Hội đồng Khoa học và Đào tạo
Trang chủ   >  GIỚI THIỆU  >   Cơ cấu tổ chức  >   Hội đồng Khoa học và Đào tạo
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VÀ ĐÀO TẠO, CÁC HỘI ĐỒNG NGÀNH (LIÊN NGÀNH)

MỤC 1: Hội đồng Khoa học và Đào tạo

        Điều 28: Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội do Giám đốc ĐHQGHN ra quyết định thành lập. Nhiệm kỳ của Hội đồng Khoa học và Đào tạo theo nhiệm kỳ của Giám đốc ĐHQGHN.

        Điều 29: Thành viên của Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội bao gồm :

        1. Giám đốc, một số Phó Giám đốc, một số trưởng ban chức năng Đại học Quốc gia Hà Nội;

        2. Hiệu trưởng các trường đại học thành viên, Chủ nhiệm các khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội;

        3. Viện trưởng các viện nghiên cứu thành viên, một số giám đốc trung tâm nghiên cứu trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội;

        4. Một số cán bộ giảng dạy, nhà khoa học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội.

        Giám đốc ĐHQGHN ra quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các thành viên của Hội đồng Khoa học và Đào tạo.

        Ban Khoa học - Công nghệ và Ban Đào tạo ĐHQGHN giúp việc Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN.

        Điều 30: Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội làm nhiệm vụ tư vấn cho Giám đốc ĐHQGHN trong việc :

        1. Xác định chiến lược và đề ra những chủ trương lớn trong đào tạo, nghiên cứu, triển khai khoa học - công nghệ;

        2. Xác định quy mô và các bước phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội;

        3. Đề ra các hướng ưu tiên, các hướng mũi nhọn trong đào tạo và nghiên cứu khoa học ở Đại học Quốc gia Hà Nội;

        4. Xây dựng mô hình và phương thức tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học trong Đại học Quốc gia Hà Nội;

        5. Quy hoạch và xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội;

        6. Xác định kế hoạch hợp tác và trao đổi nghiên cứu khoa học trong nước và ngoài nước;

        7. Đánh giá chất lượng công trình nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội;

        8. Thành lập các trường đại học, các viện nghiên cứu thành viên và các khoa trực thuộc mới của Đại học Quốc gia Hà Nội;

        9. Khen thưởng những công trình khoa học xuất sắc, những sáng kiến, sáng chế, phát minh khoa học.

        Điều 31: Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội có trách nhiệm :

        1. Chỉ đạo việc chuẩn bị nội dung của các cuộc họp của Hội đồng;

        2. Triệu tập và chủ trì các sinh hoạt của Hội đồng;

        3. Lãnh đạo việc tổ chức và thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng.

        Điều 32: Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội có trách nhiệm:

        Giúp Chủ tịch Hội đồng trong các hoạt động chung của Hội đồng;

        Thay mặt Chủ tịch Hội đồng điều hành hoạt động của Hội đồng khi Chủ tịch Hội đồng vắng mặt.

        Điều 33: Thư ký Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội có trách nhiệm:

        1. Chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp của Hội đồng;

        2. Làm thư ký cho các cuộc họp của Hội đồng;

        3. Giúp Chủ tịch Hội đồng xây dựng và hoàn chỉnh các văn bản của Hội đồng;

        4. Gửi giấy mời họp, gửi tài liệu liên quan đến cuộc họp cho các thành viên Hội đồng trước phiên họp không dưới 15 ngày và gửi các biên bản, kết luận của Hội đồng cho các thành viên không chậm hơn 15 ngày sau khi cuộc họp kết thúc.

        Điều 34: Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội họp định kỳ 6 tháng một lần. Trong những trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể triệu tập họp bất thường.

        Điều 35: Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội làm việc theo nguyên tắc thảo luận dân chủ. Các kết luận hoặc nghị quyết của Hội đồng được thông qua bằng hình thức biểu quyết (công khai hoặc bỏ phiếu kín). Chỉ có các kết luận, nghị quyết được quá nửa số thành viên của Hội đồng tán thành mới được xem là kết luận, nghị quyết của Hội đồng.

        Điều 36: Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội làm việc theo phương thức sau đây:

        1. Các vấn đề cần lấy ý kiến của Hội đồng sẽ được chuẩn bị thành văn bản và được gửi trước đến từng uỷ viên, chậm nhất là 7 ngày trước khi Hội đồng họp. Các uỷ viên nghiên cứu, cho ý kiến bằng văn bản hoặc sửa chữa trực tiếp vào tài liệu và gửi lại cho Thư ký Hội đồng vào ngày bắt đầu cuộc họp;

        2. Tại cuộc họp chung Hội đồng chỉ thảo luận những vấn đề lớn, những vấn đề có tính nguyên tắc;

        3. Giữa hai kỳ họp của Hội đồng, các uỷ viên có thể tiếp tục góp ý kiến cho các công tác của Đại học Quốc gia Hà Nội (bằng thư góp ý hoặc gặp trực tiếp Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội).

        Điều 37: Các thành viên của Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội được cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của Hội đồng, được quyền biểu quyết hoặc được quyền bảo lưu ý kiến riêng trong các vấn đề thuộc phạm vi tư vấn của mình.

        Điều 38: Các thành viên của Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng và tham gia đóng góp ý kiến theo các nội dung của các cuộc họp. Nếu vì lý do chính đáng không thể tham dự cuộc họp cần báo cáo bằng văn bản cho Chủ tịch Hội đồng.

 

MỤC 2: Hội đồng ngành (liên ngành)

        Điều 39: Hội đồng ngành (liên ngành) do Giám đốc ĐHQGHN ra quyết định thành lập. Hội đồng ngành (liên ngành) có cùng nhiệm kỳ với Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN.

        Thành viên của Hội đồng ngành (liên ngành) bao gồm:

        1. Các uỷ viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN có chuyên môn thuộc lĩnh vực của ngành (liên ngành);

        2. Đại diện các ban Chủ nhiệm khoa thuộc trường, khoa trực thuộc, phân khoa thuộc khoa trực thuộc, thủ trưởng các trung tâm đào tạo, nghiên cứu trực thuộc, các phòng nghiên cứu chuyên đề thuộc viện trong lĩnh vực chuyên môn của ngành (liên ngành);

        3. Một số cán bộ giảng dạy và nghiên cứu có uy tín thuộc lĩnh vực của ngành (liên ngành) ở trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội.

        Số lượng thành viên của Hội đồng ngành (liên ngành) tuỳ thuộc vào quy mô từng lĩnh vực chuyên môn của từng ngành (liên ngành) trong Đại học Quốc gia Hà Nội, gồm từ 7 đến 17 người, chủ yếu là các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu đang công tác trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong trường hợp đặc biệt, Giám đốc ĐHQGHN có thể quyết định số lượng uỷ viên Hội đồng lớn hơn 17 người. Giám đốc ĐHQGHN bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các uỷ viên Hội đồng.

        Ban Đào tạo và Ban Khoa học - Công nghệ giúp việc Hội đồng ngành (liên ngành).

        Điều 40: Hội đồng ngành (liên ngành) có nhiệm vụ tư vấn cho Giám đốc ĐHQGHN về các việc sau :

        1. Xác định các hướng mũi nhọn ưu tiên trong đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ của ngành (liên ngành);

        2. Đề xuất phương án tổ chức các hoạt động liên kết giữa các đơn vị trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của ngành (liên ngành);

        3. Tham gia thẩm định các khung chương trình và chương trình đào tạo của ngành (liên ngành);

        4. Xác định phương hướng đào đạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học của ngành (liên ngành);

        5. Xác định phương hướng hợp tác và trao đổi nghiên cứu khoa học trong nước và ngoài nước thuộc lĩnh vực chuyên môn của ngành (liên ngành);

        6. Tham gia các hoạt động chọn lựa các đề tài, dự án nghiên cứu, triển khai khoa học - công nghệ các cấp, đánh giá chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học; đề xuất việc khen thưởng những công trình khoa học xuất sắc, những sáng chế phát minh khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn của ngành (liên ngành);

        7. Tư vấn cho Giám đốc về những vấn đề khác theo yêu cầu của Giám đốc.

        Điều 41: Chủ tịch Hội đồng ngành (liên ngành) có trách nhiệm :

        1. Triệu tập và chủ trì các sinh hoạt của Hội đồng;

        2. Lãnh đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động của Hội đồng theo yêu cầu của Giám đốc ĐHQGHN và phù hợp với chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN;

        3. Báo cáo bằng văn bản các kết luận, kiến nghị của Hội đồng và những ý kiến khác của các uỷ viên Hội đồng cho Giám đốc ĐHQGHN.

        Điều 42: Phó Chủ tịch Hội đồng ngành (liên ngành) có trách nhiệm:

        Giúp Chủ tịch Hội đồng trong các hoạt động chung của Hội đồng;

        Thay mặt Chủ tịch Hội đồng điều hành hoạt động của Hội đồng khi Chủ tịch Hội đồng vắng mặt.

        Điều 43: Thư ký Hội đồng có trách nhiệm:

        Giúp Chủ tịch Hội đồng chuẩn bị nội dung báo cáo và triệu tập các cuộc họp của Hội đồng;

        Giúp Chủ tịch Hội đồng xây dựng, hoàn chỉnh và lưu giữ các văn bản của Hội đồng.

        Điều 44: Hội đồng họp 4 tháng một lần. Trong những trường hợp cần thiết, Hội đồng có thể họp bất thường.         Các tài liệu liên quan đến cuộc họp được gửi cho các thành viên của Hội đồng trước phiên họp không ít hơn 7 ngày. Giám đốc ĐHQGHN hoặc những người được Giám đốc uỷ quyền có thể cùng tham dự phiên họp. Trong trường hợp đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng có thể mời thêm một số chuyên gia tư vấn trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội tham dự phiên họp của Hội đồng. Số lượng mời không quá 1/3 số uỷ viên của Hội đồng.

        Điều 45: Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận dân chủ. Các kết luận của Hội đồng được thông qua bằng hình thức biểu quyết (công khai hoặc bỏ phiếu kín). Khi cần biểu quyết, Hội đồng phải có trên 2/3 số uỷ viên Hội đồng tham dự phiên họp và chỉ có các kết luận được quá nửa số uỷ viên Hội đồng tham dự phiên họp tán thành mới được xem là kết luận chung của Hội đồng. Các kết luận và các ý kiến của Hội đồng được báo cáo bằng văn bản cho Giám đốc ĐHQGHN không chậm hơn 10 ngày sau phiên họp.

        Điều 46: Các uỷ viên Hội đồng ngành (liên ngành) được cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của Hội đồng, được quyền thảo luận, biểu quyết hoặc bảo lưu ý kiến riêng trong các vấn đề thuộc phạm vi tư vấn của mình.

        Điều 47: Các thành viên của Hội đồng ngành (liên ngành) có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng và tham gia đóng góp ý kiến theo các nội dung của cuộc họp. Nếu có lý do chính đáng không thể tham dự họp cần báo cáo bằng văn bản cho Chủ tịch hội đồng.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :