Bản tin
Trang chủ   >   >    >  
Phan Tứ, chàng thư sinh trở thành người chiến sĩ, văn sĩ tài năng
Phan Tứ (tên thật là Lê Khâm) sinh năm 1930. ở độ tuổi 20, khi đang học trung học chuyên khoa, nghe tiếng gọi tòng quân, anh xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, trở thành anh bộ đội cụ Hồ.

Tôi ở trung đội 2, đại đội 215, tiểu đoàn 210, Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, phân hiệu Trung Bộ, học tập huấn luyện ở vùng Cồn Kênh, Thọ Xuân, Nông Cống, Như Xuân (Thanh Hóa) cùng với Lê Khâm. Đồng bào quê hương Bà Triệu thường gọi chúng tôi là chàng lính thư sinh hay “vệ trọc”. Lê Khâm lúc bấy giờ người tầm thước, khỏe mạnh, nước da bánh mật, cặp kính cận luôn “ngự” trên đôi mắt tươi cười. Anh là một con người nhiều tài năng, hát hay, đàn giỏi, viết báo tường cho đơn vị rất hấp dẫn. Đặc biệt, anh rất biết thương yêu mọi người, luôn thân ái chan hòa với các bà mẹ, với bạn bè và nhân dân vùng đóng quân.

Cuối năm 1951, khóa học bế mạc, tôi được điều về trung đoàn 44 thuộc bộ tổng tư lệnh, còn Lê Khâm được sung vào bộ đội tình nguyện sang Lào. Hành trình gian khổ của bộ đội tình nguyện quân Việt Nam bên cạnh chiến sĩ Lào anh em trong các chiến dịch lớn trên chiến trường chống Pháp ở Hạ Lào những năm 1951 đến 1954 đã để lại cho anh những ấn tượng đẹp về tình đoàn kết giữa 2 dân tộc láng giềng. Đó là vốn sống quý giá để Lê Khâm viết tiểu thuyết đầu tay “Trước giờ nổ súng” (năm 1960) khi anh tròn 30 tuổi. Cuốn tiểu thuyết đầu tay đó đã mở đường cho Lê Khâm - người chiến sĩ tình nguyện quân bước vào làng văn, mở ra những triển vọng lớn về sự nghiệp văn chương sau này của anh. Chúng tôi, những chàng thư sinh, những người bạn chiến đấu của anh, đều rất mừng và ngợi ca tài năng của anh. “Trước giờ nổ súng” đã khẳng định tên tuổi của Lê Khâm, đánh giá chiến công dòn dã của anh từ mặt trận quận sự sang mặt trận văn học. “Trước giờ nổ súng” và sau đó là “Bên kia biên giới” là 2 tiểu thuyết “quý hiếm” về đề tài kháng chiến chống Pháp trên bán đảo Đông Dương nó tồn tại với thời gian bên cạnh các tiểu thuyết kháng chiến của các nhà văn có tên tuổi như: “Xung kích” (Nguyễn Đình Thi), “Đất nước đứng lên” (Nguyên Ngọc), “Cao điểm cuối cùng” (Hữu Mai), “Sống mãi với Thủ đô” (Nguyễn Huy Tưởng)...

Sau 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta, Lê Khâm được “tu nghiệp văn chương tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội”. Anh đổi biệt danh là Phan Tứ và trở về chiến trường miền Nam nóng bỏng. Nhà văn chiến sĩ ấy xông pha trên chiến trường gian khổ, thâm nhập vào lòng nhân dân bị kìm kẹp dưới chế độ Mỹ - Ngụy. Tài năng văn học và sự nhạy cảm của người chiến sĩ đã tạo nguồn cảm hứng để anh liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm mới. Tập truyện ngắn “Về làng” (1964) đã được tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu năm 1965, được đánh giá cao bởi “bút pháp hiện thực già dặn, kết cấu gọn gàng, lời văn trong sáng”. Rồi “Gia đình má Bảy” (1968), rồi “Mẫn và tôi” (1972), các tiểu thuyết này ra đời đều dày dặn, chứa chất nhiều hình ảnh và sự kiện về đời sống sản xuất, chiến đấu của nhân dân miền Nam, rực lên hơi thở của cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc ta. “Gia đình má Bảy” cũng như “Mẹ vắng nhà” (Nguyễn Thi), “Hòn Đất” (Anh Đức) đã được viết bằng tấm lòng của những người chiến sĩ, người con yêu quý của miền Nam, học tập và trưởng thành trên đất Bắc, trở về quê hương nơi chôn rau cắt rốn, tôn vinh, ngợi ca má Bảy, bà mẹ anh dũng vô danh, đại diện cho hàng ngàn bà mẹ sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Tiểu thuyết “Mẫn và tôi” (1972) cũng được sinh viên, thanh niên, học sinh yêu thích... Nhiều năm sau này, Phan Tứ bị ốm đau do ảnh hưởng của thời kỳ chiến tranh và chất độc hóa học, nhưng anh vẫn dốc tâm huyết của người cựu chiến binh ở tuổi 64, 65 âm thầm và kiên trì thực hiện ước mơ của mình là viết tiểu thuyết cuối cùng nhiều tập mang tên “Người cùng quê”- được coi như bộ sử thi của cuộc kháng chiến vệ quốc anh hùng. Tiểu thuyết cuối cùng này chưa hoàn thành thì Phan Tứ đã phải dừng bút vĩnh biệt chúng ta hồi 10 giờ 5 phút ngày 17/ 4/1995.

Một trang trong di cảo còn lại của cố nhà văn Phan Tứ

Ghi nhận công lao và tài năng của Phan Tứ trong hai cuộc kháng chiến, Nhà nước ta đã tặng anh Huân chương độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất. Là thanh niên học sinh cùng thời với anh, chúng tôi rất tự hào về anh - người đại diện cho những thanh niên thư sinh, biết tạm rời ghế nhà trường, lên đường đi kháng chiến, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Riêng đối với tôi, cách đây hơn 55 năm, khi còn ở tổ tâm giao với anh Lê Khâm (Phan Tứ) ở B2, C215, D210 thuộc Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn phân hiệu Trung bộ, tôi được anh dạy đàn và hát bài “Trường ca sông Lô”, “Làng tôi”, “Thiên Thai” của nhạc sĩ Văn Cao, bài “Du kích sông Thao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, bài “Hoan hô Ông Sư” của nhạc sĩ Tô Hải. Anh dạy đàn và hát cho tôi thật tận tình như một người thầy dạy âm nhạc thực hành. Anh hướng dẫn tôi viết báo tường, viết truyện ngắn phản ánh sinh hoạt của anh bộ đội Cụ Hồ. Tôi thường gọi anh là “thầy vệ nhạc”, còn anh gọi tôi là “thầy lang bóp” vì tay tôi hay xoa bóp, day huyệt và tẩm quất cho anh khi trái gió trở trời. Sau này, tuy không được gần anh làm công tác văn hóa văn nghệ trong quân đội nhưng tôi luôn đọc và nghiên cứu một số tác phẩm văn học của anh để giúp học sinh tổ chức ngoại khóa văn học và trích dẫn những nét đặc trưng tâm lý nhân vật khi tôi dạy môn Tâm lý học và Giáo dục học ở Trường Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An) và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hình ảnh người chiến sĩ, văn sĩ tài ba đó đã khơi dậy trong tôi tinh thần quyết tâm vượt khó học tập, nghiên cứu không ngừng, chiếm lĩnh tri thức khoa học, yêu say văn thơ, ca nhạc, chăm viết báo, viết truyện, làm thơ để giúp đời, phụng sự Tổ quốc dù tôi nay đã qua tuổi “cổ lai hy”, đang ở tuổi 75.

Tưởng nhớ anh, tôi lại hồi tưởng về năm tháng những chàng thư sinh như chúng tôi tích cực rèn luyện, xông pha vượt qua nỗi khó khăn gian khổ để quyết tâm thực hiện đầy đủ, sáng tạo và kiên định những nhiệm vụ của người học viên của Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trước đây, người cựu chiến binh Việt Nam ngày nay./.

 Nguyễn Như An (CCB Trường ĐHSPHN) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 192, ra tháng 2/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :