Chân dung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Chân dung  >  
Hà Lê Kim Anh - Nét vẽ trong bức tranh đa sắc màu ULIS
Hà Lê Kim Anh - cái tên ấy chứa đựng sự yêu thương của đấng sinh thành, được ghép 4 chữ gồm họ và quê của bố mẹ. Kim Anh sinh năm 1977, tuổi Đinh Tỵ, là chị cả trong một gia đình có hai chị em.

Bố Kim Anh là bộ đội, tham gia quân ngũ từ năm 16 tuổi, đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Mẹ là giáo viên trường Đảng, sau này gọi là Trung tâm Bồi dưỡng lý luận chính trị. Môi trường gia đình đã tạo ra một Kim Anh nền tảng tư tưởng học tập là để cống hiến cho đất nước, phục vụ cho xã hội và nhân dân.

Năm 1995, Kim Anh trở thành sinh viên K29 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc của Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, nay là Trường ĐHNN –ĐHQGHN (viết tắt là ULIS). Một năm sau đó, cô sinh viên năm nhất may mắn nhận được học bổng trao đổi sinh viên giữa hai chính phủ sang học tập tại Quảng Châu, Trung Quốc. Kết thúc chương trình đại học, tân cử nhân Hà lê Kimn Anh lại tiếp tục nhận được học bổng của chính phủ Trung Quốc để học tiếp chương trình thạc sĩ và tiến sĩ.

Suốt tháng ngày học tập tại Trung Quốc, Kim Anh đã luôn tâm niệm sau khi tốt nghiệp sẽ quay trở về giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại ngữ, truyền đạt những kiến thức và những trải nghiệm trong hơn 10 năm tu nghiệp của mình cho các lớp đàn em. Và Chị đã may mắn thực hiện được mơ ước của mình khi được nhận vào làm giảng viên tại Khoa NN&VH Trung Quốc.

Các thầy cô trong Khoa vẫn thường nhớ về cô đồng nghiệp trẻ say sưa và tràn đầy nhiệt huyết với công việc giảng dạy, nghiên cứu, hướng dẫn luận văn, tham gia các hội thảo trong và ngoài nước. Kim Anh mong muốn hoàn thiện và khẳng định mình trong lĩnh vực chuyên môn, mong muốn trở thành một giáo viên dạy hay, dạy giỏi, được sinh viên và đồng nghiệp yêu mến, mong muốn có những bài báo, những sản phẩm nghiên cứu khoa học được công bố. Mong muốn rất nhiều…

Năm 2009, cơ duyên mới khiến những mong muốn của cô giảng viên trẻ trở nên dang dở. Chị vinh dự được lãnh đạo nhà trường giao cho đảm nhiệm cương vị Phó trưởng phòng Đào tạo - một công việc hành chính, mang tính sự vụ.

Thời gian đầu về phòng Đào tạo, Kim Anh khá bỡ ngỡ và bối rối, bất ngờ “bị” trói chặt trong thời gian hành chính 8 tiếng một ngày, “bị” xử lý giải quyết cơ man các sự vụ, ‘bị’ va chạm thường xuyên với  giảng viên, sinh viên và cả phụ huynh.

Kim Anh chia sẻ, “tôi vẫn nhớ cảm giác lạc lõng và bất lực khi một mình đứng giữa căn phòng làm việc, tự hỏi tại sao mình lại ở đây, tại sao mình lại tiêu tốn thời gian vào những công việc này trong khi niềm đam mê của mình đang ở chỗ khác. Bao nhiêu câu hỏi tại sao cùng với nỗi nghẹn ngào và những giọt nước mắt không thể nào kìm nén được. Thế rồi guồng quay của công việc, sự chia sẻ chân thành của các đồng nghiệp, sự tin tưởng của thầy Vũ Quốc Thái, nguyên Trưởng phòng Đào tạo lúc đó, sự động viên, khích lệ, của các thầy trong Ban giám hiệu và các đơn vị trong trường cũng giúp tôi vợi bớt những tâm tư”.

Phó Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã từng chia sẻ với những viên chức làm công tác đào tạo của Trường: “chừng nào chúng ta còn ở những vị trí này, chúng ta hãy làm hết trách nhiệm, hết mình vì công việc, để sau này khi nhìn lại không cảm thấy phải hối tiếc”. Tâm sự ấy đã cho Kim Anh động lực để hòa nhập thật sự với môi trường làm việc mới.

Rồi Hà Lê Kim Anh bắt tay vào rà soát các công việc được giao, lúc đó nổi cộm là công tác đào tạo bằng kép. Năm 2008, Trường ĐHNN bắt đầu triển khai đào tạo chương trình bằng kép ngành Ngôn ngữ Anh đối với sinh viên Trường ĐH Kinh tế. Và sang năm 2009, Trường tiếp tục triển khai chương trình bằng kép cho sinh viên trường ĐHKHXH&NV, Khoa Luật và sinh viên của chính ĐHNN. Thời điểm này, các lớp bằng kép được tổ chức giảng dạy riêng biệt cho sinh viên của từng đơn vị, với thời khóa biểu cố định vào các ngày cuối tuần, sinh viên không thể lựa chọn lịch học dù có thể các ngày trong tuần họ còn trống lịch. Công tác này được Trưởng phòng Đào tạo phân công cho vài chuyên viên, mỗi người phụ trách một đối tượng khác nhau.

Sau khi rà soát và nhận thấy mô hình này có nhiều bất cập, Phó Trưởng phòng Kim Anh đã nhóm họp các chuyên viên phụ trách bằng kép, cùng phân tích những ưu điểm và nhược điểm của mô hình tổ chức giảng dạy riêng biệt, sau đó đề xuất một mô hình mới. Tuy có những ý kiến không nên thay đổi mô hình cũ, nhưng Kim Anh quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình.

Mô hình mới được triển khai, lớp môn học được tổ chức chung cho sinh viên đến từ các đơn vị khác nhau; được tổ chức giảng dạy cả ngày trong tuần và ngày cuối tuần; sinh viên đăng ký lớp môn học qua portal cho phù hợp với kế hoạch và thời gian biểu của bản thân; chọn một chuyên viên chuyên trách công tác đào tạo bằng kép, từ khâu tuyển sinh, lập kế hoạch giảng dạy, triển khai đăng ký lớp môn học, liên hệ với giáo viên, tổ chức thi, tổ chức chấm điểm, xét tốt nghiệp, thanh toán kinh phí cho giáo viên v..v.

Sau một năm thực hiện mô hình mới, công tác đào tạo bằng kép đã có nhiều khởi sắc: việc triển khai đào tạo được thuận lợi và hiệu quả hơn; chuyên viên chuyên trách sát sao với công việc, tự tìm tòi suy nghĩ những sáng kiến đổi mới cho công việc; giáo viên và sinh viên hài lòng hơn về chất lượng phục vụ đào tạo; duy trì mức chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm khoảng 300 sinh viên; mở thêm chương trình đào tạo bằng kép ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Trong quá trình thực hiện thay đổi mô hình đào tạo bằng kép, Kim Anh nhận ra rằng, điều quan trọng của người lãnh đạo là phải nhìn ra được những tồn tại, những bất cập trong công việc của đơn vị, biết lắng nghe, trưng cầu ý kiến của đồng nghiệp, nhưng quan trọng hơn cả là phải quyết đoán và không sợ thay đổi.

Tháng 9 năm 2011, thầy Vũ Quốc Thái được luân chuyển lên làm Phó Trưởng Ban Đào tạo của ĐHQGHN, Ban Giám hiệu nhà trường đã tin tưởng giao nhiệm vụ Trưởng phòng Đào tạo cho Hà Lê Kim Anh.

Việc đầu tiên tân Trưởng phòng Đào tạo Hà Lê Kim Anh làm là mang bút vở đi học hỏi mô hình quản lý của một số trường bạn như Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH KHXH&NV,… Chị học được nhiều kinh nghiệm quý báu từ Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐHKT Nguyễn Thị Thư, và Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH KHXH&NV Đinh Việt Hải.

Sau đó, Chị đã xây dựng lại phân công nhiệm vụ trong phòng, mô tả chi tiết, cụ thể từng vị trí việc làm. Chị tự phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng cán bộ, trong đó chú ý đến thế mạnh của từng người, sau đó chọn cán bộ phù hợp với từng vị trí việc làm, cân nhắc mức độ hài hòa về khối lượng công việc của từng vị trí.

Sau khi đã có sự lựa chọn sơ bộ, Chị đã lần lượt trao đổi riêng với từng cán bộ, để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, để trưng cầu ý kiến về những điều chỉnh, bổ sung công việc mà sắp tiến hành đối với từng thành viên trong đơn vị. Chị cũng đã nhận được những tư vấn hết sức chân tình, trách nhiệm của một số cán bộ trong phòng, đặc biệt là thầy Bùi Quang Thái, một người có nhiều kinh nghiệm trong công việc và có tư duy của một nhà quản lý. Các cá nhân đều ủng hộ, nhất trí và đặc biệt rất hào hứng với phân công nhiệm vụ và mô tả vị trí việc làm mà chị đưa ra.

Sau một thời gian thực hiện, mọi người đều đánh giá bảng mô tả vị trí việc làm giúp họ hình dung được các công việc cần triển khai, thực hiện công việc một cách khoa học và hiệu quả hơn, hiểu được công việc của người khác để có thể chia sẻ và cảm thông. Bảng mô tả vị trí việc làm này sau đó được điều chỉnh hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên, lần điều chỉnh nào lãnh đạo phòng Đào tạo cũng tuân thủ nguyên tắc đảm bảo phát huy thế mạnh của mỗi cá nhân và có sự trao đổi riêng để nhận được sự đồng thuận từ phía các chuyên viên.

Một trong những nội dung mà năm 2011 khi đi học hỏi ở các đơn vị bạn tân Trưởng phòng Kim Anh thấy rất ngưỡng mộ và mong muốn làm được, đó là bộ Quy trình quản lý đào tạo theo tiêu chuẩn ISO của Trường Đại học Kinh tế. Năm 2013, khi mà các công việc của phòng bắt đầu vào guồng ổn đỉnh, các chuyên viên đã chuyên tâm hơn với công việc và sự phối kết hợp giữa các thành viên trong phòng cũng nhịp nhàng hơn, chị đã mạnh dạn xin ý kiến Ban Giám hiệu và phát động anh em xây dựng bộ Quy trình quản lý đào tạo đại học chính quy của Trường.

Rất may mắn, ý tưởng của đội ngũ làm công tác đào tạo của Nhà trường nhận được sự ủng hộ và chỉ đạo sát sao của Phó Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh. Thế là toàn thể anh em trong phòng quyết tâm trong vòng 1 năm hoàn thành sản phẩm. Không biết đã có bao nhiêu cuộc họp diễn ra xung quanh vấn đề này, từ khâu xây dựng danh mục các quy trình, thống nhất đề cương quy trình, thống nhất quy cách trình bày đến việc duyệt thống nhất nội dung.

Những cuộc họp có thể chỉ là chớp nhoáng giữa một vài thành viên, cũng có thể kéo dài cả buổi sáng với những tranh luận nảy lửa của tất cả anh em trong phòng. Cuối cùng thì sản phẩm cũng hoàn thành với 15 quy trình và hàng ngàn biểu mẫu liên quan. Tập thể Phòng gọi đây là ‘Công trình thiên niên kỷ’.

Công trình thiên niên kỷ’ này cũng được Hội đồng nghiệm thu đánh giá là một sản phẩm có tính khoa học, được xây dựng một cách công phu, và đặc biệt là có tính ứng dụng cao. Hiện nay, mỗi khi có sự luân chuyển vị trí việc làm trong đơn vị, hay khi tiếp nhận một nhân sự mới, đội ngũ nhân sự làm công tác đào tạo mới thấy ‘công trình’ này quả thực giúp ích rất nhiều trong việc hỗ trợ cán bộ làm quen và bắt nhịp với công việc mới.

Bên cạnh những bộn bề của công việc Phòng Đào tạo, Kim Anh vẫn cố gắng duy trì công tác chuyên môn, tham gia nghiên cứu khoa học, viết sách chuyên khảo, viết bài và tham dự hội thảo chuyên ngành tại Trung Quốc. Mặc dù chưa có được thành quả gì đáng kể trong công tác chuyên môn nhưng Chị tâm niệm đó như là bảo đao sẽ theo mình mãi mãi, tuy không thể mài giũa thường xuyên nhưng tuyệt đối không được để nó lên gỉ sét.

Sau những giờ giảng thăng hoa cô giáo Hà Lê Kim Anh như tìm lại được chính mình, tìm được niềm vui không gì so sánh nổi, niềm vui ấy giúp quên đi những mệt nhọc của công việc thường ngày, niềm vui ấy nhắc nhở chị luôn nhớ về ước mơ hằng ấp ủ.

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Mới vậy mà đã gần 6 năm trôi qua kể từ ngày Hà Lê Kim Anh về làm việc tại phòng Đào tạo. 6 năm cũng có thể được coi là một chặng đường. Bao nhiêu trải nghiệm, suy nghĩ và trăn trở, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn cùng với 6 năm qua. Kim Anh bảo, “hôm nay nhìn lại, thấy những gì mình làm được thực sự rất nhỏ bé. Tất cả những điều đó như là những việc đương nhiên phải thế, như là những nền tảng cơ sở tất yếu phải có của một đơn vị”.

Sau gần 6 năm công tác tại phòng Đào tạo, được làm việc cùng với những người đồng nghiệp vừa tận tâm, chuyên nghiệp, vừa rất cá tính, được làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các thầy cô Ban Giám hiệu, những người luôn tâm huyết và cống hiến hết mình cho công việc, được có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với đồng nghiệp ở các đơn vị bạn, Hà Lê Kim Anh thấy mình đã trưởng thành lên nhiều. Và hơn thế, Chị thấy mình đã gắn bó với tập thể phòng Đào tạo, với ngôi nhà ULIS.

Kim Anh thường ví von, Phòng Đào tạo là một góc nhỏ trong bức tranh có tên gọi là Ngôi nhà ULIS và chị chỉ là một nét vẽ trong bức tranh ấy. Ngắm bức tranh này còn thấy rất nhiều những gương mặt điển hình tiên tiến.

Đó là Hiệu trưởng Nguyễn Hòa, với phong thái và dáng dấp của một học giả. Những bài phát biểu của thầy bao giờ cũng có những câu chuyện sâu sắc và hóm hỉnh. Đó là thầy Nguyễn Lân Trung, như một ngôi sao sáng, tài hoa. Đó là thầy Đỗ Tuấn Minh, luôn đam mê hết mình vì công việc.

Đó là cô Nguyễn Hoàng Anh, tuổi đời mới 48 nhưng đã có 15 năm cống hiến ở vị trí phó trưởng khoa và 2 nhiệm kỳ liên tiếp là trưởng khoa NN&VH Trung Quốc. Đó là thầy Lê Văn Canh, một tấm gương sáng về nghị lực trong học tập và nghiên cứu, người luôn có những ý tưởng mới trong lĩnh vực lý luận và phương pháp giảng dạy ngoại ngữ.

Đó là Nguyễn Ngọc Lưu Ly, nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013, đạt danh hiệu phó giáo sư khi mới 32 tuổi. Đó là cô Ngô Minh Thủy, cô Lê Tuyết Nga, cô Trần Thị Hường, thầy Trịnh Đức Thái, thầy Lê Hoài Ân, những người cống hiến hết mình cho sự nghiệp gây dựng và phát triển việc giảng dạy tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hàn tại Việt Nam.

Đó là cô Trịnh Thị Phan Anh, người trao ‘tình yêu đầu tiên’ của mình cho tiếng Nga, người coi việc giảng dạy tiếng Nga không phải là công việc mà là niềm đam mê, là nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Cô cũng là người ghi danh Việt Nam vào bảng vàng trong cuộc thi ‘Giáo viên dạy tiếng Nga và văn học Nga xuất sắc nhất ở nước ngoài’ tổ chức tại Moscow năm 2014.

Và còn nhiều, còn nhiều những gương mặt khác nữa. Họ chính là những nét vẽ sắc sảo góp phần tạo nên nội lực và linh hồn của một bức tranh sống động đa màu sắc, bức tranh Ngôi nhà ULIS.

Trưởng phòng Đào tạo Hà Lê Kim Anh luôn tâm niệm, dù cho mỗi người là một nét vẽ, thậm chí là nét vẽ nhỏ bé, giản dị, khác màu nhưng cùng chung mục đích, thì mỗi nét đơn sơ ấy sẽ là sợi dây kết nối tạo nên một bức tranh đa màu sắc, sống động, có hồn và bất tử./.

 

Tin bài liên quan:

- Phát biểu của Giám đốc Phùng Xuân Nhạ tại Đại hội thi đua yêu nước Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ IV

- (Ảnh) Đại hội Thi đua Yêu nước ĐHQGHN lần thứ IV

- Phong trào thi đua yêu nước phải gắn với thực tiễn

- Trường ĐHKHTN: Nhiệm vụ chiến lược góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế

- Hội nghị Điển hình tiên tiến Trường ĐHKHTN giai đoạn 2010 – 2015

 

Tin trên báo chí:

- Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Đại học Quốc gia Hà Nội tiên phong trong thực hiện đổi mới phương thức tuyển sinh

- Báo Giáo dục & Thời đại: Đại hội thi đua yêu nước Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2010 – 2015

- Báo điện tử Chính phủ: Phong trào thi đua là động lực phát triển của ĐHQGHN

- Tập trung nguồn lực tạo ra sản phẩm mới, kết quả mới, hữu ích cho xã hội

 

 

 

 Diệp Anh - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :