên Chi đoàn Cơ quan ĐHQGHN dâng hương tại đài tưởng niệm...

và thắp hương tại mộ 10 cô gái TNXP

Mộ của các cô trong những năm qua đã di chuyển đến 3 lần và hơn 10 năm nay mới chuyển về tại ngã ba này - bên đồi Trọ Voi, xã Đồng Lộc. Còn những quả bồ kết được đặt lên mộ có lẽ bắt đầu từ sau khi nhà thơ Vương Trọng viết bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc”, ngày 5/7/1995 Bài thơ đã làm rung động bạn đọc khắp nơi và riêng với anh Nguyễn Tiến Tuẩn (1 trong 3 anh hùng ở Đồng Lộc) thì điều đó đã trở thành niềm day dứt khôn nguôi. Năm 1998, anh đã lên huyện Hương Sơn cách đó hơn 20 cây số, tìm hai cây bồ kết con mang về trồng bên mộ của 10 cô gái. Giờ đây, giữa cái nắng chói chang của mùa mùa hè miền Trung, 2 cây bồ kết xanh tươi đang kiêu hãnh vươn mình cạnh một bia đá cao 80cm, rộng 40cm, khắc bài thơ của Vương Trọng.

Chúng tôi đến quê Bác Hồ...

Quê Bác đón chúng tôi buổi sáng 28/6 lất phất mưa. Trùng vào đúng ngày nghỉ cuối tuần nên từng đoàn xe, từng đoàn người đổ về đây đông như trảy hội. Sau khi lên viếng mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Người, chúng tôi về làng Chùa, tức làng Hoàng Trù, quê ngoại của Bác. Giữa ngôi nhà tranh nhỏ bé, giản dị, có chiếc chõng tre, có khung cửi mà người mẹ tảo tần của Bác muột thuở vừa bế con vừa dệt vải; rồi bếp, rồi chạn bát, chiếc rương gỗ đựng lúa, ngô, ngoài kia là cây mít lâu năm đã cằn mà vẫn lúc lỉu quả. Qua một vuông sân đất nện là tới hàng cau. Sau hàng cau là một ô vườn trồng toàn khoai lang... Con đường dẫn vào nhà hai bên là dậu dâm bụt được xén tỉa, tạo thành bức tường thiên nhiên màu xanh, điểm những bông hoa đồng nội. Không hiểu sao đứng giữa không gian ấy, tôi thấy sống mũi mình cay cay, chợt bùi ngùi nhớ tới căn nhà tranh vách đất ở vùng quê lam lũ của mình. “Vậy đấy! Một vĩ nhân, một người làm xoay vần cả lịch sử dân tộc, một tấm gương sáng ngời muôn thuở lại được sinh ra tại ngôi nhà tranh đơn sơ, giản dị nhường này, như nhà ta, như nhà của hàng triệu nông dân trên khắp đất nước này...”.

Hàng nghìn người đã về viếng mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Hồ Chủ tịch

Ngôi nhà ở làng Sen hay còn gọi là làng Kim Liên, quê nội của Bác, rộng rãi và khang trang hơn. Đây là ngôi nhà 5 gian được dựng bằng tre và gỗ, lợp tranh. Ngôi nhà được dựng nhờ công sức, tiền của do dân làng góp lại làm quà tặng cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác, khi cụ đỗ Phó bảng, đem vinh dự về cho quê hương Kim Liên. Tại sảnh lớn của Nhà truyền thống tưởng niệm Hồ Chí Minh, trước tượng Bác uy nghi, chúng tôi đã đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm và báo cáo lên Người những thành tích mà chi Đoàn Cơ quan ĐHQGHN đã đạt được trong năm học 2007-2008. Sau lễ báo công, dưới sự chứng kiến của BCH tỉnh Đoàn Nghệ An, huyện Đoàn Nam Đàn, đại diện chi Đoàn Cơ quan ĐHQGHN đã trao 3 suất học bổng vượt khó cho 3 em thiếu nhi nghèo học giỏi ở xã Xuân Lâm, gửi tổ chức Đoàn địa phương một số thùng quần áo cũ (do các Đoàn viên trong Chi đoàn đóng góp) để đưa đến tay những đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn...

Bí thư Chi đoàn Cơ quan ĐHQGHN báo công với Bác

và trao quà cho các em nhỏ vượt khó học tốt

Về quê Bác lần này, nhiều bạn trẻ trong đoàn chúng tôi đều thắc mắc khi thấy những vạt đất quanh nhà Bác trồng toàn khoai lang. Sao không là hoa hoặc những cây quý khác? Tôi đã được nghe kể rằng, có lần Bác Hồ về thăm quê, khi ấy, nước ta còn rất nghèo. Bác khuyên nên trồng khoai lang, một loại cây lương thực dễ trồng. Củ và lá đều dùng vào bữa ăn hàng ngày. Thảo nào, theo lời dặn của Người, mọi vạt đất quanh nhà đều trồng khoai lang. Ngoài ra có ba loại cây tiêu biểu của Việt Nam đều được trồng ở quê Người đó là tre, cau và mít. Còn dưới ao là ngào ngạt hương sen...

Các cán bộ Đoàn trao đổi về chương trình phối hợp hoạt động trong tương lai

Đến Nam Đàn, thăm nhà Bác, cùng đưa suy nghĩ quay trở về với những câu chuyện thuở ấu thơ của Người, ai trong chúng tôi cũng thấy mình thanh thản hơn, trong sáng hơn và hơn hết càng thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn...

 Trương Minh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :