Bản tin
Trang chủ   >   >    >  
Một ngày với Giáo sư Hoàng Xuân Hãn
Học giả Hoàng Xuân Hãn mất mới đó mà đã được gần 10 năm. Ông gần gũi với giới khoa học và văn hoá nước nhà bởi những đóng góp nhiệt thành của ông cho lĩnh vực khoa học và nhân văn học Việt Nam...

Sống ở Paris nhưng suốt đời ông trăn trở vì những vấn đề cụ thể cho sự phát triển của đất nước, nhận được sự yêu mến và kính trọng của giới học thuật và của đồng bào.

Ai qua Pháp làm việc, nghiên cứu cũng mong có dịp được gặp gỡ ông vì nghe nói ông sắc sảo trong tư duy khoa học, hiền hậu và rất chân thành.

Riêng tôi còn có một lý do khác.

Thuở nhỏ, tôi thường nghe cha tôi nhắc đến tên ông trong các cuộc trò chuyện với đồng nghiệp. Cha tôi là bạn đồng học một lớp với ông ở trường Quốc học Vinh suốt 4 năm (1922-1926). Trong lớp đó còn có những người sau này nổi tiếng như nhà cách mạng Hà Huy Giáp, nhà thơ Tchya (Đái Đức Tuấn), nhưng học giỏi nhất mà đặc biệt là môn Toán và môn Lý phải là Hoàng Xuân Hãn.

Cách đây mấy chục năm, hồi chiến tranh ác liệt, cha tôi lâm bệnh mãn tính, một người nhà của bác Hãn ở Hà Nội đã có nhã ý sẻ cho cha tôi một ít thuốc quý. Nhân đó, cha tôi kể rằng, hồi trước cách mạng, khi trường Bưởi sơ tán vào Thanh Hoá tránh bom Mỹ thì cha tôi thường gặp bác vào dạy. Hai người đã từng trò chuyện với nhau. Rồi khi nghe tin mẹ tôi sinh tôi ở Hà Nội, bác Hãn đã đi xe kéo từ trang trại của bác ở ngã tư Trung Hiền (Chợ Mơ) lên nhà ngoại tôi ở phố Sinh Từ để thăm. Cha dặn tôi, nếu có dịp nào gặp được bác Hãn thì chuyển lời hỏi thăm của cha tôi và nhắc lại chuyện xưa với bác. Còn tôi thì nghĩ chẳng bao giờ có dịp gặp bác ở nơi cuối trời.

Nhưng rồi ngày ấy cũng đến một cách tình cờ.

Cuối năm 1991 đầu năm 1992, tôi được mời thỉnh giảng ở Ban Việt học, Đại học Paris 7 hơn nửa năm. Khi đi, GS. Nguyễn Tài Cẩn khuyên tôi nên đến thăm một vài người, trong đó GS. Hoàng Xuân Hãn là người được nhắc đến đầu tiên. Thầy còn cho tôi cả địa chỉ nhà riêng của bác Hãn. Tôi mừng lắm.

Đến Paris được vài tuần, tôi gửi thư thăm bác và tự giới thiệu là con của một người bạn học cùng bác ngày trước. Thư gửi đi, tôi mong có dịp tiếp kiến bác. Nhưng chờ mãi, gần hai tháng không có hồi âm, tôi thấy mình như làm một việc theo cảm tính và hơi tự trách.

Một hôm, GS. Tạ Trọng Hiệp đến tìm gặp tôi, anh vốn là học trò gần gũi của bác Hãn. Anh Hiệp cho biết bác Hãn rất trách tôi là đã gửi thư mà không đến chơi, bác có hơi phật ý. Tôi bối rối và giải thích là không thấy bác nói gì. Anh Hiệp cho biết: “Cụ nhiều tuổi, chuyện xưa thì rất nhớ nhưng chuyện nay thì hay quên. Thư anh gửi, cụ đọc xong thì mừng lắm, nhưng cho vào tủ rồi quên luôn, không tìm được. Anh thu xếp đến ngay đi, đây là số điện thoại cụ gửi cho anh”.

Hôm sau, tôi gọi điện đến thì nghe thấy đầu dây bên kia vang lên một giọng nói nhỏ nhẹ, giọng Bắc pha giọng Trung. Bác Hãn cảm động và giục tôi đến ngay vào ngày nghỉ cuối tuần, lại còn chỉ dẫn rất cụ thể lối đi đến nhà.

Sáng chủ nhật, vợ chồng tôi đi sớm như đã hẹn. Ra khỏi bến xe điện ngầm, không khó khăn, chúng tôi tìm được ngay số nhà 19 phố Théophile Gautier, quận 16. ở chân thang máy, tôi thấy một cụ già người Châu á trong bộ comple nâu, nhưng không để ý lắm nên cứ bấm thang máy để vào, bỗng nghe cụ hỏi: “Anh có phải là cháu Đức không?”. Tôi ngỡ ngàng. Thì ra đây chính là bác Hãn. Nghe tôi hẹn đến, bác đã ăn vận lịch sự xuống tận tầng 1 chờ tôi. Bác nắm chặt tay tôi và dẫn chúng tôi lên nhà. Vào nhà, tôi mới có dịp nhìn kỹ bác, một người vóc nhỏ nhắn, ngoài tám mươi nhưng còn nhanh nhẹn và đặc biệt là nói năng nhỏ nhẹ và rất chân thành. Sau tuần trà nước kiểu quê nhà, tôi thưa với bác là rất muốn được gặp để chuyển đến bác tình cảm bạn bè xưa mà cha tôi dặn lại, (cha tôi mất đã 18 năm). Bác cảm động cho tôi biết nhà thơ Tchya ở Mỹ mới gọi điện về cho bác hỏi bạn bè xưa nay có còn ai. Và thế là bắt đầu một chuỗi hồi ức từ trường quốc học Vinh đúng 70 năm trước. Bác nhớ như in chuyện cũ, như ngày hôm qua vậy: “Trước khi có trường Collège de Vinh thì ai muốn học Quốc học (thành chung) chỉ có cách vào Huế. Cả Trung Kỳ ngày ấy chỉ có một trường trung học thôi. Năm 1920, Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung Kỳ cho lập trường Vinh, thầy giáo đa số là người Pháp. Khoá đầu vào học có các ông Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, lớp sau có ông Trần Phú. Bác và cha cháu vào khoá thứ ba. Hiệu trưởng là một thầy người Pháp tên là Le Breton, ít đầu óc thực dân và rất ham hiểu biết về bản địa. Chính ông đã viết sau này một cuốn sách về vùng An - Tĩnh (Mới đây, năm 2001, NXB Thế giới, Hà Nội, và trường Viễn Đông Bác cổ, Pháp, đã phối hợp cho xuất bản cuốn sách này tại Việt Nam) được giới nghiên cứu coi trọng. Niên khoá 1922 - 1926 có 43 người, học trò chủ yếu là Thanh Nghệ Tĩnh và Quảng Bình, phần lớn là học trò nghèo thi vào và giành được học bổng, nhiều người biết chữ Hán vì đã cầm bút lông trước khoa thi cuối cùng (1919). Cha cháu cũng trong số đó nên có nhích tuổi hơn. Cha cháu tuổi Giáp Thìn còn bác tuổi Mậu Thân. Cha cháu nhà nghèo và nhà bác cũng nghèo, bác phải theo một người anh làm quan, lưu lạc ra Thanh Hoá từ khi còn nhỏ, thi đỗ thành chung mới về lại xứ Nghệ. ở Thanh Hoá, bác cũng học chữ Hán và học rất sáng nên rất quan tâm đến đình chùa và bia đá, đâu có chữ Hán là tập đọc. Sau này đi dạy học, ở nơi nào bác cũng tìm in sao văn bia là có ý như thế. Học trò nghèo nên ai cũng cố học. Cha cháu trọ học với mấy anh em, không có màn, mùa hè xứ Nghệ nóng như thiêu, toàn cởi trần, mùa đông lạnh không có áo, thiếu dầu đèn nên toàn mang sách sang lò bánh mì gần đó học nhờ ánh lửa của củi đốt”. Tôi thưa: “ Nghe ba cháu nói là bác học giỏi nhất, toàn đứng đầu lớp”. Bác ngừng lại và cắt lời tôi: “Cháu nói như thế chưa chính xác. Nói đúng ra là phải thế này, năm thứ nhất đứng đầu lớp là cha cháu, năm thứ hai là một người tên Minh, năm thứ ba và thứ tư mới là bác. Cha cháu thì giỏi lettre và philo lắm, còn bác thì giỏi về sciences (ông nói tiếng Pháp). Những năm học ở Vinh, nghèo nhưng vui và thân ái với nhau lắm”. Tôi về Hà Nội mở cuốn học bạ xưa của cha tôi mà tôi còn giữ được thì thấy bác Hãn nhớ đúng như thế. Tôi thưa với bác rằng cha cháu có lần kể: Tuy học ở Vinh nhưng khi tốt nghiệp (1926) thì cả lớp phải vào Huế dự thi diplome tổ chức cho cả Trung Kỳ. Năm ấy đang có phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh, anh em lén tham gia lễ truy điệu, Pháp mà biết thì đuổi học ngay. Khi vào Huế thi, với lòng hâm mộ cụ Phan Bội Châu, anh em đã rủ nhau nấp ở gần nhà cụ, trên lối cụ hay đi qua, may quá chờ không lâu thì trông thấy cụ, vội chạy ra vái chào. Thấy học trò Thanh Nghệ, cụ Phan mừng lắm, xoa đầu các học trò nhỏ hơn và dặn dò: “Các cậu phải chăm học để sau này nước nhà được phú cường”. Ai cũng thấy phấn khích. Bác Hãn bảo ngay là đúng như thế và còn nói rõ là cả hội học trò phải nấp ở bụi cây ven đường, chờ cho cụ Phan đến nơi mới xuất hiện, vừa sợ cụ không cho gặp vừa sợ mật thám. Bác Hãn kể tiếp: “Sau khi đỗ cao đẳng tiểu học năm 1926, mỗi người một ngả, bác nghe cha cháu phải bổ đi dạy học tận Ban Mê Thuật, đi xe trâu mất tám ngày đường, mãi sau này mới biết là được đổi lại về Thanh Hoá”. Sau một lát, ông trầm tư, nói tiếp: “Bác nghĩ thế nào cha cháu cũng thi vào cao đẳng sư phạm và ra Hà Nội học. Ông ấy người rất tốt nhưng có lẽ hơi thiếu chí tiến thủ!”. Tôi giật mình vì nhận xét đó nên vội thanh minh: “Ba cháu có nói trong nhà là muốn học lên lắm, nhưng cha cháu quyết định thôi học ra đi làm để lo cho các em được ăn học nên ba cháu đã làm như thế”. Bác nói tiếp: “Quả là ông ấy có tâm, nhưng hiền và thận trọng lắm”. Bất giác, tôi nhớ đến một chuyện mà cha tôi kể lại rằng năm 1945, sau đảo chính của Nhật, chính phủ Trần Trọng Kim thành lập, GS. Hoàng Xuân Hãn nhận lời tham gia và làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ông có nhiều ý định tốt để canh tân giáo dục. Nhớ tới các bạn bè cũ, ông mời một số nhà giáo vào Huế gặp gỡ và sau đó dẫn vào yết kiến vua Bảo Đại, cùng vào còn có luật sư Trịnh Đình Thảo, cũng là Bộ trưởng một bộ. Cha tôi cũng ở trong số đó. Sau cuộc gặp, bác Hãn muốn mời cha tôi ra làm Đốc học Thanh Hoá. Nghĩa bạn bè, cha tôi rất nể bác, nhưng trong bối cảnh thời thế lúc đó, ông cân nhắc kỹ và sau cùng đã không nhận lời với bác. Chắc lúc này bác có nhớ đến chuyện xưa. Bác kể rằng năm 1943, bom của đồng minh ném rất dữ dội, trường Bưởi dọn vào Thanh Hoá, ở cả Sầm Sơn. Hàng tuần, bác phải đi ô tô hàng vào dạy, nhiều lúc cầu gãy phải tăng-bo rất khổ. Thời gian đó, bác có nhiều dịp gặp cha tôi và hai người rủ nhau đi đọc bia và in bia ở các chùa, nhất là ở phủ Quảng Hoá. Vùng này có thành nhà Hồ và động Hồ - Công nổi tiếng. Bác nhớ chi tiết là có lần bác cùng cha tôi do mải đọc bia trong động nên khi về bỏ quên cái bi-đông nước. Cha tôi khuyên bác đừng quay lại, nhưng cái bi-đông lúc đó rất quý nên bác đã đạp xe trở lại lấy bằng được, rồi còn làm một bài thơ vịnh cái bi-đông. Bác vẫn nhớ và đọc cho tôi nghe. Bác Hãn say sưa kể cho tôi nghe đến nỗi tôi không sao xen được vào câu chuyện của bác.

Chuyện trò rôm rả chả mấy chốc đã đến buổi trưa, bác bảo vợ chồng tôi ở lại ăn cơm để chuyện trò tiếp. Bác đãi chúng tôi món cơm quê nhà dung dị. Khi uống bia, bác nói: “Các cháu uống bia đi, nhưng bác mời các cháu uống bia không có cồn, không ngon đâu nhưng để khỏi buồn ngủ, chiều còn nói chuyện với bác!”.

Ăn cơm xong, bác dẫn tôi đi xem thư viện của bác. Các phòng chật ních sách và tư liệu. Bác Hãn cho biết, bác có một bộ sưu tập văn bia ít ai có thể sánh nổi. Tất cả đều được giữ cẩn thận. Các bản này phần lớn in bằng cách bóp nhuyễn chuối tiêu bôi lên mặt bia, chờ cho thâm nhựa thì áp giấy bản vào rồi miết tay hoặc lăn cho đến khi chữ rõ là được. Khi đọc thì đọc từ mặt trái bằng cách hơ lên đèn. Nhựa chuối đã ăn vào giấy thì bền lắm. Theo bác, đến năm đó, bác có khoảng năm mươi ngàn đầu sách trong lưu trữ. Thấy tuổi già, bác muốn tặng thư viện đó cho nước nhà. Nhưng bác kể: “Một lần, Nguyễn Văn Huyên qua đây, bác đã ngỏ ý nhưng Huyên đắn đo và khuyên thật bác là không nên chuyển về vội vì thư viện trong nước quản lý còn yếu lắm, e sẽ thất thoát, phiêu bạt các nơi. Hãy gượm đã”. Thế là sách còn ở đây.

Vợ chồng tôi chụp ảnh chung với bác. Bác còn chụp ảnh cho chúng tôi để nhớ tấm ảnh do chính tay bác bấm máy.

Buổi chiều, sau tuần trà đặc, tôi tranh thủ hỏi bác về công tác khoa học, về các tác phẩm của bác. Bác liền kể cũng nhiệt tình như ban sáng: “Các cháu biết đấy, bác vốn giỏi Toán nên khi học lên cũng học Toán và Cơ, sau sang Pháp lại đỗ kỹ sư cầu cống. Lẽ ra, sau phải theo cái nghiệp đó, nhưng như có duyên nợ, lúc nào cũng nghĩ đến nước nhà, mà nước nhà đầu tiên là những kỷ niệm thời trẻ về Thanh - Nghệ Tĩnh, rồi Huế, rồi Hà Nội nên bác đã dành nhiều thì giờ và tâm sức cho việc học hỏi và khảo cứu các vấn đề về Việt Nam, nhất là lịch sử văn chương và những chuyện liên quan đến đời sống nông nghiệp”. Biết tôi làm ngôn ngữ học, bác đã dành thời gian nói về cuốn “Danh từ khoa học” (1943). Bác cho rằng, đó chỉ là một sản phẩm nhỏ của một ý đồ lớn hơn. “Bác áy náy và trăn trở lắm về tiếng Việt”. Bác nói và lại kể tiếp: “Tiếng mình hay thế, bao thế kỷ không bị đồng hoá, ngược lại còn có thêm từ Hán - Việt và nhiều lối nói riêng. Tiếng Việt của Nguyễn Du, của Hồ Xuân Hương không tuyệt diệu sao? Cho nên, hồi năm 1938 bác có tham gia vào việc truyền bá chữ quốc ngữ nhưng như thế chưa đủ. Phải dạy bằng tiếng Việt trong nhà trường, trước là tiểu học trung học sau là dạy đại học. Mà muốn dạy thì phải có các danh từ khoa học bằng tiếng ta. Từ đó, bác mới thí nghiệm làm cuốn sách này với 6 chuyên ngành thường dùng. Làm xong mới thấy là tiếng ta hoàn toàn có thể đặt ra mọi danh từ cần thiết để truyền bá khoa học và kỹ nghệ. Bác muốn làm nữa nhưng rồi không có thì giờ. Chữ Hán - Việt rất đắc dụng, cần bao nhiêu cũng có nếu biết dùng hợp thức”. Tôi thưa với bác: “Chính quyển danh từ khoa học của bác đã góp công vào việc đào tạo đại học Việt Nam mới, nhất là hồi chín năm. Các nguyên tắc biên soạn bác đưa ra là những gợi ý tham khảo rất quan trọng. Từ năm 1954 đến nay, trong nước đã đặt được hàng chục vạn thuật ngữ cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực và đều có tham khảo xa gần cách làm mở đầu của bác”. Nghe vậy, bác Hãn rất vui và tâm đắc.

Ảnh từ trái sang: GS. Hà Văn Tấn, GS. Hoàng Xuân Hãn, GS. Tạ Trọng Hiệp tại Paris năm 1993

Tôi hỏi tiếp bác về cuốn chuyên khảo “Lý Thường Kiệt” và công trình “Lịch Việt Nam” của bác. Bác Hãn đã kể với sự hào hứng về truyền thống tự cường, vươn lên khẳng định của dân tộc ta, không những từ các chiến công mà cả từ giá trị văn hoá. Lý Thường Kiệt là một biểu tượng cho độc lập dân tộc. Lịch Việt Nam, tuy có nguồn gốc âm lịch nhưng hàm chứa rất nhiều yếu tố thiên nhiên và con người, nhất là sản xuất nông nghiệp xứ nóng. Bởi vậy, khi nghiên cứu phải phát hiện cho hết các yếu tố này, các nét riêng, và đây là chuyện rất khó mà người xưa đã thâu nhận được qua kinh nghiệm. Bác còn muốn nghiên cứu và hiệu đính Truyện Kiều, nhất là với các bản Kiều cổ, mà bác có những 8 bản. Dự định thì nhiều nhưng không biết tuổi tác và sức khỏe liệu có cho phép không? Tôi hiểu tâm tư của bác.

Nghe tin nước nhà đổi mới đã có những khởi sắc, bác rất mừng, nhưng bác cũng lưu ý là nên triệt để cần kiệm, chớ có để nợ cho đời sau. Bác cho biết có lần đã viết thư cho nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng về tâm tư này.

Ngày mùa hè ở Châu Âu khá dài. Vậy mà, khi chúng tôi đứng dậy xin cáo từ bác thì trời đã chạng vạng. Bác đã trò chuyện với chúng tôi gần 10 tiếng đồng hồ. Tiễn chúng tôi, bác Hãn vẫn còn lưu luyến như muốn nói nhiều nữa. Tôi không biết khi nào được gặp lại bác, khi tuổi già ở bác ngày một trĩu nặng.

Nhưng một sự tình cờ đã cho tôi gặp lại bác sau 2 năm kể từ ngày đó. Năm 1994, trong một lần khác làm việc ở Đại học Paris 7, một hôm, tôi đến nghe buổi báo cáo khoa học của GS. Trần Đình Hượu về chủ đề: “Làng xã và quan chế ở Bắc Việt Nam”. Buổi nói chuyện bắt đầu khá muộn vào lúc tối để thuận tiện cho nhiều người nghe. Vào cuộc được một lát, tôi thấy một nhóm người đến muộn và đang loay hoay tìm chỗ ngồi, GS. Hượu ngừng lại và chào lịch sự. Tôi nhận ra là có bác Hoàng Xuân Hãn trong nhóm này. Tôi phải chờ đến cuối buổi mới đến chào bác được. Nhưng bác hoàn toàn không nhớ và không nhận ra tôi. Trí nhớ tuổi già khiến bác quên ngay những gì mới đây. Tôi bèn cầm tay bác và giới thiệu là con của một người bạn đã từng học cùng ở Vinh với bác ngày trước. Bác “À!” lên hân hoan và nhớ ngay. Bác hẹn tôi đến thăm nhà để nói chuyện. Tôi biết ngay là bác cũng không nhớ cuộc gặp tôi 2 năm trước. Tôi cảm ơn và tiễn bác lúc nửa đêm, cũng nghĩ rằng khó có dịp gặp lại bác. Tôi thấy xúc động. Lại hai năm nữa, khi tôi ở Hà Nội thì biết tin bác qua đời. Tôi nhớ bác, nhớ đến cha tôi và trường Quốc học Vinh mỗi lần vào xứ Nghệ.

Cũng chính vì tình cảm ấy mà cuối năm 1994, tôi đã tìm được một tư liệu quý về trường Quốc học Vinh ở thư viện Paris. Tôi thấy trong hồ sơ đấu xảo thuộc địa ấn hành năm 1931 một tập tài liệu về giáo dục Đông Dương thuộc Pháp, trong đó có giới thiệu về từng trường trung học thuộc địa. Những trang viết về Collège de Vinh thật quý, có mọi số liệu cần thiết từ ngày thành lập, sĩ số học sinh và giáo viên từng năm, số học bổng từng năm, bản đồ Vinh và quy hoạch của trường, ảnh lớp học, sân thể thao, phòng thí nghiệm, nhà ăn nội trú... Đó là giai đoạn 10 năm (1920-1930) trong đó có đoạn bác Hãn và cha tôi học. Tôi xin phép thư viện được copy lại những thông tin này mang về nước.

Cách đây 4 năm, vào dịp trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng hậu duệ của trường Quốc học Vinh kỷ niệm 80 năm ngày thành lập, tôi đã mang những tư liệu quý nói về trường xưa vào Nghệ An trao cho Nhà trường. Buổi tiếp nhận diễn ra thật cảm động và đầm ấm. Tư liệu này đã được Đài truyền hình Nghệ An giới thiệu. Trong bóng dáng của trường Quốc học Vinh ngày trước vẫn có ông, người ta luôn nhớ những gì Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn đã làm cho văn hoá và khoa học của dân tộc.

Viết ở Canberra, tháng 8-2004

 Đinh Văn Đức - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 179, tháng 1/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :