Chân dung
Trang chủ   >  Tin tức  >   Chân dung  >  
Liên kết "ba nhà"
(LĐ) - "Ba nhà" ở đây là nhà giáo giảng dạy tại các trường đại học; nhà khoa học tại các viện nghiên cứu và nhà doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa "ba nhà" nói trên đã được thiết lập từ nhiều năm trước, đặc biệt là khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.


 

Tuy nhiên, sự liên kết này xem ra còn chưa được mặn mà nếu không muốn nói là khá lỏng lẻo, thậm chí còn... lệch pha. Đặc biệt, trong nền kinh tế tri thức và mở cửa hội nhập hiện nay thì sự lỏng lẻo này đang để vuột mất nhiều cơ hội to lớn. 

Bởi vậy, một hội thảo bàn về mối liên kết giữa các đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp (DN) do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ xướng diễn ra sáng qua (24.6) tại Hà Nội, đã thu hút nhiều chuyên gia khoa học hàng đầu cùng một số doanh nhân tâm huyết.

Mục tiêu của hội thảo, theo GS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - là phát huy lợi thế "mỗi nhà", liên kết lại với nhau nhằm tạo ra sức mạnh giữa tri thức, khoa học công nghệ và sản xuất, kinh doanh phục vụ sự nghiệp HĐH - CNH đất nước.

Tuy nhiên, cái lợi thế của "mỗi nhà" này lâu nay chưa được tận dụng hiệu quả trong khi tiềm năng còn quá lớn. VN có một đội ngũ các nhà nghiên cứu, giảng dạy không thua kém một số nước phát triển khu vực và thế giới cả về chất lẫn lượng.

Lợi thế lớn nhất của họ là tri thức khoa học và công nghệ. VN cũng có một đội ngũ doanh nhân hùng hậu với số lượng lên tới hơn 400.000 DN, mà lợi thế lớn nhất của họ là kinh nghiệm cọ xát trên thương trường. Song thực tế cho thấy là cả "ba nhà" này chưa tận dụng được lợi thế của nhau và hệ quả là chưa tạo ra sức mạnh tổng lực.

Tại hội thảo, một doanh nhân dẫn ra ví dụ: Một viện khoa học nghiên cứu rất thành công quy trình sản xuất nấm linh chi, nhưng không biết bán ở đâu? Rút cuộc, nhiều ông tiến sĩ phải lặn lội mang nấm đi rao bán mà chả mấy ai mua. Nhà doanh nghiệp này tiếc rẻ: Giá như chúng tôi có công trình nghiên cứu này thì sẽ mua trọn gói, còn khâu sản xuất và tiêu thụ chúng tôi sẽ lo.

Rất tiếc, câu chuyện trên không phải là hi hữu, nên đã có thời xuất hiện nghịch cảnh tức cười: Nhà khoa học thì tập đi buôn, còn nhà DN thì mày mò nghiên cứu tạo ra sản phẩm! 

Nền kinh tế tri thức đòi hỏi hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm rất cao. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế, thương mại đang mang tính toàn cầu hoá thì các sản phẩm có giá trị gia tăng cao sẽ có sức cạnh tranh mạnh và ngược lại. Nền kinh tế VN cũng đang trong dòng chảy đó, nên không thể mãi cho ra lò những sản phẩm thô, giá trị thấp.

Trong chuyện này, việc liên kết giữa "ba nhà" nói trên có vai trò quyết định. Tuy nhiên, muốn liên kết thực chất, hiệu quả thì nỗ lực tự thân của "ba nhà" là không đủ. Sự hậu thuẫn cả về tinh thần, vật chất và đặc biệt là cơ chế hanh thông từ Chính phủ và các cơ quan quản lý là cái mà họ đang mong đợi.

 Đình Chúc - Lao Động số 140 Ngày 25/06/2009 Cập nhật: 7:53 AM, 25/06/2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :