Chân dung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Chân dung  >  
Trung thực là đức tính quan trọng trong nghiên cứu khoa học
"Việc nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh phát triển khoa học mang tính quốc tế luôn là niềm đam mê và là động lực để tôi theo đuổi công việc của mình”, TS. Vũ Kim Chi (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển – ĐHQGHN) chia sẻ. Chị là một trong số 8 nhà khoa học nữ vừa được ĐHQGHN khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong NCKH. Nhân dịp này, phóng viên Website ĐHQGHN đã có cuộc trò chuyện với chị về sự nghiệp khoa học của mình.

- Cơ duyên nào đưa chị đến với khoa học?
Ngay từ thời sinh viên, được học tập tại Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), tôi đã được các thầy cô truyền cho niềm đam mê khoa học. Cùng với quyết tâm được học tập, tu nghiệp ở nước ngoài, tôi luôn cố gắng nghiên cứu cũng như trau dồi tiếng Anh để nắm bắt cơ hội mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp một năm, với tấm bằng loại xuất sắc và vốn tiếng Anh ban đầu cộng thêm một chút may mắn, tôi đã được nhận học bổng toàn phần để theo học chương trình cao học Địa lý ở Đại học Leuven (Vương quốc Bỉ). Tại đây, tôi thực sự được học tập trong môi trường khoa học có tính học thuật cao, được “học đi đôi với hành” và điều đó càng làm cho tôi quyết tâm theo đuổi sự nghiệp khoa học. Năm 2007, sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Bỉ, tôi về nước và tiếp tục thực hiện các NCKH của mình ở Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN).
- Xuất phát từ đâu mà những nghiên cứu của chị đều hướng tới phát triển bền vững khu vực miền núi Tây Bắc?
Khu vực Tây Bắc là khu vực sinh sống của cộng đồng các dân tộc, chính vì thế văn hoá Tây Bắc rất đa dạng, muôn mầu. Muôn màu như chính nét họa tiết, hoa văn trên tấm thổ cẩm của người dân nơi đây. Với địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, việc phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo sinh kế cho người dân gắn với các vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững luôn được đặt ra với thách thức lớn. Đó chính là lý do để tôi ngày càng muốn đi sâu tìm hiểu về vùng đất này. Tôi bắt đầu nghiên cứu về vấn đề sử dụng đất ở Sơn La từ năm 1997 trong khuôn khổ một dự án nghị định thư của Việt Nam với Bỉ. Sau này, nghiên cứu này được phát triển hơn và đi sâu vào mối quan hệ của giữa văn hóa, con người và các vấn đề trong bảo vệ môi trường ở các khu vực khác nhau, ở các cộng đồng dân cư dân tộc khác nhau trên địa bàn Tây Bắc. Với hơn 15 năm gắn bó với mảnh đất và người dân nơi đây, tôi thực sự cảm thấy say mê, cuốn hút và càng muốn được hiểu sâu hơn nữa.
- Được biết, những công trình NCKH được nhận tài trợ từ quỹ Nafosted đều đòi hỏi có công bố quốc tế, chị đánh giá như thế nào về điều này và chị đã gặp những khó khăn gì trong quá trình nghiên cứu cũng như thực hiện các nghiên cứu của mình?
Những công trình NCKH được nhận tài trợ từ Nafosted đều đòi hỏi có công bố quốc tế, điều này đóng vai trò hết sức quan trọng để các nghiên cứu của Việt Nam hội nhập với các nhà khoa học trên thế giới.
Là phụ nữ làm khoa học, với tôi, khó khăn lớn nhất là việc làm thế nào để phân bổ thời gian hợp lý giữa NCKH, giảng dạy và gia đình. Khi tôi sinh cháu thứ hai được 6 tháng, tôi thực hiện chuyến thực địa để hướng dẫn sinh viên làm tốt nghiệp dài ngày ở địa bàn Tây Bắc, tôi đành gửi cháu lớn lúc đó được 4 tuổi ở nhà và đưa bé thứ hai đi cùng. Trong nghiên cứu khoa học, có những công việc tưởng như rất khó, dường như không thực hiện được, đặc biệt đối với phụ nữ, nhưng thực sự không nên ngồi và nghĩ như vậy, mà phải thử sức và cố gắng. Khi quyết tâm và thực hiện rồi, lúc đó mới có thể nói là có làm được hay không. Dù sao, tôi cũng cảm thấy mình là người phụ nữ may mắn khi luôn được các thành viên trong gia đình hiểu và thông cảm cho công việc và niềm đam mê của mình.
- Tính đến thời điểm này, trong số các công trình chị đã thực hiện, chị đánh giá công trình nào xuất sắc nhất?
Câu hỏi này hơi khó trả lời, vì các nghiên cứu và công bố của tôi là một sâu chuỗi kết quả, phần nghiên cứu sau tiếp nối phần nghiên cứu trước, nên khó có thể nói được cái nào hơn cái nào. Tùy thuộc vào mục đích của từng nghiên cứu đặt ra mang tính cơ bản hay tính triển khai, hỗ trợ chính sách. Có thể nói, các nghiên cứu cơ bản thì khó có thể áp dụng ngay được vào cuộc sống. Các nghiên cứu về Tây Bắc tôi đã công bố mang tính chất nghiên cứu cơ bản cao, tính ứng dụng chưa nhiều, trong tương lai tôi dự định có một số nghiên cứu triển khai  đề cao vai trò tri thức bản địa của người dân trong đảm bảo sinh kế và phát triển bền vững. Nói về tính ứng dụng, nghiên cứu mà nhóm chúng tôi đang thực hiện trong khuôn khổ tài trợ của Quỹ Rockerfeller về “Đánh giá quá trình đô thị hóa và biến động đường bờ phục vụ quy hoạch ứng phó biến đổi khí hậu Thành phố Quy Nhơn” là nghiên cứu có tính ứng dụng cao nhằm phục vụ hỗ trợ chính sách và quy hoạch thành phố. Kết quả của nghiên cứu đang được hoàn thiện và sẽ sớm được công bố trong thời gian tới.
- Dự định trong tương lai của chị?
Hiện nay, tôi đang công tác tại Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (ĐHQGHN), môi trường học thuật của Viện giúp tôi định hướng nghiên cứu theo hướng liên ngành với sự kết hợp hài hòa giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trong thời gian sắp tới, tôi sẽ tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu và hàng năm hy vọng sẽ có thêm những công bố quốc tế để tiếp tục được trao đổi, cọ sát với các học giả trong và ngoài nước.
- Chị muốn gửi gắm điều gì tới các sinh viên của mình?
Điều tâm niệm tôi luôn nói với các bạn sinh viên là trong mọi hoàn cảnh mình cần  trung thực với kết quả nghiên cứu và công bố của mình. Tôi nghĩ đây là yếu tố quan trọng nhất trong NCKH.
- Xin cảm ơn chị!

 

 Hương Giang - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :