ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
CIO Nguyễn Nam Hải: Ưu tiên các giải pháp tiết kiệm chi phí
Vượt qua hàng chục hồ sơ đề cử đến từ các nước Đông Nam Á, Ths. Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Trung tâm Máy tính Trường Đại học Công Nghệ đã vinh dự là 1 trong 16 gương mặt tiêu biểu nhận giải thưởng Lãnh đạo CNTT Đông Nam Á 2012 (CIO ASEAN AWARD 2012) khối Giáo dục đem lại vinh dự cho Nhà trường và ĐHQGHN.

Đầu tiên xin chúc mừng anh đã đạt được giải thưởng Lãnh đạo CNTT ĐNA năm 2012. Anh hãy chia sẻ đôi chút về giải thưởng mà anh đã đạt được?
Giải thưởng do Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG tại Việt Nam phối hợp cùng câu lạc bộ CEO&CIO tổ chức, dưới sự bảo trợ của Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dành cho các cá nhân có tầm nhìn chiến lược, năng lực tổ chức, lãnh đạo, đổi mới, đặc biệt nhấn mạnh tính đột phá, sáng tạo của dự án CNTT mà CIO đã triển khai thành công có tính chất dài hơi, trong đó đặc biệt chú trọng vào kết quả triển khai dự án. Điểm nhấn của giải thưởng năm nay là hướng đến việc phát triển xã hội và phục vụ người dân, bởi vậy, tiêu chí đánh giá không chỉ dừng ở tầm ảnh hưởng của ứng viên trong doanh nghiệp, đơn vị mà còn ở những đóng góp của ứng viên đối với cộng đồng, xã hội. Ngoài ra, cũng chú trọng đến đặc điểm công nghệ mới của dự án mà ứng viên đề xuất thực hiện trong hai năm gần nhất. Năm ngoái, tôi đã đề xuất một nội dung thuộc dự án TRIG là xây dựng một hệ thống máy tính ảo hóa và dự án đang được thực hiện trong năm nay.
Cụ thể thì hệ thống “Máy tính ảo hóa” hoạt động như thế nào, thưa anh?
Hệ thống máy tính ảo hóa là hệ thống logic được xây dựng trên hệ thống máy tính vật lí. Các máy tính ảo có thể được bổ sung thay đổi tài nguyên, di chuyển một cách mềm dẻo nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng và tổ chức khai thác tối ưu tài nguyên của hệ thống máy tính vật lí. Nó là nền tảng, là cốt lõi của điện toán đám mây. Dù rằng việc triển khai điện toán đám mây còn liên quan đến rất nhiều vấn đề phức tạp khác về các dịch vụ, nhưng xây dựng, làm chủ được hệ thống ảo hóa là bước cơ bản để tiến tới điện toán đám mây sau này. Ngay khi xây dựng đề xuất và dự án triển khai áp dụng giải pháp công nghệ mới này được phê duyệt, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã có những chuẩn bị rất kĩ về vấn đề này. Khi dự án được đấu thầu thì đã có những thành quả nhất định rồi. Thiết bị về là sẽ được triển khai nhanh chóng để đưa vào phục vụ. Dự án này đã được Hội đồng thẩm định của CIO ASEAN AWARD nhận thấy phù hợp với tiêu chí triển khai công nghệ mới của năm nay.
Được biết ngoài dự án trên, Hội đồng giải thưởng còn đánh giá CIO thông qua các hoạt động đóng góp của họ cho xã hội. Vậy cho tới nay anh đã có những dự án về CNTT nào triển khai thành công?
Từ năm 1995, tôi đã liên tục phụ trách đơn vị có nhiệm vụ đề xuất và triển khai các dự án CNTT (của Khoa, Trường và ĐHQGHN). Trong đó có những dự án quan trọng có vai trò nhất định trong chiến lược phát triển ứng dụng CNTT của ĐHQGHN như: Đề xuất dự án xây dựng mạng toàn ĐHQGHN (VNUnet) trên cơ sở liên kết tất cả các mạng LAN của các đơn vị thành viên, trực thuộc trong ĐHQGHN với hệ thống trung tâm mạng được xây dựng và đặt tại Viện CNTT, ĐHQGHN, nay là Trung tâm VNUnet; Xây dựng và đề xuất dự án kết nối Internet đưa VNUnet hòa nhập với cộng đồng mạng các đại học và cơ sở khoa học quốc tế; Đề xuất và đăng ký tên miền vnu.edu.vn cho ĐHQGHN, rõ ràng tên miền này đã giúp ĐHQGHN nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng đại học quốc tế hơn nhiều so với tên miền mà lúc đó mọi người đã mặc nhiên sử dụng là vnuh.edu.vn; tất nhiên để cẩn thận tôi vẫn đăng ký cả hai tên miền vnu và vnuh cho ĐHQGHN.
Cùng với việc đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng mạng, tôi cũng đã đề xuất và được trực tiếp thực hiện các phần mềm trên nền web phục vụ môi trường quản lí đại học và nghiên cứu giảng dạy học tập như: Phần mềm tuyển sinh, phần mềm quản lí đào tạo và sinh viên, phần mềm quản lí ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và tổ chức thi trắc nghiệm khách quan. Một số sản phẩm phần mềm nền tảng khác trên mạng của Trường ĐHCN cũng như ĐHQGHN hiện nay cũng do tôi đề xuất với chủ trương nhất quán, kiên trì về phần mềm nguồn mở và nhóm chúng tôi đã thực hiện thành công: web site của ĐHQGHN (cho đến đầu năm 2011), LDAP, Firewall, Proxy, Email, Network Monitoring,... Có thể nói trường ĐHCN (và tiếp theo là ĐHQGHN) là đại học đầu tiên trong cả nước cấp tài khoản mạng cho tất cả cán bộ và sinh viên, có hệ thống thư điện tử riêng phục vụ toàn bộ (khoảng 40.000) cán bộ và sinh viên của mình.
Trong những năm tiếp sau, Trung tâm Máy tính cũng là đơn vị triển khai Hệ thống quản lí học tập (LMS - Learning Management System), Hệ thống hội thảo truyền hình (Video Conference) phục vụ trong phạm vi toàn ĐHQGHN. Đặc biệt hệ thống hội thảo truyền hình đã phục vụ trao đổi trực tuyến thông tin khoa học, đào tạo từ các cấp bộ môn, cấp khoa, trường đến các cấp lãnh đạo cao nhất của ĐHQGHN, từ phỏng vấn nghiên cứu sinh đến hội nghị khoa học quốc tế, từ các môn học hàng tuần của hệ đào tạo cao học đến bảo vệ luận văn tốt nghiệp từ xa...
Vậy còn những dự án và định hướng trong tương lai thì sao thưa anh?
Thứ nhất là tôi vẫn kiên trì định hướng phát triển ứng dụng phần mềm mã nguồn mở, miễn phí nhằm đảm bảo giải pháp về kinh phí cho nhà trường và ĐHQGHN. Thứ hai, tôi và nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục chú ý và tập trung hơn nữa để hoàn thiện kết quả của dự án năm nay, tức là xây dựng hệ thống server ảo hóa. Hệ thống đó chắc chắn sẽ có đóng góp tích cực cho công tác phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo của nhà trường, khi đủ điều kiện hơn nữa, chúng tôi sẽ hướng đến điện toán đám mây.
Làm việc trong trường ĐH thì giải pháp công nghệ hoặc mô hình nào theo anh cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa nhằm giúp cho việc hoạt động tốt hơn?
Đối với khối đại học, cái khó chính là ở sự hạn chế về kinh phí vì vậy các giải pháp mà tôi đã chủ trương kiên trì về phát triển ứng dụng phần mềm nguồn mở miễn phí là nhằm giảm thiểu chi phí cho nhà trường. Điều này cũng được nhìn nhận tại nhiều đại học lớn ở nước ngoài. Việc toàn bộ các server và các dịch vụ nền tảng của Nhà trường đều dùng phần mềm nguồn mở miễn phí là một thành công của chúng tôi.
Tôi đã luôn làm việc theo cách thức hai bước song song, một là tìm hiểu nắm bắt các nhu cầu trong đơn vị mình. Hai là theo dõi sát sao các tiến bộ công nghệ, đánh giá chúng từ nhiều mặt, tìm cách thức và lựa chọn thời điểm, lịch trình thích hợp để đưa chúng vào ứng dụng. Nhiều giải pháp công nghệ đã được nói đến từ cả chục năm trước, ngay lúc đó tôi hiểu rằng chưa thuận lợi để đưa vào ứng dụng tại Việt Nam, nhưng tôi luôn theo dõi những phát triển của chúng để đến thời điểm thích hợp là chuẩn bị nhân sự, định hướng cán bộ đi sâu tìm hiểu và sẵn sàng triển khai. Một ví dụ rất nhỏ và dễ hiểu: Wifi đã được mọi người biết đến từ khá lâu, nhiều người đề xuất triển khai Wifi rộng khắp toàn Trường. Nhưng tôi cho rằng Wifi sẽ chỉ hợp lí, tiết kiệm khi có nhiều người dùng thiết bị di động và công nghệ Wifi đạt được những tiến bộ lớn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cử cán bộ đi đào tạo về xây dựng và quản trị hệ thống Wifi. Và chỉ đến khi máy tính xách tay và các thiết bị di động đã được nhiều cán bộ và sinh viên sử dụng và chuẩn Wifi N vừa chính thức ra đời, tôi mới đề xuất, được phê duyệt và nhanh chóng triển khai trong toàn trường. Hồi đó nếu làm sớm chỉ 6 tháng thôi, chúng ta sẽ chỉ có Wifi chuẩn G, trang bị xong là lạc hậu.
Cách thức làm việc có chuẩn bị trình tự như vậy đã giúp cho những dự án của chúng tôi luôn luôn được thực hiện với tiến độ nhanh và đảm bảo về chất lượng. Trong công việc thường xuyên hàng ngày, ngay từ khi Trung tâm máy tính được thành lập, tôi đã đặt mục tiêu và chú trọng xây dựng cách làm việc chuyên nghiệp.
Xin cảm ơn anh!

 Việt Nga (thực hiện) - Bản tin số 258
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :