Chân dung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Chân dung  >  
Phó chủ nhiệm khoa trẻ và ý tưởng tiết kiệm triệu USD
(Vietnamnet) - Là Phó Chủ nhiệm khoa Vật lý khi mới 36 tuổi, thành viên tích cực của nhóm nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về hạt Nano từ tính, luôn thường trực "vắt" não ra những ý tưởng mới. Đó là chân dung của TS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ nhiệm khoa Vật lý ĐH Khoa học Tự nhiên - gương mặt trẻ tiêu biểu của ĐHQG Hà Nội 2008.

Ra đi để trở về

Năm 2000, Nguyễn Hoàng Hải từ chối làm việc tại hãng Olympus của Nhật để sang ĐH Grenoble 1 Pháp nghiên cứu sinh.

Trong thời gian học ở nước ngoài, Hải có thú vui dịch tài liệu cho từ điển wikipedia bằng tiếng Việt với nickname “datrach”. Một số bài dịch về khoa học Vật lý của anh được bình chọn là bài của tuần, của tháng.

Ngoài bài dịch, Hải đã tổng hợp và đóng góp cho từ điển wikipedia những bài nghiên cứu về văn hóa Việt Nam.

Anh còn dịch báo và sách, đưa khoa học lên diễn đàn cho mọi người tham khảo miễn phí.

Năm 2006, Hoàng Hải trở về ký hợp đồng không thời hạn tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên với mức lương 2 triệu đồng.

“Tôi chưa bao giờ có ý định ở lại nước ngoài làm việc” – Anh Hải khẳng định.

Hải chỉ suy nghĩ đơn giản: “Tôi sẽ chỉ là một nghiên cứu viên bình thường trong một xã hội phát triển. Nhưng công việc của tôi sẽ rất hữu ích cho một xã hội đang phát triển như ở Việt Nam”.

“Tôi chấp nhận mức lương chỉ bằng 1/3 mức thu nhập của 10 năm trước đó còn bởi vì nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại trường ĐH là đam mê”.

Trong thời gian làm nghiên cứu viên về công nghệ Nano ở Mỹ, anh đã ấp ủ và lên những kế hoạch dài hơi cho sự trở về. Sau khi về Việt Nam, anh chỉ mất một vài tháng để “setup” (thiết lập) phòng thí nghiệm và bắt tay thực hiện dự định.

Sau 2 năm về ĐH Khoa học Tự nhiên công tác, Hoàng Hải đảm nhiệm chức Phó Chủ nhiệm lúc 36 tuổi. “Anh là quản lý trẻ và trong thời gian ngắn nhất đã đảm nhiệm vị trí lãnh đạo khoa Vật lý ở trường” – GS.TS Bạch Thành Công, Chủ nhiệm khoa cho biết.

Liều lĩnh “bước ra gió”

Trong một buổi trình bày báo cáo khoa học

Chân ướt chân ráo về Việt Nam, Hải đã táo bạo bắt tay ngay nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ Nano trong Y, Sinh học.

Ở Việt Nam khi đó mới nhen nhóm một vài nhóm nghiên cứu bước những bước đi chập chững. Hầu hết, các nhóm nghiên cứu lĩnh vực này đều ở “vạch xuất phát”.

Hải giải thích nguyên cớ liều lĩnh “bước ra gió”, dám thử sức ở “địa hạt” khoa học mới mẻ: “Tôi nhận thấy hạt Nano từ tính có tính ứng dụng rất cao trong cuộc sống”. Nó có thể làm giàu ADN (với bệnh phẩm có nồng độ ADN loãng quá thì những cảm biến sinh học đơn giản sẽ không thể ghi nhận được); đánh dấu tế bào bạch cầu; loại bỏ ion thạch tín trong nước; kéo dài tác dụng của thuốc kháng sinh…

Làm sao để “chạy” nhanh hơn người khác khi tất cả đều ở “vạch xuất phát”?

Anh Hải cười và bảo: “Nếu không trao đổi với đối tác nước ngoài tức là mình đang sống trên ốc đảo. Nếu chỉ đọc và tham khảo bài báo khoa học của nước ngoài thì khoảng cách sẽ đẩy ra càng xa”.

Rất may, trong thời điểm đó, Trung tâm Khoa học Vật liệu (thuộc Khoa Vật lý) có dự án hợp tác với Ủy ban châu Âu về hạt Nano kim loại.

Anh đã hướng dẫn SV Cấn Văn Thạch đề tài “Hạt Nano oxit sắt từ ứng dụng trong Sinh học và Môi trường” đạt giải nhất SV nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2006.

2008, đề tài “Sử dụng hạt Nano từ tính xử lý nước nhiễm thạch tín” do anh đồng hướng dẫn SV với cán bộ khoa Môi trường cũng đạt giải nhất nghiên cứu khoa học ở trường.

Đây là mốc ghi nhận những nghiên cứu hạt Nano từ tính của Hải và nhóm nghiên cứu đã được giới chuyên môn công nhận.

Hải có 50 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, với số lần trích dẫn khá cao. Bài báo nghiên cứu về sắt – platin năm 2003 đăng trên tạp chí quốc tế được trích dẫn tới 12 lần.

“Hải nhiệt tình, chịu khó hòa nhập vào trào lưu nghiên cứu trong nước, chấp nhận điều kiện khó khăn trong nước. Hải đã tiến hành nghiên cứu theo hướng khoa học công nghệ tương đối hiện đại và đạt một số thành công bước đầu”, GS Công nhận xét.

Ý tưởng ngược có thể tiết kiệm hàng triệu đô la

Tham quan mô hình tại Đài Loan

Nếu các nhà khoa học truyền thống sẽ nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực trong mấy chục năm, sản phẩm đưa ra sẽ cực kỳ chắc chắn.

Tuy vậy, sẽ gặp khó khăn khi áp vào nhu cầu xã hội: sản phẩm có được nhiều người chấp nhận không, giá thành có hạ không, và có nhiều công ty đồng ý sản xuất hàng loạt không?

Trăn trở với những câu hỏi đó, Hải đã quyết tìm ra ý tưởng ngược so với cách làm truyền thống.

Ý tưởng của anh thường nảy ra từ “ngọn” – tức bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn của công ty, nhà máy… Nếu họ có vấn đề về kỹ thuật, khoa học công nghệ không giải quyết được, Hải sẽ vận dụng kiến thức mình đã có để sáng tạo làm sản phẩm mới, hoặc cải tiển để đưa ra sản phẩm tốt hơn.

Vị Phó Chủ nhiệm khoa cho rằng: “Đây là hướng nghiên cứu khoa học phù hợp với những xã hội đang phát triển”.

Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ Nano trong Y, Sinh học, Hải bật mí dự định táo bạo hơn: “Trong thời gian tới, tôi sẽ tập trung nghiên cứu các loại hạt Nano trong tiết kiệm nguồn năng lượng”.

Miếng kính chống nóng dán ở ô tô chỉ cho ánh sáng nhìn thấy được đi qua, ngăn không cho tia hồng ngoại lọt vào xe. Nhưng trên thị trường, loại kính này giá thành khá cao 4-10 triệu/m2. Anh hi vọng sẽ nghiên cứu thành công và đưa ra thị trường sản phẩm tốt tương đương nhưng giá thành chỉ bằng 1/2.

“Dự án này thành công đưa sản xuất đại trà (có thể dùng dán cho tòa nhà cao ốc giảm nguồn năng lượng làm mát) thì có thể đem lại lợi nhuận khổng lồ lên tới hàng triệu đôla Mỹ”, Hải ước tính.

Ước mơ về một ĐH đạt đẳng cấp quốc tế

Ở Việt Nam, đội ngũ giảng viên có thể dạy chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài đạt tiêu chuẩn quốc tế không phải nhiều. Hải có lợi thế là đã tham gia trợ giảng cho SV nước ngoài, nên giảng bài được bằng tiếng Anh chuyên ngành lưu loát, trôi chảy.

Anh mạnh dạn soạn bài giảng điện tử để cho sinh viên dễ tham khảo. Khi đang loay hoay chật vật về kinh phí thì ĐHQG Hà Nội đã hỗ trợ anh xúc tiến triển khai dự án này. Hiện tại, Hải đã thuê một công ty đóng gói dữ liệu học liệu mở do anh biên soạn đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Cấp 3 không học trường chuyên, nhưng chính vì thế, anh có nhiều thời gian tích lũy kiến thức nền về các lĩnh vực. “Giảng dạy Vật lý không chỉ đơn thuần là giảng kiến thức chuyên ngành Vật lý mà phải đưa cả thế giới sống động vào bài giảng. Kiến thức phải có sự móc nối nhau.” – Anh chia sẻ.

Và vì thế, theo anh máy chiếu, Internet, và công nghệ thông tin… chỉ là hỗ trợ, chứ không quyết định sự thành công của một bài giảng.

Bí quyết “hút” SV vào bài giảng của anh là: “Không ôm đồm kiến thức, chỉ đưa ít kiến thức tinh hoa vào bài giảng. Nhưng giảng đến đâu, SV tiếp thu và vận dụng được đến đó”.

Hải bật mí một ước mơ: “Đến cuối đời, tôi mong góp phần thành lập một trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế”.

Hải không giấu diếm mong muốn "cởi trói" cơ chế hành chính đang vận hành trong các trường đại học. Thế giới ĐH tự do anh mở sẽ không tồn tại kiểu nhân sự “sinh ra dễ, giết đi thì khó”. Người làm nhiều sẽ được hưởng nhiều, người làm kém sẽ bị đào thải. Trong mọi môi trường, hoàn cảnh đều phải khuyến khích sự cạnh tranh công bằng, cởi mở. 

 Ngày 23/9/2008, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đến thăm và làm việc tại Trường.

GS.TS Bạch Thành Công, Chủ nhiệm khoa kể lại: “Khoa Vật lý được giao nhiệm vụ cử Tiến sỹ trẻ dạy giờ Vật lý để Bộ trưởng dự giờ. Các vị Tiến sỹ khác từ chối. Sau khi khoa gợi ý, anh Hải  đồng ý và sẵn sàng đảm nhận”.

Tiết học Điện và từ của TS. Nguyễn Hoàng Hải tại lớp B3 K52 Sư phạm Vật lý giảng dạy theo một phương pháp mới “interactive teaching method” – giảng dạy theo phương pháp tích cực hóa, có sự tương tác với SV và đề cao tính tự chủ của người học. Tiết học đó được đoàn công tác của Bộ đánh giá tốt.

"Lí lịch trích ngang"

  • 1994, tốt nghiệp khoa Vật lý Trường ĐH KHTN.
  • 1996, tốt nghiệp thạc sỹ tại Trung tâm quốc tế đào tạo Khoa học Vật liệu (ITIMS), ĐH Bách Khoa Hà Nội.
  • 1996-1999, công tác tại khoa Quản trị kinh doanh, ĐHQG HN.
  • 1999-2000, Hãng Olympus, Nhật Bản.
  • 2000-2003, nghiên cứu sinh tại ĐH Grenoble 1 Pháp.
  • 2003-2005 làm nghiên cứu viên chuyên nghiên cứu công nghệ Nano tại ĐH Nebraska – Lincoln, Mỹ.
  • Đầu 2006, về Việt Nam công tác tại ĐH KHTN


 Lưu Vân - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :