Bản tin
Trang chủ   >   >    >  
Bút danh người không thể đóng khung
Vậy mà thấm thoắt một năm đã trôi qua. Một năm tôi canh cánh món nợ lòng với cố giáo sư Phan Cự Đệ - người Thầy đại học đã từng tỏa bóng xuống hàng trăm giảng đường và tỏa bóng xuống cả cuộc đời tôi.

Một buổi tối tháng Giêng năm bảy tám (1978), tôi đi tìm nhà Thầy ở khu tập thể Kim Liên để nhn đề luận văn tốt nghiệp. Tôi đã rón gót, đi giật lùi khỏi cửa nhà Thầy khi phát hiện ra tiếng đũa bát lách cách ấm áp vang lên từ phía sâu căn phòng. Nhà Thầy đang ăn tối. Tôi không muốn gây kinh động, vì đây là lúc Thầy va gia đình cần ăn uống, nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Đứng lui ra ngoài cầu thang, tôi phân vân, lo lắng. Thật ra tôi không đăng kí xin làm luận văn với Thầy, vì tôi quan tâm tới đề tài hơn là quan tâm tới giáo viên hướng dẫn. Tôi cũng chả hứng thú gì với đề tài về tiểu thuyết Cửa biển của nhà văn Nguyên Hồng mà Thầy đưa ra cho tôi. Đối với đa số sinh viên, được thầy Phan Cự Đệ hướng dẫn luận văn là một may mắn lớn, một niềm hân hạnh. Sinh viên Thầy hướng dẫn thường được điểm cao và còn được Thầy giới thiệu cho những nơi công tác. Nhưng vì đang còn ước mơ bay nhảy, tôi xác định chỉ cần viết một luận văn lấy dăm sáu điểm, tốt nghiệp ra trường rồi đi làm báo, thế là đủ. Đã từng làm báo quân đội, viết lách được, sức dài vai rộng, có bằng đại học rồi, xin vào các tòa báo có gì là khó. Tôi tin ở sức học của mình nên nghĩ rằng thày nào hướng dẫn tôi cũng được. Với thái độ dửng dưng là vậy, nhưng khi đến bên cửa nhà Thầy lúc này, tôi vẫn thấy lo sợ - cái nỗi lo lắng, e dè cố hữu của học trò mỗi lần gặp thầy.

GS.VS Phan Cự Đệ, 20/11/2004

GS.VS Phan Cự Đệ, ảnh chụp ngày 02/11/2006

Ảnh: Bùi Tuấn

Nhưng không phải đứng chờ lâu, tôi đã nghe tiếng kẹt cửa. Hình như đoán có học trò chờ mình, Thầy bước ra, đón tôi vào: “Cậu đến làm luận văn phải không? Vào đi khỏi lạnh. Chờ tôi một lát, cho xong bữa.”

Tôi đi né bên mâm cơm. Những người trong gia đình Thầy vẫn ăn uống tự nhiên, không tỏ ra khó chịu. Dường như chuyện học trò quấy rầy bữa ăn tối đã thành chuyện thường tình. Tôi nhanh chóng theo Thầy chỉ dẫn, bước vào phòng làm việc riêng của Thầy. Đó là cái ban công có mái che, chật chội, bàn ghế chỉ được lộ ra giữa ngút ngàn sách báo, tài liệu. Tôi ngồi im phăng phắc trên chiếc ghế đẩu duy nhất. Tưởng chừng chỉ cần thở mạnh là sách báo đổ vào người.

Nhưng tất cả nỗ lực giữ trật tự của tôi cũng chỉ phải kéo dài không đầy 3 phút. Thầy bước vào với câu hỏi đầu tiên: “Cậu quê đâu vậy ?”. Trước khi trả lời, trong đầu tôi thoáng qua một ý nghĩ: Giá mà mình quê Nghệ Tĩnh, đồng hương với Thầy thì… Nhưng tôi ngoan ngoãn trả lời:

- “Thưa Thầy, em quê Nga Sơn, Thanh Hóa…

- Nga Sơn ?

Người trồng cói Nga Sơn - Thanh Hóa

Thầy hỏi lại tôi. Cái địa danh đầy chất thơ ca ấy reo vang lên cùng ánh mắt sáng của Thầy. “Tôi ở đấy rồi đấy. Thuở nhỏ theo cha đi dạy học xứ Thanh. Ồ, làng Hạnh tôi nhớ lắm, lớp học gần sông Hưng Long, Nga Sơn là quê khởi nghĩa Ba Đình, là đất Từ Thức gặp tiên. Cha tôi, cụ Đồ Triệt khi ấy có nhiều người theo học, khi nào cậu về tôi nhờ một việc… Các ông đồ xứ Nghệ ra Thanh được trọng đãi lắm”… Thế là chỉ trong phút chốc, khoảng cách thầy trò được thu ngắn. Tôi có cảm giác như được Thầy kết nạp vào đội ngũ những học trò đồng hương của Thày. Tôi như được trở về quê, còn Thày thì như lội ngược dòng thời gian, trở về “tuổi thơ dữ dội”. Chuyện làm luận văn của tôi dường như bị Thầy gác sang bên. Chỉ đến khi thầy trò no nê chuyện đất Dưa hấu Mai An Tiêm, chuyện làng Ba Đình, hang động Từ Thức, thì chuyện Cửa biển của Nguyên Hồng mới được nhắc đến. Câu nói có giá trị quyết định nhất cho hứng thú luận văn của tôi là câu Thày động viên: “Bốn tập tiểu thuyết của Nguyên Hồng đọc không dễ. Nhưng bản thân việc chỉ ra chỗ “không dễ đọc”, “lý do khó đọc”, điều đó là một đóng góp rồi”

GS.Phan Cự Đệ tại Quảng trường Đỏ - Liên bang Nga

Thế là từ buổi đó, tôi bắt đầu đánh vật với 4 tập tiểu thuyết của Nguyên Hồng và soạn thảo một đề cương chi tiết cho luận văn tương lai. Đến một ngày nọ, tôi nộp đề cương để Thầy duyệt, Thầy đọc lướt qua rồi cười mỉm: “Cậu cứ viết đi !”. Tôi yên tâm đem đề cương về viết, nhưng đến nửa tháng sau không viết nổi qua chục trang. Cắn bút đến một tuần lễ nữa, bí quá. Một hôm, anh Bùi Việt Thắng (hay Phạm Quang Long, tôi không nhớ rõ) – giảng viên trẻ, cùng tổ bộ môn với Thầy, bảo tôi: “Ông thử xem lại đề cương xem, nghe thầy Đệ bảo đề cương ông soạn hay lắm, “oai phong lắm, như đề cương luận án tiến sĩ ấy. Thầy bảo, cứ kệ cho ông viết xem sức viết đến đâu”.

“Bỏ mẹ !”. Tôi hoảng quá. Nghe báo động thế, tôi vội chạy ra cầu cứu Thầy. Quả đúng như Thầy nhận xét và có vẻ như thày cố ý bắn tin qua 2 ông giảng viên trẻ nọ. Thấy tôi hốt hoảng, Thày bảo: cứ bình tĩnh, rút gọn vấn đề lại cho đơn giản. Chỉ cần cậu phát triển rộng 3 ý trong đề cương là luận văn có sức nặng ngay thôi”. Tôi cầm đề cương đầy những dấu mực đỏ của Thầy, về ký túc xá, ngẫm nghĩ. Quả đúng như Thầy gợi ý, ngay đêm hôm đó tôi ngồi lia bút được hơn hai chục trang. Nếu bút không hỏng vét-xi, có lẽ tôi ngồi được đến sáng. Nhưng cũng vì luận văn đã được khai thông, tôi chủ quan, bỏ mặc đấy, không viết tiếp, ngày ngày theo mấy ông bạn lang thang sang Đại học Ngoại ngữ đá bóng và ngắm nghía các nữ sinh qua lại. Chỉ còn 2 tuần lễ là hết hạn nộp luận văn, tôi mới lôi ra viết gấp. Đem bản nháp ra cho Thầy xem, tôi nói dối là mẹ ốm phải về Nga Sơn chăm sóc nên viết chậm. Chả biết có phải vì nghe đến hai tiếng “Nga Sơn” – mảnh đất tuổi thơ của mình, hay đã quen với cái bài “mẹ ốm” của sinh viên, Thày không giận. Thày thức đêm chữa luận văn cho tôi. Hai ngày sau, khi trả lại, Thày dặn tôi: “Cậu đem về chữa theo tôi hướng dẫn bên lề, chép sạch rồi nộp luôn cho thầy phản biện. Muộn quá rồi, tôi không có thời gian duyệt lại đâu. Nộp cho thầy Hà Minh Đức, tôi đã có nhờ anh ấy rồi”.

Bước ra khỏi nhà Thầy, tôi mừng rơn. Vậy là Thầy vô tình tạo cho tôi cơ hội lừa đảo. Một là Thầy tin tôi, không bắt nộp để kiểm tra lại lần cuối. Hai là đã cho tôi biết luôn người phản biện. Tôi đem bản thảo về, xử lý theo cách của mình. Những chỗ tôi tâm đắc nhưng Thày không thích, gạch bỏ đi, tôi vẫn giữ lại. Những đoạn Thầy yêu cầu viết thêm, thấy khó, tôi bỏ qua. Thêm nữa, vì đọc sách hai thày khá kỹ, tôi biết văn phong mỗi thày, nói nôm na là “biết gu thày”. Tôi chuyển luôn lối viết, sửa luận văn theo kiểu văn thày Hà Minh Đức.

Sáng thứ hai, bảo vệ luận văn, tối thứ bảy tôi mới hoàn thành luận văn đem ra nộp thày phản biện. Thật là một buổi tối nhớ đời.

Vừa thấy tôi cầm luận văn thập thò ngoài cửa, thầy Đức xua tay đuổi tôi về. “Ngày kia bảo vệ, nay mới nộp, tôi đọc làm sao kịp. Về, về. Sang năm nhé!”. Tôi đứng như chôn chân trên chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp nhà thày. Mất một lúc chờ đợi cho cơn thịnh nộ qua đi, tôi mới đánh liều gõ cửa lần nữa. Thày cho vào phòng, nhưng vẫn không ngớt lời mắng mỏ. Tai tôi ù đi rồi dần dần đỏ lên vì uất ức và nhục nhã. Vậy là thày Đức, người đã khen tôi vì tôi được giải viết của Văn nghệ Quân đội trong đợt thày hướng dẫn thực tập đã không còn là Thày Đức đáng yêu của năm ngoái nữa rồi. Thày cũng chẳng thèm nhớ tôi là người Thanh Hóa rồi ! “Thày nào hướng dẫn ?” Thày Đức hỏi gay gắt. “Dạ, thày Phan Cự Đệ ạ”. Tôi phát âm ba tiếng “Phan Cự Đệ” giống như đưa ra thứ vũ khí tự vệ cuối cùng. Nghe tôi trả lời, thày Đức hơi lưỡng lự. Lát sau thày mới trả lời: “Thày nào cũng thế. Tôi còn bốn cái chưa đọc đây này. Bao nhiêu là việc. Tôi phải ghi ngày giờ cậu nộp tôi để báo cho Khoa. Có lối đâu học hành như thế ?”. Từ cảm giác bị nhục mạ, tôi dần chuyển sang căm tức. Tôi nghĩ bụng: “Chỉ cần đọc qua mục lục, ký cho mình 5 điểm, đủ điều kiện nhận bằng là được, có gì mà cụ chửi mình lâu thế”. Thầy Đức đi tìm bút. Bút có vẻ hết mực. Thầy lục tìm chiếc khác. “Trời ơi, - tôi thầm kêu lên đau đớn – Vậy là cái luận văn tôi chép nắn nót sạch sẽ thế kia sẽ bị thầy đè ra ghi ngày giờ nộp muộn, giống như thích dấu vào mặt phạm nhân ư ? Đã thế thì mình cũng cóc cần”. Tôi rút chiếc bút Trường Sơn trên nắp áo ngực ra, đưa thẳng cho thầy.

- Làm gì ? - Thầy hỏi tôi.

- Để thày ghi giờ nộp.

Thầy Đức ngạc nhiên. Thầy nhìn tôi từ đầu đến chân, như chưa từng thấy tôi lần nào. Hình như Thầy Đức chỉ giả vờ tìm bút, dọa tôi thế thôi. Thấy tôi chấp nhận sự đe dọa theo kiểu “bất cần đời” như thế, Thầy do dự giây lát rồi lại quát: “Tôi không cần, tôi có bút của tôi”. Thầy cầm lại chiếc bút cũ, lật trang đầu của luận văn ra. Hình như trông thấy trang bìa luận văn do Phạm Hải Triều – bạn tôi, kẻ vẽ trang trí cho tôi “hơi bị đẹp”, thầy Đức lưỡng lự, quan sát giây lát rồi gấp lại, lấy một mẩu giấy ở bàn bên, ghi mấy chữ gì đó. “ Xong rồi, thôi về đi !” Thầy xua tôi ra khỏi cửa.

Từ cầu thang nhà thầy Đức, khu nhà mà thày Đệ thường gọi là nhà của Đôxtụiepxki, tôi tụt xuống mặt đường Hàng Ngang, cuốc bộ ra Bờ Hồ. Đêm đã khuya, nhưng tôi vẫn lang thang mấy vòng quanh Hồ Gươm cho khuây khỏa. Bụng tôi nóng như lửa đốt. Nóng vì lo lắng, tức tối và vì đói nữa. Thày Đức mà đánh trượt luận văn tôi thì phí công thầy Đệ, và đời tôi thì sẽ ra sao đây ! Có tiếng xe điện leng keng. Tôi giật mình nhận ra là con tàu Bờ Hồ - Hà Đông. Tôi đuổi theo nhưng không nhảy lên được chuyến xe điện cuối cùng. Tôi phải đi bộ từ Bờ Hồ về Ký túc xá Mễ Trì.

Buổi bảo vệ luận văn khóa 18 của chúng tôi năm ấy diễn ra rất trang nghiêm và vui vẻ. Nghe thầy Đệ và thầy Đức đánh giá, tôi hiểu rằng mình đã được các thầy đại xá cho cái tội nộp luận văn quá hạn, thậm chí sau đó luận văn còn được nâng đỡ, đánh giá cao. Buổi tối hôm ấy, lớp chúng tôi vui như động trời. Thế là đã kết thúc 4 năm đại học. Chúng tôi mang bóng ra sân đá. Đá bóng thì ít mà đá nhau, nhào lộn thì nhiều. Có ông bạn tôi (nay đã thành nhà văn) ngã vật ra sân kêu to: “Hết việc làm rồi, không phải học nữa rồi, tự do rồi. Tao muốn tự tử quá”. Đêm ấy, chàng trai đem sách vở, giường chiếu ra đốt. Lửa cháy đỏ rực ký túc xá, làm cho đội bảo vệ phải chạy vào dập lửa và lập biên bản. Tôi hoàn toàn thông cảm với nỗi phấn khích đến điên cuồng của bạn. Bảo vệ luận văn tốt nghiệp, sắp ra trường rồi, tôi cũng thấy đời mình đang sang trang mới. Tôi hình dung tới một ngày ra chào, cám ơn thày Đệ, và cả thày Đức nữa để đi làm báo. Tôi sẽ tạm biệt ngôi trường đại học Tổng hợp Hà Nội này, tạm biệt các thày mà trở về với cuộc đời mênh mông phía trước.

* * *

Nhưng dường như tôi đã đứng số, “nhân định” không thể “thắng thiên”. Tôi nghe bảo sẽ có quyết định phải ở lại trường làm cán bộ giảng dạy. Trong thời gian chờ quyết định, có mấy cơ quan báo chí và cả Bộ Công an cử người đến xin tôi về làm báo. Thấy ở lại trường làm giáo viên quá tù túng, vất vả, tôi định từ chối Quyết định công tác, bèn ra gặp thầy Đệ xin ý kiến. Dường như Thầy đã đoán được tâm trạng tôi và đã chuẩn bị sẵn câu trả lời. “Cậu là thương binh phải không. Như thế có nghĩa là cậu khỏe lúc này nhưng nói chung là sức khỏe cả đời sẽ không tốt. Tuổi cũng không phải là trẻ nữa. Làm báo cần khỏe để đi nhiều. Mà nói chung, nghề làm báo lãng mạn, gắn liền với sự phiêu lưu. Thôi cậu cứ ở lại, dạy đỡ tôi một phần. Vất vả đấy nhưng cũng không bằng làm báo đâu. Cuộc sống rồi nó cũng sẽ phải thay đổi chứ.”

Thầy khuyên tôi rồi thở dài buồn bã. Ôi chao, tôi nhớ mãi tiếng thở dài của Thầy. Dạy văn Thơ mới lãng mạn 30-45, Thầy bình luận rất sâu sắc về nỗi buồn Thơ mới, khẳng định rằng Thơ mới chứa đựng tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa. Bây giờ thì Thầy thở dài trước nỗi băn khoăn của học trò mình trước ngưỡng cửa đời. “Cuộc sống rồi nó cũng phải thay đổi chứ !”. Câu nói ấy chứa đựng nỗi xót xa, hy vọng. Đó là nỗi buồn thời đại, nỗi buồn chung của người Việt Nam thời hậu chiến : Phía nam đất nước lúc này quân Khơ me Đỏ đang lấn cột mốc biên giới, giết dân lành. Phía Bắc, quân đội hai nước Việt – Trung đã … rung “trống Tràng Thành”. Tại Hà Nội, nhiều cán bộ giảng dạy đại học phải làm thêm nghề mộc và nuôi lợn mới đủ sống. Trên các giảng đường, thày trò nhìn nhau, mặt xanh như tàu lá.

Từ nhà thày Đệ, tôi về quê. Chả biết ai nhanh mồm đã mách cho bố tôi biết chuyện tôi sợ đói, không muốn ở lại trường. Ông dỗ dành, hứa hẹn sắm sửa cho tôi mấy thứ. Đối với ông, ở lại trường là công thành danh toại, là thỏa lòng mong ước của ông rồi. “Cán bộ giảng dạy Đại học Tổng hợp” là cái địa chỉ đẹp để ông viết thư và khoe với hàng xóm.

Quay ra Hà Nội, gặp thầy Đệ, tôi lại nghe thầy nhắc nhở như cảnh báo: “Cậu chống quyết định ở lại, phòng Tổ chức thay quyết định ấy bằng quyết định phân công đi dạy ở Tây Nguyên, ông cụ ở nhà có vui không ?” Tôi nghe Thầy dọa thế cũng hơi hoảng. Tiễn tôi về, Thầy thông báo thêm một câu: “Có mấy ý cậu viết trong luận văn về Nguyên Hồng, tôi sẽ sử dụng trong cuốn sách tôi viêt sắp tới đấy. Bảo vệ tốt nghiệp rồi tôi mới lưu ý thêm: cảm thụ phê bình của cậu khá nhanh nhạy, nhưng tư duy lý luận thì cần cố gắng mài thêm”.

Mấy ngày sau, thày Bùi Ngọc Trác, chủ nhiệm Bộ môn Lý luận văn học và Văn học Việt Nam hiện đại gọi tôi ra nhà giao nhiệm vụ. Thầy hỏi tôi có thích giảng dạy và nghiên cứu lý luận văn học thì thầy hướng dẫn tập sự và làm trợ giảng cho thầy. Thầy cũng khẳng định rằng, chuyện đi nghiên cứu sinh nước ngoài sẽ ưu tiên cho những người làm lý luận trước Văn học Việt Nam. Nghe nói thế, tôi đồng ý ngay. Tôi vốn không thích văn học Việt Nam bằng lý luận và văn học nước ngoài. Vả lại, thày Đệ đã phát hiện là tôi yếu về tư duy lý luận, thì chuyển sang làm với thầy Trác, sẽ là dịp tôi “cố gắng mài thêm”, đúng như lời Thầy nhắc nhở.

Tiếp đến tuần sau, buổi họp tổ bộ môn đầu tiên mà tôi được dự đã nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt về chuyện tôi ở lại tổ. Hóa ra thầy Đệ cũng như thầy Trác, đều dạy quá tải, mệt mỏi, đang cần người trợ giảng. Thầy Trác cho rằng: Tổ trưởng bộ môn (tức là chính Thầy) có quyền phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ trẻ mới được giữ lại, thậm chí có quyền từ chối nếu tập sự không tốt. Thầy Đệ lại cho rằng, chính mình mất công sức đào tạo, bồi dưỡng và phát hiện ra sinh viên giỏi, chủ động đề xuất giữ lại trường, thì mình có quyền sử dụng làm trợ giảng. Tôi nghe thủng câu chuyện, chỉ muốn chui vào lỗ nẻ mà trốn. Tôi đã trót nhận lời thầy Trác mà không hỏi ý kiến thầy Đệ trước. Bàn bạc, tranh luận hồi lâu, câu chuyện của riêng tôi có chiều hướng trở thành vấn đề chức năng, quyền hạn của Tổ trưởng bộ môn – một vấn đề khá tế nhị trong cái cơ cấu cồng kềnh và chật chội của Tổ khi đó: một tổ kép, ôm đồm 2 chuyên ngành: Lý luận văn học và Văn học Việt Nam, với những tên tuổi, nhân cách kiêu hãnh: Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kị, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Hồ Tấn Trai… Thấy không khí cuộc họp căng thẳng, thầy Trác đã có chiều nổi nóng vì tự ái, một thầy nào đó đề nghị Chủ nhiệm khoa Hoàng Xuân Nhị cho ý kiến chỉ đạo. Mọi người quay sang nhìn thầy Nhị, nhưng Thầy cười, xin lỗi là không để ý nãy đến giờ bàn về gì. Thầy nói rồi tiếp tục đưa tẩu lên mép, nhả khói và sửa tiếp bản thảo đang đặt trên đùi. “Thế thì bây giờ để anh Hưng anh ấy tự quyết định”. Có ai đó đề xuất phương án giải quyết đơn giản như vậy. Mọi người đổ mắt nhìn sang tôi, chờ đợi. Tôi cảm thấy người nóng lên như cục sắt bị cái lò rèn nung đỏ. Tôi không dám ngẩng mặt lên vì biết rằng thày Đệ đang nhìn mình chăm chú. Tôi run run trả lời: “Xin các thầy tạm thời cứ cho em làm phần lý luận”

Nghe tôi trả lời, nhiều người thở dài như trút được gánh nặng…

Dễ đến một tháng sau tôi mới dám ra gặp thầy Đệ để xin lỗi. Trái với dự đoán lo hãi của tôi, Thầy không tỏ ra giận dỗi, để bụng. Thầy động viên tôi: “Thật ra không ai ở Việt Nam có sức làm lý luận chay được. Phải có mảnh đất văn học sử riêng, tác giả, trào lưu hay giai đoạn văn học cụ thể thì mới khái quát, minh chứng được lý luận. Cố học ngoại ngữ và làm lý luận một dạo đi cho vững rồi bắt tay vào văn học sử. Tôi sẽ giúp. Đi được nước ngoài sớm thì tốt.” Trước khi về, tôi còn nghe thầy an ủi tôi bằng một giọng suốt đời tôi không quên: “Anh không phải là người đầu tiên đâu (Thầy bắt đầu gọi tôi bằng anh). Nhiều người bỏ tôi lắm. Anh Khiêm, rồi anh Nam đang dạy Mác-Lê ấy, rồi anh Bùi Việt Thắng. Cái số tôi nó vậy, văn học 30-45 nó vậy”.

* * *

Được Thầy tha tội, tôi yên tâm về đọc sách và theo thầy Trác dự giờ, lên lớp. Ba bốn năm sau, tôi lại theo Thầy nghe giảng các chuyên đề để thi tuyển nghiên cứu sinh nước ngoài. Năm trước đó, tôi thấy có người đến gần ngày thi thì rút hồ sơ, bỏ cuộc, không thi. Thấy chẳng có ai thi, tôi tiếc, bèn lao đơn, ôn gấp mấy tuần rồi vào thi. Kết quả điểm thi khá cao, ban đầu báo đậu, sau Bộ lại báo là thiếu điểm. Năm sau tôi được ưu tiên cho làm hồ sơ ngay từ đầu, thi lại. Lần này, môn thi thay đổi, có môn văn Việt Nam hiện đại, do thầy Đệ làm trưởng tiểu ban. Thấy tôi hoang mang vì lần thi trước, Thầy phân tích nguyên nhân “trượt” của tôi năm trước. Thầy trách tôi năm trước đã không hỏi ý kiến Thầy, cứ bộp chộp nhảy vào thi thì khác gì một tiểu tướng đơn độc lạc vào trận đồ bát quái. Tôi sững sờ nhận ra rằng, Thày không chỉ lịch duyệt trong khoa học mà còn rất thông thái trước những quan hệ xã hội phức tạp của đời thường. Thầy trấn an tinh thần tôi: “Những người dự thi đều xứng đáng đậu cả. Nhưng chỉ tiêu Bộ cho ít quá, nên phải có người đậu, người trượt. Anh nhớ là thày nào rồi cũng có trò của mình. Thày Sư phạm có trò Sư phạm, thày Viện Văn có trò Viện Văn. Tôi không giúp anh thì giúp ai. Nhưng phải cố viết để có điểm thật cao ở cả các môn khác nữa. Mấy tài liệu tôi đưa, chú ý đọc kĩ phần này, phần này…”

Điểm quyết định lúc này chính là điểm môn Triết học. Đề thi đọc xong tôi cảm thấy hơi bất ngờ, vì có phần đơn giản. Khi làm bài thi, đến phần yêu cầu “ý nghĩa vận dụng thực tiễn của phép biện chứng duy vật trong chuyên ngành của anh (hay chị)”, tôi phải cắn bút suy tính đến 5 phút. Tôi nghĩ, nội dung của phép biện chứng duy vật thì mấy trăm thí sinh đang ngồi quanh mình trong nắm đều tốt cả, cho nên hơn nhau là ở phần này, các vị giám khảo sẽ đọc kỹ nhất phần này. Chính vì vậy cần đầu tư suy nghĩ kỹ. Lạ lùng thật, đột nhiên trong đầu tôi vang lên tiếng thầy Đệ hôm nào khi Thầy giảng về Nguyễn Khải. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Khải, Thày kể rằng có nhân vật tình báo của ta cài vào làm việc ở Sài Gòn cũ đã tạo cho mình vỏ che rất kín, nhưng cuối cùng vẫn bị lộ, do một tên sỹ quan trí thức Ngụy phát hiện ra rằng, cách lập luận của tình báo viên đó có vẻ miền Bắc, “cộng quân”. Thú thực là tôi chưa đọc tiểu thuyết đó, chỉ nhớ lời láng máng thầy Đệ kể năm nao. Tôi cho rằng, cũng chẳng có ông thầy chấm thi Triết học nào nghiên cứu Nguyễn Khải. Vậy thì, nếu kể lại không chính xác cũng chẳng sao. Thế là tôi chúi mũi viết, “nâng cấp” chi tiết đó lên cho thật hấp dẫn, ý nhị. Rằng : thế giới quan mác xít có khả năng trở thành cách nhìn, hơi thở tự nhiên của những người cộng sản, rằng phép biện chứng duy vật ở người trí thức khi đã biến thành phương pháp luận, được đồng hóa thành “phép của tư duy” thì có thể chuyển hóa thành phong cách ngôn ngữ cá nhân, hồn nhiên như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Rằng thì là: chiến sỹ tình báo nọ có thể che đậy nhân cách cộng sản của mình bằng cách giả vờ sống trác táng, tàn nhẫn, tức chỉ tạo ra cái vỏ vật chất, còn cái cốt cách tinh thần bên trong là phép biện chứng, cách nghĩ duy vật thì không thể ngụy tạo… Rằng, chiến sỹ tình báo buổi tối nọ bị bắt (chả biết có bị bắt thật không), chỉ vì quen lập luận theo kiểu tồn tại quyết định ý thức và đặt mọi vấn đề, sự vật trong sự vận động phát triển của chúng…

Có lẽ tôi dông dài, mua vui cho thày Triết học chấm bài một vài phút. Thày đỡ đau đầu, thư dãn nên đã cho tôi điểm cao vọt. Thày ấy mà đã đọc tiểu thuyết đó của Nguyễn Khải thì tôi “toi mạng”. Kết quả là tôi dùng văn thi triết, dùng bài thầy Đệ giảng mà vung kiếm, mở cửa tử, thoát ra được khỏi “bát quái trận đồ” của môn thi Triết học Mác-Lênin.

Vào những năm 80, đi nghiên cứu sinh nước ngoài là một may mắn lớn, một con đường “xóa đói giảm nghèo” cho gia đình. Buổi đến chào Thầy lên đường, tôi nhớ, Thầy không dặn dò gì nhiều về chuyên môn, chỉ bình luận rằng đi cho biết đó biết đây và có thể “thay đổi một nhãn quan”. Thầy cho rằng thế hệ Thầy đã trải qua một cuộc vật lộn quá phức tạp về quan điểm, thiệt thòi nhiều, luẩn quẩn trong nước thì thiếu thông tin khoa học cho nên tôi phải cố gắng tận dụng cơ hội. Lần cuối cùng gặp Thầy trước khi tôi lên máy bay, Thầy dặn tôi hai việc: một là “gặp những tài liệu tiếng Anh hay hay” thì cứ kiếm về, hai là tìm cho Thầy cuốn kỷ yếu Hội thảo quốc tế về văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, trong đó có bản tham luận của Thày, không rõ vì sao chưa thấy gửi sang….

Thầy dặn vội mấy câu như vậy rồi vội vã nhảy lên xe đạp, đạp đi. “Bóng nhỏ đường lầy”, con đường Nguyễn Du chiều thu hôm ấy vắng vẻ quá. Đường thì rộng mà bóng thầy thì nhỏ. Tôi đứng nhìn theo bóng thầy nhỏ dần, lòng thầm hứa sẽ cố công học hành cho khỏi phụ lòng người dạy dỗ.

Praha, tháng 11/1989

Sau một năm học dự bị thêm tiếng Séc, tôi về làm nghiên cứu sinh tại Bộ môn Văn học Séc và Xlovaky của khoa Triết học Đại học Tổng hợp Saclơ Praha. Nhập học rồi, tôi mới thấy chuyện thi nghiên cứu sinh ở nhà sao mà phức tạp, nhiêu khê đến vậy. Chả ai quan tâm đến chuyện thi cử trong nước thế nào. Gần như bất cứ ai tốt nghiệp cử nhân văn học loại khá từ Việt Nam sang đều được nước bạn Tiệp Khắc này chào đón, nhận đào tạo được cả, chẳng chê ai. Khoa Triết học ở đây không có chuyên ngành riêng về lý luận văn học, cũng không có một khoa Văn học riêng biệt. Tiệp Khắc khi đó (và cả bây giờ - 2009) không hề có trường nào gọi là đại học Ngoại ngữ chỉ chuyên đào tạo về ngoại ngữ. Học đại học, sinh viên không có môn học gọi là Ngoại ngữ và Thể dục. Đó là 2 môn sinh viên phải tự lo lấy. Anh khỏe - ấm thân anh, anh phải tự lo thể dục, thể thao. Anh biết tiếng nước ngoài nào làm công cụ giao tiếp và nghiên cứu, giảng dạy là chuyện riêng của anh. Đại học không thể cho ra lò những sản phẩm của “giáo dục toàn diện” được, chỉ cho ra những chuyên gia phiến diện mà thôi, biết một thứ mà thôi. Nhớ lời thày Đệ dặn – “phải tận dụng cơ hội”, tôi từ chối lời đề nghị đề tài nghiên cứu về văn học Việt Nam. Tôi xin làm đề tài về một nhà văn Séc, để vài năm sau sẽ có những hiểu biết của riêng mình về một nền văn học bị coi là “nhỏ”, ít người quan tâm. Được Bộ môn hoan nghênh, khích lệ, tôi lao vào đọc và làm việc theo hướng dẫn của giáo sư Jaromira Nejedlá – giảng viên kiêm Phó Chủ tịch đối ngoại của Hội Nhà văn cộng hòa Séc, một người phụ nữ tài hoa, đôn hậu, rất yêu Việt Nam. Tôi nhờ bà tìm cuốn sách theo lời dặn của Thầy Đệ. Bà vui vẻ nhận lời. Nhưng bất hạnh thay, 2 năm sau, bà đột ngột qua đời sau 2 tháng phát bệnh ung thư máu. Tại đám tang bà, ngay sau khi lấy lọ tro ở nhà thiêu xác, chồng bà hẹn tôi đến nhà nhận “thừa kế” thư viện riêng của bà, theo lời trăng trối của bà. Nhà không có ai theo nghiệp văn chương để thừa kế gia tài sách, bà trăng trối lại với chồng: cho tôi tự do tiếp quản 2 gian phòng sách, sau đó mới chuyển cho Bộ môn. Tôi lục tìm cuốn sách thấy Đệ dặn nhưng suốt cả buổi sáng vẫn không thấy bóng chim tăm cá.

Những cố gắng tìm kiếm của tôi khi đó là một ảo tưởng. Tôi không biết đất đang rạn nứt dưới chân mình. Gần ký túc xá tôi ở, có những bức tường dài bao quanh rừng hoa quả công cộng. Nấp dưới kẽ lá chân tường thỉnh thoảng lại xuất hiện những khẩu hiệu tẩy chay quân đội Nga xô viết. Trong các nhà máy, công nhân thì thầm họp kín. Sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn rủ nhau bỏ học. Trên các tạp chí chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, không còn ai động chạm tới khái niệm tính đảng cùng tính từ xã hội chủ nghĩa nữa. Biết có chuyện chẳng lành, tôi gấp rút kết thúc những trang bản thảo cuối cùng của luận án – luận án về tiểu thuyết Jan Otrờnasờch, một trong số những nhà văn tiêu biểu của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc. Nhưng không kịp nữa rồi. Ngay sau đêm hội ra mắt Ủy ban bãi khóa toàn quốc của sinh viên tổ chức ngay trong vườn táo ký túc, tôi mang luận án xin giáo sư hướng dẫn kế nhiệm – GS.TSKH Jaroslav Vụratrờch, duyệt để bảo vệ. Câu đầu tiên ông nói với tôi là lời trách móc phiền muội : “Vì sao trước đây cậu không viết về văn học nước mình ?”. Ông bắt tôi ngồi chờ mấy tiếng mới quay trở lại, sau một cuộc họp có vẻ rất căng thẳng. Hóa ra chính ông – chủ nhiệm bộ môn Văn học Séc phải tự rút bỏ chuyên đề Văn học cho thanh thiếu niên, giáo trình truyền thống và tâm huyết cả đời ông. Ông lật qua lật lại luận án của tôi như xem mớ giấy lộn. “Nếu có thể, cậu nên tìm người khác hướng dẫn. Đề tài của cậu trở nên “nghiêm trọng” quá rồi. Thử viết lại xem, nhưng nhớ là ở đây chúng tôi phải từ bỏ phương pháp luận mác xít trong mọi ngành khoa học rồi”. Ông nói và bắt tay tạm biệt, bỏ lại tôi với tập luận án giống như chạy trốn hai cái xác chết. Trong những tháng bãi khóa và đóng cửa trường học toàn quốc tiếp theo, tôi vẫn cố tìm được ông hai lần nữa. Vì “lý lịch đỏ”, một nửa cán bộ giảng dạy của bộ môn Văn học Séc và Xlovaky bị thải hồi. J.Voratrech buộc phải từ chức. Đã hết hạn bảo vệ, tôi bị Sứ quán Việt Nam thúc dục về nước. Tôi không muốn thay đổi đề tài, cũng không muốn đổi thầy hướng dẫn. Nhưng viết lại được khoảng bốn chục trang thì Vôratrêch chửi tôi. Ông không biết rằng ông đang nguyền rủa chính những điều tuần lễ trước ông xui tôi viết, rằng ông đang tự xỉ vả mình. Tự nhiên tôi thấy văn chương vô nghĩa quá. Mọi thứ trở nên dửng dưng. Trước những biến động của lịch sử Tiệp, tôi đã thành kẻ xa lạ, vô duyên. Còn ông, trước mắt tôi, dù có nóng giận mà chửi bới học trò, ông vẫn chỉ là nạn nhân của lịch sử đất nước ông. Trong những ngày giá lạnh và cô đơn ấy, tôi thường nhớ tới thầy Đệ, thầy Đức, cố hình dung xem các thầy sẽ viết gì, nói gì một khi đất nước quằn quại trong cơn khủng hoảng như thế này. Đó là thời kỳ Đông Âu và Liên xô cũ chuẩn bị tan vỡ và những người cộng sản Việt Nam chân chính rất đau lòng. Nghĩ tới tấm bằng phó tiến sỹ, trong đầu tôi thoáng hiện lên dòng chữ: “Giáo sư hướng dẫn Phan Cự Đệ”. Nếu như tôi ngoan ngoãn theo lời khuyên của giáo sư Nejedla ban đầu: viết luận án đề tài văn học Việt Nam hiện đại, hẳn là thầy Đệ sẽ thành người hướng dẫn từ xa, bằng tài liệu tiếng Việt. Tôi sẽ viết nhanh hơn và luận án của tôi sẽ an toàn trước sự tan vỡ của thể chế chính trị này. Nhưng mọi sự đã quá muộn. Những đêm xuân Praha băng giá, tôi nhớ nhà, nhớ bạn, nhớ thầy. Vẫn thấy đâu đây bóng dáng thầy Đệ thong thả đạp xe dưới những tán cây xà cừ nặng trĩu của ký túc xá Mễ Trì. Bóng dáng người sao mà thân thương, còn bóng cây sao mà bình yên đến vậy !

* * *

Sau 5 năm nghiên cứu sinh, tôi trở về nước, theo cách bình luận của nhiều người, là “với hai bàn tay trắng”. Đúng thế, không bằng cấp, không tiền của. Nói chính xác hơn, là vẫn có 3 chiếc babetta (mới) và 2 tạ sách cũ, thừa kế từ PGS. J. Nejedlá. Tôi đến thăm thầy Đệ với tâm trạng kẻ có lỗi, một học trò phụ công vun đắp của Thầy. Thật lạ lùng, sau 5 năm Thầy không già đi chút nào, thậm chí có phần trẻ hơn, nhanh nhẹn hơn. Vẫn nụ cười nửa môi, dễ nở, thân mật ấy. Cả cô Chất, vợ Thầy cũng vậy: Vẫn tiếng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng của một nhà giáo Y khoa truyền thống. Hai người đều khỏe mạnh, vui vẻ, như đang trong một cuộc hành trình du lịch đầy những niềm vui đón đợi phía trước. Phan Quỳnh Anh, cô con gái yêu của Thày, tốt nghiệp đại học ở Nga về nước, đã trở thành một nhà báo lịch duyệt. Phan Hồng Sơn không theo nghiệp văn, đã thành kỹ sư mỏ địa chất với bao nhiêu hoài bão. Thầy không cần nghe tôi phân bua chuyện về nước không có bằng, vì như Thầy đã hiểu tất cả, hình dung ra tất cả những điều tôi định viết thư về. Chuyện tìm cuốn kỷ yếu như đã trở thành chuyện của thời nào đó, xa xôi lắm rồi. Vì thật ra, năm 1985 công trình nghiên cứu đó đã được dịch ra tiếng Nga, nhà xuất bản Cầu Vồng công bố. Đáng tiếc là cuốn sách không kịp chuyển ngữ sang tiếng Tiệp. Nếu có nó, cũng chỉ là để làm kỉ niệm và nhìn cho vui mắt vậy thôi.

Trước những ý nghĩ xốc nổi của tôi, một người mới rơi trở về từ xứ tuyết, Thầy nhắc nhở tôi: “Mọi thứ đều phải thận trọng. Dân gian ta có câu rất thông thái đấy: “Ăn cây nào rào cây đấy”, chẳng cơ hội chút nào. Anh không bảo vệ vườn nhà mình, không giữ gìn cho anh em, họ hàng làng xóm mình, đất nước mình, thì bảo vệ ai ?”. Thầy sẵn sàng nhận hướng dẫn tôi viết luận án, “để bảo vệ, cho xong cái bằng đi”, nhưng tôi cám ơn Thầy, xin khất lại. Thật ra, lúc đó tôi thấy quá ớn với cái nghiệp văn chương và các kiểu học vị. Tôi đang định bỏ trường, bỏ nghề văn, xin đi làm báo, nhưng chưa dám nói với Thày. Vì vậy, khi nói chuyện về giá cả sinh hoạt đắt đỏ, Thầy lo cho cuộc sống tương lai của tôi. Thầy định giới thiệu cho tôi một lớp dạy luyện thi đại học nhưng tôi không dám nhận. Tôi bàng hoàng khi nhận ra rằng nhà khoa học có tên tuổi quốc tế như Thầy vẫn có khả năng dạy luyện thi đại học. Thầy có thể vừa chủ trì hội thảo văn hóa, tiếp chuyện các đại sứ, về nhà là lại có thể tiếp tục ngồi giúp cho các cô cậu học trò cấp 3 hỏng thi ôn bài. Trong những năm đầu tiên của thời Đổi mới, cuộc sống vẫn quá khó khăn. Lấy ngắn nuôi dài, lấy tiền luyện thi mà mua sách tiếng Anh, tiếng Pháp, chi dùng cho các hoạt động khoa học, quan hệ ngoại giao, vậy mà trong những năm gian khó ấy, Thầy vẫn thành lập và phát triển được Trung tâm nghiên cứu văn hóa quốc tế (RICC), đều đặn công bố nhiều công trình nghiên cứu có ý nghĩa, trong đó có chuyên luận Tự lực văn đoàn – Con người và văn chương (1989). Có lần, anh Đỗ Tiến Thắng rỉ tai tôi: “ Dạo trước thấy cụ phát âm tiếng Anh hơi chậm, mình nhận tài liệu tiếng Anh về đánh máy giúp cụ, vậy mà mình đi vắng một năm, quay về đó thấy cụ tán chuyện tiếng Anh với đám sứ Tây cứ rào rào. Cụt hứng, từ đấy mình không dám khoe tiếng Anh với cụ nữa”…Quả là Thầy như một cỗ máy đa năng, vận hành siêu công suất, một trí thức điển hình của một đất nước “vượt khó” mà mấy đại sứ vùng Bắc Âu thân thiết hay gọi đùa là Giáo sư chính hiệu “made in Vietnam”.

Thấy tôi dịch tiếng Tiệp lặt vặt, kể cả dịch sách tình dục kiếm tiền, Thầy kéo tôi vào tham gia tiểu ban Trung Âu của trung tâm RICC của Thầy. Tôi tham gia không hào hứng lắm, vì nền văn hóa và văn học Séc vẫn đang ở thời kỳ ly khai, lột xác. Thấy tôi thiếu nhiệt tình, Thầy cũng không trách, thỉnh thoảng cũng hỏi tôi về cuộc chiến mưu sinh. Khi biết tôi không viết luận án, tự tìm cho mình một lối đi riêng, Thầy động viên tôi và có vẻ yên tâm về tôi. Thầy coi tôi như con chim đã đủ lông cánh, tự vùng vẫy mà lo lấy số phận của mình.

* * *

Lần tôi gặp Thầy lần cuối cùng là lần Thầy ghé vào Khoa ngồi uống chè với mấy cán bộ học trò luống tuổi như tôi. Hôm ấy tôi thấy Thầy có vẻ hơi mệt mỏi, thần sắc đã nhuốm bóng chiều. Mặc dù Thầy nói chuyện rất tự tin về sức làm việc của mình, nhưng luồng hơi trong giọng nói trầm, ấm, âm vang lồng ngực của Thày đã mất độ nén, thường hay bị đứt. Nhiều người nghe Thầy nói, đã cảm thấy sức khỏe Thầy suy giảm rõ. Thầy nói chuyện mươi phút, bắt tay hỏi thăm từng người rồi lại vội lên xe, để lo chuyện tư vấn cho người giám đốc kế nhiệm trung tâm RICC của mình. Mấy ngày sau, tôi nghe có người bình luận, trong lễ tang bạn đồng khóa của mình - GS. Bùi Phụng, soạn giả từ điển tiếng Anh nổi tiếng, Thầy viếng bằng vòng hoa lớn nhất và đến nhà tang lễ bằng chiếc xe con màu đen sang trọng nhất. Chẳng biết những chi tiết đồn đại ấy có nói lên điều gì liên quan đến số phận hay không, nhưng khi nghe, tôi vừa cảm thấy hãnh diện về Thầy, vừa cảm thấy có gì bất ổn.

Thế mà dự cảm đã thành sự đón đầu cho một sự kiện tang tóc. Cái tin Thày mất bay tới tôi như bị một luồng điện giật. Tin ấy cũng bay đi như ánh chớp qua các tòa báo, các đài truyền hình, phát thanh – nơi có hàng nghìn sinh viên, đồng nghiệp của Thày làm việc. Mấy hôm trước tôi đang phân vân về cuốn sách “Truyện ngắn Việt Nam thế kỷ XX” Thày chủ biên, in xong Thày có nhớ mà cho tôi một cuốn hay không. Mấy năm tôi làm Tổng biên tập Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi không được Thày đưa bản thảo, xuất bản lấy một cuốn khả dĩ cho tôi có cơ hội trả nghĩa. Vậy mà lần này, sách chưa xong Thày đã ra đi. Bằng phản xạ mới hình thành sau mấy năm làm xuất bản, ý nghĩ đầu tiên trong óc tôi khi nghe tin dữ, là bút danh tác giả chủ biên Phan Cự Đệ trên bìa sách sẽ bị viền trong khung mực màu đen. Một cái khung tàn nhẫn, khóa lại một sự nghiệp, khép lại một cuộc đời.

Buổi lễ trao tặng sách của GS.Phan Cự Đệ cho Thư viện Quốc gia, 18/1/2008

Nhưng rồi cái cảm giác mất mát ở tôi trôi nhanh khi tôi nhận lời yêu cầu của báo Hà Nội mới : sau mấy tiếng phải có ngay bài viết trong vòng 2000 chữ về Thầy cho độc giả Thủ đô biết sớm. Sự lo lắng về bài viết chèn lấp lên nỗi buồn đau. Tôi lục tìm tài liệu về Thầy để viết cho chính xác. Thật kỳ lạ ! Mọi ngày làm việc, ở đâu tôi cũng dễ dàng gặp sách Thầy. Vậy mà lúc này, luống cuống thế nào, tôi tìm không thấy cuốn nào. Tôi đành gọi điện lung tung hỏi bạn bè để thẩm định lại những điều viết theo trí nhớ. Mười giờ tối, không yên tâm về mạng Internet, tôi cầm đĩa mềm bài lên cho Ban biên tập đưa vào khuôn maket đã để sẵn. Đêm ấy tôi nằm ngủ chập chờn. Khuôn mặt thân thương của Thầy cứ hiện lên khi gần, khi xa. Trên mạng Internet, ở một trang Website nào đó hiện lên một dòng chữ lớn : “Thầy Phan Cự Đệ đã mất rồi, các bạn ơi !”. Tôi nhìn kỹ, đó là bài viết của một cựu sinh viên Đại học Huế, khóa I. Học trò của thầy rải khắp cả nước. Dòng tít bài vang lên như tiếng kêu thất thanh. Nghe như tiếng bầy nai mất mẹ, như tiếng sếu lạc đàn.

Ngày mùng 6 tháng 9 hằng năm là ngày bia rượu của tôi. Vì đó là ngày đám sinh viên chúng tôi nhập ngũ năm 1971. Những người may mắn còn sống sót từ chiến trường Quảng Trị - 1972 như tôi, thường hẹn nhau đi uống. Mùng 6 tháng 9 năm 2007, lần đầu tiên sau mấy chục năm, vì sự ra đi đột ngột của thầy Đệ, cuộc họp mặt của đám cựu binh chúng tôi không thành.

Buổi trưa hôm sau, tôi đến nhà tang lễ trước hai tiếng đồng hồ để xem có thể giúp gia đình Thầy điều gì khả dĩ. Hóa ra lễ tang Thầy vẫn phải “xếp hàng” theo lịch. Một đám tang trước Thầy đang được thực hiện rất trang nghiêm, lặng lẽ và cũng rất khẩn trương. Nhiều người trong đám tang đó khi nghe tôi báo tin cũng giật mình, quyết định ở lại chờ viếng Thầy.

Tôi không đến chào cô Chất và gia đình Thầy, vì sợ vô duyên và có thể làm tăng thêm nỗi đau. Gia quyến dòng họ Phan bề thế, hùng hậu, Nhà tang lễ đã hoạt động như một dịch vụ, vì vậy tôi chẳng có việc gì làm, ngoài việc đứng nhìn cỗ áo quan mở ngỏ. Chỉ đến khi thấy hai nhân viên làm dịch vụ liệm Thầy quá mạnh tay, tôi mới xông vào đỡ xúm, nâng chân Thầy lên cao.

Một luồng khí lạnh từ lớp vải liệm truyền qua tay tôi. Trong lớp vải trắng tinh khiết ấy, đôi chân Thầy quá nhẹ. “Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”. Tự nhiên trong đầu tôi vang lên câu thơ Xuân Diệu Thầy đọc năm nào, khi giảng chuyên đề Thơ Mới. Nhưng rồi những liên tưởng thi vị của tôi tan nhanh. Tôi ngoảnh mặt quay đi vì hai nhân viên nọ rất thản nhiên hành nghề. Tôi không muốn nghe những tiếng đinh đóng phũ phàng sau lưng nữa.

* * *

Thấm thoắt, vậy mà đã qua giỗ đầu của Thầy. Cũng đã qua đi 2 mùa khai trường không có Thầy đến dự. Mới ngày nào đó, Thầy đại diện cho đội ngũ giáo sư của Đại học Tổng hợp Hà Nội lên sân khấu đánh hồi trống khai giảng năm học mới. Thấy chiếc trống to mà vóc dáng Thầy bé nhỏ, cả hội trường Mễ Trì ai dự cũng thấy lo lo. Chỉ đến khi Thầy vung dùi, tiếng trống vang động, tràn ngập hội trường, mọi người mới thở phào rồi tươi cười nhìn nhau thưởng thức hồi trống. Rõ ràng là Thầy không đánh trống theo kiểu tượng trưng. Cánh tay nhỏ của Thầy vung lên rất kiên quyết, chuyên nghiệp như một nghệ sỹ. Hóa ra làm việc gì Thầy cũng kiên định, bền bỉ, nhất quán và thực sự hết mình. Con người Thầy thực sự là một khối thống nhất.

Mấy năm gần đây, rải rác chỗ này chỗ nọ, tôi bắt gặp những dòng chữ, thậm chí cả những đoạn văn dài công kích, thậm chí kể tội này, tội nọ ở Thầy. Mỗi lần đọc, cảm giác đầu tiên ở tôi là thấy lo cho những người trong gia đình Thầy, không biết cô Chất khi thấy có buồn không. Đằng sau những dòng chữ ấy, tôi thấy tiếng thở hả hê của người cầm bút. Tôi cứ băn khoăn, vì sao các tác giả đó không đủ bản lĩnh mà đấu tranh, mà đối thoại khi đều là những người đang “đi cùng thời đại”, vì sao không đối thoại với Thầy khi Thầy chưa khuất bóng? Nhớ lời Thầy bộc bạch năm xưa: “thế hệ mình phải trải qua cuộc vật lộn về quan điểm quá mệt mỏi và phức tạp…”, tôi thấy thương Thầy và thấy tội nghiệp cho cả những kẻ ghét Thầy. Lịch sử nước nào cũng có những khúc vòng, đỏng đảnh. Cả trên chiến trận và cả trong khoa học, đất nước vẫn cần những cảm tử quân. Đã từng chứng kiến cảnh những Đảng viên Cộng sản Tiệp lén lút vứt thẻ Đảng, những đám học trò Séc thắp nến “cầu siêu” cho những đống sách kinh điển và cả những sách phê bình văn học giữa các quảng trường Tiêp Khắc, tôi thấy rất may là ở ta đã không phát nổ những quả bom ba càng tư tưởng như vậy. Những người của thế hệ Giáo sư Phan Cự Đệ, mỗi người một kiểu, đều phải trả giá cho thời đại mà thôi. Lớp hậu sinh như chúng tôi đọc những tài liệu mạng nói trên, nhiều khi lại nhắc nhau “viễn tri”, vì trước các bậc thánh hiền nhiều khi cũng nên lùi xa ra mà nhìn. Thầy Đệ của chúng tôi vẫn đang phải tiếp tục hy sinh cho lịch sử. Tôi thương thầy, nhưng tôi biết thầy Đệ không cần đến cái sự thương ấy. Cả cuộc đời ông tin tưởng vào những lý tưởng tốt đẹp và đã cố gắng sống cho đúng với tín điều ấy, sống cho đúng với cái tâm của mình. Với ông, như vậy là hạnh phúc. Cái hay của ông là tự điều chỉnh mình cho phù hợp với bước tiến của xã hội, điều chỉnh bằng hành động thiết thực, chứ không phải bằng việc quay lưng lại với quá khứ, với lịch sử. Trung tâm Giao lưu Kinh tế - Văn hóa do ông sáng lập là một ví dụ điển hình.

Vùng đất Nga Sơn chúng tôi có con sông Hưng Long. Đó là con sông đào, không rộng nhưng cũng đủ cho đám học trò chúng tôi vùng vẫy, thi thố tài bơi lội những mùa nước lụt. Đó cũng là con sông mà thầy Đệ nhắc đến, buổi đầu tiên khi tôi đến nhận đề tài luận văn. Khi ấy, Thầy còn nhắc tôi khi nào về tôi về quê thì thày “nhờ một việc”. Sau đó, bao lần tôi nói về quê nhưng vẫn không thấy Thầy nhờ việc gì. Tôi đoán đấy là chuyện nghĩa tình, gửi gắm gì đó cho một “người muôn năm cũ”, chuyện không cấp bách lắm, nên cũng không thúc dục Thầy. Có điều là từ ngày ấy, mỗi lần về quê, nhớ Thầy, tôi lại mơ ước một ngày nào đó, thầy trò đều rỗi rãi, tôi sẽ đưa Thầy về với thăm lại những vùng đất danh thắng: động Từ Thức gặp tiên, núi Mai An Tiêm trồng dưa hấu đỏ, và di tích cận đại là chiến lũy của khởi nghĩa Ba Đình. Tôi sẽ dẫn Thầy đi trên bờ đê con sông này để Thầy ôn lại những kỷ niệm tuổi thơ.

“Không ai tắm được hai lần trong một dòng sông”. Đúng vậy, không thể có lần hai vì ở đây có hai sự vận động. Dòng sông chảy và lòng người ta cũng chảy. Con sông Hưng Long, mỗi lần tôi về lại thấy nó hẹp lại, có khúc như đứt đoạn, đứng lại, như có ý chờ người hồi hương. Mỗi năm công việc của Thầy một bận bịu. Những đề tài nghiên cứu khoa học dồn dập, những chuyến bay và các hoạt động giao lưu quốc tế của Thầy như đẩy sâu con sông Hưng Long đó vào tận cùng kí ức. Mỗi năm Thày già đi và tôi cũng già đi. Cái ý định đón Thầy về thăm Nga Sơn cứ dần già biến thành chuyện xa xôi, viễn tưởng.

Nhưng rồi câu chuyện dòng sông đã thực sự sống lại trong tôi, mấy ngày gần đây.

Số là trong những lời chia buồn ngổn ngang trăm mối trên mạng Internet, Phan Quỳnh Anh phát hiện ra và gửi cho tôi xem những lời chia buồn thống thiết của một người đồng niên với Thầy, quê ở Nga Sơn. Nhờ địa chỉ E-mail còn lưu lại trên mạng, tôi viết thư liên lạc, hẹn gặp và cuối cùng lần được tới nhà. Người đó không phải ai xa lạ mà là một đồng sự của Thầy trong các hoạt động văn hóa và ngoại giao: Họa sỹ Trường Sinh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Hỗ trợ phát triển văn hóa du lịch. Ông đang triển khai một Dự án lớn về du lịch sinh thái và văn hóa tại vùng đất phía nam sông Lam và xây dựng Làng Văn hóa Truyện Kiều ở huyện Nghi Xuân. Ông mời GS. Phan Cự Đệ làm Chủ tịch Hội đồng khoa học của Dự án, nhưng rồi Dự án đã chậm lại một phần vì sự ra đi đột ngột của ngài Chủ tịch.

Gặp được người đồng hương Nga Sơn, tôi mừng khấp khởi. Biết đâu đây lại là người bạn nối khố của Thầy Đệ, người đã từng ngụp lặn với Thầy trong dòng sông Hưng Long năm xưa (?)

Bắt vào câu chuyện, hoạ sĩ Trường Sinh kể:

Ngày ấy, vào những năm 40, Nga Sơn chỉ có một trường Tiểu học. Gọi là tiểu học nhưng rộng rãi, sang trọng và nề nếp chả kém trường đại học bây giờ. Trường xây ngay bên chùa Hạnh. Đến ngày tiêu thổ kháng chiến, dân ta phải đập đi, đến bây giờ thì tôi thấy chả còn mấy vết tích. Tôi học sau anh ấy một lớp, nhưng khá thân. Chủ yếu là vì bà Đồ Triệt, tức vợ thầy Phan Duy Triệt với mẹ tôi thân nhau. Tuy vậy mấy người anh của anh Đệ thì tôi không biết hết tên, vì làm quen được là rất khó. Trông thấy các anh ấy là như thấy các bậc danh gia vọng tộc nên sợ lắm, thậm chí chỉ dám chào lí nhí. Tôi quý nhất anh Đệ thời ấy là vì một lần tôi bị Hiệu trưởng kỷ luật, anh đã đến an ủi tôi. Tôi mắc tội đánh bạn học cùng lớp. Không may bạn ấy lại là con quan huyện, nên tôi bị phạt quỳ nửa ngày ở góc sân trường. Quỳ lâu, buồn quá, tôi đọc đến thuộc cả tấm bia khắc danh sách công đức xây trường. Bạn bè tôi bỏ đi đâu hết. Chả ai thèm chơi và chả ai dám bén mảng đến chỗ tôi quỳ. Chỉ có anh Đệ dám đến và đứng nói chuyện với tôi rất lâu…

“Thì ra thế ! – Tôi kêu lên, công bố phát hiện của mình – Bẩm sinh, thầy Đệ đã là một chàng trai gan góc, bản lĩnh, tự tin…”

“Điều đó chỉ đúng một phần – Ông họa sỹ nói – Chủ yếu vì anh ấy là con thầy Triệt. Thầy Phan Duy Triệt đưa gia đình từ Nghệ An ra dạy, nổi tiếng lắm, những gia đình khá giả, có con đi học, ở Nga Sơn mà quen biết là vinh dự lắm”

- “Thầy Đệ và bác có hay đi tắm sông Hưng Long không?”

- “Chúng tôi hay nhảy từ cầu Kênh xuống sông”

- “Chắc thầy Đệ cũng nhảy?” – Tôi gặng hỏi.

- “Hình như không. Anh ấy có tham gia nhưng không phải là người ham sông nước.”

Câu trả lời của họa sỹ làm tôi cụt hứng. “Trí tưởng bở” của tôi quá mạnh. Thất vọng, tôi trở về mở album nhạc Phượng hoàng si dại của Thầy ra nghe. Thật thú vị. Nhà phê bình mác xít kiên trinh của chúng tôi khi đi vào âm nhạc, không tham gia sáng tác quốc ca, cũng không có một ca khúc cách mạng nào. Tất cả đều là tình ca, được khơi nguồn từ cảm hứng của thời Thơ Mới. Các nhạc phẩm của Thầy là một nghệ thuật tổng hợp của hai loại hình: thơ và nhạc. Ca từ tự nó đã là những bài thơ, trong đó có nhiều bài là phổ thơ Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Huy Cận. Các bản tình ca của Thầy rất nhiều trăng, nhiều gió. Nghe đến câu sau thì tôi giật mình:

Con sông Ngân chảy qua miền thương nhớ

Trời thu sang anh lại đón em về…

Lục tìm các địa danh trong cuốn sách nhạc, tôi thấy: trong thơ, trong nhạc của Thầy không có sông Lam quê Thầy, cũng không có con sông Hưng Long yêu dấu của tôi. Một trong hai con sông xuất hiện trong nhạc của Thầy lại là sông Ngân, sông ở trên trời. Điều đó có nghĩa là Thầy nhìn lên, còn tôi quen nhìn xuống. Tôi thấy mình mới vô duyên làm sao. Tại sao tôi cứ cố ép Thầy vào kỉ niệm với một dòng sông nhỏ ấy. Nga Sơn quê tôi chỉ là một trong những điểm ghé chân trên đường gia đình dòng họ Phan tiệm tiến dần ra với sông Hồng, để đóng góp tài trí cho nền giáo dục và học vấn đất nước.

* * *

Nhớ Thầy, tôi cứ cầm bút miên man trong hồi tưởng. Tôi kết thúc những trang hoài bút này, (vâng, gọi là hoài bút có lẽ đúng hơn là hồi ký) trong tiếng nhạc buồn từ đĩa Phượng hoàng si dại. Những dòng thơ cứ bồng bềnh trôi theo dòng nhạc. Ca khúc trữ tình ấy càng da diết hơn bởi giọng Lê Dung – “con chim sơn ca thoắt gẫy cánh lưng trời”. Phải chăng… giữa nhà giáo lãng mạn và ca sỹ tài hoa này đã có sự đồng điệu trong duyên phận. Trên giá sách của tôi mới có thêm cuốn sách nhà báo Phan Quỳnh Anh gửi tặng. Đó là cuốn Ngô Tất Tố và Tắt đèn, do Nhà xuất bản Văn học và NXB Giáo dục phối hợp in. Trên bìa sách, bút danh người biên soạn Phan Cự Đệ không bị viền trong khung đen. Như vậy là đời sống văn hóa và giáo dục đã bắt đầu quen với sự vắng bóng Thầy. Cái tên Phan Cự Đệ mỗi lần nhắc đến không còn gợi lên cái cảm giác mất mát đau đớn nữa. Mọi việc rồi cũng nguôi ngoai. Thư viện riêng của Thầy với hơn 2000 cuốn sách thuộc nhiều thứ tiếng đã được cô Chất và gia đình hiến dâng cho Thư viện Quốc gia. Như con chim trong cổ tích ăn quả trả vàng. Ngày xưa, những năm 60, Thầy đọc sách của Thư viện để viết sách, thì bây giờ Thầy trả lại. Những cuốn sách của Thư viện Quốc gia như trong vòng tuần hoàn tri thức, ra với cuộc đời, ra hoa kết trái rồi lại trở về nguồn. Các nhà xuất bản lại tiếp tục in lại sách Thầy. Cái bút danh chân phương và trang trọng Phan Cự Đệ đã phá vỡ khung đen để trở lại với cuộc sống thường nhật. Bởi vì đó là một bút danh của văn học sử Việt Nam, một bút danh mãi mãi thuộc về sự sống.

Nga Sơn, Nguyên tiêu Kỷ Sửu

>>> Vài hình ảnh tại tang lễ GS.VS Phan Cự Đệ, 07/9/2007
(ảnh: Bùi Tuấn):

>>> Các bài lên quan:

>>> Bài lên quan khác:

  • (Báo Lao động) - Thầy tôi (Bài viết về GS. Nguyễn Kim Đính)

 PGS.TS Phạm Thành Hưng - Khoa Văn học, Trường Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - Bản tin ĐHQG Hà Nội
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   |